Home Blog Page 1399

Vì sao người dân tin mạng xã hội hơn báo chí nhà nước?

RFA

Đến tham dự hội nghị Giao ban báo chí vào ngày 20 tháng 6 vừa qua tại Hà Nội, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu rằng “báo chí trong nước đang bị mạng xã hội dẫn dắt”.

Lý do khách quan

Năm 2011 trong bài phát biểu đọc tại tại Hội nghị “Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đối với báo chí” tổ chức tại Brussells, Bỉ, nhà báo nổi tiếng người Pháp Jean Quatremer cho biết ông đã sử dụng các kênh truyền thông mạng như blog, Facebook, Twitter để đăng tải những nội dung bị tránh né, từ chối bởi các cơ quan truyền thông khác. Ông bảo thêm phải làm việc này vì rất nhiều độc giả cần những tin tức “bị chối bỏ”.

Do đó, nhận định của ông Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng có lẽ không phải là mới lạ trong thời đại có thể được xem là đỉnh cao của truyền thông mạng xã hội. Thế nhưng, thời gian không phải là vấn đề được mang ra tranh cãi trong phát biểu của ông Võ Văn Thưởng, thay vào đó, là những ý kiến về nguyên nhân vì sao có tình trạng như thế.

Nhà báo tự do Vũ Bình, người bất đồng chính kiến từng bị nhà nước Việt Nam tuyên án 7 năm tù giam vì cáo buộc tội gián điệp cho biết ông đồng ý với nhận định của ông Võ Văn Thưởng.

“Nhìn nhận khách quan điều đó là đúng. Lý do là những thông tin trên mạng xã hội thứ nhất là nó nóng hổi vì mỗi người có tin là người ta đăng lên ngay, họ không qua kiểm duyệt không mất thời gian.

Và thứ hai, phần lớn những người đăng tin có uy tín, có nhiều người theo dõi, nhiều bạn bè, thì thông tin tương đối là khách quan, trung thực.”

Theo nhà báo tự do Vũ Bình, khi có nhiều đối tượng đăng tin như thế thì việc dẫn dắt độc giả nghiêng về các trang mạng xã hội là điều tất yếu.

Giới hạn của tính khách quan

Một khía cạnh khác về từ “dẫn dắt” được hiểu theo phân tích của nhà báo tự do Vũ Bình, đó là nội dung thông tin trong bài viết của báo chí hiện tại không được xuất phát chính xác từ bản chất của thời sự.

Bây giờ báo chí cứ viết theo lối tuyên truyền thì sẽ rất ít độc giả, nên đành đi tìm những thông tin trên mạng xã hội … để viết theo, rồi bắt chước.
– Nhà báo Vũ Bình

“Tôi nghĩ từ dẫn dắt nó có cả khía cạnh khác, ví dụ như sự phân tích khách quan và trung thực (của mạng xã hội) chứ không bị định hướng chỉ bảo bởi Ban Tuyên giáo. Cho nên nói ‘dẫn dắt’ theo nghĩa đó tôi nghĩ rất là khả dĩ, rất là hợp.”

Ông cho rằng những cây bút tự do, trong đó có cả bloggers thường có những phân tích khách quan, trung thực và công bằng. Điều này đã thu hút độc giả và cả báo chí quốc doanh.

“Bây giờ báo chí cứ viết theo lối tuyên truyền thì sẽ rất ít độc giả, nên đành đi tìm những thông tin trên mạng xã hội rồi tìm những lập luận, những đánh giá khách quan trên mạng xã hội để viết theo, rồi bắt chước.”

Cũng tại hội nghị Giao ban báo chí, ông Võ Văn Thưởng có nêu lên tình trạng đưa tin, đăng bài rồi rút xuống ngay sau đó. Những động thái này càng làm cho độc giả đặt câu hỏi về tính khách quan của báo chí nhà nước. Liệu thông tin đã đăng có chính xác hay không? Hay vì không chính xác nên phải rút xuống?

Đây chính là điểm được nhà báo tự do Vũ Bình cho là giới hạn của tính khách quan mà người đọc được quyền đòi hỏi ở các hệ thống truyền thông, kể cả báo chí do nhà nước quản lý.

“Sự khách quan dừng lại ở định hướng của Ban Tuyên giáo, nói một cách chung hơn là của đảng cộng sản. Nó làm lợi cho nhà cầm quyền hiện nay.”

