Liên Bộ Tài chính-Công thương đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào ngày 21/2, khiến giá xăng tại Việt Nam hiện vượt đỉnh lịch sử, xác lập kỷ lục mới trên 26.000 đồng/lít.
Theo truyền thông Nhà nước, đây là lần tăng giá thứ năm liên tiếp và là đợt tăng thư tư trong năm 2022.
Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 961 đồng/lít, có giá bán là 25.531 đồng/lít; giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 965 đồng/lít, giá bán là 26.285 đồng/lít.
Mức tăng này được cho là vượt ngưỡng cao nhất được xác lập vào năm 2014 khi đó giá xăng RON 95 là 26.140 đồng/lít.
Điều đáng nói là giá xăng tăng cao trong bối cảnh thị trường nguồn cung tại Việt Nam những ngày qua đang bị thiếu hụt nghiêm trọng khi hàng loạt các cửa hàng xăng dầu tại nhiều tỉnh, thành đóng cửa, treo biển hết xăng, tạm ngừng bán với lý do khó nhập hàng và mức chiết khấu giảm.
Với việc tăng giá lần này nhiều người không khỏi đặt nghi vấn liệu việc ngừng bán tại các cửa hàng xăng dầu có phải là kế hoạch găm hàng chờ tăng giá?
Trước đó, ngày 18/2, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, theo thẩm quyền chủ động điều hành giá xăng dầu bảo đảm theo đúng quy định, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, đánh giá kỹ tác động đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân.
Cùng với việc giá xăng, dầu tăng cao, trong ngày 21/2 nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hoá đã lên kế hoạch tăng giá cước mới.
Tờ vov.vn dẫn lời ông Nguyễn Công Hùng – Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội rằng, xăng dầu chiếm 35-40% giá thành vận tải do đó khi xăng dầu tăng giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cước vận tải. Ông Hùng dự báo, chắc chắn các hãng taxi sẽ phải tăng giá cước vì hiện các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa thể khôi phục hoạt động, riêng vận tải hành khách đường bộ chỉ hoạt động 30% công suất.