Nhiều đại biểu Quốc hội Việt Nam trong những ngày qua đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến ngành tư pháp hiện nay.
Điển hình như phát biểu của đại biểu Trương Trọng Nghĩa của đoàn thành phố Hồ Chí Minh trong phiên thảo luận về báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, diễn ra ngày 30/3: “Công lý được đảm bảo thì người dân không cần xem phim Bao Công”.
Theo ý kiến của ông Trương Trọng Nghĩa, nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc bản án phải dựa vào kết quả tranh luận tại tòa chưa được áp dụng triệt để.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa nêu lên tình trạng nghi can, bị can chết khi bị tạm giữ- tạm giam vẫn còn. Ông cho rằng dù nguyên nhân là tự tử đi nữa thì đây vẫn là khuyết điểm.
Trong cùng buổi thảo luận, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng của đoàn Bến Tre cũng nêu lên quan điểm cho rằng hiện tượng ‘hòa giải dưới lưỡi dao’, o ép trong hòa giải vẫn còn trong hoạt động tư pháp.
Trước đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga của đoàn Hải Dương, trong phiên thảo luận ngày 29/3, được truyền thông Nhà nước Việt Nam cho hay, đã bày tỏ đau xót khi niềm tin của nhân dân bị một số quan chức biến chất làm xói mòn và hậu quả này còn lớn hơn những thiệt hại kinh tế.
Cũng nằm trong guồng máy về bệnh tham nhũng tiêu cực, các ngành bảo vệ pháp luật cũng không tránh khỏi. Trong đó có Viện Kiểm sát hay Tòa án, thậm chí có cả Công an điều tra. Vấn đề tiêu cực dưới nhiều hình thức vẫn còn tồn tại. – ông Lê Văn Cuông
Trao đổi với RFA tối 31/3, Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn nhận định:
“Những ví von của đại biểu về tình trạng thực thi luật pháp của Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và đúng với thực trạng hiện nay.
Vấn đề này thật ra không chỉ người dân mà chính quyền cũng thấy điều này nhưng hiện nay họ cứ loay hoay chưa giải quyết được.”
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khi góp ý trước Quốc hội cũng nêu lên suy nghĩ cho rằng việc xác định tỷ lệ oan, sai là “rất nguy hiểm”. Do đó, ông Nhưỡng yêu cầu cần lưu ý vấn đề này.
Góp ý về vấn đề vừa nêu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Thanh Hồng lại cho rằng, “vì có oan sai nên đưa ra giải pháp, đưa ra chỉ tiêu, mục tiêu để phấn đấu. Không phải đưa ra chỉ tiêu để thừa nhận nền tư pháp chúng ta có oan sai”.
Còn theo Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính, trong báo cáo nhiệm kỳ của Tòa án Nhân dân Tối cao không có chỉ tiêu oan sai, chỉ nêu tỷ lệ án hủy, án phải sửa theo quy định của pháp luật.
Từ giải thích vừa nêu, Chánh án Nguyễn Hữu Chính cho rằng đại biểu Nhưỡng phân tích vấn đề khác dẫn đến hiểu lầm về chỉ tiêu oan sai.
Ông Lê Văn Cuông, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XI, khóa XII, thuộc đoàn đại biểu Thanh Hóa, nêu lên thực tế hiện nay:
“Việc thực thi công lý Việt Nam dưới sức ép của dư luận cũng như chỉ đạo của Đảng, Nhà nước cũng có những tiến bộ vấn đề án oan sai, hoạt động đáp ứng được những cải cách tư pháp.
Tuy nhiên, cũng nằm trong guồng máy về bệnh tham nhũng tiêu cực, các ngành bảo vệ pháp luật cũng không tránh khỏi. Trong đó có Viện Kiểm sát hay Tòa án, thậm chí có cả Công an điều tra. Vấn đề tiêu cực dưới nhiều hình thức vẫn còn tồn tại.”
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự lâu năm, nghĩ rằng, những nhận xét đưa ra trong buổi hội thảo chỉ nêu những điểm hiện thời, còn nguyên nhân gốc rễ vẫn không được nêu thật cụ thể.
