Thượng đỉnh 7 quốc gia công nghiệp hùng mạnh nhất thế giới lần thứ 47 kết thúc chiều 27/05/2017 tại Taormina, đảo Sicilia, Ý. Tuy bất đồng sâu rộng trên hồ sơ biến đổi khí hậu vì chủ trương trái chiều của tổng thống Mỹ, thủ tướng nước chủ nhà Paolo Gentiloni nhấn mạnh đến các điểm đồng thuận tích cực, từ chống khủng bố trên toàn cầu đến tình hình nóng bỏng tại châu Á như hồ sơ Bắc Triều Tiên, và xung khắc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Liên quan đến Biển Đông và Biển Hoa Đông, G7 bày tỏ lo ngại về diễn biến tại đây. Tuy không chỉ đích danh Trung Quốc, bản thông cáo chung nhấn mạnh đến các nguyên tắc quốc tế cũng như Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển UNCLOS. Khác với tuyên bố tại Ise-Shima, Nhật Bản, năm 2016, lần này G7 « kiên quyết chống lại mọi hành động đơn phương có thể làm căng thẳng gia tăng » và kêu gọi « phi quân sự hóa ở các khu vực tranh chấp ».
Về bản thông cáo chung do chính phủ Ý công bố, từ Taormina, đặc phái viên Romain Lemaresquier tường trình :
« Cuối cùng, G7 cũng tìm được đồng thuận tương đối trên các hồ sơ được thảo luận trừ vấn đề biến đổi khí hậu. Trong bản thông cáo chung, G7 ghi nhận lập trường của Mỹ, cần thời gian suy nghĩ và sẽ thông báo quyết định đi hay ở vào tuần tới. Trong khi đó, 6 nhà lãnh đạo còn lại cam kết tuân thủ hiệp định COP 21, chống trái đất bị hâm nóng.
Về thương mại quốc tế , G7 thành công duy trì nước Mỹ trong khuôn khổ đa phương trong khi Donald Trump chủ trương co cụm. Hồ sơ di dân nhập cư, tuy nghiêm trọng, nhưng không đạt được tiến bộ cụ thể. Trái lại, cuộc chiến chống khủng bố là hồ sơ được 7 nước đồng ý nhanh chóng nhất ngay trong ngày họp đầu tiên. Bản thông cáo chung còn kêu gọi những tác nhân internet gia tăng phương tiện phát hiện các nội dung kích động dùng bạo lực.
Một hồ sơ quan trọng khác mà mọi người mong chờ là quan hệ với Nga. G7 khuyến cáo Matxcơva tôn trọng lịch trình thỏa thuận ngưng bắn Minks, nếu không sẽ bị trừng phạt thêm. Thái độ triệt để ủng hộ chế độ Syria của Nga cũng được G7 xem xét kỹ và kêu gọi một cuộc ngưng bắn thật sự và một giải pháp chính trị.
Tuy có nhiều hồ sơ được bàn thảo trong hai ngày thượng đỉnh, nhưng không một thỏa thuận nào có tầm cỡ. Đây có lẽ là sự kiện làm nhớ đến thượng đỉnh thứ 43 của G7, vừa kết thúc tại Taormina, nước Ý ».
Phản ứng của Trung Quốc
Về phản ứng của Trung Quốc trước tuyên bố G7 liên quan đến Biển Đông và Biển Hoa Đông, theo Reuters, hôm nay, phát ngôn viên Lục Khảng của bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh cam kết giải quyết tranh chấp với các nước « thông qua đàm phán để đảm bảo hòa bình và ổn định ». Bắc Kinh hy vọng nhóm các nước G7 và các quốc gia khác không can thiệp và tôn trọng nỗ lực giải quyết tranh chấp của các nước trong khu vực, và đề nghị G7 « ngưng các tuyên bố vô trách nhiệm ».
G7 răn đe Bắc Triều Tiên
Về tình hình bán đảo Triều Tiên, bản thông cáo chung G7 cho rằng Bắc Triều Tiên càng ngày càng trở thành « nguy hiểm cho hoà bình và ổn định » thế giới, với tham vọng trang bị vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. G7 đã sẵn sàng ban hành thêm biện pháp trừng phạt.
Là thành viên của G7, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hài lòng vì hồ sơ Bắc Triều Tiên được G7 « xem là ưu tiên trong số các ưu tiên ». Hàn Quốc và Nhật Bản là hai nước bị đe dọa trực tiếp.
Dường như để thách thức thế giới, trong bản tin hôm nay, chủ nhật 28/05/2017, hãng KCNA của Bình Nhưỡng loan báo lãnh đạo Kim Jong Un « giám sát một hệ thống phòng không mới », nhưng không nói rõ lúc nào và ở đâu.
Các nhà nghiên cứu bảo mật đã phát hiện ra một chiến dịch hack tinh vi và gửi tin tức giả mạo nhắm vào hơn 200 tài khoản Gmail.
Newsvietuc – Hacker tại Nga dường như đã tìm ra cách để qua mặt bộ máy kiểm duyệt của Gmail nhằm xâm nhập vào tài khoản người dùng nhờ vào chính các dịch vụ của Google.
Hôm thứ Năm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một chiến dịch gián điệp và thông tin giả mạo từ Nga sử dụng email được thiết kế tinh vi để lừa người dùng “dâng” mật khẩu cho tin tặc mà không hề hay biết. Đó là một kỹ thuật lừa đảo nhắm tới hơn 200 nạn nhân, gồm các nhà báo và nhà hoạt động chính trị của chính phủ Nga, cũng như những người có liên hệ với quân đội Ukraina và các quan chức cấp cao trong các công ty năng lượng trên thế giới.
Người dùng Gmail đang đứng trước mối nguy hiểm từ chiến dịch tấn công tinh vi
Nhóm Citizaen Lab thuộc trường Munk – Đại học Toronto đã xác định được số nạn nhân dựa vào dấu vết trong hai email lừa đảo gửi đến David Satter, một nhà báo và nhà nghiên cứu người Mỹ.
Vào ngày 7/10, Satter nhận được email mạo danh có thiết kế trông giống như từ bộ phận hỗ trợ của Google nội dung thông báo có ai đó đã đánh cắp mật khẩu tài khoản. Trong thư gợi ý ông cần thay đổi mã bảo vệ bằng cách nhấp vào đường dẫn đi kèm.
Cũng giống như các cuộc tấn công lừa đảo nhắm vào chiến dịch tranh cử của Hillary Clinton dẫn tới vụ rò rỉ thư điện tử của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ (DNC) hồi năm ngoái, email đó không phải đến từ Google. Trên thực tế, chúng là sản phẩm của nhóm tin tặc có tên Fancy Bear hoặc APT28 xuất phát từ Nga.
