Việt Nam: HRW đòi trả tự do cho một nhà hoạt động nhân quyền

0
48
RFI Đăng ngày 14-11-2019
mediaÔng Nguyễn Năng Tĩnh. (Ảnh chụp từ màn hình trang web hrw.org) (Capture image @https://www.hrw.org)

Ông Nguyễn Năng Tĩnh, một giáo viên dạy nhạc và hoạt động nhân quyền, sẽ bị một tòa án ở tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử vào ngày 15/11/2019. Trong thông cáo ngày 14/11, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) yêu cầu « nhà cầm quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc »« trả tự do ngay lập tức » cho ông Tĩnh.

Ông Nguyễn Năng Tĩnh, 43 tuổi, bị công an tỉnh Nghệ An bắt vào ngày 29/05 và cáo buộc ông tội « làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam », theo điều 117 của bộ luật hình sự Việt Nam. Phiên xét xử ban đầu được dự kiến diễn ra ngày 17/10 nhưng đã bị lùi lại.

Theo ông John Sifton, giám đốc vận động châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, « Chính quyền (Việt Nam) đang lạm dụng bộ luật hình sự để bắt giam », trong đó « Nguyễn Năng Tĩnh là người mới nhất trong một loạt các nhà bất đồng chính kiến bị nhắm vào vì đăng tải thông tin và lên tiếng phê phán trên Facebook ».

Theo báo chí Việt Nam, trang Facebook cá nhân « Nguyễn Năng Tĩnh », được lập từ năm 2011 với gần 1.000 người theo dõi, thường xuyên có các bài tuyên truyền, xuyên tạc, đăng các hình ảnh video ghi lại hoạt động chống phá của các tổ chức, hội nhóm « phản động », trong đó có Việt Tân, vốn bị Việt Nam coi là « tổ chức khủng bố ». Ông Tĩnh được tổ chức Việt Tân chỉ định làm « chủ tịch »tại Nghệ An sau khi ông Lê Đình Lượng bị bắt. Ngoài ra, ông Tĩnh cũng bị cáo buộc lợi dụng danh nghĩa giáo viên dạy thanh nhạc để nhồi nhét tư tưởng lệch lạc cho thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, theo Human Rights Watch, ông Nguyễn Năng Tĩnh chỉ « thực thi các quyền cơ bản về tự do ngôn luận », đăng lại những hình ảnh một cuộc biểu tình phản đối dự thảo luật mới về đặc khu kinh tế, và biểu tình phản đối nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh thải độc xuống biển vào tháng 04/2016. Cũng trên Facebook, ông Tĩnh lên tiếng ủng hộ nhiều tù nhân chính trị và nhà hoạt động xã hội.

Cũng trong thông cáo, tổ chức Theo dõi Nhân quyền yêu cầu chính quyền các quốc gia và các nhà tài trợ hữu quan, cũng như Facebook và các công ty Internet khác đang hoạt động ở Việt Nam, cần công khai lên tiếng phản đối các trường hợp nhà bất đồng chính kiến bị tù giam chỉ vì đăng tài liệu lên mạng xã hội.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here