Home Blog Page 1453

Chiến lược chống khủng bố ảnh hưởng đến vị thế của thủ tướng Anh

RFI
media
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trong một chiến dịch vận động tranh cử bầu Quốc Hội, Luân Đôn, ngày 05/06/2017. REUTERS/Hannah McKay

Mục tiêu giành được đa số rộng rãi ở Hạ Viện để dễ thương lượng với Liên Hiệp Châu Âu về thủ tục Brexit mà bà Therea May đặt ra phức tạp hơn dự kiến. Khủng bố đẫm máu tại Luân Đôn và Manchester biến vấn đề an ninh thành một nhược điểm của chính quyền Anh. Nữ thủ tướng Theresa May đang tìm cách dập tắt tranh luận về sơ sót trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh trên lãnh thổ Anh.

 

Đợt tấn công gần đây nhất, diễn ra chỉ 6 ngày trước bầu cử Quốc Hội, và chưa đầy hai tuần sau thảm họa ở sân vận động Arena, sau buổi trình diễn văn nghệ của danh ca người Mỹ, Ariana Grande. Phát biểu vào trưa Chủ Nhật 04/05, thủ tướng May tuyên bố duy trì bầu cử Quốc Hội vào ngày mồng 08/06/2017 và “xét lại chiến lược chống khủng bố” sau vụ tấn công đêm thứ Bảy. Đây là lần thứ ba trong chưa đầy ba tháng, nước Anh bị tấn công, nâng tổng số tử vong lên 32 người.

Sau vụ khủng bố tự sát tại Manchester, chính quyền Anh đã nâng mức báo động về tình trạng an ninh lên cấp “nguy hiểm” để rồi lại hạ xuống cấp “nghiêm trọng” vài giờ trước một thảm họa mới ở Luân Đôn. Từ sau vụ tấn công đầu tiên nhắm vào Hạ Viện Anh hôm 22/03/2017, ngành an ninh dồn dập thông báo đã phá vỡ các đường dây khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Bộ Nội Vụ cho biết đã ngăn chặn được ít nhất 5 âm mưu tấn công. Luật chống khủng bố được tăng cường bất chấp một số p hản đối trong công luận cho rằng, các điều khoản khắt khe đó giới hạn một số các quyền tự do cá nhân.

Trong lĩnh vực tình báo, chính phủ Anh cho biết cơ quan phản gián đã tuyển dụng thêm 2.000 nhân viên từ năm 2005, tức sau loạt nổ bom trong hệ thống xe điện ngầm ở Luân Đôn vào tháng 7/2005, làm 56 người thiệt mạng. Luân Đôn một mặt phối hợp chặt chẽ với các đối tác châu Âu trong lĩnh vực này, mặt khác mở rộng thêm các mối liên hệ với tình báo của Úc, Mỹ, Canada và kể cả New Zealand. Nhưng tất cả các biện pháp đó vẫn không tránh khỏi tai họa cho nước Anh.

Trong bài phát biểu hôm qua, thủ tướng May nói tới một “kiểu đe dọa mới” mà nước Anh phải đối mặt, do đó Luân Đôn cần có một “chiến lược an ninh mới” dựa trên bốn hướng chính : tăng cường kiểm soát với các tổ chức tuyên truyền tư tưởng Hồi giáo cực đoan; gia tăng kiểm duyệt các trang mạng có nội dung quảng bá cho những tư tưởng đó. Hướng thứ ba nhắm tới là cần xét lại mô hình hội nhập, mà theo bà Theresa May, là quá dễ dãi đối với các cộng đồng người nước ngoài. Sau cùng, và đây chính là điểm mà chính phủ sắp tới của nước Anh cần đặc biệt quan tâm đó là “tăng cường chiến lược và phương tiện chống khủng bố trên lãnh thổ“.

Theo giới quan sát, điểm sau cùng này là một nhược điểm của bà May. Một cách gián tiếp nữ thủ tướng Anh nhìn nhận một số những “lỗ hổng” trong vế an ninh. Hai vụ khủng bố ở Manchester và Luân Đôn vừa qua đang làm thay đổi tương quan lực lượng trên chính trường Anh.

Cuộc chiến chống khủng bố là nhược điểm của bà May trong cuộc chạy đua để giữ chiếc ghế thủ tướng. Thăm dò dư luận về ý định bỏ phiếu mới nhất cho thấy khoảng cách giữa bà May thuộc cánh bảo thủ và ông Corbyn, bên Công Đảng đang thu hẹp lại. Thậm chí có một số nhà bình luận cho rằng, Theresa May sẽ khó chiếm được đa số rộng rãi. Như phân tích của một nhà báo Anh, trên tờ Times có khuynh hướng bảo thủ, lãnh đạo đối lập, ông Jeremy Corbyn, 68 tuổi, chứng tỏ ông là một đối thủ đáng gờm với bà May, người mà nữ thủ tướng Anh luôn chỉ trích là “không có tầm cỡ“.

Tự nhận mình là một chính trị gia giàu kinh nghiệm và cứng rắn, cựu bộ trưởng Nội Vụ của thủ tướng David Cameron hứa hẹn sẽ mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi của Luân Đôn trong các vòng thương thuyết với Liên Hiệp Châu Âu về Brexit mở ra kể từ ngày 19/06/2017. Bà May lao vào cuộc vận động với khẩu hiệu “hùng mạnh và ổn định” hàm ý bà sẽ cứng rắn với các đối tác và nhất là với những đối thủ nào đe dọa quyền lợi của vương quốc Anh, nhưng cũng là người bảo đảm một sự ổn định cho đất nước.

Hình ảnh đó của nữ thủ tướng May đang bị sứt mẻ sau ba vụ khủng bố liên tiếp nổ ra trên đất Anh trong một thời gian ngắn kỷ lục. Thêm vào đó là lo ngại với Brexit, hợp tác an ninh và chia sẻ thông tin tình báo giữa Luân Đôn với các đối tác trong Liên Hiệp Châu Âu sẽ lỏng lẻo hơn.

