Anh nhắn tin cho tôi hỏi địa chỉ rồi nói sẽ gửi tặng tôi một tập thơ, trong đó in lại những bài thơ hồi xửa hồi xưa, những bài thơ đầu đời. Anh mà tôi đang nói đến chính là Vũ Trọng Quang, một nhà thơ, mà cả trước và sau 1975, đều ghi dấu ở thi đàn, nơi các thi nhân Sài Gòn, lui tới… .
Tập thơ không quá dày, bìa cứng, trình bày đơn giản. Phía trước, tên Quang được cách điệu bằng những biểu tượng hình học, rồi thêm chữ “động đất” vào giữa như nhắc nhớ đến tên của cơ sở văn nghệ mà anh với nhà thơ Linh Phương, họa sĩ biếm Nguyễn Hữu Đức đồng khởi xướng, sáng lập trước một chín bảy lăm. Phía sau là chân dung anh ngày trẻ cùng tấm ảnh chụp đường phố Sài Gòn, cũng ngày trẻ, chớ không già nua, bệnh tật, u ám, hiu hắt và đầy hoài niệm như bây giờ… .
THƠ ĐẦU TAY IN LẠI có ba phần, hoa, trái phá, bằng hữu thân phận thời cuộc, và cuối cùng, phần phụ lục
Tiếng là phần phụ lục nhưng xem ra, phần này cũng nặng cân không kém ba phần trước đó. Ở phần này, đầu tiên là bài của họa sĩ Nguyễn Hữu Đức, bạn học chung suốt thời trung học, viết về Vũ Trọng Quang. Thứ nhì là lời bạt của Nguyễn Thị Thu Vân (một trong những bút danh khác của Vũ Trọng Quang), viết cho tập thơ Kỷ Vật Cho Em của nhà thơ Linh Phương. Sau rốt là bài anh viết cho bạn cũng là viết cho cả mình nữa, có tựa đề “tập thơ đầu tay của Trịnh Bửu Hoài, thuở ban đầu của Trịnh Bửu Hoài, và… “.
Trong bài viết này, anh nhắc đến tập thơ “đã hết giờ của lọ lem”, kèm theo nhận định của cố nhà văn Sơn Nam khi nói về anh “ Đây là tập thơ đầu tay của Vũ Trọng Quang, đọc qua, ta quả quyết, họ Vũ đã từng làm thơ nhiều năm, tay nghề vững chắc… “. Và sau đó, anh nhắc, nhờ Trịnh Bửu Hoài mà tập thơ của anh được xuất bản, cũng nhờ Trịnh Bửu Hoài giữ lại lưu chiểu, mà nay, Vũ Trọng Quang mới có thể tái bản lại.
Ở phần đầu tiên, khi giới thiệu cho THƠ ĐẦU TAY IN LẠI, Vũ Trọng Quang bộc bạch thành thật, đây là những “cảm nhận tình ái vu vơ đọc thấy mắc cười, bằng hữu thân mật, những bài thời cuộc cường điệu phai rỗng, có khi dễ dãi vô nghĩa, có khi trùng lắp, có khi hịch hạc nổi hứng, có khi mâu thuẫn, có khi ấu trĩ; khởi điểm tuổi trẻ là chặng đường sáng tác, hoài niệm nhìn lại, nhưng không dừng lại; tôi minh bạch với chính mình cho hành trình phía trước đi tới cái Khác”.
Đọc chậm, cẩn thận với chữ của Vũ Trọng Quang, các bạn sẽ nhận ra từ “Khác” được anh viết hoa. Từ “Khác” này khẳng định lại một lần nữa, anh không sợ, anh không ngại minh bạch những câu thơ đầu đời tập tễnh, những suy tưởng non nớt của mình; những đầu đời vốn rất tự nhiên và rất đáng được thông cảm, không ai tránh được, và, ai cũng phải trải qua, nhiều hay ít, đều phải trải qua… .
Cuối hết thảy, anh lại tự nhận xét “Bây giờ đọc lại tập thơ thấy mình dễ dãi nhưng sự dễ dãi mang trở lại khúc quanh đã đi qua”. Anh cũng cảm ơn Trịnh Bửu Hoài trong việc làm bà đỡ cho “đã hết giờ của lọ lem”, giúp cho nàng lọ lem thiệt thòi có quần áo đàng hoàng đến với hoàng tử.

I/ VŨ TRỌNG QUANG VÀ NHỮNG NGƯỜI BẠN
Họa sĩ Nguyễn Hữu Đức gọi Vũ Trọng Quang là thằng bạn nối khố. Nhà họ gần nhau, lại học chung trường, chung lớp tại trường trung học Bồ Đề, ngôi trường sát chợ Cầu Muối với biết bao kỷ niệm vui buồn, nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò, dù đã hơn năm mươi năm qua.
