Vì sao ngân hàng bán bảo hiểm?

0
56

Nguyễn Đức Minh

22-2-2023

Mình đồ rằng, việc các ngân hàng đua nhau bán bảo hiểm nhân thọ như hiện nay có nguyên nhân sâu sa từ chính sách room tín dụng. Đây là một giả thuyết, có thể đúng, có thể sai, có thể đúng một nửa.

Chính sách room tín dụng hoạt động giống như một biện pháp hạn chế cung tín dụng trên thị trường. Trong khi cầu về tín dụng hiện nay rất cao.

Cầu cao hơn cung thì dẫn đến nhà cung cấp, ở đây là ngân hàng, có quyền lực thị trường lớn hơn. Nói nôm na là ngân hàng có “cửa trên” trong quan hệ với khách vay.

Khi có quyền lực thị trường, thì người ta sẽ tìm cách biến quyền lực đó thành lợi nhuận. Cách thường làm nhất là tăng giá hàng hoá, dịch vụ.

Giá của tín dụng là lãi suất nên các ngân hàng sẽ tăng lãi suất.

Nhưng NHNN lại có chính sách ưu tiên cấp room tín dụng cho những ngân hàng có lãi suất thấp.

Vậy các ngân hàng làm thế nào để vừa khai thác được lợi nhuận từ quyền lực thị trường, lại vừa giữ lãi suất thấp để được phân bổ nhiều room tín dụng hơn?

Đó là giữ lãi suất danh nghĩa thì thấp, nhưng thu thêm các khoản phí khác từ người vay tiền.

Tuy nhiên, hiện nay các khoản phí này cũng đã bị NHNN khống chế, các ngân hàng không thể thu phí quá cao được.

Vậy cách tốt nhất là ép khách vay phải mua kèm một thứ sản phẩm gì đó mà có hoa hồng bán hàng cao.

Trời ơi, không gì tốt bằng bán bảo hiểm nhân thọ.

Nếu ngân hàng hợp tác với một công ty bảo hiểm bên ngoài thì được hoa hồng trên sổ sách lên đến 40%, còn hoa hồng dưới gầm bàn thì còn có thể cao hơn.

Còn nếu ngân hàng lập công ty con kinh doanh bảo hiểm thì thậm chí còn ăn cả, không mất cho ai cái gì.

Bloomberg ước tính giá trị thương vụ hợp tác bán bảo hiểm giữa FWD và Vietcombank có giá trị lên tới 1 tỷ USD. Ảnh: Hoàng Hà.

***

Việc Nhà nước lại tiếp tục phải can thiệp thị trường bằng cách yêu cầu ngân hàng ghi âm cuộc tư vấn bán bảo hiểm hay đường dây nóng phản ánh lại tiếp tục là sự can thiệp hành chính vào thị trường.

Biện pháp này cũng có thể giải quyết được vấn đề trong ngắn hạn, nhưng mình tin là thị trường sẽ rất nhanh tìm ra cách để lách quy định, và Nhà nước lại phải tốn sức đi bịt cái lỗ hổng đó.

Trong khi cái gốc là việc can thiệp hành chính vào room tín dụng thì vẫn ở đó.

https://www.facebook.com/minhducgav/posts/pfbid0UUhYUNTsK4PSD6hcXH29q5FfjiP62rxTTcbMxgKxryc2oALUJnQ1hgeS5qRFtRgLl

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here