Bỏ tù tuổi trẻ
Ngày 14/10/2012, hơn một tuần sau khi bước vào tuổi 20, Nguyễn Phương Uyên bị bắt khi đang là sinh viên năm 3 của Đại học Công nghệ Thực phẩm TP Hồ Chí Minh. Cô bé 20 tuổi bị khép vào Điều 88 Bộ luật Hình sự với tội danh “Tuyên truyền chống phá nhà nước”. Đứng trước tòa, cô khẳng định mình chống sự xâm chiếm của Trung Quốc và chỉ chống Đảng, không hề có ý định chống Nhà nước. Sau án 8 năm tù giam phiên sơ thẩm, dưới áp lực dư luận và nhiều bên, cô nhận 5 năm tù treo tại phiên tòa phúc thẩm. Trước đó một năm, năm 2011, hơn một chục thanh niên cũng vào tù sau các phiên tòa xử theo điều 88 ở Nghệ An
Năm năm trôi qua, số lượng những người bị bắt vì những hoạt động chống Trung Quốc và đấu tranh cho quyền lợi người dân vẫn tiếp tục tăng lên và nhiều người trong đó còn rất trẻ. Đầu năm nay, ngày 11/01, Nguyễn Văn Hóa, 22 tuổi, một chàng trai người Hà Tĩnh có những hoạt động chống Formosa bị bắt theo điều 258. Ngày 17/03, Phan Kim Khánh, 24 tuổi, sinh viên năm cuối của trường ĐH Thái Nguyên bị bắt theo Điều 88 vì đã lập một website với mục đích chống tham nhũng. Khánh bị bắt khi gần hoàn thành chương trình Đại học và còn vài tháng nữa là tốt nghiệp.
Sau thảm họa Formosa, chính quyền quá chậm trễ trong việc chi trả tiền bồi thường cho người dân ở Lộc Hà, Hà Tĩnh đã làm họ vô cùng bức xúc. Nhiều người hoạt động xã hội dân sự độc lập đã bất chấp nguy hiểm đến đó hỗ trợ pháp lý và đưa tin khi truyền thông nhà nước bỏ mặc và bị ngăn cấm. Bức xúc vì đã một năm từ khi thảm họa xảy ra, chính quyền vẫn chưa chi trả tiền bồi thường, ngày 3/4, hàng ngàn người dân đã cùng nhau lên UBND huyện Lộc Hà để đòi tiền. Các lãnh đạo cấp huyện lẩn trốn và người dân chiếm luôn cả trụ sở để yêu cầu chính quyền thực hiện lời hứa. Bạch Hồng Quyền, 28 tuổi, một nhà hoạt động đã dũng cảm có mặt để đưa tin về sự việc đó. Hơn chục ngày sau, công an Hà Tĩnh khởi tố vụ án Gây rối trật tự công cộng và ra lệnh khởi tố bắt giam với Quyền với cáo buộc là người cầm đầu kích động người dân, trong khi Quyền từ Hà Nội mới vào đó được ít hôm và giúp người dân truyền tải thông điệp của họ cho mọi người được biết. Sau nhiều lần đến nhà gây áp lực với gia đình, Công an Hà Tĩnh đã chính thức ra lệnh truy nã đối với anh.
Những người trẻ dấn thân, như Quyền, như Khánh, như Uyên, như Hóa và bao người khác nữa, biết trước hiểm nguy sẽ đến với họ bất kỳ lúc nào. Bỏ qua sự sợ hãi, họ vẫn đấu tranh bằng sự nhiệt thành và trái tim dũng cảm. Chính quyền cộng sản luôn coi những người trẻ dấn thân là đối tượng nguy hiểm nhất và tìm mọi cách bỏ tù họ.
Về Quyền
Không như Uyên hay Khánh là người tôi chỉ biết khi họ bị bắt, Quyền với tôi thân nhau và hợp nhau dù tính cách nhiều thứ khác biệt. Mỗi khi rảnh rỗi, vẫn thường gặp nhau trò chuyện. Hai anh em cũng nhiều lần xách xe máy đi phượt khắp vùng Tây Bắc. Có lần giữa mùa đông, hai anh em đi xe máy từ Mộc Châu về Hà Nội trong sương mù và mưa phùn dày đặc, với tầm nhìn chỉ 2-3 m.
Tính Quyền hòa đồng, dễ chịu và rất tốt với anh em. Mỗi khi tôi có việc gì, Quyền luôn là người tới đầu tiên. Quyền đấu tranh với sự nhiệt thành, dũng cảm và không hề ngần ngại khó khăn. Trước khi có những hoạt động đấu tranh, anh tham gia vào nhóm Bảo vệ sự sống ở Thái Hà, thường đi nhặt thai nhi bị bỏ đi ở các bệnh viện về chôn cất và giúp đỡ các bà mẹ lầm lỡ không đủ khả năng nuôi con. Sau này khi tham gia đấu tranh, gần như ở đâu có sự kiện nóng, anh đều đến để theo dõi và đưa tin. Từ những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, biểu tình chống chặt phá cây ở Hà Nội cho đến những trận cưỡng chế đất đai ác liệt của chính quyền với dân; từ những chuyện người dân chết trong đồn công an đến thảm họa Formosa gây ô nhiễm, anh luôn muốn có mặt nhanh chóng để theo dõi và tìm hiểu những đau khổ, bất công mà người dân phải hứng chịu. Trong trận lũ lịch sử năm 2016 vừa qua ở miền Trung, cả tháng trời anh đi khắp các vùng Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch, Ba Đồn ( Quảng Bình) cho đến Hương Khê, Vụ Quang, Kỳ Anh( Hà Tĩnh) để mang gạo, mì tôm, nước uống giúp bà con vùng bão lũ. Anh làm gần như mọi việc, từ lái xe cho đến bốc vác, hậu cần chuẩn bị. Mỗi khi nghe tin ở đâu có bà con đang thiếu nước thiếu gạo, anh đòi đi ngay lập tức dù mọi người đều quá mệt mỏi hay đã tối khuya.