Email khuyên người dùng nhấn vào nút “Change Password”
Nút “Change Password” được liên kết với một URL dạng rút gọn từ dịch vụ Tiny.cc, một đối thủ cạnh tranh của Bitly. Tuy nhiên, hacker đã khéo léo thiết kế trang đích thành liên kết hợp pháp nhờ sử dụng AMP của Google (Trang trên thiết bị di động được tăng tốc – Accelerated Mobile Pages). Đây là dịch vụ để tạo trang web nhẹ và tải nhanh, phù hợp với thiết bị di động của gã khổng lồ tìm kiếm. Đáng chú ý, chúng lại được tạo một bản sao trên máy chủ của Google và hoạt động như một chuyển hướng trang đích.
Di chuột vào sẽ thấy địa chỉ dạng Google.com/amp trông rất an toàn
Theo các chuyên gia tại Citizen Lab, hacker sử dụng Google AMP để lừa nạn nhân tin rằng đó là email từ Google. John Scott-Railton, nhà nghiên cứu cao cấp tại Citizen Lab cho biết: “Đó là cuộc chơi may rủi, bạn không thể câu được mọi con cá nhắm tới, nhưng vẫn có tỷ lệ phần trăm nhất định sập bẫy”.
Nếu di chuyển trỏ chuột vào liên kết để kiểm tra, nạn nhân sẽ thấy một URL dạng Google.com/amp trông rất an toàn theo sau là dạng rút gọn của Tiny.cc. Ví dụ như: https://www.google.com/amp/tiny.cc/abcd .
Tin tặc còn dùng Google Plus để lừa người dùng
Thủ thuật dùng dịch vụ chuyển hướng của Google có thể qua mặt được bộ lọc của Gmail. Chưa hết, Citizen Lab còn tìm thấy địa chỉ rút gọn dạng Tiny.cc trỏ tới trang Google Plus chứa hình ảnh cảnh báo bảo mật trông chẳng khác gì của Gmail. Rất có thể, tin tặc dùng để nhúng vào các email lừa đảo nhằm tránh khỏi sự kiểm soát của Google.
Người dùng nên cảnh giác trước những email lạ hoặc kiểm tra kỹ địa chỉ thư tránh bị lừa. Mới đây, “đại dịch” WannaCry cũng lây nhiễm một phần qua cách thức đường link đi kèm trong mail. Đó trở thành bài học đắt giá cho những ai thiếu cảnh giác trong việc bảo vệ chính mình.
Hộ khẩu là một phương thức quản lý nhân khẩu của một số quốc gia tại Á Đông. Trong phương thức này, đơn vị quản lý xã hội là hộ gia đình, tập thể do một chủ hộ chịu trách nhiệm. Sổ hộ khẩu do cơ quan công an cấp. Khi sinh ra, con được nhập theo hộ khẩu của cha mẹ.
NewsVietUc – Chế độ hộ khẩu tại Việt Nam được hình thành để kiểm soát trật tự xã hội và quản lý nhà nước về kinh tế, dựa theo hình mẫu của Trung Quốc.
Hãy cùng tác giả bài viết tưởng tượng xem một ngày nào đó khi chính phủ Việt nam ra quyết định ngay lập tức “bỏ hộ khẩu cho tất cả công dân Việt nam”. Điều này sẽ gây ra điều gì, nghĩa là từ nay:
Dân chúng không còn bị phân chia theo từng vùng mà chỉ là công dân Việt Nam.
Từ nay tất cả công dân đều chỉ có một thẻ duy nhất, đó là Thẻ Công Dân ở nội địa và hộ chiếu khi ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Sổ hộ khẩu hiện nay tại Việt nam
Vậy chuyện gì xảy ra sau đây. Không thể tưởng tượng được:
Việt kiều về Việt Nam mua nhà về hưu, giờ không cần hộ khẩu để mua nữa.
Thủ tục hành chính bị giảm cho dân chúng được giảm đi 90% vì không còn sổ hộ khẩu nữa.
Anh trai người Lạng Sơn có thể mua xe máy ở Cà Mau và đăng ký đứng tên ngay ở chỗ bán, không cần phải quay về địa phương mua như trước đây nữa.
Bảo Hiểm Y Tế được bao toàn quốc, không còn chuyện chỉ được khám nội tuyến ở trong vùng nhất định.
Những hộ kinh doanh nhà trọ, nhà nghỉ và khách sạn không cần phải đi đăng ký “tạm trú tạm vắng” cho khách mỗi ngày nữa.
Công an không còn việc kiểm tra tạm trú tạm vắng nữa.
Cái mác “Hộ Khẩu trai Hà Nội” bây giờ chẳng còn giá trị gì cả.
Mấy cò làm hộ khẩu giờ thất nghiệp hết, giờ đâu có ai làm nữa đâu mà cần.
Đăng ký kết hôn bây giờ rất nhanh và đơn giản. Tới bất cứ một Ủy Ban Nhân Dân nào làm cũng được cả.
Đi làm thì không cần kiểm tra Sơ Yếu Lý Lịch nữa, khỏi tốn xăng về địa phương xác nhận.
Những người làm Air BnB có thể hạ giá xuống vì không cần phải đóng tiền thuế cho địa phương mỗi tháng.
Người nước ngoài tới Việt Nam sinh sống không cần phải đăng ký tạm trú nữa.
Bạn có thể dẫn bạn về nhà ở hằng năm trời mà không phải lo lắng gì việc khai báo tạm trú tạm vắng ngoài phường.
Những người mua bán địa ốc có thể đi vòng vòng, ngủ đêm ở chỗ này, đêm ở chỗ nọ mà không lo sợ nghe tiếng gõ cửa vào nửa đêm.
Khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam tự nhiên được thu hẹp và giảm phân nửa.
Học sinh có thể học bất cứ trường nào, nhưng ưu tiên trường địa phương. Không còn chuyện phải có tạm trú hay thường trú mới được học trường công.
Cái Hộ Khẩu được lưu lại để làm kỷ vật lịch sử cho thế hệ sau.
Báo Wall Street Journal kêu gọi quyết định bỏ hộ khẩu của Việt Nam là “một bước đi vô cùng đáng khen và Trung Quốc nên học hỏi.”
Từ nay người Việt Nam có thể tự do đi lại trên đất nước mà không ai kiểm tra hay phải đăng ký gì cả.
Và cán bộ ngành công an tuyên bố nghỉ việc 50%. Bên đội kiểm tra hộ khẩu thì sa thải toàn bộ. Ngành công an hành chính bây giờ không còn hot như ngày xưa khi có hộ khẩu nữa.
