Bạch Hoàn
Bài viết này sẽ phân tích kĩ hơn về những điểm bất thường trong vụ kiện của Cao Toàn Mỹ, giám đốc công ty Vina Cyber, với Trương Hồ Phương Nga, hoa hậu người Việt tại Nga.
Trương Hồ Phương Nga bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Cao Toàn Mỹ với số tiền 16,5 tỉ đồng. Theo cáo trạng, Phương Nga nói có quan hệ để mua được nhà giá rẻ, Cao Toàn Mỹ đưa tiền để Nga mua nhà giúp, nhưng Nga đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền 16,5 tỉ đồng. Bị tố cáo, Phương Nga còn nhờ làm giả giấy tờ đặt cọc mua nhà (tôi sẽ có bài phân tích kĩ về nội dung này).
Trong khi đó, hoa hậu Trương Hồ Phương Nga kêu oan, nói rằng bị đe doạ, ép ký vào các giấy tờ nhận tiền mua nhà, bị dụ dỗ khai theo sắp xếp của một nhân vật có tên Nguyễn Mai Phương. Thực chất, quan hệ giữa Nga và Mỹ là quan hệ tình cảm, có hợp đồng tình ái và số tiền 16,5 tỉ đồng kia là tình phí.
Nếu tố cáo của Cao Toàn Mỹ là trung thực thì hoa hậu Trương Hồ Phương Nga bị khép vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo trạng. Còn nếu lời kêu oan của Trương Hồ Phương Nga là đúng, thì Cao Toàn Mỹ và đồng bọn có dấu hiệu của tội nguỵ tạo chứng cứ nhằm vu khống Trương Hồ Phương Nga.
Có một số vấn đề, tôi cho rằng toà án nhân dân TP.HCM cần phải làm rõ để tránh oan sai.
Cao Toàn Mỹ đã không trung thực ngay từ đầu. Tôi có thể khẳng định điều này qua đơn tố cáo của Cao Toàn Mỹ với Trương Hồ Phương Nga.
Ngày 1-4-2014, Cao Toàn Mỹ có đơn tố cáo lần 1. Nội dung đơn viết rằng, “khoảng tháng 5-2012, thông qua bạn bè giới thiệu tôi biết Thuỳ Dung và Phương Nga… Đến tháng 10-2012, do cần tiền làm ăn nên Phương Nga hỏi mượn tôi số tiền 6 tỉ đồng… Đến tháng 4-2013, lợi dụng tình cảm của tôi nên cô Nga và cô Dung có hỏi mượn tiếp số tiền 10,5 tỉ đồng đề mở spa kinh doanh… Tổng cộng tôi cho cô Nga, cô Dung mượn số tiền 16,5 tỉ đồng”.
Với đơn này, cơ quan điều tra đã có bút phê, xác nhận “nếu không xác định được Dung, Nga bỏ trốn là giao dịch dân sự”.
Ngày 12-8-2014, tức 4 tháng sau khi có đơn tố cáo lần 1, Cao Toàn Mỹ có đơn tố cáo lần 2.
Nội dung đơn như sau:
“Tôi có quen cô Trương Hồ Phương Nga qua các quan hệ xã hội. Đến khoảng tháng 7-2012, cô Nga nói mua giúp tôi một căn nhà giá rẻ. Tin tưởng vào lời cô Nga nói, tôi đã chuyển cho cô Nga 6 tỉ đồng, bao gồm 3 tỉ tiền mặt và 3 tỉ tiền chuyển khoản.
Đến tháng 10-2013, cô Nga và cô Dung gặp tôi nói có 1 ông người quen bên dầu khí đang tranh mua căn nhà này. Nếu tôi không có đủ tiền ngay thì sẽ mất cơ hội. Tin lời các cô, tôi đã gom tiền chuyển thêm cho cô Nga 10,5 tỉ đồng…
Đến ngày 4-11-2013, khi nhận tiền lần cuối, Nga có hẹn tôi trong vòng 30 ngày sẽ làm xong giấy tờ và trao nhà . Tuy nhiên sau vài tuần tôi hỏi thăm về việc mua bán mới biết là cô ta không mua nhà. Tôi nhiều lần liên lạc đòi lại tiền nhưng cô Nga không trả”.