Đảng viên Việt Tân đối mặt với nguy cơ trục xuất khỏi Việt Nam

0

Một thành viên Việt Tân bị tước quốc tịch Việt Nam và đối mặt với nguy cơ bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Hôm 6/5, nhà tranh đấu vì dân chủ Phạm Minh Hoàng ở thành phố Hồ Chí Minh cho VOA – Việt ngữ biết ông vừa được thông báo rằng Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký lệnh tước quốc tịch Việt Nam của ông hôm 17/5 và ông phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Nhà giáo từng bị chính quyền Việt Nam giam cầm 17 tháng nói rằng ông là người song tịch Pháp – Việt, và việc tước quốc Việt Nam của ông, nếu đúng như thông báo của Tổng Lãnh sự quán Pháp vào ngày 1/6, là điều hoàn toàn sai luật:

Luật sư đã xem tất cả hồ sơ của tôi và họ cho rằng việc tước quốc tịch Việt Nam của tôi là vi phạm pháp luật Việt Nam, vi phạm Luật Quốc tịch Việt Nam.

Ông Hoàng cho biết thêm sự việc diễn ra trước đó như sau:

“Ngày 1/6, Tổng Lãnh sự Pháp ở Sài Gòn mời tôi đến để thông báo một tin rất xấu là Việt Nam muốn trục xuất tôi ra khỏi Việt Nam. Họ cho biết Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký một văn bản tước quốc tịch Việt Nam của tôi.”

Tuy nhiên, ông Hoàng nói thêm rằng cho đến ngày 5/6, bản thân ông, cũng như đại diện chính phủ Pháp và cả luật sư của ông vẫn chưa nhận bất kỳ văn bản nào về việc ông bị tước quốc tịch Việt Nam.”

Người dân biểu tình phản đối vụ bắt nhà hoạt động Hoàng Đức Bình; Diễn Châu, Nghệ An, 15/5/2017

Ông Hoàng cho rằng chính quyền muốn tước quốc tịch nhằm “trả thù” cho các hoạt động cổ súy ôn hòa vì dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam của ông và của đảng Việt Tân:

“Tôi là đảng viên Việt Tân. Tôi đã được cảnh giác là an ninh Việt Nam đã chuẩn bị bắt tôi lần nữa. Những gì tôi làm cũng rất đơn giản, không hề xâm phạm an ninh quốc gia như họ nói. Tôi nghĩ họ trả thù tôi. Cách đây 4-5 tháng, Bộ Công An Việt Nam tố cáo đảng Việt Tân, mà tôi là một thành viên, là một tổ chức khủng bố. Kể từ đó tôi nhận thấy việc đàn áp các anh em Việt Tân, đặc biệt những người có án như tôi, càng lúc càng nhiều. Việc đàn áp không chỉ riêng Việt Tân và nhắm vào tất cả những người đứng lên nói tiếng nói cho tự do và dân chủ.”

Nhà tranh đấu cho biết ông rất đau buồn khi mất quốc tịch Việt Nam, và rằng ông muốn giữ cả quốc tịch Việt Nam và quốc tịch Pháp.

Việc can thiệp của chính phủ Pháp, nếu có, sẽ đến từ “bên trong.” Ông Hoàng cho VOA biết thêm:

“Dĩ nhiên khi nghe tin bị tước quốc tịch thì tôi rất bàng hoàng. Tôi đã hỏi xem phía chính phủ Pháp có thể giúp đỡ được gì cho tôi hay không, họ nói việc tước quốc tịch là theo luật của Việt Nam, phía chính phủ Pháp không thể làm gì được cả. Tuy nhiên, chính phủ Pháp có làm gì, cũng như tất cả các chính phủ khác, thì họ có những can thiệp từ phía trong.”

Tháng 3/2016, công an đã đột ngột xông vào một lớp học về kỹ năng mềm do ông hướng dẫn tại một quán café ở Sài Gòn, và cách ly học viên với thầy Hoàng và thẩm vấn từng người trong nhiều giờ liền.

Trước đó, ông Phạm Minh Hoàng bị bắt năm 2011 khi đang giảng dạy tại Đại học Bách Khoa Sài Gòn.

Tháng 1/2012, Blogger Phạm Minh Hoàng đã được trả tự do, sau khi được giảm phân nửa bản án 3 năm tù về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo điều 79 Bộ Luật Hình sự vì các bài viết thể hiện quan điểm cá nhân trái với nhà nước.

Gần 30 năm định cư tại Pháp, vào năm 2000, ông Phạm Minh Hoàng, đã quyết định về Việt Nam sinh sống để theo đuổi ước mơ đóng góp xây dựng đất nước qua việc truyền đạt tri thức cho các thế hệ trẻ. Sau án tù vì các bài viết cổ xúy dân chủ của mình, nhà trí thức trăn trở vì hiện tình đất nước vẫn kiên quyết ở lại Việt Nam để tiếp tục tham gia cuộc đấu tranh kêu gọi dân chủ – nhân quyền cho người dân trong nước.

Nhà nước Việt Nam tố cáo ông là thành viên của đảng Việt Tân, một tổ chức bị chính quyền Việt Nam đặt ra ngoài vòng pháp luật. Ông Hoàng xác nhận ông là đảng viên của đảng Việt Tân nhưng không làm gì sai với pháp luật Việt Nam.

https://www.voatiengviet.com/a/dang-vien-viet-tan-doi-mat-nguy-co-truc-xuat-khoi-viet-nam/3887285.html

Australia: Vụ tấn công Melbourne là khủng bố

Cảnh sát Australia ngày 6/6 loan báo xem vụ vây hãm ở Melbourne là một hành động khủng bố sau khi Nhà nước Hồi giáo tuyên bố thành viên của họ là tay súng thực hiện vụ này.

Trong vụ đọ súng trước đó, cảnh sát hạ sát người mà họ tố cáo đã cầm giữ một phụ nữ làm con tin bên trong một tòa chung cư ở Melbourne.

Nhà nước Hồi giáo, trên thông tấn xã Amaq của họ, công bố vụ tấn công được tiến hành vì Australia là một thành viên trong liên minh do Mỹ dẫn đầu chống lại IS.

“Chúng tôi xem đây là hành động khủng bố,” cảnh sát bang Victoria nhấn mạnh

Cảnh sát cũng đang điều tra về cú điện thoại gọi tới phòng tin của kênh truyền hình Seven trong thời gian diễn ra vụ vây hãm. Một giọng nam đã gọi tới đài nói rằng vụ tấn công có liên hệ tới Nhà nước Hồi giáo.