Ngoài sổ hộ khẩu thì còn loại sổ tạm trú đang được các cơ quan công quyền quản lý tại Việt nam
Không còn phiền hà, không còn xách nhiễu, không còn chuyện bực bội, không còn phân biệt dân tỉnh với dân thành phố, tất cả công dân đều như nhau. Một đất nước Việt Nam thật tươi đẹp và đáng sống khi ‘Việt Nam bỏ hộ khẩu‘.
Dù chỉ là một giả thuyết không thực tế, nhưng những phân tích trên đây sẽ khiến cho bạn đáng phải suy nghĩ theo hai hướng khác nhau.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 26 tháng 5 lên tiếng nói rằng vấn đề Bắc Hàn sẽ được giải quyết nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể sẽ giải quyết thế nào.
Tổng thống Donald Trump nói điều này trước khi bước vào cuộc họp với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngay trước thượng đỉnh G7.
Chỉ vài tuần trước đây, tổng thống Trump còn nói rằng vấn đề với Bắc Hàn là vấn đề lớn, và là vấn đề của cả thế giới. Ông cũng gọi lãnh tụ Kim Jong Un của Bắc Hàn là một kẻ thần kinh có vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Hoa Kỳ cho biết vấn đề về chương trình tên lửa và hạt nhân của Bắc Hàn sẽ được thảo luận trong thượng đỉnh G 7 tới đây.
Bắc Hàn trong năm nay đã phóng nhiều vụ thử tên lửa bao gồm cả vụ phóng tên lửa tầm trung Hwasong – 12 trong tháng này mà Bắc Hàn nói là có thể mang theo đầu đạn hạt nhân. Các vụ phóng thử tên lửa của Bắc Hàn đã làm nhiều nước lo ngại và gây thêm căng thẳng với Washington.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã nhận ra giới hạn thời gian mà nước này có trong việc kiểm soát chương trình hạt nhân của Bắc Hàn qua đàm phán và sẵn sàng cho những biện pháp trừng phạt thêm nữa đối với Bình Nhưỡng.
Bà Susan Thornton, quyền trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nói trong cuộc họp báo hôm 26 tháng 5 tại Bắc Kinh rằng Trung Quốc đã hiểu rằng Mỹ coi vấn đề Bắc Hàn là khẩn cấp. Người đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói rằng Trung Quốc biết nước này không còn đủ thời gian để có thể thuyết phục được Bắc Hàn quay lại bàn đàm phán.
Bà Susan Thornton cho biết Hoa Kỳ sẽ thảo luận với Trung Quốc một nghị quyết mới của Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc về các biện pháp tiền đàm phán để giảm sự chậm trễ trong các phản ứng trước những vụ thử hay hành động gây hấn của Bắc Hàn trong tương lai.
Nam Hàn hôm 26 tháng 5 cho biết nước này sẽ cho phép một nhóm dân sự được liên lạc với Bắc Hàn trong công tác chống dịch sốt rét. Đây là lần đầu tiên Nam Hàn cho phép có những trao đổi dân sự qua biên giới với Bắc Hàn kể từ sau vụ thử hạt nhân lần thứ tư của Bình Nhưỡng vào tháng 1 năm 2016.
Bộ Thống Nhất của Nam hàn cho biết Phong Trào Chia Sẻ Triều Tiên trụ sở tại Seoul sẽ được phép có liên lạc với Bắc Hàn để thảo luận cách đối phó với dịch sốt rét. Người phát ngôn của Bộ này, Leeê Eugene cho biết mặc dù chính phủ mới của Nam Hàn vẫn có lập trường cứng rắn đối với những hành động gây hấn của Bắc Hàn nhưng rõ ràng là mối quan hệ đang xấu đi giữa hai miền không phải là lý tưởng để có thể làm ổn định tình hình bán đảo Triều Tiên.
Nhóm dân sự cho biết họ sẽ liên hệ với Bắc Hàn qua email để tìm cách cung cấp cho miền Bắc thuốc diệt côn trùng, các bộ xét nghiệm, thuốc tránh muỗi và màn. Lần cuối cùng nhóm này gửi các vật dung chống sốt rét cho miền Bắc là vào năm 2011.
Hằng chục người dân, cũng là giáo dân Công giáo, tại huyện Quỳnh Lưu, tinh Nghệ An bị hành hung đến thương tích nặng vào sáng ngày chủ nhật 28 tháng 5.
Những người dân tại xứ Phú Yên và giáo họ Văn Thai thuộc xứ Song Ngọc được yêu cầu đến Ủy ban Nhân dân xã Sơn Hải đón người theo lời của một viên chức công an xã Sơn Hải, nơi có giáo họ Văn Thai.
Người được công an thông báo đến đón về là cô Nguyễn Thị Trà, giáo dân Xứ Phú Yên. Cô này vào khoảng 10 giờ sáng ngày 28 tháng 5 đi đến xóm 9, xã Sơn Hải và nhận thấy có những sự kiện mà theo cô là đáng ghi nhận nên lấy điện thoại ra quay lại. Tuy nhiên, theo những người địa phương cho biết lại thì cô bị một số phụ nữ phát hiện nên ra tay đánh cô này. Dù công an có xuất hiện và can thiệp để đưa cô Trà đi nhưng việc đánh đập cô vẫn tiếp diễn cho đến tận ủy ban nhân dân xã Sơn Hải.
Lực lượng đông đến 500 người của công an trong đó có côn đồ ra tay đánh dân kể cả phụ nữ và trẻ em vì không cho ai dùng điện thoại quay lại tình hình.
-Một người dân
Khi giáo dân, nhất là những người từ Xứ Phú Yên với cô Nguyễn Thị Trà, nhận được thông báo đến đưa người về thì họ đến và có người dùng điện thoại để quay lại sự việc; thế nhưng lực lượng chức năng và những người khác dùng vũ lực ngăn chặn.
Một người dân kể lại sự việc với Đài Á Châu Tự Do vào tối ngày 28 tháng 5 như sau:
“Lực lượng đông đến 500 người của công an trong đó có côn đồ ra tay đánh dân kể cả phụ nữ và trẻ em vì không cho ai dùng điện thoại quay lại tình hình.”
Theo người này thì có đến 25 người phải đi bệnh viện để chữa trị vết thương.
Bản thân cô Nguyễn Thị Trà sau đó bị đưa đến một chỗ vắng vẻ, tiếp tục bị lục soát thân thể, bị đánh đập và bỏ giữa đường. Cô này may mắn được một người qua được thấy được sau đó và đưa về nhà trong tình trạng thân thể bị đánh bầm dập, tinh thần hoảng loạn.
