Tru Sa: “đừng quên trận chiến giữa đứa con với chính cha mẹ mình”

    0
    3
    Giấc ngủ Việt Nam Photo by Hai Nguyen

    Tru Sa


    Nhà văn Tru Sa 

    Mười Câu Hỏi Phỏng Vấn cho Chuyên Đề Văn Chương Thiếu Nhi/Thiếu Niên

    (1) Những tác phẩm thiếu nhi hoặc thiếu niên nào đã gây ấn tượng sâu đậm với bạn trong thời đi học/đang lớn? Tại sao?

    Sách là mối tình đời đầu tiên gối lên mọi đứa trẻ, tuổi thơ của những đứa trẻ thuộc lứa tôi dẫn từ chuyện ru Tấm Cám, Thạch Sanh Bắn Đại Bàng, những băng đĩa siêu nhân, manga nhiều hơn là sách văn học. Miền Nam trọng văn hóa đọc, còn miền Bắc thì khó hơn, mọi thứ tôi đọc đều được quy ước trong sự nhìn nhận của người lớn và nhà trường. Cuốn sách thiếu nhi đầu tiên của đời tôi là Dế Mèn Phiêu lưu ký và theo ấn tượng của tôi thì đấy là một món quà tồi từ người mẹ có vốn học bổ túc sau quãng ngày đày ải ở vùng kinh tế mới đầy đá sỏi. Chủ đề đời sống sinh hoạt của người khoác dưới lớp vỏ cánh giáp, miêu tả cảnh, điểm mặt các loài côn trùng cùng đặc tính, thói quen, sự trưởng thành qua từng nấc sống khó thuyết phục được tôi. Tôi khác với mọi đứa trẻ đồng lứa, tôi từng là một đứa trẻ ác, thích thú bạo lực và thường xuyên giết chóc bất cứ con trùng nào lọt vào nhà mình. Mọi đứa trẻ đều nâng niu, gìn giữ món đồ chơi mình được tặng còn tôi khoái khẩu việc phá tan từng món đồ, lấy sợi chỉ treo cổ con robot, ném chúng từ trên cao xuống, quật vào nhau như một trận đánh thứ thiệt. Bởi lý do túng thiếu không lo được cho tôi một chiếc máy bay điều khiển từ xa nên cha tôi chỉ mua mấy món lưu niệm hình tàu chiến mua ở vỉa hè, tôi ném vút chiến thuyền từ ban công nhà xuống, tưởng đôi cánh sẽ vút lên ai dè nghiêng ngả, húc thẳng xuống lòng đường, bị nhiếc mắc, tôi vâng ừ cho qua rồi lấy búp bê của bà chị ra, chặt đầu. Tôi vẫn nghĩ mình có một tuổi thơ quá êm, ít sóng gió và được cưng chiều, nuôi nhốt trong nhà, thiên nhiên là thứ xa xăm, luôn lấp ló trong tạp chí ảnh, chương trình truyền hình. Vào năm tôi lên 9, tôi thấy trên giường bà nội để cuốn Toát mồ hôi lạnh, tuyển truyện kinh dị của phương tây, nghe lạ tai, tôi đọc chiếc rương rồi hãi hùng với hình ảnh mỗi tối có bàn tay màu đen thò ra. Truyện tiếp theo là một phân đoạn trích từ Dracula, chính hình ảnh bá tước này đã thắp lên niềm đam mê của tôi với chữ. Tôi không tìm kiếm sự đèm đẹp, ngộ nghĩnh nên thơ theo kiểu răn dạy lòng tốt như lẽ ra phải thế trong cái tuổi chưa hiểu về sự đời, tôi thích sự tưởng tượng hơn là những hình ảnh dân dã, gần gũi, chắc bởi thế dù dế mèn hay bọ cạp cũng khó thuyết phục được tôi, thậm chí ngay bây giờ đọc lại, tôi vẫn tin ý nghĩ của mình thuở đó là đúng. Đọc Dracula, nghĩ mãi, mơ, tôi ngồi vẽ chân dung bá tước vào giấy, xé, vẽ, lại xé rồi vẽ, mộng thấy khuôn mặt răng nanh cợt nhả tôi trong ly rượu máu. Lúc trẻ con là thế, còn khi lớn lên, trong nền giáo dục trọng thành tích của gia đình mình, tôi càng ít có cơ hội đọc sách văn học mà toàn tìm đến manga, đọc mãi cũng chán, cho đến lúc tôi vào lớp 10 thì đọc được truyện “một thầy thuốc nông thôn” ( Kafka) trong phần đọc thêm, sững mình thêm một lần nữa vì sự khó hiểu, quái khí đến lạ thường. Kafka không dành cho trẻ con cũng không hợp với tuổi vị thành niên nhưng riêng tôi thì đấy là thứ chữ tử tế và đắt giá nhất của đời mình. Đám bạn đồng lứa lựa chọn những cuốn sách nuôi dưỡng tâm hồn theo đúng lứa tuổi, còn tôi không có may mắn được lựa chọn thứ mình thích mà luôn bị người lớn chỉ định sự đọc, cho đến khi tôi tìm thấy Dracula và Kafka. 