“Có nêu độc lập tư pháp, không có ngành tư pháp, không có ngành tòa án mà mỗi tòa án, mỗi thẩm phán phải độc lập và phải xử theo luật, tranh tụng trên tòa.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, đã là thẩm phán thì không tham gia tổ chức chính trị nào. Tuy nhiên, trong thực tế, tất cả thẩm phán ở Việt Nam hiện đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; trong đó, ông Chánh tòa án Tối cao lại là ủy viên Bộ Chính trị.
Vì vậy, Tiến sĩ A cho rằng, mong ước về tòa án độc lập còn phải đấu tranh dài mới được. Ông lập luận:
“Phải hoàn toàn không dưới sự kiểm soát của bất kể tổ chức chính trị nào, tòa án độc lập là phải như vậy. Vai trò của luật sư phải được đề cao, phải nguyên tắc.
Ví dụ như suy đoán vô tội phải được thực hành, bất kể ai vi phạm những chuyện ấy nghĩa là họ tìm mọi cách quy tội cho người ta mà không có chứng cứ rõ ràng thì những người đó phải bị đuổi ra khỏi tòa án.
Người dân phải lên tiếng mạnh mẽ hơn, các tổ chức xã hội phải lên tiếng mạnh hơn thì lúc đó mới có biến chuyển.”
Đồng quan điểm cho rằng cần tăng cường giám sát của nhân dân cũng như cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện các biểu hiện tiêu cực, xử lý kịp thời, ông Lê Văn Cuông đưa ra đề xuất để cải thiện ngành tư pháp:
“Vấn đề quan trọng là làm thế nào để điều tra, truy tố, xét xử được công khai minh bạch, tránh tình trạng khép kín, nêu cao tinh thần độc lập trong lĩnh vực tư pháp, tránh sự can thiệp của các cấp hoặc bên ngoài.
Thứ hai là chất lượng đội ngũ cán bộ phải được nâng lên, tinh thông và chuyên nghiệp.
Thứ ba là đề cao liêm chính trong hoạt động tư pháp vì đây là tai mắt, chỗ dựa của Đảng và nhân dân, là cán cân công lý.”
Riêng ở Việt Nam có thêm điều nữa là luật pháp chưa hoàn hảo mà người thừa hành cũng chưa có tinh thần tuân thủ pháp luật. Đây chính là điều đáng nói nhất, đẩy tình trạng pháp lý Việt Nam vào tình trạng hết sức bấp bênh, người dân hầu như mất lòng tin rất nhiều về hệ thống xét xử và tình trạng thực thi luật pháp nói chung. – LS. Đặng Đình Mạnh
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, tình trạng luật pháp chưa hoàn hảo ở Việt Nam hiện nay là chuyện bình thường vì trên thế giới vẫn còn nhiều quốc gia cũng bị vấn đề này. Tuy nhiên, điều đáng nói theo ông là:
“Riêng ở Việt Nam có thêm điều nữa là luật pháp chưa hoàn hảo mà người thừa hành cũng chưa có tinh thần tuân thủ pháp luật. Đây chính là điều đáng nói nhất, đẩy tình trạng pháp lý Việt Nam vào tình trạng hết sức bấp bênh, người dân hầu như mất lòng tin rất nhiều về hệ thống xét xử và tình trạng thực thi luật pháp nói chung.”
Do đó, dưới góc độ luật sư, ông Mạnh cho rằng việc tu bổ, bổ sung thêm những điều khoản luật pháp là cần thiết nhưng không quá cần thiết lúc này vì xây dựng luật pháp hoàn chỉnh thật ra là một quá trình lâu dài chứ không phải một sớm một chiều làm được.
Song song đó, các cán bộ công nhân viên chức chỉ cần thực thi luật pháp có sẵn với đúng tinh thần của luật pháp thì chính điều đó cũng đã giúp ích cho tình trạng pháp luật nước nhà rất nhiều.
“Họ cần có một tinh thần chấp pháp tốt, tuân thủ theo luật hiện có và nhà nước phải là cơ quan đứng ra đảm bảo là tất cả cán bộ công nhân viên, nhất là những cán bộ thừa hành trong ngành tư pháp phải thực thi đúng pháp luật. Nếu được như vậy cũng đã rất tốt cho người dân.”
Ông Lê Văn Cuông cũng cho rằng Việt Nam cần đào tạo đội ngũ cán bộ không những tinh thông về nghiệp vụ còn phải liêm chính, không dính vào tiêu cực, tham nhũng hoặc không bị mua chuộc, gây sức ép để bẻ cong cán cân công lý.