Sự vụ cô Nguyễn Thị Trà bị hành hung khi đến xóm 9, xã Sơn Hải xảy ra trong thời gian địa phương này tiến hành vụ bắn đạn, nổ mìn trước nhà thờ giáo họ Văn Thai. Theo lời người dân thì chính quyền giải thích là để bảo vệ đường sông; thế nhưng dân chúng địa phương ,nhất là giáo dân Công giáo, không đồng thuận về hoạt động như thế ngay trước nhà thờ của họ.
Linh mục Nguyễn Đình Thục quản xứ Song Ngọc và giáo họ Văn Thai, cho biết ý kiến về hoạt động tập trận bắn súng, nổ mìn trước giáo đường của giáo họ Văn Thai:
“Họ thực hiện việc bắn trước nhà thờ, nơi Thánh, của chúng tôi như thế là hành động thách thức…”
Vụ việc tại giáo họ Văn Thai xảy ra không bao lâu sau vụ ngày 15 tháng 5 khi đoàn xe mục vụ của linh mục Nguyễn Đình Thục bị chặn và một người trong đoàn là anh Hoàng Đức Bình bị những kẻ thường phục bịt mặt bắt cóc đi. Sau đó cơ quan chức năng mới lên tiếng thừa nhận bắt anh Hoàng Đức Bình với cáo buộc ‘chống người thi hành công vụ’ và ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, công dân…’.
Bản thân anh Hoàng Đức Bình trong thời gian qua giúp cho người dân địa phương chịu tác động nặng nề bởi thảm họa môi trường Formosa lên tiếng đòi bồi thường thiệt hại, cũng như làm sạch lại biển để mưu sinh.
Nhiều ngư dân và người dân tại khu vực Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết cuộc sống họ rơi vào bế tắc do thảm họa môi trường Formosa gây nên; thế nhưng số này không được chính phủ Việt Nam đưa vào diện bồi thường. Do đó họ làm đơn khởi kiện và nhiều lần tập trung lên tiếng đòi hỏi quyền lợi chính đáng. Thế nhưng họ bị đàn án mạnh tay như trong lần đi nộp đơn ngày 14 tháng 2 đến tòa án thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh; nơi có nhà máy Formosa gây ô nhiễm.
Từ đó đến nay, theo lời của nhiều giáo dân thì họ tiếp tục gặp phải nhũng nhiễu từ phía lực lượng chức năng mà nay có thêm sự hiện diện của những thành phần thường phục bị chỉ tên đích danh là ‘côn đồ’.
Trong vụ việc vào ngày 28 tháng 5, vào chiều tối Đài Á Châu Tự Do gọi điện đến ông chủ tịch Xã Sơn Hải Trần Văn Hùng và ông trưởng công an xã Thái Bá Hải để tìm hiểu thêm từ phía chính quyền địa phương; nhưng cả hai ông đều từ chối trả lời và cúp máy.
Mình có những người bạn đã quẳng câu :
– Tao chẳng quan tâm NỢ CÔNG là cái gì, tao chẳng vay mượn của ai, nhà tao thiếu gì tiền mà phải vay.
Thẳng vào mặt mình, và họ là những người thành đạt, có địa vị trong xã hội.
Giờ đây mình chỉ muốn bạn đọc bài viết này để hiểu NỢ CÔNG là gì? Và nó ảnh hưởng đến bạn ra sao?
*****************
Jessica N
Nợ công có thể được coi là vấn đề tiêu biểu nhất của việc: Cha chung không ai khóc – nhức nhối nhất trong xã hội ta từ xưa tới giờ. Mọi người đều nghĩ nó không liên quan gì tới mình nên thờ ơ sống và “KHÔNG QUAN TÂM”.
NewsVietUc – Gần đây trên truyền thông bắt đầu nói nhiều về nợ công hơn trước kia. Nhiều người trẻ đọc và lướt qua vì nghĩ nó là vấn đề quá vĩ mô chả liên quan gì tới mình.Người viết bài này sẽ phân tích cho các đọc giả thấy được những tác động gián tiếp và trực tiếp đến túi tiền của bạn nhé.
Xin thưa là nó liên quan nhiều hơn bạn tưởng. Sao có thể nói là không liên quan khi mỗi người trong chúng ta phải gánh 30 triệu đồng tiền nợ, từ đứa trẻ mới sinh cho tới cụ già móm không còn cái răng nào? Tại sao? Ta có vay mượn của ai đâu? Ồ, không phải bạn, chính phủ vay giùm và tiêu dùm thôi, không có gì ghê gớm. Giờ bạn muốn biết chính phủ đã vay thiếu bao nhiêu nợ? Con số đó có thể đè bẹp bạn đấy – 2,7 TRIỆU tỷ!!! 27.000.000.000.000.00 VND!!! (1) Nếu trừ người già sắp tiêu và trẻ em mới sinh thì số nợ mà những người trong độ tuổi lao động phải gánh là khoảng 40-50 triệu VND.
Vâng, có thể hiểu như thế vì chẳng có chú công an nào tới nhà thu 40-50 triệu đồng tiền nợ công cả, nhưng sẽ thu một cách “lịch sự” hơn bằng việc tăng học phí, viện phí, tiền điện, tiền nước, phí đường sá, bảo hiểm xe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, in thêm tiền gây lạm phát vân vân và vân vân… Nên nhớ rằng, sau mỗi loại phí tăng này, chúng ta luôn mặc nhiên đã phải chịu một loại thuế 10% gọi là VAT. Liệu ta có nên thay đổi tư duy rằng nợ công trực tiếp liên quan tới mình? Học hoặc là dốt, chữa bệnh hoặc là chết, đóng thuế hoặc vào tù, liệu nó đã ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta chưa?
Vâng, có thể hiểu như thế vì chẳng có chú công an nào tới nhà thu 40-50 triệu đồng tiền nợ công cả, nhưng sẽ thu một cách “lịch sự” hơn bằng việc tăng học phí, viện phí, tiền điện, tiền nước, phí đường sá, bảo hiểm xe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, in thêm tiền gây lạm phát vân vân và vân vân… Nên nhớ rằng, sau mỗi loại phí tăng này, chúng ta luôn mặc nhiên đã phải chịu một loại thuế 10% gọi là VAT. Liệu ta có nên thay đổi tư duy rằng nợ công trực tiếp liên quan tới mình? Học hoặc là dốt, chữa bệnh hoặc là chết, đóng thuế hoặc vào tù, liệu nó đã ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta chưa?
