Vụ Nguyễn Phương Hằng: Luật sư nói chính quyền “hình sự hoá quan hệ dân sự”

0
56
Bà Nguyễn Phương Hằng bật khóc trong một livestream trước đây Hình chụp màn hình Facebook

RFA

Doanh nhân Nguyễn Phương Hằng lời qua tiếng lại với những người trong giới giải trí, nhà báo, luật sư… và kết cục hai nhóm đều có người bị bắt giam, luật sư cho rằng những vụ như thế này ở các nước tự do đều có thể giải quyết bằng các tòa án dân sự.

Hôm 26/4, Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM ban hành cáo trạng, truy tố Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam và bốn đồng phạm với cáo buộc tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”

Theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015, nếu bị kết tội, bà Nguyễn Phương Hằng có thể đối diện mức án lên đến bảy năm tù giam.

Bên phía tố cáo bà Hằng, cũng có hai người bị bắt tạm giam khi bị chính bà này tố cáo ngược lại là luật sư, nhà báo Đặng Thị Hàn Ni của báo Sài Gòn Giải Phóng và ông Trần Văn Sỹ thuộc Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long.

Xung đột giữa các cá nhân trong vụ án

Khởi đầu vụ việc bắt đầu từ năm 2021, hai vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng – Huỳnh Uy Dũng (Dũng lò vôi) nộp đơn tố cáo ông Võ Hoàng Yên (báo chí Nhà nước ca tụng là “thần y”-PV) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong các buổi phát sóng trực tiếp nói về chủ đề này trên mạng xã hội, bà bắt đầu chỉ trích tới các nghệ sĩ như Hoài Linh, vì cho rằng có quen biết với ông Yên nhưng không lên tiếng.

Sau đó, bà Hằng gây lên cơn sốt trên các mạng xã hội như Facebook, YouTube và TikTok với hàng chục đến hàng trăm ngàn người theo dõi một buổi phát để đề cập đến việc mà bà cho rằng  các nghệ sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Công Vinh, Đại Nghĩa… ăn chặn tiền từ thiện cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung.

Những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội bình luận hay có bài đăng đụng chạm bà Hằng đều bị bà này phản pháo, nói về đời tư như ca sĩ Vy Oanh, bà Đặng Hàn Ni, ông Nguyễn Đức Hiển – Phó tổng biên tập Báo Pháp luật TPHCM… và cho rằng do mình “nằm mơ.”

Theo một nhà quan sát không muốn nêu danh tính ở Hà Nội, “Bà Hằng gây sức ép tới những người này bằng cách chỉ ra sự khuất tất của họ trong thu-chi tiền từ thiện, nhưng không nêu ra được các bằng chứng còn những người bị bà tố cáo phản ứng lại tương tự, cho là bà vu khống.

Cũng có những người trợ giúp phe showbiz để ‘vu khống’ ngược lại bà Hằng bằng cách giống y như bà.”

Ông này lưu ý rằng nhóm văn nghệ sĩ đã kiện bà Hằng trong khoảng thời gian rất lâu, chỉ sau khi bà nhắc tới một số quan chức chính quyền, trong đó có ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh trong một buổi phát sóng trực tiếp bà mới bị bắt tạm giam. Trước đó, bà Hằng chỉ bị phạt hành chính với số tiền 7.5 triệu đồng.

Công an lạm dụng quyền

Từ Đức, luật sư Nguyễn Văn Đài, người có nhiều năm hành nghề luật sư ở Hà Nội trước khi bị bắt rồi bị buộc sống lưu vong ở Đức, nói tranh cãi giữa bà Hằng và nhóm văn nghệ sĩ là tranh chấp dân sự và hoàn toàn có thể giải quyết bằng toà án dân sự với kết cục là buộc xin lỗi hoặc bồi thường. Ông nhận xét với RFA trong ngày 27/4:

Ở trong chế độ độc tài, cơ quan công an lạm dụng quyền lực của mình trong việc sử dụng một điều luật rất mơ hồ, đó là Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

Theo quan điểm của tôi, cơ quan công an đã lạm dụng quyền lực của mình để xử lý không đúng người không đúng tội trong trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng. Họ can thiệp quá sâu vào đời sống dân sự hay những tranh chấp dân sự bình thường của người dân.”