    (2) Lúc đó bạn thường hay đọc những thể loại văn chương nào? 

    Văn là môn học tôi ghét và thù ra mặt, mỗi lần lật lại sổ học bạ của mình hồi bé tôi còn không tin vào mắt mình, rồi bật cười. Điểm số là lý do tôi không được tiếp cận với những dòng văn chương thực sự. Đọc, học và hành văn theo giáo án của thầy cô, học thuộc lòng để ăn điểm rồi quên sạch sẽ là những gì lứa người bọn tôi gói trong hành lý đời. Miền Bắc, Hà Nội vốn là cái nôi của sự học nhưng đó là trước 1954, lúc đất nước chia đôi thì mọi tinh hoa đất Bắc đã mạo hiểm vào Nam. Tháng 6 vừa rồi, tôi qua chơi với ông Dương Tường, nghe ổng khò khè chút ký ức tiếng rao thuở trai trẻ rồi tắc lưỡi, thở phào, tôi nắm tay Dương Tường, bảo rằng mọi tinh hoa của Hà Nội được tạo dựng bởi những người tỉnh lẻ. Văn phẩm, thơ, nhạc, họa về Hà Nội đều đề tên của người không gốc gác Hà Nội, gia đình tôi luôn ngạo mạn, tự hào về gốc Tràng An nhiều đời và tỏ ra khinh mạn người nhà quê nhưng kỳ thực chính người Hà Nội gốc mới là nỗi nhục của Hà Nội, họ ăn không ngồi rồi, bất tài, khoác lác, ăn bám vào cái mẽ hào hoa hữu danh vô thực, mấy đời chui nhủi trong phố nhỏ ngõ nhỏ chẳng khác gì bầy chuột. Tất nhiên, không phải gia đình nào cũng như gia đình tôi, những tầng lớp trên, có học thức và danh giá hơn, có cơ hội tiếp cận với văn hóa phương tây, họ sẽ giáo dục con cái tốt hơn chứ không gông cổ con trẻ bằng thứ búa tạ trên chính cổ họ. Sự đọc đến với tôi rất muộn, thậm chí quá muộn nhưng chí ít tôi còn may mắn hơn lũ bạn của mình, họ không đọc sách, cho đến lúc đi làm thì chỉ dành thì giờ cho sách dạy làm giàu, tiểu thuyết trinh thám, ngôn tình ba xu. 