Thứ nhất, tại sao cùng liên quan đến số tiền 16,5 tỉ đồng nhưng Cao Toàn Mỹ lại viết hai đơn tố cáo với nội dung hoàn toàn khác nhau, chỉ khớp nhau về số tiền và thời điểm giao tiền. Sau 4 tháng, Mỹ thay đổi đơn tố cáo, từ mượn tiền mở spa nhưng không trả sang cầm tiền lừa mua nhà, để biến từ vụ án dân sự sang vụ án hình sự?
Một con người mà lời nói trước sau không nhất quán, thậm chí thay đổi hoàn toàn bản chất chỉ sau vài tháng, thì thật sự không có cơ sở gì để tin tưởng.
Thứ hai, trong đơn, Cao Toàn Mỹ viết rằng, “khoảng tháng 5-2012, thông qua bạn bè giới thiệu tôi biết Thuỳ Dung và Phương Nga”.
Tuy nhiên, trong biên bản ghi lời khai với điều tra viên, Cao Toàn Mỹ khẳng định: “Tôi (Mỹ) quen cô Trương Hồ Phương Nga (Hoa hậu người Việt tại nước Nga) thông qua mạng Facebook (mạng xã hội) từ năm 2009″.
Ngay cả việc quen biết với Phương Nga, lời khai và lời tố cáo của Cao Toàn Mỹ đã không có sự nhất quán.
Thứ ba, tại toà, Cao Toàn Mỹ nói chỉ quen biết Phương Nga, không có quan hệ tình cảm và rất ít gặp. Nhưng tại sao trong các lá đơn tố cáo trước đây, Cao Toàn Mỹ lại nói Phương Nga lợi dụng tình cảm của mình? Vậy thực chất là có quan hệ tình cảm hay không?
Thứ tư, Cao Toàn Mỹ phủ nhận hợp đồng tình cảm, phủ nhận email. Tôi tin rằng hoàn toàn có thể kiểm tra email trao đổi có liên quan đến Cao Toàn Mỹ hay không. Tuy nhiên, hai người xuất cảnh cùng nhau tới 17 lần và ở cùng khách sạn. Điều này, lẽ ra cơ quan điều tra phải làm rõ, họ ở khách sạn nào, có cùng phòng hay không, có tình cờ hay không, ai là người mời Nga đi, ai là người làm visa, ai là người thanh toán vé máy bay, tiền phòng khách sạn, chỗ ngồi trên máy bay như thế nào…
Tất cả đều có thể kiểm tra lại nhằm phục vụ cho việc làm rõ Cao Toàn Mỹ và Trương Hồ Phương Nga có quan hệ tình cảm và số tiền kia là tình phí như lời Phương Nga nói hay không.
Chưa hết, đây là vụ án hình sự, với số tiền cáo buộc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lên tới 16,5 tỉ đồng là hết sức nghiêm trọng. Trong khi đó, phía bị cáo lại kêu oan, có những bằng chứng về hợp đồng tình cảm, cho rằng có hành vi nguỵ tạo chứng cứ nhằm đẩy bị cáo vào cảnh tù đày, cơ quan điều tra lẽ ra phải điều tra kĩ lưỡng về mối quan hệ tình cảm này. Hoàn toàn có thể điều tra nhật ký điện thoại, tin nhắn, thậm chí là dữ liệu camera ở khu vực nơi Trương Hồ Phương Nga sinh sống, để làm rõ có hay không việc Cao Toàn Mỹ thường xuyên tới nhà Phương Nga như nội dung hợp đồng tình cảm, nhất là khi trong căn hộ của Phương Nga vẫn còn hoá đơn mua hàng do Cao Toàn Mỹ thanh toán.
Bởi rõ ràng, không thể nào có chuyện một doanh nhân thành đạt lại bỏ hàng chục tỉ đồng mua nhà mà không cần biết nhà diện tích bao nhiêu m2, nha ở đâu, do ai đứng tên, cũng chưa từng đi xem nhà… Càng không có người nào trong giới kinh doanh lại giao tiền hết lần này đến lần khác cho một đối tượng “chỉ quen biết”, để họ mua nhà giúp khi đối tượng ấy đã nhiều lần không giao dịch thành công.
(Còn tiếp…).