Australia, một đồng minh của Mỹ, đang trong tình trạng cảnh giác cao độ đối với các cuộc tấn công của những phần tử chủ chiến trở về từ Trung Đông hoặc các ủng hộ viên của họ.

Kể từ năm 2014, cảnh sát đã phát hiện hàng chục âm mưu khủng bố và bắt trên 60 nghi phạm, Thủ tướng Australia, Malcolm Turnbull, cho biết.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái: ‘Tôi nhận trách nhiệm trước Phó thủ tướng’

Nhận trách nhiệm về việc hiểu sai chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Văn hóa cũng gửi lời xin lỗi ông Huỳnh Tấn Vinh.

Chiều 5/6, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đã trao đổi với báo chí xung quanh việc ban hành văn bản đề nghị xử lý Chủ tịch hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh với những phát biểu được cho là “thiếu chính xác” về quy hoạch bán đảo Sơn Trà.

– Ngày 2/6, Bộ Văn hóa ban hành văn bản đề nghị xử lý ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về những phát biểu tại một hội thảo. Lý do của việc ban hành văn bản này là gì thưa Thứ trưởng?

– Ngày 30/5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Tọa đàm “Phát triển du lịch bền vững tại Khu du lịch quốc gia Sơn Trà” tại Hà Nội với mục đích trao đổi, lắng nghe ý kiến các tổ chức, các chuyên gia, các nhà khoa học về vấn đề Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà.

Tại tọa đàm, đã có nhiều ý kiến trao đổi nội dung chuyên môn Quy hoạch trên tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn với quan điểm chung là đảm bảo phát triển bền vững Khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Bên cạnh đó, tại Tọa đàm cũng có ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng cần xem xét lại tính pháp lý của Quy hoạch.

Theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến chuyên môn liên quan đến phát triển bền vững Khu du lịch quốc gia Sơn Trà; đồng thời yêu cầu Bộ có văn bản gửi các cơ quan và tổ chức tiếp tục trao đổi, làm rõ nội dung về tính pháp lý của Quy hoạch, Bộ đã ban hành văn bản ngày 2/6.

thu-truong-huynh-vinh-ai-toi-nhan-trach-nhiem-truoc-pho-thu-tuong
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái.

– Sau đó chỉ 2 ngày, vì sao ông lại thu hồi văn bản do chính mình ký?

– Tối 2/6, tôi được Bộ phân công phát biểu kỷ niệm 71 năm quốc khánh Italy tại bảo tàng dân tộc học Việt Nam. Khoảng 6h, tôi nhận được điện thoại của Tổng cục trưởng Du lịch, nói có văn bản trình tôi ký gấp. Tôi hỏi thì được trả lời là về bán đảo Sơn Trà. Sau đó bên Tổng cục du lịch cử anh em tới, đưa tôi xem văn bản. Khi xem, tôi không đồng ý vì có những nội dung còn phức tạp và tôi chưa rõ mục đích của văn bản đó là gì, tại sao lại phải ký ban hành văn bản đó.

Tôi đề nghị Tổng cục Du lịch làm lại cho rõ ràng. Tổng cục Du lịch nói đây là ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nên anh em mới biên tập lại trình tôi ký. Tôi nói lại rằng nếu đã có ý kiến của Phó thủ tướng thì tôi sẽ xem xét ký nhưng tôi đã yêu cầu chỉnh sửa lại cho mềm mại hơn. Sau đó tôi ký văn bản. Nhưng đến ngày hôm sau, tôi cảm thấy không an tâm.

Trong sáng 4/6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có gọi điện và nhắn tin cho tôi với nội dung: “Văn bản Bộ ra rất không chuẩn ở chỗ đòi ông Vinh giải trình. Anh em tham mưu quen kiểu hành chính, cứ nghĩ như cán bộ của mình. Nên thu hồi văn bản đó ngay”.

Tôi xin ý kiến Bộ trưởng, trao đổi với Tổng cục trưởng Du lịch, nói dứt khoát phải thu hồi. Bộ trưởng đồng ý thu hồi. Tổng cục trưởng Du lịch cũng đồng ý thu hồi.

– Tổng cục Du lịch có trách nhiệm như thế nào khi tham mưu để ông ký văn bản trên?

– Tổng cục Du lịch đã hiểu chưa đúng ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao đổi bằng văn bản với Hiệp hội du lịch Đà Nẵng và các tổ chức có liên quan để làm rõ những nội dung kiến nghị liên quan đến tính pháp lý của bản Quy hoạch Sơn Trà. Nhưng Tổng cục Du lịch lại hiểu chưa đúng ý kiến chỉ đạo đó.

Ý kiến Phó Thủ tướng chỉ đạo là đúng nhưng Tổng cục Du lịch lại tiếp thu không đúng. Còn tôi lại chỉ nghe gián tiếp qua Tổng cục Du lịch nên cũng hiểu sai ý kiến đó.

Bộ sẽ chỉ đạo Tổng cục Du lịch kiểm điểm các cá nhân có liên quan đến việc tham mưu ký văn bản ngày 2/6.

– Cá nhân ông chịu trách nhiệm như thế nào về sự việc vừa rồi?

– Tôi nhận trách nhiệm về những sơ suất tại công văn gửi Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. Tôi nhận trách nhiệm trước Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Tôi cũng đã xin lỗi Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng và cá nhân anh Huỳnh Tấn Vinh. Tôi mong nhận được sự chia sẻ và thông cảm của nhân dân về sự cố đáng tiếc này.

– Bộ Văn hóa sẽ làm gì với quy hoạch Sơn Trà thời gian tới?

– Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm tại TP Đà Nẵng về phát triển bền vững tại Khu du lịch quốc gia Sơn Trà để tiếp tục trao đổi, lắng nghe ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và tổ chức với tinh thần cầu thị cao nhất, mong rằng tiếp tục nhận được sự chia sẻ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học và nhân dân.

Hiện nay, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao các Bộ, ngành liên quan tiếp tục xem xét, báo cáo về cơ sở pháp lý và số liệu về Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà.

Ngày 2/6, văn bản do Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái ký nêu tại tọa đàm “Phát triển du lịch bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà”, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng, đã phát biểu các ý kiến liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà “thiếu chính xác”.