Nhà thơ Linh Phương thì nhắc đến những năm 1970, khi các anh đồng chủ trương thành lập cơ sở văn nghệ Động Đất, những kỷ niệm chung khi viết cho các báo phát hành tại thủ đô Sài Gòn, thân nhau không khác gì anh em ruột thịt. Linh Phương bày tỏ “Vũ Trọng Quang rất thực lòng với bạn bè trước những thăng trầm của đời sống – vinh nhục của cuộc đời để đứng vững vàng”. Anh nhận xét “Thơ Vũ Trọng Quang luôn có sự tìm kiếm, sáng tạo và khai phá”. Và anh ngậm ngùi “Vũ Trọng Quang và tôi vẫn còn nặng lòng mình, nặng lòng cùng thi ca, nặng lòng lắm từ thuở mới tập tễnh làm thơ cho đến nay đã hơn nửa thế kỷ – chúng tôi vẫn say mê như thời trẻ rất xa, rất xa… “.
Còn Đoàn Vị Thượng thì viết thế này, khi nhận xét về bài thơ Chiếc Ghế Bỏ Không của Vũ Thị Phù Sa:
Sáng hôm nay em trở vào lớp học
Đứng thật lâu hồn ngơ ngẩn vô cùng
Nhìn vào lớp bỗng dưng em bật khóc
Hàng cuối cùng một chiếc ghế bỏ không
Cơn gió thoảng xôn xao hàng bụi phấn
Rơi xuống dày phủ từng lớp thương thương
Xòe bàn tay dấu in hằn năm ngón
Rất rõ ràng trên chiếc ghế lặng yên
Chim sơn ca không còn vang tiếng hót
Kể từ khi anh bỏ cửa tháp ngà
Nơi dấu ái có bạn bè thân thuộc
Có hàng cây có những trái me già
Chỗ ngồi đó bốn mùa sầu ủ rũ
Vẫn lạnh lùng như ngày tháng lập đông
Hoa trong khuôn viên sao lười biếng nở
Đợi chờ ai để phai sắc hương nồng
“Chim sơn ca không còn vang tiếng hót/ kể từ khi anh bỏ cửa tháp ngà/ nơi dấu ái có bạn bè thân thuộc/ có hàng cây rơi những trái me già… , là một đoạn thơ dễ thương nói về tình bạn học, người con trai nghỉ học để lại nỗi trống vắng nơi người bạn gái. Đoạn thơ chữ nghĩa sang sang là nhờ các từ ngữ sơn ca, tháp ngà, dấu ái… . Nhưng bây giờ, bạn đọc ít chia sẻ với những từ ngữ ấy, vì sự sang sang kia vô hình trung làm nhòa sự bình dị thân thiết của tình bạn mà tác giả muốn diễn tả mất rồi. Tác giả của nó – Vũ Thị Phù Sa không ai khác chính là nhà thơ Vũ Trọng Quang hiện nay. Hồi ấy, chàng Quang cảm thấy rằng phải ký một cái tên con gái thì mới làm người đọc cảm thông da diết về tình ý dành cho người bạn trai trong bài thơ. Còn những từ ngữ sang sang kia, xin đừng vội phê tác giả, nó là đặc sản của tuổi học trò một thời – viết vậy nghe chừng mới tha thiết, và đặc biệt, nó mới nói lên tầm trí thức về chữ nghĩa của tác giả… “.
II/ VŨ TRỌNG QUANG VÀ HOA
Phần HOA này có tất cả hai mươi chín bài, đa số là những bài ngắn, ít câu, với bốn hoặc năm chữ. Nhiều bài nói về hoa, như hoa xương rồng, hoa mười giờ, nhành ngọc lan cho ngọc lan. Nhiều bài viết về trường lớp, như mùa chia tay, chiếc ghế bỏ không, trở lại trường, trường xưa. Nhiều bài viết về các địa danh như, trở lại b’lao, trên hải vân, nhớ sài gòn, đến nha trang. Nhiều bài nhắc tên riêng như, vẫy tay chào tn, kim thôi.
Tôi đặc biệt chú ý đến bài “nửa đời hương phấn”, tựa bài lấy theo vở tuồng cải lương của Hà Triều Hoa Phượng:
Nửa đời hương phấn hôm qua
Bước chân son phấn ta bà bước mau
Chuông chùa ngân tới ngày sau
Trả đời mái tóc còn đau, lệ thầm
Tôi nghe trong đó, tôi nhìn ra trong đó, trong bài thơ ấy mà, hình ảnh một chàng trai đôi mươi ở đất Sài thành, với biết bao nỗi niềm khi sống trong thời loạn ly. Một bên là tập vở, mái trường, là tuổi thanh niên với bao hoài bão, là những ngày tháng êm đềm bên gia đình, là những câu ca, là những tuồng cải lương thấm đẫm thân phận, kiếp người. Một bên là chiến trận ngoài kia, với đạn nổ, bom rơi, và xác người ngã xuống… .
