Vẫn còn chỗ cho một giấc mơ…

0
64

 

Khi viết về công nghiệp ô tô, trùng hợp là tôi được biết tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã quyết định tham gia vào một chơi lớn, đó là sản xuất ô tô thương hiệu Việt VinFast. Hôm nay, họ khởi công nhà máy ở Hải Phòng. Cá nhân tôi ủng hộ một người có năng lực như ông ấy đi vào sản xuất và nghĩ rằng, chúng ta hãy thôi định kiến để cổ vũ cho những người thực sự có thể làm được.

Câu chuyện VinFast tôi sẽ tìm hiểu thêm để viết sau. Hôm nay, xin được tiếp tục câu chuyện công nghiệp ô tô tôi. Đó là câu hỏi, có nên tiếp tục đeo đuổi giấc mơ có một ngành công nghiệp ô tô thực sự hay không?

Nếu nhìn vào những vấn đề hiện nay của ngành công nghiệp ô tô, câu trả lời có lẽ sẽ là không. Nhưng, nếu đặt trong bối cảnh phải phát triển công nghiệp quốc gia, đặt trong bài toán kinh tế vĩ mô, thì 2018 – khi thuế nhập khẩu đối với ô tô có tỉ lệ nội địa hoá 40% ở khu vực ASEAN – lại không phải là thời điểm chấm dứt ước mơ về một nền đại công nghiệp, mà Việt Nam vẫn có thể làm lại từ đầu. Làm như thế nào thì cần bàn trong một bài viết khác.

Các nhà kinh tế cho rằng, một quốc gia dân số từ 50 triệu người trở lên phải phát triển ngành công nghiệp ô tô. Dân số Việt Nam hiện ngấp nghé ngưỡng 100 triệu người. Không có lý gì lại biến thị trường Việt Nam trở thành một nơi tiêu thụ xe nhập khẩu hoàn toàn.

Bộ Công thương dự báo, nhu cầu ô tô của Việt Nam vào năm 2025 sẽ vào khoảng 800.000-900.000 xe/năm. Năm 2030 sẽ lên đến 1,5-1,8 triệu xe/năm. Điều này cho thấy, trong vòng 10 năm tới, quy mô thị trường ô tô ở Việt Nam đủ lớn để có thể đáp ứng được điều kiện thị trường cho một nền công nghiệp mạnh.

Quy mô thị trường ấy sẽ tương tự như Thái Lan hiện giờ, tức mức tiêu thụ nội địa khoảng 800.000 xe/năm. Trong khi đó, mỗi năm, ngành công nghiệp ô tô ở Thái Lan đã sản xuất tới 2 triệu xe và xuất khẩu 1,2 triệu xe/năm. Công nghiệp ô tô ở Thái Lan đã mang đến việc làm cho 550.000 người lao động. Đặc biệt, ngành này đóng góp tới 12% GDP, tức khoảng 46,8 tỉ USD vào năm 2016.

Nếu chấp nhận bỏ ngành ô tô thì đến năm 2025, Việt Nam sẽ phải bỏ ra 12 tỉ USD nhập khẩu và năm 2030 là 21 tỉ USD. Nhập siêu ngày càng tăng, cán cân thanh toán bị mất cân đối và kinh tế vĩ mô rơi vào bất ổn là những vấn đề có thể nhìn thấy trước.

Thái Lan đã có 60 năm phát triển công nghiệp ô tô. Việt Nam thất bại trong 25 năm qua. Nhưng nếu bây giờ, các nhà hoạch định chính sách và quản lý kinh tế hành động bằng bằng tinh thần vì một mục tiêu tối thượng là sự phát triển của đất nước, bằng trách nhiệm phải làm thì sẽ vẫn còn chỗ cho một ước mơ. Luôn luôn có một con đường. Chịu thay đổi và biết bắt đầu chưa bao giờ là muộn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here