Nội dung “thiếu chính xác” được Bộ dẫn ra là ông Vinh nói quy hoạch Sơn Trà vi phạm các điều luật như: Luật Bảo vệ phát triển rừng, Luật đa dạng sinh học, Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo…

Đánh giá, phát ngôn của ông Vinh là “chủ quan, thiếu cơ sở và làm cho dư luận hiểu sai vấn đề”, Bộ Văn hóa đề nghị Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng có biện pháp xử lý, yêu cầu ông Vinh giải trình, trả lời Bộ trước ngày 15/6.

Sau 2 ngày, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái tiếp tục ra quyết định thu hồi văn bản ngày 2/6 do có một số nội dung “chưa phù hợp, dễ gây hiểu lầm”.

Tổng cục Du lịch được giao làm rõ trách nhiệm tham mưu ban hành văn bản và báo cáo lãnh đạo Bộ trước ngày 5/6. Trong thông cáo gửi báo chí Bộ Văn hóa đã “nhận trách nhiệm về những sơ suất tại nội dung văn bản nêu trên”.

Đoàn Loan

NGÀY LỤC TỨ

Minh Tuấn Hoàng
Bức ảnh có tính biểu tượng lớn cho sự kiện Thiên An Môn. Một thanh niên Trung Quốc đứng giữa đường ngăn dòng xe tăng hướng về đại lộ Tràng An ở Bắc Kinh.
Ảnh: Jeff Widener– AP — tại Quảng trường Thiên An Môn.

Cũng vào ngày Chủ nhật cách đây 28 năm trước tại quảng trường Thiên An Môn (Trung Quốc) cuộc biểu tình kháng nghị của các sinh viên đòi chấm dứt nạn tham nhũng, tôn vinh nhân quyền, thiết lập các quy tắc luật pháp và xây dựng nền dân chủ đang lúc cao trào. 4 giờ sáng bất thình lình trời tối sầm lại, đèn điện trong quảng trường Thiên An Môn bị tắt hết. Quân lính tiến vào quảng trường, người biểu tình không thấy do trời tối. 4h30 đèn điện lại vụt sáng trở lại, lúc này các sinh viên mới giật mình khi phát hiện mình đã bị bao vây chặt, những chiếc xe tăng của Quân đoàn 27 Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) lừng lững tiến vào. Tiếng súng nổ… Nhiều người trúng đạn đổ vật xuống trong vũng máu, tiếng xe tăng gầm lên san bằng tất cả. Quảng trường Thiên An Môn ngập trong máu, hàng ngàn sinh viên đã bị giết hại. Nhiều sinh viên của Đại học Bắc Kinh đã bị xe tăng cán chết. Một số thậm chí còn bị nghiền nát.

Thảm sát tại Thiên An Môn ngày 4/6/1989 — tại Quảng trường Thiên An Môn.

Next Magazine chia sẻ thông tin theo hồ sơ mật của Washington có được qua tài liệu nội bộ của Trung Nam Hải đánh giá về số người thương vong trong sự kiện thảm sát Thiên An Môn lên đến 40 nghìn người, trong đó 10.454 người bị giết. Trong đó, Quân đoàn 27 (Quân khu Bắc Kinh) là đội quân chính ra tay thảm sát khiến nhiều người thiệt mạng tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6. Quân đoàn 27 là đội quân được tín nhiệm và luôn biết phục tùng, tướng chỉ huy khi đó là Yang Jianhua, em trai cựu Chủ tịch nước Dương Thượng Côn. Nhưng nhân vật bí ẩn này không thấy có bất cứ tài liệu nào nhắc đến, không thể tìm được tên gốc bằng tiếng Trung Quốc. Đây là đội quân đặc biệt được tuyển từ những nông dân vùng hẻo lánh, có đến 60% là mù chữ. Để tránh tiếng xấu, tháng 12/2015 Quân đoàn 27 đã bị giải thể.

Đây từng là một con người sau khi qua bánh xích xe tăng của Quân đoàn 27 (Quân khu Bắc Kinh) — tại Quảng trường Thiên An Môn.

Hôm nay thế giới lại nhắc đến ngày Lục Tứ (4/6/1989) như một lời nhắc nhở về lòng quả cảm của một thế hệ trẻ đã dám nói lên tiếng nói tự do. Đồng thời lịch sử nhân loại cũng đã chính thức ghi danh chính quyền Cộng sản Trung Quốc là một chế độ tàn bạo nhất của loài người từ trước tới nay.
Đến nay Đảng Cộng sản Trung Quốc bưng bít, che đậy và không thừa nhận cuộc đàn áp này với người dân Trung Quốc. Hàng năm cứ đến ngày 4/6, chính quyền lại kiểm soát chặt chẽ thông tin tưởng niệm cuộc biểu tình này, internet cũng được kiểm soát rất chặt.
Đối với đồng bào của chính Tổ quốc mình mà chính quyền Trung Quốc còn tàn sát man rợ không ghê tay như vậy thì hôm nay những ngư dân Việt Nam – những cột mốc chủ quyền sống trên biển, một trong lực lượng chủ yếu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam – là những vật cản trên con đường độc chiếm Biển Đông thì chắc chắn không tránh khỏi bị tấn công, cướp phá, tàn sát dưới bàn tay sắt máu của họ.

Chiến dịch “Đá Vành Khăn”: Trump mạnh tay với Trung Quốc ở Biển Đông

101

media
Khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường USS Dewey quá cảnh Biển Đông ngày 06/05/2017. Ảnh tư liệu của Hải Quân Mỹ. Kryzentia Weiermann/Courtesy U.S. Navy/Handout via REUTERS

Phải chờ đến bốn tháng sau ngày tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, ngày 25/05/2017 vừa qua mới thấy một chiến hạm Mỹ tiến vào tuần tra bên trong khu vực 12 hải lý chung quanh một hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp tại vùng quần đảo Trường Sa (Biển Đông).

 

Trong bài phân tích đăng trên nhật báo Singapore The Straits Times ngày 02/06 vừa qua, tiến sĩ Lynn Kuok, nhà nghiên cứu tại Đại Học Cambridge, Anh Quốc, thỉnh giảng tại Trung Tâm Luật Quốc Tế, Đại Học Quốc Gia Singapore, đã nhận định rằng: chiến dịch khẳng định quyền tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông đầu tiên thời chính quyền Trump là một dấu hiệu cho thấy là Mỹ vẫn tiếp tục dấn thân vào khu vực.