Việc lạm dụng quyền lực của công an có sự giúp sức của bà Hằng và nhóm đối thủ vì cả hai bên đều muốn dùng sức mạnh của chính quyền (có đơn tố cáo ra công an-PV) để giải quyết mâu thuẫn cá nhân thay vì dùng luật dân sự, luật sư Đài nói.

Ông cho biết công an và hai cơ quan tố tụng khác là Viện Kiểm sát và Toà án có nhiều lợi ích trong việc hình sự hoá tranh chấp dân sự. Người từng nhiều năm hành nghề luật sư ở Việt Nam giải thích rằng, lợi ích ở đây gồm lợi ích từ ngân sách cho việc giải quyết vụ án và đút lót từ các đương sự (nếu có).

Hành xử của ba cơ quan tham gia tố tụng đi ngược hẳn với lời nói của Thủ tướng đương nhiệm Phạm Minh Chính. Theo báo Lao Động online, trong ngày 24/4 vừa qua, trong buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, ông Chính phát biểu.

Giải pháp của Chính phủ là chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, chứ không phải là áp dụng các biện pháp cực đoan, hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.”

Pháp luật ở các quốc gia dân chủ trong các trường hợp tương tự

Theo luật sư Đài, ở trong các nước dân chủ, lùm xùm giữa bà Hằng và những người có liên quan được cho là tranh chấp dân sự và chính quyền không bao giờ can thiệp vào những việc như vậy, để cho các bên giải quyết với nhau thông qua toà án dân sự.

Bà Grace Bùi, một nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Việt, nói với RFA rằng ở Hoa Kỳ, việc chỉ trích, tố cáo, nói xấu nhau không bị hình sự hoá trừ phi trong những hành động này có yếu tố đe dọa đến tính mạng của người khác.

Là người ở Thái Lan trong khoảng gần 10 năm nay, bà Grace Bùi cho biết những xung đột phi bạo lực giữa các công dân ở xứ Xiêm La không bị hình sự hoá mà được giải quyết bằng toà án dân sự tương tự như ở Mỹ.

Làm sao người Việt Nam tránh được Điều 331?

Theo ông Nguyễn Văn Đài, người dân Việt Nam nên thận trọng khi dùng mạng xã hội để bình phẩm hay tố cáo các cá nhân không phải là quan chức nhận lương từ ngân sách nhà nước.

Nếu như anh thấy họ vi phạm pháp luật hay làm gì đó, anh (có thể-PV) làm đơn trình báo cho cơ quan bảo vệ pháp luật để họ xử lý những trường hợp đó.”

Nhà quan sát thời cuộc Việt Nam nói rằng Điều 331 không rõ ràng, được sử dụng thường xuyên để ngăn chặn tiếng nói đối lập nhưng trong vụ bà Hằng và những người liên quan, lần đầu tiên điều luật này được áp dụng cho đối tượng phi chính trị dù bà này từng đề cập đến quan chức của TPHCM trước khi bị bắt.

Theo ông, để tránh bị vướng điều này, người dân Việt Nam cần có cách phát ngôn kiềm chế, dựa trên lý lẽ và dẫn chứng khi phản biện hoặc tố cáo.

Bộ luật Hình sự có Điều 155- Tội làm nhục người khác và Điều 156- Tội vu khống với các hình phạt bằng cách phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của sự việc.

Vụ án bà Hằng có màu sắc chính trị?