Không chỉ “nửa đời hương phấn”, trong “lòng cạn” anh cũng lại nhắc đến một câu vọng cổ của tác giả Viễn Châu:
Tưởng giếng sâu nối dây dài
Ngờ đâu giếng cạn tiếc hoài sợi dây
Lòng cạn lời hẹn mây bay
Chờ chi để tiếc những ngày ngóng trông
Thế hệ anh, một thế hệ tan tác, điêu linh bởi chiến cuộc, bởi thế sự, đang diễn ra một cách khốc liệt nhất, lúc bấy giờ, thế hệ của những Phạm Thiên Thư, Linh Phương, Cao Thoại Châu… . Bao cuộc tình đổ vỡ, bao số phận dĩ lỡ, tréo ngoe… . Anh làm tôi sực nhớ đến bốn câu thơ, truyền miệng, mà tôi chẳng biết của tác giả nào: rớt tú tài anh đi trung sĩ/ em ở nhà lấy mỹ sinh con/ thanh bình trở lại nước non/ về nhà đã có mỹ con anh bồng… .
Tưởng hài, mà cái hài tuôn trào nước mắt. Tưởng cười, mà cái cười méo xệch vành môi. Chờ và đợi, ngóng và trông, vốn là những từ chỉ mang lại nỗi thất vọng và đớn đau cho hết thảy những chàng trai, cô gái, tuổi đôi mươi, lúc bấy giờ… .

III/ VŨ TRỌNG QUANG VÀ TRÁI PHÁ
Phần này thật đặc biệt, chỉ vỏn vẹn ba bài. Tại sao lại ít thế. Trả lời, chỉ có thể là phải làm một cuộc phỏng vấn bỏ túi với Vũ Trọng Quang. Nhưng đọc tựa đề ba bài thơ, bên lề đường b’sar, moọc chê, hỏa châu, tôi cũng phần nào đoán được.
Cả ba bài đều là những bài tuyệt hay, ngỡ như khó có thể được viết nên từ một chàng trai non nớt mười tám, hai mươi:
buồn như buổi chiều xám
hoàng hôn đội khăn tang
một mình nơi hoang vắng
nghe ngày tháng lạnh băng
(bên lề đường b’sar)
moọc-chê xé bầu trời
giật mình ôm tức ngực
bài vở tung tóe rơi
trước sân hoa lá khóc
(moọc-chê)
trên cao chói rực vùng trời
thấy gì không thấy phận đời tối bưng
hỏa châu con mắt đêm hoang
môi son thêm sáng cho màn đêm sâu
(hỏa châu)
IV/ VŨ TRỌNG QUANG VÀ BẰNG HỮU, THỜI CUỘC, THÂN PHẬN
Phần này có tất cả mười hai bài với nội dung viết cho bạn bè, cho thời cuộc, và, viết về thân phận. Giọng thơ anh ở những bài này đã có phần “Khác” chút (như anh từng tiên liệu cho đời mình, thơ mình, rồi sẽ phải “Khác”). Thơ bắt đầu dài hơn, ít phụ thuộc vào vần điệu, với những cách xuống hàng, cách viết hoa, cách gieo câu… theo lối, theo trường phái ấn tượng: xuống đường, thưa, merdeka.
Bài nào cũng hay, bài nào cũng xúc động, bài nào cũng xứng đáng trích ra. Thôi thì chọn bài này vậy, đọc mà buồn gì đâu, thương gì đâu:
THÔI NÔI CHÁU
Hay tin con tròn được một tháng
Vui thì vui lòng cũng thật buồn
Vui là bởi con có trên đời sống
Buồn là vì bác không được về thăm
Bác ở quê miền Trung xa xăm
Nơi gió Lào thổi qua rất độc
Đường quốc lộ đắp mô khó nhọc
Tưởng đi về có thể, nhưng không
Con hãy chờ ngày tháng giáp năm
V/ KẾT:
Tuổi hai mươi mà đã nói đến chuyện đi về, nói đến chuyện uống rượu với bạn hiền, thù tạc, mới thương cảm làm sao. Nhưng dù sao, sau những khốc liệt của sinh ly tử biệt, thì may mắn, giờ đây, chúng ta vẫn còn đây, Sài Gòn vẫn còn đây một nhà thơ Vũ Trọng Quang, đem đến cống hiến cho bạn đọc chúng ta một giọng thơ “Khác” đã từ những thập kỷ trước, đầy suy tưởng mà vẫn hết sức dễ thương, bộc bạch kiểu như, tôi kiếm ăn bằng nhiều nghề khác, làm thơ để được nhẹ lòng mình… .
Sài Gòn 09/07/2023