Bên cạnh đó, căn cứ vào một số thông tin hiếm hoi có được về chiến dịch được khu trục hạm USS Dewey, thuộc Hạm Đội 3 Hoa Kỳ thực hiện ở khu vực Đá Vành Khăn (Mischief reef), có thể thấy là lần này, so với thời tổng thống Obama, Washington đã bắn đi một tín hiệu cứng rắn hơn về phía Trung Quốc.

Một cuộc tuần tra cho thấy quyết tâm tiếp tục dấn thân

Mở đầu bài viết mang tựa đề « Chiến dịch tuần tra đầu tiên của chính quyền Trump vì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông: Trễ còn hơn không », tác giả bài phân tích trước hết ghi nhận tâm lý nóng ruột của cả giới quan sát lẫn các đối tác và đồng minh trong khu vực trước sự kiện chính quyền mới tại Mỹ có vẻ như bất động về Biển Đông.

Ngay từ đầu, các nhà quan sát đã tự hỏi là liệu chính quyền Donald Trump có tiến hành chiến dịch tự do hàng hải gần những đảo tranh chấp ở Biển Đông hay không, và nếu có thì vào lúc nào, và như thế nào. Theo họ, việc sẵn sàng tiến hành chiến dịch là dấu hiệu cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ luật quốc tế, đặc biệt là những quyền về hàng hải được quy định trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS. Nói một cách rộng hơn, đó là một chỉ dấu quan trọng của sự dấn thân của Mỹ trong khu vực.

Năm 2016, tức là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của chính quyền Obama, chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông đã được thực hiện theo nhịp độ 3 tháng một lần, và dù như thế, vẫn vấp phải lời chỉ trích là quá ít. Đồng minh và đối tác của Mỹ bên trong và cả bên ngoài khu vực đã càng lúc càng lo ngại khi thấy đã 4 tháng trôi qua mà chính quyền Trump vẫn không cho tiến hành một chiến dịch tự do hàng hải nào. Điều đó đã khiến nhiều người tự hỏi là phải chăng chính quyền Mỹ đã bỏ rơi Biển Đông để đánh đổi lấy hợp tác của Trung Quốc ở nơi khác, như trên vấn đề Bắc Triều Tiên chẳng hạn.

Tàu Mỹ tập trận thực sự bên trong vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn

Thông tin về chiến dịch mới đây của chiến hạm Mỹ USS Dewey bên trong vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa, như vậy đã chấm dứt hàng tháng trời thắc mắc. Một quan chức Mỹ xin giấu tên, nhấn mạnh rằng « chiến hạm USS Dewey đã thực hiện một cuộc « diễn tập bình thường », với bài tập « điều khiển con tàu » bên trong vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn. Một số thông tin còn nói rõ là chiếc tàu cũng đã di chuyển ngang dọc theo hình chữ Z, thậm chí còn thực hiện một cuộc diễn tập cứu « người bị rơi xuống biển ».

Đối với chuyên gia Lynn Kuok, như vậy là hiển nhiên chiến hạm Mỹ đã không áp dụng thủ tục « qua lại vô hại » khi đi qua vùng biển của một nước khác.

Theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, khi đi qua vùng 12 hải lý của một lãnh thổ nào đó, kể cả đảo, tàu một nước khác phải thực hiện cái gọi là thủ tục « qua lại vô hại – innocent passage ». Dù không cần phải xin phép nước có chủ quyền, nhưng khi đi qua thì phải đi thẳng và liên tục, không được có hành vi hay hoạt động không tốt cho « hòa bình, trật tự hay an ninh » đối với quốc gia có chủ quyền, ví dụ như hoạt động quân sự hay do thám. Một bài tập kiểu « cứu người rơi xuống biển » rõ ràng là không phù hợp với quy định về quyền qua lại vô hại.

Còn ở bên ngoài vùng 12 hải lý, theo UNCLOS, đó là quyền tự do hàng hải, với một loạt quyền trong đó có tự do lưu thông hàng hải, hàng không… Tự do hàng hải đối với phần đông các quốc gia trong cộng đồng quốc tế còn bao hàm quyền thao diễn quân sự, hoạt động do thám.

Khi một quan chức Mỹ mô tả là chiếc tàu USS Dewey đã thực hiện những « nhiệm vụ bình thường » và một bài tập « điều khiển con tàu », thì điều đó có nghĩa là Mỹ không áp dụng thủ tục qua lại vô hại, dùng khi đi qua hải phận quốc gia, mà là thực hiện quyền tự do hàng hải, một quyền khi di chuyển trên biển khơi và trong vùng đặc quyền kinh tế tính từ bờ biển.

Không công nhận lãnh hải quanh Đá Vành Khăn

Đối với chuyên gia Lynn Kuok, cách thức được chiến hạm Mỹ áp dụng đầy ý nghĩa, vì nếu chiếc USS Dewey tuân theo quy định trong thủ tục qua lại vô hại, thì điều đó có nghĩa là Mỹ ngầm công nhận Đá Vành Khăn là một hòn đảo đích thực có quyền có lãnh hải.

Chiến dịch tự do hàng hải đầu tiên của chính quyền Trump tại Biển Đông như vậy đã phù hợp với phán quyết tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye tháng 7 năm 2016 về Biển Đông, cho rằng Đá Vành Khăn nguyên là một thực thể nửa chìm, nửa nổi, cho nên không thể có hải phận hay vùng đặc quyền kinh tế, bất kể việc Trung Quốc đã bồi đắp đá này thành đảo nhân tạo.

Theo chuyên gia trên tờ The Straits Times, hiện không có cơ chế nào để thực thi phán quyết của Tòa Thường Trực La Haye, nhưng các chiến dịch tự do hàng hải phù hợp với quy chế các thực thể ở Trường Sa là một cách hậu thuẫn gián tiếp cho phán quyết.

Nói một cách khái quát thì việc thực hiện thường xuyên các chiến dịch này, phù hợp với luật quốc tế, sẽ giúp ngăn chận nỗ lực của Trung Quốc thực hiện trên thực tế việc kiểm soát Biển Đông.

