Đọc lại vài bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn (1944-2015), nhân kỷ niệm năm thứ 5, ngày mất của ông.
——
VIẾT CHO CÁC CON TÔI
Khi các con khôn lớn thế nào cũng nghe kể chuyện đời ba
Chuyện một nhà thơ yêu hòa bình nên bị đời cho đi khiêng đạn
Khi chiều xuống, bụi mù trời trên ngọn đồi ba đóng
Ba bắt đầu thương nhớ các con ba
Dù ở tiểu khu này ba là tên tiểu tốt
Nhưng các con nên tự hào ở tấm lòng ba
Ôi câu chuyện người anh hùng lỡ vận
Nên bụi đời cùng những kẻ ngu phu
Ðó là câu chuyện đời ba các con cần phải nhớ
Ôi một quãng đời dài lê bước ưu du
Ba không cực lòng khi bị đời khinh rẻ
Con đường ba đi đã chọn từ lâu
Nhưng khi nhìn những đám hoa râm trên đầu tóc nội
Ba đã khóc thầm khi nghĩ đến mai sau
Rồi mai mốt khi các con đã lớn
Hãy tìm trong trang nhục sử Việt Nam
Ðể thấu hiểu vì sao ba khổ cực
Vì sao nên đất nước lầm than
——-
CHÚNG TA SINH RA KHÔNG PHẢI ĐỂ SỐNG NHƯ THẾ NÀY
Những ngày lửa
Thị xã chúng ta giống như một chuồng khỉ chật
Nơi đó lũ thị dân đóng đủ trò
Và làm khổ nhau vì những điều thuần tưởng tượng
Những ngày như hôm nay
Mọi vật đối với ta đều quái gở
Người hàng xóm ta
Ðang cởi trần chửi thề khí hậu
Ðến giờ đi làm
Hắn trở thành người cảnh sát nghiêm trang
Sau khi đội mũ và thay đồng phục
Ðến giờ đi làm
Bạn ta những thằng đang cởi trần kêu khổ
Trong những căn nhà hộp
Bỗng nhiên
Trở thành quan tòa
Ðứa trở thành thầy giáo
Ðứa tài xế
Ðứa nhà văn
Ðứa quan ba
Ðứa khùng khùng
Thật là quái gở
Nhưng thật ra chúng ta là ai?
Ðêm nay trời bỗng mát
Trong đáy hồ tâm thức
Ta câu lên một bầy rắn nước
Con rắn này có tên là Nguyễn Bắc Sơn
Con này tên tiền của
Con này tình yêu
Con này danh vọng
Thật quái gở
Trong đáy hồ tâm thức, khuya nay trong cơn thiền
Ta đã câu lên và đã nhìn tận mặt
Những con rắn chết
Dường như kiếp trước ta không phải là kẻ định cư
Trong những thị trấn đầy phó bản văn minh
—–
CƯỜI LÊN ĐI TIẾNG KHÓC BI HÙNG
Đời bắt một kẻ làm thơ như ta đi làm lính
Bắt lê la mang một chiếc mai rùa
Nên tâm hồn ta là cánh đồng úng thuỷ
Và nỗi buồn như nước những đêm mưa
Trong thành phố này ta là người phản chiến
Ngày qua ngày ta chỉ thích đi câu
Râu tóc mọc dài như bầy cỏ loạn
Sống thật âm thầm, ai hiểu ta đâu
Dù đôi khi ta lên núi Tà Dôn uống rượu
Trời đất bao la ta chỉ một mình
Nhưng làm sao quên cuộc đời dưới đó
Quên những thằng người bôi bẩn kiếp nhân sinh
Ngày hôm nay ta muốn chặt đi bàn tay trái
Để được làm người theo ý riêng ta
Ngày hôm nay ta muốn thọc mù con mắt phải
Ngày hôm nay ta muốn bỏ đi xa
Khi nâng chén lên cao ta muốn cười lớn tiếng
Cười lên đi, cười những tiếng bi hùng
Đời đã bắt kẻ làm thơ đi làm lính
Chiếc mai rùa đã nặng ở trên lưng
——
NHỮNG ĐIỀU CÀN NÓI KHI THÔI HỌC
Khi ta thôi học
Người khách trú bán ve chai già đã chết
Y đã hát cho ta nghe
Những buổi trưa buồn rầu
Trong ngôi trường đầy vết tích chiến tranh
Những bài hát làm nhớ hoài một nước cổ Trung Hoa
Một nước Trung Hoa loạn lạc
Thiếu cơm và thừa nước mắt
Ôi giấc mộng anh hùng Lương Sơn Bạc
Khi ta thôi học
Các giáo sư dạy cho lũ học trò những điều họ không tin
Và chúng ta tin những điều họ không dạy
Khi ta thôi học
Ta không biết con người sinh ra để làm gì
Và ta mải miết
Ði tìm câu trả lời
Ðể sống yên tâm
—–
ĐÁO BỈ NGẠN
Một sớm phiêu bồng qua bên sông
Bỗng nhiên hiểu Phật cũng đau lòng
Phật cũng khổ như người khốn khổ
Cúi đầu quay lại bên này sông
——-
Nguyễn Bắc Sơn tên khai sinh là Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1944 tại Phan Thiết, Bình Thuận. Theo thica.net, Năm 15 tuổi, ông đã lên nghĩa địa, cắt cổ tay, nằm chờ chết. Không may cho ông là có người vào thăm nghĩa địa, tìm thấy và cứu ông thoát chết. Sau này ít nhất ông còn có ba lần nhảy lầu tự tử nhưng không chết.
Năm 1972, ông cho ra mắt tập thơ Chiến tranh Việt Nam và tôi, gây được tiếng vang trong giới văn nghệ miền Nam. Thơ Nguyễn Bắc Sơn từng được nhiều bạn đọc ưa thích, ngâm nga trong các quán văn nghệ ở Đà Lạt, Vũng Tàu, Sài Gòn, Cần Thơ…
Nguyễn Bắc Sơn là con người đa tài: rất giỏi tiếng Anh, nghiên cứu sâu triết học Đông – Tây, đặc biệt là Kinh dịch và triết học Phật giáo, lại có bàn tay châm cứu tuyệt vời cộng với tấm lòng nhân ái của một lương y thực thụ. Thời điểm cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi đất nước còn bộn bề khó khăn, thiếu thốn, ông đã từng tham gia chẩn trị và hướng dẫn châm cứu cho lớp đàn em ở các cơ sở Đông y Phan Thiết và Hàm Thuận Bắc.
Nguyễn Bắc Sơn cư ngụ tại thành phố Phan Thiết. Bà Xuân Hồng, vợ nhà thơ, từng là một giọng ca hay, thường được phát trên sóng đài phát thanh ở Phan Thiết và Sài Gòn cùng thời với ca sĩ Thanh Thúy lừng danh vào thập niên 60.
Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn qua đời do bệnh tim vào lúc 8h50 sáng ngày 4 tháng 8 năm 2015 tại nhà riêng ở Phan Thiết.