    Cắn một điếu thuốc, thả một hơi dài bên cốc café, tôi nhớ là hồi cấp 2 tôi có đọc Những Người Khốn Khổ trong nhà xí, nghe thì rất hài hước nhưng đấy là sự thật của tôi. Mỗi lần vào nhà xí là tôi giấu một cuốn sách mình thích trong bụng, vừa hành sự vừa đọc, có lúc tôi ủ mình trong nhà cầu cả tiếng đồng hồ. Gia đình tôi hoan nghênh văn hóa đọc nhưng khó chấp thuận việc tôi ứng dụng điều đó vào bài kiểm tra trên lớp. Văn nhà trường rồi sẽ vào sọt rác và khi đấy tôi đọc lại từ đầu, việc tôi thi đại học không gì ngoài việc được đọc thứ mình thích trong thư viện. Tạ Duy Anh kể với tôi rằng hồi bé ông cũng là đứa dốt văn, điểm số như thảm họa, lúc thi vào trường viết văn Nguyễn Du, ông thải sạch sẽ mọi thứ chữ nghĩa từng được nạp trong đầu nhưng với tôi ngay cả thứ được dạy trong khoa viết văn cũng cần chọn lọc, thải hồi, bởi lẽ tôi không học thêm được gì từ mấy ông thầy, mọi lời vàng ý ngọc của họ đều là những thứ tôi đã biết.

    (3) Xin hãy kể lại những phương tiện sách báo vào thời điểm đọc sách thời đó: bạn mượn sách từ thư viện nhà trường, từ nơi cho mướn sách, được gia đình mua sách cho đọc, hay tự để dành tiền mua sách báo, v.v.?

    Trước lúc viết văn, tôi theo đuổi giấc mơ họa sĩ, tự học, tự vẽ, tham gia nhiều khóa học đằng đẵng 10 năm rồi phải bỏ bởi tôi không có tài vẽ. Bỏ vẽ, tôi viết như một sự đền bù và chính lúc đó tôi bắt đầu đọc, lấy sự đọc làm dinh dưỡng bồi bổ. Lúc đầu, tôi hay mượn sách của họ hàng nhưng họ quá keo kiệt và chỉ cho mượn 3 ngày, sau đấy tôi mượn sách của mấy người quen trong trường đại học, rồi tự kiếm tiền mua sách cho đến lúc làm thẻ thư viện thì tôi dành trọn thời gian ở đấy. Tôi không ngồi lì trong thư viện mà mượn sách về đọc, lúc mạng xã hội phát triển thì tôi đọc trên net nhiều hơn, vừa miễn phí vừa thoải mái về thời gian, tiếp cận được nhiều nguồn thông tin hơn. 

    (4) Bạn nhận được những thông tin hoặc nhận xét về các tác phẩm thịnh hành/đáng đọc từ đâu: bạn bè, nhà trường, người thân, v.v.?

    Tôi và gia đình mình tồn tại trên danh nghĩa ruột thịt chứ giữa tôi với họ không có thiện chí về việc chia sẻ. Họ thích tán dóc thời sự, ngắm nghía thói xấu của người khác và nhắm ống mắt vào chuyện tiền, của cải, đất đai, một công việc hái ra tiền chứ không một ai có nhu cầu suy tư, họ đọc cho hết chữ, tóm chắc cốt chuyện mà không thèm biết mật nghĩa sau những hàng chữ. Trường cấp 2, cấp 3 không đếm xỉa đến thông tin ngoài trường, thành ra tôi rất mù lòa về sự tình sách vở, còn lúc vào đại học thì mấy ông thầy chỉ điểm qua vài đầu sách mới, giải này giải kia, lúc J.M.G. Le Clézio ẵm Nobel, bạn bè tôi hùa nhau tìm đọc, còn tôi chỉ nghe cho biết, khi người người săn tìm Haruki Murakami thì tôi lờ đi, cho đến lúc cơn sốt lắng đi, không ai bàn đến tôi mới tìm đọc, thường thì mọi lời chèo kéo theo kiểu cổ động luôn làm tôi thất vọng, cả Murakami lẫn Le Clézio vẫn chỉ ở ngưỡng trung bình khá chứ chẳng xuất sắc như người ta đồn. Bạn bè sinh viên của tôi rất nhiều mà thành ra chẳng có ai, tôi chơi với họ nhưng không ở đó, nên vẫn âm thầm một mình một lộ, chẳng ai biết tôi đọc gì cho tới lúc tôi viết, họ đọc và bảo tôi vứt sọt rác. 