Trung Quốc phản đối nhưng với lập luận không thuyết phục

Trước tiên Bắc Kinh tố cáo Mỹ tác hại đến « chủ quyền và an ninh » của Trung Quốc. Thế nhưng, như phán quyết của Tòa Trọng Tài đã xác định, Trung Quốc không thể có chủ quyền gì trên các bãi ngầm hay thực thể nửa chìm nửa nổi, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của một quốc gia khác. Đá Vành Khăn lại nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines

Điểm thứ hai, Bắc Kinh phản đối việc chiếc USS Dewey đã đi vào  « vùng biển tiếp giáp của các đảo trong quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi Trường Sa) của Trung Quốc mà không được phép của chính quyền Bắc Kinh ».

Thật ra cho dù Mischief Reef là một thực thể có lãnh hải, điều mà phán quyết Tòa Thường Trực đã hoàn toàn phủ nhận, thì tàu chiến vẫn có quyền đi qua theo thủ tục qua lại vô hại mà không cần xin phép trước.

Thứ ba, bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng Trung Quốc đã đưa ra một loạt những lời tố cáo các chiến dịch tự do hàng hải: « hành động sai trái », « khiêu khích », « phô trương sức mạnh », « thúc đẩy quân sự hóa khu vực », « hành vi lệch lạc ».

Tuy nhiên, quan điểm của Hoa Kỳ và phần lớn các quốc gia là hoạt động đó chỉ là sự khẳng định quan điểm pháp lý một cách hợp pháp, ôn hòa…

Mỹ cần có thêm hành động dứt khoát chống lại yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Với việc chính quyền Trump thể hiện thái độ sẵn lòng tiến hành các hoạt động bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, nhiều quốc gia trong khu vực đã thở phào nhẹ nhõm, mặc dù một cách kín đáo và tránh xa ánh mắt giận dữ của Trung Quốc…

Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia Lynn Kuok, Bắc Kinh nên hiểu rằng cách tiếp cận của Mỹ không phải là chống Trung Quốc, mà bắt nguồn từ việc bảo vệ nguyên tắc của một trật tự dựa trên luật pháp, từ đó thúc đẩy hòa bình và ổn định.

Về phần Hoa Kỳ, nước này không thể chỉ dừng lại một chiến dịch duy nhất, nếu muốn duy trì ảnh hưởng chiến lược rộng lớn của mình trong khu vực. Mỹ cần thường xuyên khẳng định các quyền trên Biển Đông, theo tinh thần phù hợp với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, đồng thời nên công bố rõ ràng và nhanh chóng các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải đó.

Riêng đối với chính quyền Trump, cần phải nghiêm túc thúc đẩy việc phê chuẩn UNCLOS để khỏi bị chỉ trích là đạo đức giả.

Nga : Putin khẳng định chỉ quen sơ một cựu cố vấn của Trump

0

media
Tổng thống Nga Putin trong cuộc gặp bên lề diễn đàn kinh tế Saint Petersburg, ngày 02/06/2017. Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định ông chỉ quen sơ Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Donald Trump. Đây là nhân vật trung tâm trong nghi án thông đồng giữa Matxcơva với những người thân cận của tổng thống Mỹ.

 

Trong bài trả lời phỏng vấn của đài truyền hình NBC cuối tuần 03-04/05/2017 tại Saint-Petersbourg, được phát toàn bộ tại Hoa Kỳ hôm qua, 04/06/2017, ông Putin nói với người phỏng vấn Megyn Kelly rằng : “Tôi với cô quen biết nhau còn nhiều hơn cả tôi với ông Flynn“.

Tổng thống Nga đã nói như trên khi được hỏi về quan hệ của ông với Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Trump trong một thời gian ngắn. Ông Flynn đã phải từ chức vào giữa tháng 2/2017 chỉ sau 3 tuần giữ chức vụ này, vì bị cáo buộc đã nói dối về quan hệ giữa ông với các quan chức Nga.

Ngày 08/06 tới, cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang FBI, James Comey trên nguyên tắc sẽ ra điều trần trước Thượng viện về việc Nga có thể đã can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ. Câu hỏi đang được đặt ra là tổng thống Trump có sẽ ngăn cản ông Comey ra điều trần hay không ?

Từ Washington, thông tín viên Jean-Louis Pourtet tường trình :

« Tổng thống thật sự có thể « chặn họng » James Comey bằng cách sử dụng đặc quyền của hành pháp như nhiều tổng thống đã làm trong quá khứ, kể cả Obama. Nhưng trong trường hợp này, điều đó rất khó xảy ra, vì làm như thế sẽ nguy hiểm cho Donald Trump hơn là để James Comey ra điều trần.

Các thành viên Ủy Ban Tình Báo, và cùng với họ là hàng triệu người dân Mỹ, muốn biết những gì ? Ông Trump có đã yêu cầu giám đốc FBI ngưng điều tra về các mối liên hệ của cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, về những mối liên hệ của nhân vật này với Nga trong thời gian tranh cử tổng thống và thời gian sau đó ?

Nếu đúng như thế thì ông Trump có thể bị truy tố về tội cản trở tư pháp, một lý do đủ để tiến hành thủ tục truất phế. Do đó, nhà tỷ phú New York dường như có lý do để dùng đến đặc quyền của tư pháp như đã nói ở trên.

Nhưng làm như thế thì chẳng khác gì « công nhận mình có tội ». Cho nên, nhiều luật gia không nghĩ rằng tổng thống Trump sẽ ngăn cản James Comey trả lời các câu hỏi của các thượng nghị sĩ trong một cuộc điều trần có lẽ sẽ là một trong những cuộc điều trần được theo dõi nhiều nhất kể từ khi bà Hillary Clinton về vụ Benghazi.»

Anh nhận diện ba nghi can tấn công khủng bố ở London

Cảnh sát London mở thêm các cuộc truy lùng trong ngày thứ Hai liên quan đến vụ tấn công tối thứ Bảy giết chết 7 người và làm bị thương hơn 50 người.

Giới hữu trách cho hay Bộ tư lệnh Chống Khủng bố bắt giữ “một số” người trong các cuộc bố ráp ở các khu vực Newham và Barking.

Tổng cộng có 12 người bị bắt giữ tính đến chiều tối Chủ nhật.

Ủy viên Cảnh sát London, bà Cressida Dick nói với đài truyền hình Sky News rằng các nhà điều tra tin là họ nhận dạng được ba nghi can lái chiếc xe van tông vào khách bộ hành trên cầu London Bridge, rồi nhảy ra khỏi xe đâm nhiều người gần một khu chợ ở đó trước khi bị cảnh sát bắn chết. Nhưng bà Dick nói chưa thể công bố tên tuổi của các nghi can đó vào thời điểm này.