Tại sao đất nước nợ công nhiều đến vậy? Để trả lời câu hỏi này thì có rất nhiều tá danh mục để liệt kê, tuy nhiên tôi sẽ chỉ ra một số điều thế này. Phần lớn chúng ta đều vui mừng khi đường sá được mở rộng, hoặc xây thêm để tiện cho việc đi lại phải không? Ừ, chuyện sẽ không có gì nếu chính phủ không vung tay quá trán. Thứ nhất là tiền dành cho đầu tư phát triển có hạn, mà ở Việt Nam là rất thấp, chỉ khoảng 17% ngân sách (năm 2014-2015), (2). Nếu chính phủ chi quá số tiền này, chẳng có cách nào hơn là đi vay nợ. Điều quan trọng hơn nữa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nợ công chính là ở chỗ ăn hối lộ không thương xót. Đại để là công trình xây đường đại lộ ở Dubai chỉ tốn 4 triệu USD cho 1km xài 50 năm chưa hư, trong khi ở ta xây 1km mất 20 triệu USD xài 2 năm thì hư (3). Việt Nam ta là gì mà giàu có cỡ đó nào? Đây mới chỉ là nói đến các công trình đường xá, còn các công trình khác như tượng đài 1400 tỷ ở Sơn La (4) này nọ thì chưa nói tới.
Tình hình cuộc sống của người dân ngày một khó khăn do các loại thuế đánh trực tiếp vào cuộc sống hằng ngày.
Liệu chúng ta đã đứng trên bờ vỡ nợ? Câu trả lời là: Chắc chắn. Chỉ là không biết sẽ vỡ vào lúc nào mà thôi. Dự đoán vỡ nợ không bao giờ là chính xác. Đơn cử như Nhật Bản đã được dự báo vỡ nợ từ 12 năm trước, đến nay vẫn đứng vững. Nhưng khoan hãy vui mừng nghĩ rằng Việt Nam cũng thế. Kinh tế Nhật mạnh hơn ta và khả năng quản lý tốt hơn ta gấp n+1 lần.
Điều gì sẽ xảy ra khi nhà nước vỡ nợ? Xin phép trích những ý kiến của tác giả Trần Diệu Chân:
1) Thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ và điểm tín dụng xuống cấp thê thảm.
2) Mọi cơ chế tài chánh sẽ phải đóng cửa. Tiền mất giá, lạm phát leo thang, trái phiếu và đồng nội tệ sẽ chỉ còn là mớ giấy lộn. Tiền gởi trong ngân hàng sẽ “bốc hơi” vì mất giá trị.
3) Mọi chương trình do chính phủ tài trợ đều ngưng hoạt động (y tế, cảnh sát, an ninh, quốc phòng, giáo dục, cầu, đường, năng lượng v…v…). Quỹ hưu trí tan vỡ, nhà thương, trường học ngưng hoạt động.
4) Các thương vụ đóng cửa và nạn thất nghiệp tràn lan. Mọi mặt hàng khan hiếm kể cả nhu yếu phẩm. Giá cả tăng vọt. Đời sống của người dân sẽ bị đảo lộn hoàn toàn.
5) Nội loạn sẽ xảy ra và không có người để duy trì trật tự công cộng. Nạn đói và cướp bóc sẽ xảy ra. Hiện tượng vô kỷ luật, vô trật tự, vô tổ chức sẽ hoành hành.
6) Kẻ giàu có sẽ cuỗm tiền bạc quốc gia và trốn ra ngoại quốc.
Đồng tiền Việt nam đang có nguy cơ bị tuột giá trên thị trường tiền tệ thế giới.
Đọc những dòng trên chắc các bạn không khỏi bàng hoàng về những hệ lụy mà nó có thể mang lại. Nhưng điều còn đáng sợ hơn nữa không phải là chuyện vỡ nợ các bạn ạ. Nếu nó vỡ nợ 1 lần rồi thôi, đau 1 lần rồi xong thì có gì để mà nói. Vấn đề là nếu tiếp tục quản lý kém, Việt Namsẽ có thể vỡ nợ 10 lần như Venezuela, 9 lần như Brasil hay thậm chí 19 lần như Tây Ban Nha trong quá khứ (6) (có lẽ đó là lý do mà người ta gọi TBN là Tay Bán Nhà!).
Nhà nước sẽ làm gì khi vỡ nợ? Có bốn cách mà các nhà nước sẽ làm, có thể thực hiện cả 4 cách cùng lúc:
1. In tiền trả nợ
2. Tăng các loại thuế phí
3. Cắt giảm ngân sách nhà nước
4. Vay thêm (trái phiếu: ở trong hoặc ngoài nước bằng nội hoặc ngoại tệ)
Tái cơ cấu sau khi vỡ nợ không làm cho mọi thứ biến mất, vì nợ vẫn còn đó, chúng ta đương nhiên không thể xù nợ. Sẽ không ai giao du với Việt Nam nếu biết đó là 1 quốc gia chuyên ăn quỵt. Điều này chỉ là cứu cánh tạm thời thôi, giống như từ mức báo động 10 giảm xuống 9 vậy. Cứ tưởng tượng như thể nước đã ngập tới đỉnh đầu của ta rồi, bây giờ ta sẽ làm gì đó đôn thêm cho cái đầu của ta ngóc lên khỏi mặt nước để thở. Nếu tiếp tục quản lý kém, ăn hối lộ, vay nợ vô tội vạ, đầu tư kém hiệu quả, nước sẽ tiếp tục ngập tới đỉnh đầu và Việt Nam lại tiếp tục ngụp lặn trong vỡ nợ thêm lần nữa (và lần nữa, rồi lần nữa…).
Vấn đề đáng sợ mà hôm nay tôi muốn nói là ở chỗ không có gì đảm bảo rằng nhà nước sẽ tốt lên sau 1 lần vỡ nợ cả. Và chẳng có gì chắc rằng dân ta sẽ bớt lầm than đi sau lần đó, hay lại trôi vào 1 thời kỳ vỡ nợ triền miên không lối thoát? Trông chờ vào việc quản lý “tự tốt lên” của chính phủ giống như kêu gọi 1 tên lười biếng bắt đầu siêng năng vậy.
Đã tới lúc chúng ta phải nghiêm túc nghĩ lại xem ta là những con chiên ngoan đạo “mọi việc đã có Ai Đó lo”, hay chúng ta là những con người khao khát tự do muốn làm chủ đời sống của mình? Việc chúng ta cần làm trước mắt, nhỏ nhoi thôi, là bắt đầu quan tâm xem tiền đóng thuế của ta đi về đâu, ai đã làm gì với nó, và tại sao chúng ta càng làm nhiều hơn nhưng lại không khấm khá hơn? Có thể các bạn không đồng ý, nhưng tôi thấy hầu hết người Việt Nam là thụ động trong việc quan tâm đến các vấn đề chính trị, xã hội. Nhưng nguyên lý của mọi thành công trên đời lại là làm sao để luôn giữ được sự chủ động.