    (5) Bạn có thường trao đổi về những tác phẩm, hay những nhân vật mà bạn yêu thích với bạn bè? Ở lứa tuổi nào bạn bắt đầu có những trao đổi về sách báo, văn chương?

    Tuổi nhi ấu, tuổi niên thiếu bọn trẻ miền Bắc bọn tôi không may mắn như bây giờ. Tôi bị ách vào trò điểm số, học ở trường, học thêm, bán trú, nhồi vào óc đủ loại kiến thức vô nghĩa. Bọn con trai rất kém văn và lúc tôi bắt đầu đọc sách (niềm đam mê của tôi với văn học bắt đầu từ những bài bình của Vũ Đức Sao Biển sau cuốn manga Phong Vân, đấy là thứ chữ khác hẳn những bài giảng trên lớp, trong sách văn mẫu, bồi dưỡng học giỏi.) thì tôi hay trao đổi về mấy tác phẩm mình đọc trong sách Ngữ Văn với mấy đứa con gái. Lạ. Họ nói một kiểu, tôi nghĩ một lối, thậm chí tôi lấy làm lạ khi mấy con nhỏ thuộc hạng đầu trong đội tuyển thi văn thành phố vẫn đọc, hiểu theo lý thuyết có sẵn. Đứng ở vị trí bây giờ thì tôi hoàn toàn giải được câu hỏi năm xưa của mình, tôi không trách bọn họ bởi họ cũng như tôi cùng hang ngàn đứa học sinh ở miền Bắc, đều tiếp cận tác phẩm qua giáo án của thầy, buộc phải hiểu theo chiều hướng có lợi cho bài kiểm tra. Lúc học trường viết văn, tôi cũng không trao đổi được với ai, nhưng lúc ra trường rồi, tôi có nói chuyện lại với một đứa bạn và cảm thấy hợp ý nên duy trì mối quan hệ này cho đến bây giờ. Đứa bạn đó mải làm ăn, chồng con nên không cập nhật được chuyện sách vở nhưng mỗi lần hẹn hò café, tôi có giới thiệu, chia sẻ sách mình đọc, nghe bạn kể lại thời sinh viên đã mê mẩn Đồi gió hú, nghiền đến bội thực Haruki, Banana Yoshimoto thế nào, thì tâm trạng của tôi lắm lúc chỉ là sự tiếc nuối bởi mình thiếu may mắn phải trải qua một tuổi trẻ buồn, lời thật giấu trong bụng, chỉ biết nói chuyện hão. Đến năm 26 tuổi tôi mới biết đến văn học miền Nam, còn đứa bạn tôi hoàn toàn mù mờ thơ Nguyễn Tất Nhiên, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, chẳng còn nhớ một Võ Phiến tài hoa lắm tật, một Mai Thảo đàn anh của mọi đàn anh, một Dương Nghiễm Mậu kiêu hùng giữa bốn bề hung hiểm…tôi nghe và hiểu, thời đó thông tin bị giấu nhẹm, không ai nói cho chúng tôi biết, văn học Việt Nam đất Bắc để ngỏ phần văn học miền Nam, giai đoạn vàng ròng và vượt trội hơn cả thời Nhân Văn Giai Phẩm và Đổi Mới 1986. Bởi tôi không thể tìm thấy trong thời điểm internet chưa phổ biến, đến giờ mới lục thấy, thật trễ nhưng chưa quá muộn. 

    (6) Những tác phẩm, nhà văn, hay những nhân vật ấn tượng này có làm bạn muốn trở thành một người viết? Tại sao (có hay không)?