Bà Dick nói: “Chúng tôi đang cố tìm hiểu liệu có bất cứ kẻ nào tiếp tay cho các nghi can này, và chúng tôi muốn biết càng nhiều càng tốt về động cơ dẫn đến vụ tấn công này.”

Nhóm Nhà nước Hồi giáo dùng hãng tin Amaq của bọn chúng để tuyên bố đã thực hiện vụ tấn công.

Thủ tướng Anh Theresa May hôm Chủ nhật nói rằng ba vụ tấn công khủng bố trong ba tháng qua tại Anh quốc “mang ý thức hệ ác độc của những kẻ cực đoan Hồi giáo.”

“Đất nước chúng ta đã quá dung chấp cho chủ nghĩa cực đoan,” bà May nói. “Chúng ta cấn phải kiên quyết hơn, vạch mặt bọn chúng và tiêu diệt chủ nghĩa cực đoan trong xã hội của chúng ta. Chúng ta không còn chần chừ được nữa.”

Thủ tướng May nói vụ tấn công tối thứ Bảy hình như không dính líu đến vụ đánh bom tự sát hồi tháng trước khiến 22 người thiệt mạng sau đại nhạc hội của Ariana Grande tại Manchester, và cũng không liên hệ với vụ xe càn vào khách bộ hành trên Cầu Westminster hồi tháng 3.

Nhưng bà May nói rằng “khủng bố sinh ra khủng bố” và rằng những kẻ tấn công khủng bố “bắt chước nhau.”

Thị trưởng London Sadiq Khan lên án vụ tấn công. Ông nói: “Không có bất cứ sự biện minh nào cho những hành động dã man như vậy.”

Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar và Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả Rập ra tuyên bố lên án vụ tấn công và bày tỏ ủng hộ Anh quốc.

Tại Lễ Ngũ tuần kết thúc mùa Phục sinh của người Công giáo, Ðức giáo hoàng Phanxicô kêu gọi các tín đồ cầu nguyện cho các nạn nhân và thân nhân. Ngài cũng cầu nguyện cho “hòa bình thế giới” và cầu xin chữa lành những vết thương do chiến tranh và chủ nghĩa khủng bố gây ra.

Trước trận chung kết cúp vô địch môn cricket ở thành phố Birmingham giữa hai đối thủ truyền kiếp – Ấn Ðộ và Pakistan – phút mặc niệm các nạn nhân đã được cử hành.

Thành phố Manchester cũng cử hành phút mặt niệm tại nhạc hội do ca sĩ nhạc pop Mỹ Ariana Grande chủ xướng với sự tham gia của nhiều ngôi sao ca nhạc thế giới để gây quỹ cho các nạn nhân vụ đánh bom tự sát hôm 22 tháng 5.

50 ngàn khán giả, trong đó có cả những người bị thương trong vụ tấn công 22/5, đến xem nhạc hội. Buổi trình diễn đã gây quỹ được hơn 2,5 triệu đôla.

Tổng thống Donald Trump điện thoại cho Thủ tướng May, ngỏ lời “hỗ trợ hết mình” cho cuộc điều tra “các vụ tấn công khủng bố tàn bạo” ở Anh.

Bội Nội an Hoa Kỳ cho biết họ liên hệ chặt chẽ với giới hữu trách Anh trong vụ này.

Thông báo của Bộ Nội an nói: “Vào thời điểm này, chúng tôi không có thông tin nào cho thấy có đe dọa tấn công ở Hoa Kỳ,” tiếp theo sao vụ tấn công ở London.

Tổng thống Trump viết trên Twitter rằng các vụ tấn công khủng bố này càng cho thấy các chính sách thắt chặt di trú của ông là đúng. Những người dùng mạng truyền thông xã hội ở cả Anh quốc và Hoa Kỳ chỉ trích phát biểu của ông Trump.

Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo nhận là tác giả vụ khủng bố tại Luân Đôn

RFI
media
Cảnh sát Anh bảo đảm an ninh cho người dân trên các cầu ở Luân Đôn, ngày 05/06/2017. REUTERS/Peter Nicholls

Cơ quan tuyên truyền Amaq của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo trong thông cáo gửi đi chiều Chủ Nhật 04/06/2017 nhận là tác giả vụ khủng bố tại Luân Đôn, làm 7 người chết, gần 50 người bị thương. Công cuộc điều tra tiếp diễn.

 

Một đơn vị chiến binh thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo” đã ra tay trong vụ khủng bố ở Luân Đôn tối thứ Bảy 03/06/2017. Ba hung thủ đã dùng dao đâm một cách vô tội vạ vào người qua lại, khách hàng tại các hiệu ăn và quán bar trước khi bị cảnh sát Anh bắn hạ. Tổ chức thánh chiến Hồi giáo nhận là tác giả vụ khủng bố Luân Đôn trong bối cảnh Anh Quốc, một trong những thành viên của liên quân quốc tế, tham gia các đợt oanh kích nhắm vào tổ chức này tại Irak và Syria.

Cảnh sát Anh đang ráo riết tiến hành công cuộc điều tra. Mặc dù danh tánh ba hung thủ chưa được công bố, nhưng các giới chức tại Luân Đôn cho biết đã nhận diện được ba kẻ tấn công nói trên. Chiến dịch khám xét mở ra trong 24 giờ qua, đặc biệt là tại Barking, ngoại ô phía đông thủ đô nước Anh. Đây là nơi có đông các cộng đồng người nước ngoài sinh sống.

Trước mắt cảnh sát thông báo đã bắt giữ 12 người bị tình nghi có liên quan trực tiếp đến vụ khủng bố cách nay hai hôm. Thông tín viên đài RFI từ Luân Đôn, Muriel Delcroix cho biết thêm về tiến triển của cuộc điều tra :

« Trong một thông cáo mới, lãnh đạo bộ phận chống khủng bố cho biết các nhà điều tra đã tiến khá nhanh và nhận diện được những kẻ khủng bố ở Luân Đôn tối thứ Bảy. Ưu tiên giờ đây là cần phải tìm xem liệu có những kẻ đồng lõa khác giúp đỡ những tên khủng bố này thực hiện các vụ tấn công hay không.

