Tuổi hai mươi- phần 8.

0
95
Phạm nhân trong buồng giam.

Bùi Thanh Hiếu

Ở trong phòng 6D không có bộ đội, không có trật tự. Chỉ có anh Kỳ trưởng phòng và một câụ trẻ chia cơm canh. Ai có quà thì tự bớt lại một ít biếu anh Kỳ. Gia đình anh ở quê nghèo, đi tiếp tế xa. Vợ anh vài tháng mới đi gửi quà cho anh một lần, quà của anh chỉ có muối vừng, ít hoa quả, túi thịt kho.

Quản giáo họ cũng thương anh vì là đồng nghiệp, nên cho anh làm trưởng phòng.

Anh Kỳ hay tâm sự với anh Vinh, hai anh trạc tuổi nhau. Anh Vinh dáng người nhỏ nhắn, nho nhã, thư sinh. Anh bị tội làm vé xe đạp giả để trông xe thu tiền. Án tù đến 4 năm.

Anh Vinh hay làm thơ, khi làm được bài thơ nào anh lại nhờ người chia cơm canh, vệ sinh bên ngoài chuyển hộ sang cho ông bạn tù bên phòng 6A đọc. Anh và ông ý trước giam chung ở phòng giam cứu. Tôi cũng mượn giấy bút của anh làm thơ cùng cho khuây khoả. Bài thơ đầu tiên tôi viết trong đời mình là viết trong nhà tù.

… Thằng bé nhà bên đặt trùng tên

Mẹ nó gọi, mẹ con giật mình thảng thốt

Hiếu con à ! Chốn đó sống sao con ?…

Anh Vinh bảo, nếu bài thơ này in ở đâu, không ai nghĩ là một thằng tù viết. Chị tôi đến gặp, tôi bảo chị đưa mảnh giấy có bài thơ về cho mẹ. Lần sau chị gặp bảo thôi mày đừng làm thơ, mẹ đọc khóc nhiều lắm.

Khi tôi ra tù không có việc làm, ở nhà bán hàng nước giúp mẹ, một hôm buồn giở những kỷ vật mẹ giữ trong cái hòm sắt ra xem, có bài thơ tôi viết và những tấm ảnh trong tù, mẹ tôi giữ lại cẩn thận. Tôi lặng người. 

Bây giờ trong văn phòng của tôi ở Berlin, bày biện những đồ cổ đắt tiền từ ngà voi, sừng tê giác. Lúc tôi đeo Patek, lúc tôi đeo Rolex, khi đi Lexus, khi đi Porsche..toàn tiền tôi mua chứ không mượn của ai cả. 

Có người thân mắng tôi là khoe mẽ, thể hiện.

Họ không biết, tôi cũng chẳng muốn làm thế để làm gì.

Tôi làm thế để mẹ tôi ở quê nhà, thấy đứa con xa xôi không biết bao giờ gặp lại, mẹ tôi biết rằng tôi sống ở chốn xa đó rất đầy đủ và sung túc.

– Chốn đó sống sao con ?

Người cha, người mẹ nào mà trong lòng không khắc khoải câu hỏi ấy khi đứa con của mình ở một nơi mà mình không biết cuộc sống ở đó thế nào.

Tôi bảo với chị ở trong Hoả Lò này mà có giấy bút, làm được thơ là thuộc dạng điều kiện cao cấp rồi, mẹ thấy thơ tôi gửi về đừng có buồn.

Rồi tôi lại gửi mẹ bài thơ nữa, đó là bài thơ cuối cùng tôi viết trong tù và hình như là đó là lần cuối tôi làm thơ cho đến giờ.

…con sẽ về thôi mẹ thương ơi

Dầu cho cách trở một phương trời

Sa cơ, lỡ bước đời lao ngục

Trăm đắng phần con, vạn xót lòng người.

Nhưng tôi đang ở trong tù, những cảm xúc lâm ly về tình mẹ con cũng phải có lúc nhường chỗ cho thực tế cuộc sống đầy khắc nghiệt trong buồng giam.

Phòng giam khu A-B trại tạm giam Chí Hoà

Có anh Hùng ở Bạch Mai là lính mới vào buồng, anh có nhiều tiền án, nhà anh quen biết nên lo cho anh vào phòng này. Anh mặc bộ quần áo ga Tô Châu, thứ đồ của những tay anh chị mặc, người anh xăm trổ loang lổ.

Anh nhận quà gia đình, chẳng thèm bớt lại cho anh Kỳ. Đã thế anh đi lại nghênh ngang, khệnh khạng. Lần sau nữa anh nhận quà, thằng chia cơm canh trong phòng nói rất nhẹ nhàng với anh.

– Anh bớt ít cho anh Kỳ.

Anh Hùng trừng mắt chửi.

– Đm chúng mày, định trấn à, của ai người ấy cải tạo nghe chưa ?

Anh Kỳ bảo thằng chia cơm thôi không nói gì nữa. Không khi trong phòng trở nên ngột ngạt, những thứ vui vẻ, hoà đồng đã biến mất. Chắc chả mấy nữa anh Hùng sẽ nắm quyền và thiết lập kỷ luật trong buồng như các phòng giam khác.