    Đâu phải đọc nhiều, ghì, mài bập bùng lửa mê là có thể viết văn, dù có yêu quý, ngưỡng mộ tác phẩm hay nhà văn thì việc viết theo họ là không thể,. Tôi rất rạnh ròi giữa việc viết vì thiên hướng với việc viết để bắt chước, học đòi văn chương, tôi đã thấy rất nhiều người say đà vào mẽ văn chương rồi tự mê muội bản thân trong chứng hoang tưởng khó cứu chữa. Cố viết chỉ hỏng và nếu bạn đam mê văn học thì vẫn cứ viết, chớ vội nghĩ mình sẽ tựu thành trong cõi trời luôn dọn sẵn đất chết cho những tay viết thực sự. Riêng tôi, tôi vẽ trước khi viết văn và viết văn trước khi đọc sách, theo ý nghĩa đọc một cách chủ động chứ không phải mấy trang lẻ, mấy đầu sách lướt qua mắt rồi chìm lắng vào nhớ quên. Tôi không lựa chọn công việc viết văn, thậm chí tôi không tin rằng có ngày mình sẽ theo con đường này. Việc tôi duy trì, viết nghiêm túc cho đến bây giờ đều vì một câu nói của Võ Thị Hảo, viết là khả năng duy nhất của em, cũng là điều em nên làm, cô nói vậy trong lần gặp cuối cùng, 3 năm sau cô chào nước Việt, sang Đức định cư. Đến giờ, tôi vẫn ăn năn vì lúc cô hướng dẫn bảo vệ tác phẩm tốt nghiệp, tôi chỉ gửi cho cô những truyện trung bình, giá như tôi có dịp gặp cô trước thì đã không hẹp hòi nghĩ rằng Võ Thị Hảo cũng như mọi nhà văn đứng lớp giảng dạy văn học Viết văn chưa bao giờ là ý muốn của tôi, nói một cách trung thực và thẳng thắn nhất thì tôi bị buộc phải viết văn, tôi chọn văn chương như con đường máu duy nhất và cuối cùng của đời mình. Chỉ khi cầm bút, viết xuống, tôi mới nhìn thấy rõ hơn suy nghĩ của mình, chính văn chương đã thanh tẩy đi mọi uế bẩn, sự tào lao, tầm thường của con người cũ trong tôi, đọc để biết và có dịp ngẫm ngợi và viết để thấy mình còn sống. Từ lúc viết văn đến giờ, tôi chưa mang lại điều gì cho người, cho đời, thậm chí chính bản thân tôi, tôi chưa kiếm được một đồng cắc nào từ văn chương, không bàn đến bài lẻ nhăng nhít đăng báo lá cải, thứ chữ tốt nhất của tôi phần lớn nằm trong ngăn kéo, đăng các tạp chí mạng phi lợi nhuận, muốn in sách tôi phải bỏ tiền túi ra, sách được in thì trả nhuận bút bằng sách, nghĩa là tôi phải đem bán nếu muốn đi café, mua áo mua quần. Sự phát triển của tôi gắn với những gì tôi viết và tôi mang ơn vì mình đã bị chọn phải cầm bút, bởi chính lúc viết văn tôi có thể liên kết mình với người khác, ví như Đỗ Hoàng Diệu, Tạ Duy Anh, Phạm Toàn–thầy tôi, quan trọng hơn là cô Thụy Khuê, người vẫn siêng năng thư từ, thăm hỏi, đọc mọi bản thảo tôi gửi, mọi lá thư tôi viết rồi phản hồi sớm nhất có thể. Những người tài danh, là cốt tủy của dân tộc tôi chỉ được nghe cho biết, đọc họ trong sự nể phục âm thầm chứ đâu ngờ được sẽ có lúc mình được gặp, tiếp chuyện và kéo dài mối liên kết thành một cuộc đời. Tôi không tin mình giỏi thuyết khách, càng không tin những gì tôi viết đủ cám dỗ để họ phải hạ mình làm thân với tôi, biết đâu đó là sự kỳ diệu của nghệ thuật, thứ vô nghĩa không mang lại ích lợi gì nhưng chỉ nghệ thuật mới tạo ra số phận mới, liên kết mọi bờ cõi thành một trạm chờ, bàn ghế được sưởi ấm bởi giọng nói của nhiều thế hệ, lạ mặt nhưng đã quen lòng. 

