Một lần nữa những lùm xùm xung quanh việc xét ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2022 lại khiến dư luận bàn tán xôn xao khi truyền thông đăng tải thông tin nhiều ứng viên xét giáo sư, phó giáo sư trước đó đã đăng bài trên tạp chí quốc tế giả mạo.
Giáo sư Ngô Việt Trung khi trả lời báo Nhà nước vào ngày 18/2/2022 cho biết đã đề nghị Hội đồng cho rà soát lại việc xét công nhận giáo sư, phó giáo sư ở các Hội đồng ngành vì có biểu hiện vi phạm liêm chính khoa học.
Trường Đại học Thủ Dầu Một cùng thời điểm đó cũng cho biết, số lượng bài báo đăng ở các tạp chí phi pháp, giả mạo ở nước ngoài trong hồ sơ ứng viên năm 2021 cũng bị phát hiện trong hồ sơ ứng viên nhiều ngành như Tâm lý học, Luật học, Y dược, Kinh tế…
Trước đó, vào tháng 10 năm 2020, truyền thông Nhà nước đã đăng tin cho biết có 31/40 ứng viên Giáo sư, Phó giáo sư bị tố cáo khai gian bài báo khoa học để qua mặt Hội đồng xét duyệt. Trong đó bao gồm các ứng viên ngành Y và một ứng viên ngành Hóa học – Công nghiệp thực phẩm.
Vào năm 2018, Hội đồng chức danh Giáo sư đã phải hoãn, không xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư của năm đó với lý do tương tự.
Một ông thầy toàn giả đứng giảng cho sinh viên thì không biết ở đây là kiến thức gì? Có tiến sĩ, phó giáo sư mà không phân biệt được kiến thức và tri thức thì tôi nghĩ đó là học giả, bằng thật.
-Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nguyên Giảng viên Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Mở TPHCM, khi trả lời RFA 23/2 cho biết, vấn đề học hàm và học vị ở VN trong 10 năm qua đã trở thành một vấn nạn mà xã hội lên tiếng rất nhiều. Đó là bệnh sính bằng cấp, ai cũng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ… và sau đó là cuộc chạy đua giành học hàm giáo sư, phó giáo sư... Liên quan việc hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư đăng bài ở tạp chí mạo danh, ông Phúc nhận định:
“Có điều vô lý là ngay cả những bà giáo sư tiến sĩ, chủ tịch hội đồng học hàm của ngành giáo dục học lại cho rằng vấn đề đó là bình thường, không phải ai cũng biết tạp chí đó là giả hay thật… Theo tôi đó là một câu trả lời ngụy biện, bao che, cá mè một lưới… Thực tế tôi từng thấy một người có học vị giáo sư với yêu cầu bắt buộc phải biết một trong năm ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức, Nga, Hoa… thì một chữ bẻ đôi cũng không biết, thậm chí không sử dụng thành thạo máy tính. Đó là sự giễu cợt với nền khoa học, giáo dục của VN. Một ông thầy toàn giả đứng giảng cho sinh viên thì không biết ở đây là kiến thức gì? Có tiến sĩ, phó giáo sư mà không phân biệt được kiến thức và tri thức thì tôi nghĩ đó là học giả, bằng thật.”
Vị giáo sư cho rằng vấn đề vừa nêu là bình thường, không phải ai cũng biết tạp chí đó là giả hay thật… mà nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhắc đến là Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lộc – Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành Giáo dục học. Khi trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 23/2/2022, bà Lộc đã cho rằng: ‘Không phải ứng viên biết tạp chí giả mạo mà vẫn gửi đăng, không ai dại dột thế! Ứng viên đăng bài trên những tạp chí không được công nhận là do không may, không đủ căn cứ quy kết vấn đề về đạo đức.’
Tuy nhiên Thạc sĩ Phan Thế Hoài, trong bài viết đăng trên Giáo dục Việt Nam trong cùng ngày đã cho rằng, phải hủy vĩnh viễn hồ sơ của các ứng viên giáo sư, phó giáo sư gian lận đã được xác minh, chứ không cho rút hồ sơ rồi lại đăng ký năm sau thì mới đủ sức răn đe về liêm chính học thuật.
Về đề nghị những ứng viên giáo sư, phó giáo sư… nếu gian lận trong các bài báo khoa học, thì phải đình chỉ không được xét học vị nữa… Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho biết ông ủng hộ đề xuất này:
“Tôi nhất trí quan điểm này, anh không thể nào lừa dối một lần, rồi nếu không bị phát hiện thì nghiễm nhiên trở thành giáo sư, phó giáo sư… còn nếu bị bắt tại trận thì anh có đủ các lý do tại, bị, thì, mà, là… rồi chờ đợt tiếp nộp hồ sơ. Một nền giáo dục như thế sẽ đẻ ra nhiều quái thai, chỉ có hại cho sự phát triển của nước nhà. Nhìn ra thế giới ai cũng biết rằng lực lượng giáo sư tiến sĩ của VN rất đông, nhưng từ nghiên cứu khoa học đem lại sản phẩm thực tế giúp đất nước thì không có bao nhiêu.”
Theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, họ chỉ chạy đua để có chức có quyền, để ngồi hội đồng này, hội đồng nọ.., để nắm chức vụ này nọ mà thôi. Chứ không nhằm mục đích đam mê khoa học, nghiên cứu… không nhằm mục đích trang bị cho mình kiến thức thật, để đủ sức truyền đạt lại cho thế hệ trẻ.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một chuyên gia giáo dục Việt Nam, nguyên là giảng viên đại học Liège – Bỉ, khi trả lời RFA hôm 23/2, giải thích thêm về việc này:
“Có một thời gian rất dài ở VN không để ý tới những bài báo quốc tế khi mà tìm cách phong hàm giáo sư, phó giáo sư cho các nhà khoa học VN. Nhưng VN là một nước mà những giá trị thực khó xuất hiện mà thường là những giá trị ảo, hay những giá trị không hay xuất hiện. Cái này một phần ảnh hưởng từ Trung Quốc, có nghĩa thay vì đăng báo một cách nghiêm túc, thì họ làm một cách rất xằng bậy. Họ tổ chức những tờ báo dỏm để đăng những bài báo không có giá trị, những tờ báo đó lần lần bị phát hiện và dẹp đi, nhưng nó như hoa dại, dẹp cái này lại có cái kia. Thì những nhà khoa học hay không phải nhà khoa học VN không nghiêm túc lại đăng trên những tờ báo đó để tính điểm.”
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho biết ông hiện có tham gia một phong trào của những nhà nghiên cứu trẻ đã tốt nghiệp tại Mỹ, Anh, Pháp, Châu Âu… và lập lên một nhóm gọi là ‘Bảo vệ sự liêm khiết trong khoa học’ để tìm cách giới hạn bớt những tiêu cực như ông vừa nêu.
Trong mắt tôi, học hàm giáo sư không khác gì vật trang sức mắt tiền hơn là trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức của một giáo sư…
-Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già
Trao đồi với RFA từ Sài Gòn hôm 23/2, nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già dưới một góc nhìn khác, cho biết nguyên nhân thật sự liên quan vấn nạn này:
“Nguyên nhân căn bản và quan trọng nhất là không có tự do tư tưởng. Chính vì yếu tố này nên tất cả những tiêu chuẩn phẩm chất để được phong giáo sư, phó giáo sư… theo quyết định 37 ban hành năm 2018 của ông Nguyễn Xuân Phúc là Thủ tướng lúc đó… thì tôi cho rằng nó đều mang nặng tính thành tích như cách nhà cầm quyền CSVN ban tặng ở nhiều lĩnh vực khác như Nghệ sĩ Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân… Trong mắt tôi, học hàm giáo sư không khác gì vật trang sức mắt tiền hơn là trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức của một giáo sư…”
Theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, ở các nước văn minh thường để việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư cho những nhà chuyên môn thực hiện… Nhưng trong chế độ độc đảng toàn trị ở VN hiện nay thì không thể được. Ông Nguyễn Ngọc Già dẫn chứng:
“Bởi vì đảng CSVN quy định họ lãnh đạo trực tiếp và toàn diện thì việc phong hàm giáo sư không thể ngoại lệ, nhất là trong lãnh vực tư tưởng. Nên việc đề nghị hủy vĩnh viễn hồ sơ ứng viên giáo sư vi phạm thì tôi nghĩ không có tính khả thi. Theo tôi, việc đề nghị hủy này có lẽ do có những người giáo sư có đủ chuyên môn, phẩm chất… cảm thấy phẫn uất, hổ thẹn khi đứng chung với những người không xứng đáng, nên kêu lên. Chứ tôi cho rằng đó là việc bất khả thi, cho đến bao giờ có tự do tư tưởng thì việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư mới được giản quyết.”
Ngày 31 tháng 8 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Theo quyết định này, ứng viên phó giáo sư phải là tác giả chính của ba bài báo khoa học, ứng viên giáo sư phải là tác giả chính của năm bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. Hội đồng Giáo sư nhà nước sau đó đã ban hành danh mục các nhà xuất bản có uy tín và các nhà xuất bản của top 100 các trường đại học hàng đầu trên thế giới.