Sau khi nhóm bà Nguyễn Phương Hằng, nhà báo Hàn Ni và luật sư Trần Văn Sỹ bị bắt về cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ,” nhiều người lo ngại việc Nhà nước tăng cường sử dụng Điều 331 để xử lý tranh chấp dân sự.

Tuy nhiên, ông Ngô Thuần, người có nhiều năm hành nghề luật sư ở Việt Nam hiện đang định cư tại Hoa Kỳ, nói rằng không nên có những lo lắng như vậy vì Nhà nước “không rảnh đến mức đó.”

Ông nói với RFA trong hôm 28/4 rằng, kinh nghiệm làm luật sư cho ông thấy nhà chức trách Việt Nam ít quan tâm đến việc giải quyết các tranh chấp dân sự mà chỉ tập trung vào những trường hợp có ảnh hưởng xã hội và đe doạ đến an nguy của chế độ.

Họ không bảo vệ quyền của cá nhân mà họ nhìn được vấn đề của xã hội trong đó, và từ vấn đề của xã hội họ muốn dập tắt nó đi thì họ buộc phải sử dụng hành vi trấn áp cá nhân.”

Ông chia sẻ quan điểm của mình trong vụ bắt giữ bà Hằng:

Nhà nước nó vịn vào cái cớ ‘lạm dụng quyền tự do dân chủ’ thôi chứ thực ra bà Hằng đã vượt qua làn ranh đỏ, có nghĩa là bà đã đụng chạm đến chính quyền.

Bà ấy là một người có thể nguy hiểm trong tương lai bởi vì bà ấy có sức thuyết phục, và có thể có tài lãnh đạo. Việc bà ấy đụng chạm đến chính quyền và có khả năng huy động đám đông nữa trở thành một sự nguy hiểm tiềm tàng.” 

Bằng chứng là các buổi nói chuyện trực tiếp trên mạng xã hội của bà có khi lên đến 200.000 người xem một lúc, và mỗi khi bà xuất hiện tại các sự kiện của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, hay đến tận trụ sở báo Sài Gòn Giải Phóng để gặp bà Hàn Ni, hàng ngàn người tụ tập để đón bà cũng như xem chuyện gì sẽ xảy ra.

Nên hiểu thế nào về quyền tự do ngôn luận?

Theo luật sư Đài, vụ bà Hằng đưa ra bài học cho người dân Việt Nam khi họ thiếu sự hiểu biết về pháp luật và quyền tự do ngôn luận.

Quyền tự do ngôn luận là quyền tự do phê phán phê bình chỉ trích chính quyền hay thể chế chính trị. Quyền tự do ngôn luận là mối quan hệ giữa nhà nước, chính quyền với người dân.

Quyền tự do ngôn luận không điều chỉnh mối quan hệ giữa các công dân với nhau, do vậy anh không thể lợi dụng mạng xã hội để bóc mẽ hay đưa chuyện đời tư của người khác ra giễu cợt.”

Theo ông, quyền tự do ngôn luận là quyền được chỉ trích quan chức chính quyền từ trung ương tới địa phương mà không bị trừng phạt chứ không phải là quyền chỉ trích bất cứ người nào không thuộc bộ máy công quyền.

Ông đưa ra thông điệp về thực hành quyền tự do ngôn luận:

Người dân cần phải cẩn trọng. Những đối tượng mà họ được quyền sử dụng quyền tự do ngôn luận là quan chức chính quyền bởi vì họ sống và làm việc tất cả bằng tiền thuế từ mồ hôi nước mắt của người dân nên họ phải chịu sự giám sát của người dân nên người dân có quyền đưa tất cả thông tin của quan chức lên mạng xã hội.

Các công dân đều bình đẳng với nhau nên anh không được phép làm điều đó.”

Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Tuy nhiên, trong Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng như các luật khác như An ninh mạng đều có các chế tài liên quan đến hành vi xúc phạm uy tín của tổ chức, cá nhân và Nhà nước.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here