Anh Vinh không còn tâm trạng làm thơ, anh và anh Kỳ thỉnh thoảng nhìn anh Hùng lo lắng.

Lại có người mới vào, đó là một thằng bé tội giết người, nó chỉ án có 6 năm. Nó đánh nhau thế nào đâm chết thằng hay bắt nạt nó, trấn lột tiền nó.

Khi nó rón rén vào chào các chú, các anh. Anh Hùng gọi nó xuống cuối phòng hỏi. Anh ngồi trên bục, còn thằng bé ngồi dưới như quan toà hỏi tội bị cáo.

Đó là điều chỉ xẩy ra ở những buồng giam khắc nghiệt và chỉ có đầu gấu nhất buồng mới được phép hỏi han người mới vào như thế.

Anh Hùng hỏi tội gì, án gì, nhà ở đâu, vào đây có biết luật không ?

Mọi người ai cũng nín thinh nhìn anh Hùng hỏi thằng bé.

Lúc anh Hùng cầm cái dép đế dày, chuẩn bị phang vào mang tai thằng bé. Tôi nghĩ đến lúc thằng Hồng đánh tôi ở quận cũng như thế, sự căm tức của tôi trỗi dậy. Tôi đi đến sau anh Hùng, đạp một cái làm anh ngã lộn cổ và chửi.

– Đm mày định làm đầu gấu ở đây à?

Tôi nhảy tiếp xuống dưới, đạp cho anh mấy cái, anh ngoi lên nhưng tôi quật ngã và đấm liên tục vào mặt. Mọi người xô vào kéo ra.

Tôi dõng dạc nói.

– Từ giờ anh Kỳ là trưởng buồng, còn tao giữ trật tự, thằng nào thích bật thể hiện luôn đi.

Mọi người đều đã sống với tôi cả tháng, con người tôi sống chan hoà thế nào họ cũng đã thấy. Tất nhiên họ ủng hộ và đều gật đầu.

Cái buồng tôi ở là buồng ai vào cũng lo tiền hay quan hệ họ hàng dây mơ rễ má với cán bộ. Chính vì thế cán bộ quản giáo để được thoải mái. Anh Hùng nhìn thấy toàn con cừu béo, nên nảy ý muốn làm trùm để chăn dắt, làm tiền. Ý đồ của anh ai cũng đọc được.

Thằng Tuấn Lò Lợn đứng ra bảo.

– Nhất trí Hiếu làm, tôi đồng ý, ai bật thì chơi luôn đi.

Anh Kỳ, anh Vinh và mấy anh lớn tuổi đều nói đồng ý.

Anh Hùng thấy bất lợi, anh ngồi im không nói gì nữa. Đêm hôm đó âm thầm, anh mài cái bàn chải đánh răng nhọn hoắt mà không ai biết.

Sáng hôm sau, khi cả buồng đứng cho cán bộ điểm danh xong, ông cán bộ trực hôm ấy là người đỡ anh Hùng. Ông đóng cửa và đi khuất, anh Hùng rút bàn chải vót nhọn lao từ phía sau đâm tôi.

Thế nào lúc sắp hàng, tôi thấy mắt anh nhìn tôi le lói âm mưu. Nên khi ông cán bộ đi, tôi quay lại xem anh ấy thái độ gì, vì đúng ca trực người đỡ của anh ấy tôi càng phải xem thái độ anh. Khi quay lại thấy anh cầm vật nhọn lao, tôi né được và nắm tay anh quật mạnh qua vai mình, đập anh xuống nền xi măng, anh nằm quay lơ. Tôi tước cái bàn chải và bảo anh Kỳ gọi cán bộ lập biên bản.

Mọi người bàn tán, cân nhắc. Anh Hùng bị đau ngồi im, mấy người lớn đến khuyên can, nói cho anh tính chất của phòng, ai cũng có người đỡ cả, không thể duy trì cuộc sống kiểu khắc nghiệt như buồng khác, đây chỉ là nơi tạm chờ đi trại cải tạo. Xuống trại mới là nơi sống đích thực.

Anh Hùng thấy không thể làm gì được, anh nhận sai và xin lỗi mọi người, hứa sống hoà đồng. Anh bắt tay tôi nói có va chạm mới biết nhau, tôi vui vẻ và thôi bỏ ý định báo cán bộ, đưa lại cái bàn chải vót nhọn cho anh Kỳ.

Đến tối mọi người quây quần, pha trà, cuộn thuốc lào, nói chuyện vui vẻ như chưa có gì xảy ra.

Nửa đêm tôi tỉnh dậy đi vệ sinh, thấy thằng bé mới vào án giết người đang ngồi gục cạnh bể nước. Tôi tưởng nó làm sao, lay vai nó. Nó quay lại nước mắt đầm đìa. Tôi bảo nó về chỗ ngủ đi, nó bảo.

– Em nhớ mẹ em lắm anh ơi.

Tôi dỗ nó về chỗ ngủ, quay về chỗ mình nằm. Chắc mẹ nó cũng như mẹ tôi, trong lòng đang khắc khoải câu hỏi.

– Chốn đó sống sao con?

Tôi lau nước mắt đang chảy và cố ngủ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here