Nhà báo độc lập, blogger Trương Duy Nhất, chủ trang mạng Một Góc Nhìn Khác chia sẻ ý kiến của ông về định hướng của báo chí quốc doanh xưa nay.

“Báo chí Việt Nam lâu nay bị nhốt trong một cái lồng rồi. Hãy thả báo chí ra. Tôi nghĩ trong tình thế này báo chí cũng là một kênh bị tiết chế bởi chính truyền thông.”

Người ta cũng có thói quen theo kiểu bầy đàn, tức là dễ tin vào những điều có nhiều người tin – vì họ cảm thấy an toàn hơn.
– Tiến sĩ Nguyễn Đức An

Gần đây nhất, những ai theo dõi chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều biết đến câu chuyện Cây đèn Hoa Kỳ, quốc phẩm được đề xuất thực hiện để mang tặng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Hình dáng, chi tiết của món quà được báo trong nước đăng tải trên mạng xã hội. Nhưng vài giờ sau đó, toàn bộ các báo mạng đồng loạt rút bài. Sự việc này tạo nên một làn sóng tranh luận khôi hài trên các trang mạng xã hội với những suy đoán về lý do vì sao tất cả những bài viết liên quan đến cây đèn Hoa Kỳ đều bị lấy xuống.

Một trong những suy đoán đó là của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, ông cho rằng thiết kế của cây đèn Hoa Kỳ có một chi tiết sai, chính là quốc kỳ của nước Mỹ trên thân đèn.

“Một chi tiết nữa theo tôi phải dỡ bỏ và có thể không tặng quà đó là lá cờ Mỹ trên cái đèn bị sai. Lá cờ Mỹ có 7 vạch màu đỏ, trong đó 4 vạch đầu tiên là bằng với khung xanh của các ngôi sao, trong khi lá cờ Mỹ trên cái đèn chỉ thấy 3 vạch màu đỏ bằng với khung xanh.”

Lý giải nguyên nhân của những tình trạng rút bài sau thời gian đăng tải không bao lâu, nhà báo tự do Vũ Bình cho rằng do ban Tuyên giáo chưa kịp định hướng.

“Ví dụ như giàn khoan HD981 vừa vào Biển Đông, chưa kịp định hướng thì cứ nghĩ là được đăng bình thường thì các báo đăng lên. Nhưng ở trên lúc ấy mới cập nhật tin tức, họp hành, biết là chuyện này không nên đưa, không có lợi cho nhà cầm quyền, thế là mới đưa ra những cấm đoán, thông báo sau.”

Trong tình huống đó, chính mạng xã hội lại là công cụ truyền thông đưa người dân đến với thông tin đó. Cư dân mạng chụp lại, hoặc sao chép lại nội dung của bài báo trước khi bị tháo khỏi mặt trận thông tin chính thống của Ban Tuyên giáo.

Và sau đó, họ truyền nhau bằng các công cụ mạng xã hội.

Phản biện

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Đức An, Giảng viên cao cấp ngành báo chí tại Đại học Bournemouth, Anh, có đăng tải một bài viết trên báo Tuổi trẻ trong nước chia sẻ quan điểm của ông về mạng xã hội. Ông đưa ra một cách nhìn khác từ cái bất lợi của những nguồn tin chưa được kiểm chứng do cộng đồng mạng truyền nhau.

Ông cho rằng vai trò của báo chí chính thống vẫn đặc biệt quan trọng trong thời đại công nghệ số.

“Thế giới mạng đang đi ngược lại truyền thống. Thường thì báo chí truyền thống lọc thông tin trước khi xuất bản, còn Facebook lại là nơi người ta có quyền xuất bản trước, rồi mới lọc ngược lại người đọc.

Người ta cũng có thói quen theo kiểu bầy đàn, tức là dễ tin vào những điều có nhiều người tin – vì họ cảm thấy an toàn hơn. Cứ thế, độc giả có xu hướng cuốn theo sự đồng ý hơn là bất đồng. Họ không thể, và có khi không muốn nghe ý kiến trái chiều”.

Phản biện của Tiến sĩ Nguyễn Đức An được đưa ra dưới góc nhìn chuyên môn của một ký giả trong một xã hội tự do báo chí. Bởi vì, theo nhà báo tự do Vũ Bình, ở Việt Nam hiện tại, như một lẽ tự nhiên, người dân không muốn xem và đọc thông tin trên báo chí truyền thống nữa, tạo cơ hội cho các mạng xã hội làm nhiệm vụ thay thế.