Lưu ý: Đây chỉ là nhận định cá nhân của tác giả bài viết.
Hai nhà hoạt động ủng hộ độc lập cho Hong Kong, từng bị tước tư cách dân cử vào năm ngoái, vào ngày thứ sáu 26 tháng 5 tuyên bố với tòa họ không phạm tội gây rối tại cơ quan lập pháp đặc khu này.
Anh Lương Tụng Hằng và chị Du Huệ Trinh bị bắt vào tháng trước và bị cáo buộc tập trung phi pháp cũng như cố thâm nhập vào cơ quan lập pháp của Hong Kong.
Hai người đến tòa một ngày sau khi 9 nhà hoạt động khác cũng phải đến tòa vì những cáo buộc liên quan việc tham gia vào đợt biểu tình ủng hộ dân chủ hồi năm 2014 ở Hong Kong.
Anh Lương Tụng Hằng và chị Du Huệ Trinh nhà hoạt động ủng hộ độc lập cho đặc khu hành chánh Hong Kong vì e ngại những biện pháp xiết chặt của Bắc Kinh đối với vùng được hưởng qui chế đặc biệt ‘Một quốc gia, hai thể chế’ sau khi Anh Quốc trao trả lại vào năm 1997.
Cả hai nhà hoạt động Lương Tụng Hằng và Du Huệ Trinh trúng cử vào hội đồng lập pháp Hong Kong nhưng bị tước tư cách dân cử sau khi họ có những phản đối đưa ra tại buổi lễ tuyên thệ nhậm chức vào tháng 10 năm ngoái.
Biện pháp bắt bớ đối với những thành phần chống đối Bắc Kinh được tiến hành trước khi có chuyến thăm dự kiến của chủ tịch Tập Cận Bình nhằm kỷ niệm 20 năm Hong Kong được trao trả lại cho Trung Quốc.
Vào ngày 26 tháng 5, Ngũ Giác Đài lên tiếng bày tỏ quan ngại về vụ đối đầu bị cho là ‘không an toàn và không chuyên nghiệp’ từ phía hai chiến đấu cơ Trung Quốc với một máy bay trinh sát của Hoa Kỳ tại khu vực Biển Đông.
Hãng thông tấn AFP loan tin hai chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc bay chặn chiếc P-3 của Hải quân Hoa Kỳ khi đang hoạt động tại không phận quốc tế hôm ngày thứ tư 24 tháng 5.
Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Gary Ross, cho biết dù đội bay trên chiếc P-3 của Hải quân Hoa Kỳ nhận thấy việc bay chặn từ phía máy bay Trung Quốc là không an toàn và thiếu chuyên nghiệp; thế nhưng hoạt động từ phía máy bay Hoa Kỳ vẫn có thể tiếp tục không bị cản trở.
Phát ngôn nhân Gary Ross nói thêm là sẽ tiếp tục xem xét các dữ kiện về vụ việc rồi bày tỏ quan ngại của Hoa Kỳ với phía chính quyền Trung Quốc qua những kênh thích hợp.
Như tin đã loan vào ngày thứ năm 25 tháng 5, khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Dewey của Hoa Kỳ đi vào vùng 12 hải lý của đá Vành Khăn tại quần đảo Trường Sa. Đây là hoạt động tuần tra an toàn hàng hải đầu tiên dưới thời của chính quyền tổng thống Donald Trump.
Hoạt động này diễn ra trước một hội nghị an ninh khu vực được tổ chức ở Singpapore vào tuần tới.
Các nước thuộc nhóm G7 lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình tranh chấp tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông; đồng thời lên tiếng kêu gọi phi quân sự hóa tại những ‘thực thể có tranh chấp’ở hai vùng biển đó.
Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao như vừa nêu vào ngày 27 tháng 5, theo đó lãnh đạo Nhóm Bảy quốc gia giàu có trên thế giới, gọi tắt theo tiếng Anh G7, có cuộc gặp tại Taormina, Italy đưa ra kêu gọi liên quan đến hai vùng biển đang có tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và các nước khác: Biển Đông và Hoa Đông.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tham gia cuộc gặp với lãnh đạo các nước Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản. Vào cuối buổi chiều ông Trump trở về Hoa Kỳ kết thúc chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong cương vị người đứng đầu chính phủ Mỹ.
Vào ngày 31 tháng 5 tới đây, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ có cuộc tiếp thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng. Đây là một vị khách đầu tiên từ các quốc gia Đông Nam Á được ông Trump tiếp sau khi lên nhậm chức tổng thống nước Mỹ.
Trước đó vào ngày 22 tháng 5, Hoa Kỳ giao cho Việt Nam sáu xuồng tuần duyên và vào ngày 25 tháng 5 trao tiếp một tàu tuần duyên trọng tải cao. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ted Osius, phát biểu tại buổi lễ giao sáu xuồng tuần duyên cho Việt Nam rằng Hoa Kỳ và những nước khác trong cộng đồng quốc tế cũng được hưởng lợi từ sự ổn định trong khu vực.
Đến ngày 25 tháng 5, khu trục hạm có tên lửa dẫn đường của Hải quân Hoa Kỳ USS Dewey tiến hành hoạt động tuần tra tự do hàng hải đi vào vùng 12 hải lý của đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là hoạt động đầu tiên dưới thời của tổng thống Donald Trump.
Động thái này được cho là một biểu tượng quan trọng thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông cũng như hoạt động xây dựng đảo nhân tạo rồi trang bị quân sự mà Bắc Kinh gấp rút tiến hành trên những thực thể tại vùng biển có tuyến đường hàng hải quan trọng đi qua.
Việt Nam đang ở giữa nhiều chọn lựa quan trọng về chiến lược kinh tế đối ngoại, khi tình hình thế giới lại có những thay đổi lớn. Điển hình là Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP không có Hoa Kỳ và việc thương thuyết một hiệp định thương mại song phương với nước Mỹ.