    (7) Bạn có bao giờ đọc lại những tác phẩm ngày còn bé hay mới lớn? Cảm giác sau (những) lần đọc lại ra sao? 

    Tuổi 16, tôi đọc Người trong bao trong sách Ngữ Văn phân ban lớp 11 và Một thầy thuốc nông thôn ở mục đọc thêm (không dạy), cả Chekhov và Kafka tôi đều đọc cho đến bây giờ, lâu lâu lại tìm đọc để hiểu xem mình vẫn dừng chân ở lộ cũ hay đã ngang vào chuyến đò mới. 

    (8) Tại sao bạn vẫn nghĩ về các tác phẩm/nhà văn này? Hoặc, tại sao bạn không còn nghĩ về họ như vậy?

    Với tôi, Chekhov là một người thầy đáng kính, cả về tài năng lẫn con người còn Kafka là một người bạn. Suy nghĩ của tôi về Chekhov trước giờ vẫn vậy và sẽ không bị thay đổi dù nhiều truyện ngắn của ông tôi xem lại không còn thấy hay, đối với anh chàng quạ gáy xám thì tôi lại nghĩ khác. Văn chương của ông ấy ngày một gần gũi với tôi, lắm lúc tôi thấy bản thân mình trong cuộc đời ông, đọc Kafka cũng là để hiểu ông ấy, hiểu mình, thương cho một kỳ tài được Chúa đãi ngộ một bàn tiệc đầy rắn rết. 

    (9) Theo bạn thì một tác phẩm viết cho thiếu nhi/thiếu niên, nếu thành công, phải hội đủ những yếu tố nào? Tại sao?

    Toto-chan, cô bé bên cửa sổ của Tetsuko là cuốn sách thiếu nhi/thiếu niên xuất sắc nhất, với tôi ngay cả khi tôi đọc ở ngưỡng tuổi trưởng thành. Thể loại sách viết cho thiếu nhi, lớp thành niên không cần quá cầu kỳ ở ngôn ngữ và bút pháp. Kinh nghiệm đọc của tôi thì một cuốn sách chuẩn mực nhất ở thể loại này thì cần một văn phong đơn giản, ngôn ngữ chính xác và trong trẻo và nghiêng về tính nhân văn trong khuynh hướng bồi bổ sự trưởng thành. Yếu tố giáo dục, hướng thiện rất khó thành công, người viết cần phải đặt mình trong mỗi đứa trẻ nhưng đứng ở vị trí của bản thân mình lúc trước, nhìn lại từ đầu quãng đời trước khi trưởng thành. Dế mèn phiêu lưu ký được cho là cuốn sách thiếu nhi hay nhất nước Việt nhưng tôi thì nghĩ khác, Tô Hoài vẫn gượng mình vào sự giáo điều, răn dạy đầy bắt buộc, điều này khó trách bởi ông ấy đã được giáo dục như vậy, nên theo thói quen người ta dạy lại hậu bối những thứ mình có. Đúng sai là chủ đề muôn thuở, một cuốn sách hay dành cho tuổi chớm lớn thì cần chỉ dẫn sự đúng sai, mọi phán xét thuộc về người đọc chứ không phải lựa chọn của người viết sách. 

    10) Một tác phẩm viết cho thiếu nhi/thiếu niên có nên bảo vệ tinh thần trẻ em/thiếu niên, tránh những đề tài có thể làm các em bị sốc, tránh đoạn kết bi thảm, hay không? Đề tài, đoạn kết nào nên được tránh? Tại sao (nên/không nên tránh)?