Sáng sớm hôm nay, lực lượng an ninh đã tiến hành một loạt các vụ khám xét, bắt giữ ở ngoại ô Barking, phía đông Luân Đôn. 12 người, trong đó có 4 phụ nữ, đã bị bắt giữ vì có dính líu đến vụ khủng bố. Các nhà điều tra đã khám xét nhiều căn hộ trong một tòa nhà ở Barking và cho thực hiện một vụ phá nổ tại căn hộ của một trong những kẻ khủng bố. Theo những người láng giềng, kẻ này đã có vợ, hai con và sống ở đây trong ba năm.

Trong lúc đó, tại Luân Đôn, cảnh sát giải thích rằng các hàng rào phong tỏa những khu vực bị khủng bố, sẽ được duy trì trong một thời gian và các biện pháp bảo đảm an ninh ở thủ đô Luân Đôn sẽ được xem xét lại. Người dân Luân Đôn sẽ thấy có nhiều cảnh sát hơn, kể cả cảnh sát vũ trang, trên các đường phố. Các biện pháp bảo đảm an ninh cụ thể cho công chúng trên các cầu ở Luân Đôn cũng sẽ được đưa ra ».

Tweet “vụng về” của Donald Trump về Luân Đôn và thông điệp của giới ca sĩ dành cho Manchester

Đô trưởng Luân Đôn, Sadiq Khan kêu gọi người dân “bình tĩnh” trước tình trạng nước Anh tăng cường các lực lượng an ninh, đối phó với những “hành vi dã man” của quân khủng bố. Tại Hoa Kỳ, tổng thống Trump bị chỉ trích lợi dụng khủng bố Luân Đôn để thông qua quyết định đóng cửa nước Mỹ với người Hồi giáo.

Tệ hơn nữa, trong một tin nhắn trên Twitter, tổng thống Hoa Kỳ đã trực tiếp chỉ trích đô trưởng Luân Đôn cho rằng, trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng này Sadiq Khan lại kêu gọi dân cư Luân Đôn “bình tĩnh”. Một cộng tác viên thân cận của đô trưởng Luân Đôn gạt thẳng, cho rằng ông Khan lúc này đang có quá nhiều việc để giải quyết, thay vì tranh luận với Donald Trump.

Cách Luân Đôn hơn 260 cây số, đêm Chủ Nhật 04/06, tại Manchester, danh ca người Mỹ Ariana Grande đã huy động đông đảo nghệ sĩ trong đêm trình diễn ca nhạc “One love Manchester” tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố tự sát đêm ngày 22/05/2017, làm 22 người thiệt mạng.

Trong vòng ba giờ, cùng với 50 ngàn người tham dự buổi trình diễn, hàng loạt ngôi sao như Justin Bieber, Katy Perry, Coldplay, Robbie Williams, Pharrell Williams, Miley Cyrus, nhóm Black Eyed Peas, đã tặng cho khán giả Manchester những ca khúc hay nhất để cùng băng bó vết thương với một thông điệp : “Thế giới không bao giờ sống trong sợ hãi“.

Tối nay đến lượt thủ đô Anh Quốc tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố ở Luân Đôn.

Các nhà lãnh đạo châu Á – Thái Bình Dương kêu gọi hợp tác chống khủng bố

Vụ tấn công khủng bố ở cầu London Bridge gây chấn động cả thế giới cuối tuần qua. Tại diễn đàn an ninh ở Singapore kết thúc hôm Chủ nhật, ngay vào lúc vụ tấn công và những diễn biến tiếp theo sau đó diễn ra, các giới chức quốc phòng châu Á – Thái Bình Dương đã bàn về sự cần thiết phải tăng cường hợp tác chống khủng bố.

Tại diễn đàn an ninh Shangri-La thường niên năm nay, việc Trung Quốc quân sự hóa và xây đảo nhân tạo ở Biển Đông và mối đe tọa đang tăng mạnh của Bắc Triều Tiên nổi lên là hai đề tài chính trong khu vực, bao trùm cuộc đối thoại.

Nhưng cuộc chiến đang diễn ra tại Philippines giữa quân đội chính phủ và phiến quân có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo, những cuộc tấn công hồi gần đây ở Indonesia và vụ khủng bố ở London tối thứ Bảy đã thúc đẩy các giới chức tham dự diễn đàn cam kết tăng cường phối hợp hành động để chống chủ nghĩa cực đoan.

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu gọi các phiến quân này là “những cái máy giết người” và ông nói rằng trong 1.200 phần tử Nhà nước Hồi giáo ở Philippines, có khoảng 40 tên từ Indonesia sang.

Ông Ryacudu nói: “Indonesia sẵn sàng hỗ trợ công tác tình báo, trong đó có việc chia sẻ thông tin và giải quyết các vấn đề liên quan đến khủng bố, với các đối tác Ðông Nam Á và các nước khác như Hoa Kỳ.”

Trong tháng này, Malaysia, Philippines và Indonesia sẽ tăng thêm hoạt động phối hợp tuần tra trên biển Sulu dọc theo biên giới chung giữa ba nước.

Trong phát biểu hôm thứ Bảy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh rằng cam kết chống Nhà nước Hồi giáo của Mỹ không chỉ ở Iraq và Syria, nhưng ở cả Ðông Nam Á.

Ông Mattis phát biểu: “Chiến dịch quân sự mà chúng ta chứng kiến đang diễn ra tại Mindanao nhắc nhỡ chúng ta rằng bọn khủng bố cố tình biến những nơi có thường dân vô tội bị kẹt thành chiến trường. Tấc cả chúng ta phải kiên quyết bảo đảm một môi trường ổn định trong đó các tổ chức cực đoan bạo động sẽ chết dần và bị tiêu diệt, chứ không phải thường dân vô tội của chúng ta.”

Tuần trước một vụ nổ xảy ra tại một trạm xe buýt ở thủ đô Jakarta đã giết chết ba cảnh sát viên. Nhà nước Hồi giáo tuyên bố đã thực hiện vụ tấn công. Bộ trưởng quốc phòng Indonesia nói đất nước ông, nước có dân số theo Hồi giáo lớn nhất thế giới, là mục tiêu tấn công chính của những kẻ cực đoan bị Nhà nước Hồi giáo chiêu dụ.