Nguyên Lam: Việt Nam là thành viên của Hiệp hội ASEAN gồm 10 quốc gia Đông Nam Á và năm nay còn đăng cai tổ chức các hội nghị của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu Thái Bình Dương gọi là APEC, với Thượng đỉnh sẽ được triệu tập tại Hà Nội vào tháng 11 này. Tuần qua, hội nghị các Bộ trưởng Thương mại của Diễn đàn APEC tại Hà Nội khiến dư luận chú ý đến quan điểm của 11 nước về Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP sau khi Hoa Kỳ triệt thoái. Rồi tuần này, Thủ tướng Việt Nam sẽ là người đầu tiên trong Hiệp hội ASEAN thăm viếng Hoa Kỳ và có thể đàm phán một Hiệp định Tự do Thương mại Song phương với nước Mỹ. Thưa ông, trong bối cảnh đó, người ta có thể nêu câu hỏi về những lợi hại của Việt Nam trong chiến lược kinh tế đối ngoại khi Chính quyền Donald Trump đã có những chủ trương khác về ngoại thương nên đã rút khỏi Hiệp ước TPP?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nói về bối cảnh tôi xin được nhắc lại một số chuyển động thì ta mới cân nhắc được những lợi hại trong điều kiện mới. Trước hết, Hiệp ước TPP mất bảy năm và 20 lần hội họp giữa 12 nước mới hoàn thành vào cuối năm 2015. Nhưng, dư luận Mỹ đã đổi ý về sự lợi hại nên hết ủng hộ các thỏa thuận trong Hiệp ước. Vì vậy đa số dân biểu nghị sĩ bên đảng Dân Chủ trong Quốc hội đã chống TPP và nhiều đảng viên Cộng Hòa cũng tỏ vẻ hoài nghi nên dù Tổng thống Barack Obama đích thân vận động vẫn không dám đưa Hiệp ước cho Quốc hội khóa 114 biểu quyết vì thể nào cũng bị bác. Trong cuộc tranh cử tổng thống, hai ứng cử viên dẫn đầu là bà Hillary Clinton bên Dân Chủ và ông Donald Trump bên Cộng Hòa đều phản bác nhiều quy định của TPP. Khi đắc cử và nhậm chức, Tổng thống Trump chỉ hợp thức hóa một thực tế mới của chính trường Hoa Kỳ là rút khỏi Hiệp ước TPP. Từ đấy, bài toán còn lại là 11 nước kia có nên tiếp tục xúc tiến Hiệp ước hay không? Bài toán ấy đặc biệt quan trọng cho Việt Nam vì cùng với Malaysia là hai nước được hưởng lợi nhiều nhất nhờ Hiệp ước này.
Nguyên Lam: Thưa ông, cũng nói về bối cảnh thì sau khi Hoa Kỳ triệt thoái thì Trung Quốc lại thúc đẩy một sáng kiến của họ từ năm 2012 là kêu gọi 16 quốc gia gồm 10 nước Hội viên ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ, Úc và New Zealand hoàn thành một hiệp định tự do thương mại gọi là “Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực” hay RCEP. Là một thành viên của Hiệp hội ASEAN, Việt Nam nên cân nhắc thế nào về giải pháp đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Khi đưa ra sáng kiến này, Bắc Kinh tưởng sẽ hoàn tất vào năm 2015 mà nay vẫn chưa xong sau kỳ họp thứ 18 khá gay go vào tuần qua tại Philippines. Người ta cứ cho là Hiệp định RCEP này không đòi hỏi nhiều cam kết phức tạp như Hiệp ước TPP nên hy vọng thành hình sớm hơn để tiến tới chế độ tự do thương mại cho cả khu vực Á Châu Thái Bình Dương bao gồm 21 thành viên của Diễn đàn APEC. Sự thể lại chẳng lạc quan như vậy không chỉ vì phản ứng bảo hộ mậu dịch của Ấn Độ hay hồ sơ rắc rối về quyền sở hữu trí tuệ.
Sự thật là nhiều quốc gia ngày nay lại hoài nghi mọi cam kết quốc tế về tự do mậu dịch và trở về xu hướng đàm phán song phương. Người ta quá chú ý tới quan điểm của Mỹ trong Hiệp ước TPP với các nước Thái Bình Dương mà quên rằng một hiệp ước tương tự của Hoa Kỳ với các nước Âu Châu là Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương hay TTIP cũng bị khựng và lần này là do sự chống đối của nhiều nước trong Liên Hiệp Âu Châu. Trường hợp đó cũng xảy ra với hiệp ước tự do thương mại CETA giữa Canada và Âu Châu. Thậm chí cơ chế Liên Âu còn mặc nhiên trả lại quyền quyết định về tự do thương mại cho từng nước hội viên. Trong khung cảnh đó, Việt Nam cũng nên suy nghĩ lại về quyền quyết định của mình.
Nguyên Lam: Theo ông thì Việt Nam nên suy nghĩ lại ra sao, căn cứ trên những yếu tố nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nói chung thì chế độ tự do thương mại và đầu tư giữa các nước là điều có lợi về kinh tế như ta đã thấy tại Việt Nam sau khi chấm dứt chính sách ngăn sông cấm chợ thời bao cấp và mở ra thế giới bên ngoài qua hai đợt đổi mới. Nhưng về dài thì lợi ích kinh tế nhờ tự do trao đổi lại phân phối không đều và gây thiệt hại cho nhiều thành phần dân chúng. Trong các nước dân chủ thì phản ứng của các thành phần bị thiệt hại này mới dẫn tới làn sóng chống đối như ta đang chứng kiến tại Mỹ và Âu Châu. Khi ấy, lãnh đạo các nước nên nghĩ sao về sự lợi hại của tự do thương mại?
Tôi cho là ta nên nhìn từ dưới lên, từ các thành phần nghèo khốn lên giới trung lưu khá giả ở thành thị để khỏi gây ra những dị biệt ngày một lớn giữa thành phần khá giả và hướng ngoại ở trên với những người ở dưới không theo kịp nhịp độ của cạnh tranh. Vì vậy, vấn đề không thuần túy là kinh tế mà còn có kích thước xã hội. Thứ hai, khi mở cửa ra ngoài thì lãnh đạo phải ưu tiên lo cho đa số ở dưới và tạo điều kiện cải tiến khả năng lao động với năng suất cao hơn trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng và môi sinh trong lành hơn. Theo tinh thần đó thì Hiệp ước TPP có yêu cầu về chế độ lao động và bảo vệ môi sinh thật ra có lợi mà Việt Nam nên áp dụng. Thứ ba, ở bậc cao hơn thì lãnh đạo cũng phải cân nhắc hai vế tư doanh và quốc doanh trong ý hướng phát triển khả năng kinh tế của tư doanh thay vì chỉ bảo vệ ưu thế của quốc doanh. Khả năng cạnh tranh của tư doanh mới là sức mạnh bền vững và đi theo con đường của Bắc Kinh với vai trò quá lớn của các tập đoàn kinh tế nhà nước là điều bất lợi về dài.