    Bảo vệ trẻ nhỏ là trách nhiệm của mọi thế hệ, những người lớn đấy cũng là việc cần thiết để nhìn nhận, đánh giá bản thân mình, sự phát triển của một quốc gia không nằm ở sự thịnh vượng của triều đại, binh chủng hay rừng muôn bạc bể mà chính ở nền giáo dục mà mỗi đứa trẻ là bằng chứng tốt nhất. Những nước phương Tây luôn có chính sách đãi ngộ đặc biệt với trẻ em và thiếu niên, nhưng phương Đông không may mắn như vậy, nhất là những quốc gia đã bị phó thuộc vào thứ di sản lỗi thời của đạo Khổng. Bảo vệ tinh thần cho trẻ nhỏ không đồng nghĩa bới biệc bao bọc, nuông chiều trong nhà tù bánh ngọt, vai trò của người lớn là uốn nắn và chỉ đường. Chủ đề sách dành cho thiếu nhi vốn rất hẹp, phần lớn xoay quanh tình bạn, gia đình và sự khám phá thế giới, Alice ở xứ thần tiên là tác phẩm dành cho mọi lứa tuổi và rất phù hợp cho lũ trẻ đang háo hức về cuộc sống xung quanh. Sự bảo vệ tốt nhất, nhiều khi nằm ở cách ứng xử của người lớn với suy nghĩ của trẻ con, xúi quẩy cho thay đời tôi và nhiều đứa thuộc lứa cuối 80, đều là bất bình đẳng với trẻ nhỏ, họ áp đặt và thao túng trí tưởng tượng của con trẻ bằng tư tưởng của mình, biến con mình thành con rối, chỉ được nghĩ theo một chiều chứ không có sự trao đổi, lắng nghe. Truyện cổ tích, truyện cổ Grimm là thứ được viết lại thành nhiều dị bản và khó thích hợp cho tâm hồn trẻ con, tôi đồng thuận với việc hạn chế những chủ đề quá bạo lực, bi đát ở mức thấp nhất nhưng đến một lúc nào đấy, khi con trẻ đủ lớn thì cũng là lúc chúng được quyền biết về phần kết thực sự của những tác phẩm nhiệm màu kiểu Bạch Tuyết, Cô Bé Quàng Khăn Đỏ. Hiện thực đời sống ngày hôm nay quá bất an, đầy nguy hại từ khắp mọi nơi nên việc tiết chế những chủ đề gây sốc sẽ giúp tâm hồn trẻ con không mất đi sự trong sáng. Với những phần kết unhappy kiểu Nàng Tiên Cá thì vẫn có thể giữ nguyên, nếu đứa trẻ buồn, khóc cho nàng tiên cá, thì chúng ta có thể ngồi đó cùng chuyện trò với con/cháu/em mình. Bạo lực, máu me thì phủ lụa lên còn nỗi buồn, sự thất vọng cần giữ lại bởi đấy là thứ thuần túy của một trái tim, nếu đứa trẻ buồn bởi ai đó, khóc vì người bạn bị ốm, con mèo đi lạc không về, cáu kỉnh, tức giận bởi sự khôn lỏi của nàng Tấm thì đấy là một tín hiệu tốt, đầy cá tính. 

    Thời của tôi qua rồi, tôi đang già và không kết hôn, quyết không sinh con như đấy là sự trừng phạt đầy ám ảnh tôi dành cho cuộc đời mình. Người trẻ bây giờ năng động, giàu sức sống, dám nghĩ dám làm, dám cắt đứt thứ lề thói tam đại đồng đường nên tôi hoàn toàn hy vọng về một sự giáo dục tinh thần, từ chính những người mẹ người cha chứ không phải nền giáo dục trục lợi trên sách giáo khoa. Đừng quên, luôn có một cuộc chiến đợi chờ trước mắt, trận chiến giữa đứa con với chính cha mẹ mình.