Và giờ anh đang đối mặt với án tù. Anh đang bị truy lùng khắp nơi và có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Anh buộc phải rời xa gia đình nhỏ bé với vợ và hai cô con gái vô cùng đáng yêu. Những người cộng sản nắm quyền không muốn anh tiếp tục những hoạt động giúp đỡ, đấu tranh cho những người dân đau khổ nữa. Họ coi anh là một đối tượng nguy hiểm đối với chính thể của họ, một chế độ dung dưỡng đầy sai trái, bất công và tàn bạo. Anh cũng như như bao người đấu tranh khác, luôn chấp nhận đối mặt với hiểm nguy và tù đày; và vẫn kiên định đi theo con đường của mình. Tù đày đối với những người bảo vệ sự công bằng, bảo vệ những người khốn khổ như anh thì có lẽ là một điều vinh danh hơn hết.
Và thế hệ của chúng tôi
Hàng ngày, mỗi lần lên mạng, tôi đọc rất nhiều những lời nhận xét về thế hệ trẻ bây giờ. Họ phê phán kịch liệt về những bạn trẻ khóc vật vã trên sân bay khi đón thần tượng K-Pop hay hôn ghế Sơn Tùng-MTP. Họ nhận xét nặng nề rằng tuổi trẻ bây giờ thiểu năng cảm xúc, thể hiện thái quá với ý muốn cá nhân. Một thế hệ bị nói là bỏ đi.
Một phần đông những người trẻ khác, rất nhiều người trong đó là bạn bè tôi, ít khi bị phê phán hay ít người có thể phê phán họ. Họ là những người rất giỏi, đầy tài năng. Họ tập trung học hành và công việc, ít khi để ý những gì xung quanh họ, ngoài mục tiêu họ đặt ra cho bản thân mình. Với họ, làm sao có thể kiếm được nhiều tiền, sống cuộc sống an nhàn, vui vẻ. Họ chọn cho mình một cuộc sống vị kỷ, mưu cầu lợi ích cá nhân. Nhiều người trong đó tiến bộ hơn, thì tìm cách đi ra nước ngoài. Trong mắt họ, một đất nước Việt Nam nghèo hèn, kém cỏi, dốt nát và vô văn hóa không xứng đáng với họ. Họ cần một môi trường để học tập và làm việc tốt hơn.
Chẳng có quyền trách cứ những người trên. Đó là lựa chọn của họ. Chỉ tiếc là những lựa chọn đó, chẳng có gì sai, nhưng chẳng giúp gì cho cộng đồng đau khổ cạnh họ cả. Sự phát triển của loài người dựa trên sự phát triển của cộng đồng. Một trong những nguyên nhân của một xã hội tồi tệ hiện nay, là ai cũng chỉ nghĩ đến bản thân mình. Nhưng biết trách ai, khi thế hệ chúng tôi, chẳng mấy ai dạy chúng tôi về sự công bằng, về trách nhiệm xã hội. Những khái niệm về lòng yêu nước, lòng trung thành với Tổ quốc bị đánh tráo một cách thô thiển. Thế hệ chúng tôi lớn lên cùng sự phát triển về kinh tế và kĩ thuật của thế giới mà chẳng có một nền tảng xã hội đầy đủ để đứng chân lên, ngoài sự dối trá và lợi ích cá nhân. Với tôi, chúng tôi là những cá thể ngơ ngác, cô đơn và đầy mâu thuẫn trong một đất nước u ám, không có tương lai.
Và tồn tại ít ỏi trong một thế hệ cô đơn ngơ ngác đó, là những cá nhân dũng cảm và hoài bão. Họ đứng lên nói ra những gì họ thấy, dũng cảm chống lại cường quyền độc ác, tham lam. Họ lên tiếng bằng một tấm lòng yêu nước và trái tim dũng cảm. Nhưng họ chỉ như những chàng liêu trai “xách gươm lên và đi vào rừng thẳm”, dần dần sa vào cạm bẫy và bị đánh bại bởi những kẻ đầy quyền lực độc ác và tham lam, như những người đi trước họ.
Những người trẻ rồi cũng già đi. Lao tù rồi cũng đến lúc tự do. Chỉ có đất nước này vẫn mãi mù mịt, đất mẹ thì vẫn bị xâm lấn, đầu độc từng này. Chưa thấy hi vọng về một tương lai đẹp đẽ cho đất nước này cả. Những người con yêu nước và dũng cảm nhất, thì vẫn lần lượt thay nhau vào tù.
Hà Nội, 12/05/2017