Nếu Việt Nam thiên về Mỹ …
Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan (trái) và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Zoellick ký Hiệp định Thương mại Song phương ngày 10 tháng 12 năm 2001 tại Nhà Trắng ở Washington, DC. AFP photo
Nguyên Lam: Thế còn với Hoa Kỳ thì sao, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ta không quên rằng qua năm đời Tổng thống, từ ông Ronald Reagan tới Barack Obma, Hoa Kỳ có hiệp ước tự do thương mại song phương với hơn một chục quốc gia và nay sẽ thương thuyết lại với từng nước đã ký hiệp ước đa phương, như Hiệp ước NAFTA với hai nước Bắc Mỹ. Nếu Việt Nam thông qua Hiệp ước TPP với 11 quốc gia còn lại thì chẳng những có lợi qua việc buôn bán với nhóm đó mà lại có thế mạnh khi sẽ đàm phán với Hoa Kỳ là điều Thủ tướng của Hà Nội có thể nêu ra khi đến Hoa Kỳ vào tuần tới.
Khi đó, kinh nghiệm thương thuyết Hiệp ước TPP và cả Hiệp định Thương mại Song phương với Mỹ từ năm 2000 là những bài học quý giá vì cho thấy nhiều vấn đề tồn đọng giữa đôi bên, như quyền lợi giới lao động hay luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, là những điều vẫn là thời sự. Chúng ta cũng không quên vai trò quan trọng của Quốc hội Hoa Kỳ, nơi mà tình trạng chà đạp nhân quyền và đàn áp dân chủ tại Việt Nam khiến Hà Nội không chỉ gặp trở ngại từ Hành pháp mà còn bị nhiều dân biểu nghị sĩ Mỹ chống đối. Ngược lại, việc muốn tham gia “Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực” RCEP do Bắc Kinh đề xướng chỉ chứng tỏ kinh tế Việt Nam vẫn là vệ tinh của Trung Quốc để xâm nhập thị trường Hoa Kỳ nên sẽ gặp khó ở cả hai đầu.
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin đề nghị ông giải thích cho thế nào là gặp khó ở cả hai đầu?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Không nói về hồ sơ an ninh và tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc trên vùng biển Đông Nam Á, là điều Chính quyền Donald Trump rất quan tâm mà nếu chỉ nhìn vào hồ sơ kinh tế thì Việt Nam đạt xuất siêu bao nhiêu với Hoa Kỳ lại bị nhập siêu bấy nhiêu với Trung Quốc. Thực tế thì Việt Nam mua nguyên nhiên vật liệu và thiết bị của Trung Quốc để làm gia công cho họ và bán hàng Tầu dưới thương hiệu Việt Nam vào thị trường Âu-Mỹ. Hiệp ước TPP là cơ hội thoát Tầu và tìm đầu ra ở các thị trường lớn khác. Nay dù hết có Mỹ thì cơ hội đó vẫn còn với các nước kia. Nhưng nếu lại thiên về giải pháp của Bắc Kinh thì Việt Nam khó đạt hiệp ước song phương với Mỹ. Người dân Mỹ, và Quốc hội Hoa Kỳ không hiểu vì sao lãnh đạo Hà Nội kiếm lợi nhờ làm ăn với Trung Quốc mà lại mong Hoa Kỳ bảo vệ an ninh của Việt Nam ngoài vùng biển Đông Nam Á trước sức ép của Trung Quốc. Trong hiện tại, Quốc hội Mỹ đang quan tâm đến sự bành trướng của Bắc Kinh và muốn biết là Việt Nam đứng ở đâu.
Nhìn vào dài hạn, từ nhiều năm nay khi Trung Quốc tiến lên trình độ sản xuất cao hơn với các mặt hàng tinh vi thì Việt Nam trở thành nơi có tiềm năng thay thế vai trò gọi là “công xưởng toàn cầu” của Trung Quốc nên đã tiếp nhận đầu tư của các tập đoàn tiên tiến, như Samsung của Nam Hàn hay Intel của Mỹ. Ưu tiên của Việt Nam là nâng cấp giáo dục và đào tạo để thêm lực lượng lao động có tay nghề khả dĩ khai thác được cơ hội mới và cải thiện được cuộc sống cho nhiều người. Một hiệp ước song phương với Hoa Kỳ sẽ đáp ứng yêu cầu đó.
Nguyên Lam: Câu hỏi cuối, thưa ông, Việt Nam gặp rủi ro gì khi thiên về quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ và tách dần khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Bài học từ 1.9.7.5 cho thấy Việt Nam không gặp rủi ro là bị Hoa Kỳ xâm lăng và chiếm đóng. Bài học từ 1.9.9.5 cho thấy Việt Nam có lợi về kinh tế sau khi tái lập bang giao với nước Mỹ. Ngược lại, Việt Nam đã gặp rủi ro lớn với Trung Quốc từ mấy chục năm nay và càng ngày càng mất quyền chủ động vì sức ép muôn mặt từ Bắc Kinh. Nếu tiếp tục chiều hướng này thì chủ quyền quốc gia cũng chẳng còn và lãnh thổ bên trong lại bị tàn phá vì hiệu ứng tai hại của Trung Quốc. Nhưng chính là chiến lược bành trướng của Bắc Kinh lại khiến cả thế giới lo ngại và Việt Nam hết còn đơn độc đứng trên tuyến đầu.
Vào cảnh ngộ đó, Việt Nam không nên là vùng hỏa tuyến của các nước chống Tầu tại Đông Á nhưng vẫn nên mở rộng khả năng chọn lựa để ra khỏi thế kẹt thành hình từ mấy chục năm qua. Lĩnh vực kinh tế hay thương mại là sự chọn lựa tương đối an toàn hơn cả mà lại có lợi cho người dân. Là thành viên của Hiệp ước TPP với 11 nước và có hiệp định song phương với Hoa Kỳ, Việt Nam sẽ thoát dần khỏi bóng rợp của Trung Quốc. Quan trọng hơn cả là lãnh đạo Hà Nội nên hiểu ra điều ấy mà thay đổi cách suy nghĩ khi nhiều quốc gia khác cũng đang đòi lại quyền đàm phán và quyết định về quyền lợi của quốc gia. Thế giới đang có một đổi thay lớn khi nước nào cũng coi quyền lợi của quốc gia là tối thượng thì chúng ta cũng phải thay đổi cách suy nghĩ và hành xử vì quyền lợi của mình chứ đừng lụy vào một ý thức hệ viển vông lạc hậu. Nói vắn tắt lại thì Việt Nam nên tham gia Hiệp ước TPP, tự chuẩn bị cho thế hợp tác cao hơn và phức tạp hơn bằng những cải cách sâu rộng ở bên trong cho cả xã hội.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn kỳ này.