Tuần duyên Việt-Nhật lần đầu thao dượt chung

0
VOA

Lực lượng Tuần duyên Nhật và lực lượng thực thi luật pháp trên biển của Việt Nam lần đầu tiên thao dượt chung vào tuần rồi, chú trọng ngăn chặn đánh bắt bất hợp pháp trên Biển Đông. Cuộc thao dượt đánh dấu bước quan trọng trong việc hợp tác thực thi luật biển giữa hai nước vốn đang tăng cường hợp tác an ninh trong những năm gần đây.

Cuộc diễn tập ngoài khơi thành phố cảng Đà Nẵng được tiến hành theo lời mời của Việt Nam, đài truyền hình NHK của Nhật Bản loan tin. Tàu tuần duyên Nhật Bản tham gia diễn tập là chiếc Echigo, trọng tải 3.100 tấn có thể chở được một máy bay trực thăng hạng nhẹ. Cuộc tập trận cũng có sự tham gia của tàu hải quân do Nhật cung cấp cho Việt Nam.

NHK dẫn lời một giới chức Tuần duyên Nhật khẳng định: “Giới hữu trách hàng hải hai nước sẽ tiếp tục hợp tác để giải quyết mọi loại đe dọa nhằm đảm bảo các vùng biển tự do, ổn định và mở rộng, góp phần vào hòa bình và thịnh vượng khu vực.”

Trong quá khứ, tuần duyên Nhật Bản đã tổ chức những cuộc tập trận chung nhỏ hơn với đối tác Việt Nam, chú trọng những hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Trong khuôn khổ chiến lược khu vực Biển Đông, Tokyo đã tìm cách cải thiện nhận thức hàng hải và khả năng thực thi luật pháp của các lực lượng tuần duyên trong khu vực. Trong trường hợp Việt Nam, Tokyo đã cung cấp 6 tàu tuần duyên để tăng cường khả năng cho Hà Nội.

Phát biểu vào tháng 9/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada nói rõ chiến lược Biển Đông của Nhật Bản sẽ chú trọng rõ ràng vào việc “cung cấp hỗ trợ gầy dựng khả năng cho các nước ven biển” bao gồm Việt Nam và Philippines. Tháng trước, tàu hải quân lớn nhất Nhật Bản, JS Izumo, cùng với hải quân Việt Nam diễn tập trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Trước đây trong tháng, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc công du Nhật 4 ngày, thảo luận với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về các vấn đề an ninh vùng. Hai nước đã nhanh chóng tăng cường đối tác chiến lược. Nhật đóng vai trò quan trọng đối với Việt Nam trong tư cách là nguồn cấp viện chính thức lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ hai trong các nguồn đầu tư nước ngoài, và là đối tác thương mại hàng thứ tư.

Việt Nam là một nước có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Việt Nam thường xuyên đối mặt với những tàu nước ngoài từ Trung Quốc, Malaysia, và Indonesia xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế để đánh bắt bất hợp pháp. Tuần duyên Việt Nam là lực lượng chấp pháp nồng cốt trên biển, nằm dưới sự quản lý của Bộ Quốc phòng Việt Nam.

(Nguồn The Diplomat/NHK)

Bắc Kinh nói với Hà Nội: Biển đảo của Trung Quốc ‘từ ngàn xưa’

0
VOA

Ngô Đồng

Tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong), Phó chủ tịch Quân ủy Trung Ương Trung Quốc, nói với phía Việt Nam rằng “các đảo trên biển Nam Hải là của Trung Quốc từ ngàn xưa.”

Tướng Phạm Trường Long cầm đầu một phái đoàn quân sự cấp cao của Trung Quốc thăm Việt Nam hai ngày 18 và 19/6/2017 trước khi tới vùng biên giới đồng chủ tọa với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Ngô Xuân Lịch, “Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam ​ -Trung Quốc lần thứ 4 tại tỉnh Lai Châu (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).”

Tại Hà Nội, ông Phạm Trường Long gặp các nhân vật cầm đầu Việt Nam gồm tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước Trần Đại Quang, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch.

Thông tấn xã Việt Nam có các bản tin khác nhau về cuộc gặp từng lãnh tụ Việt Nam của ông Phạm Trường Long với rất nhiều tường thuật lời nói của cả hai bên. Báo quân đội Trung quốc chỉ có một bản tin duy nhất viết về các cuộc gặp mặt đó. Điều đáng để ý nhất là lời tuyên bố của ông Phạm Trường Long xác định chủ quyền của Trung Quốc về các đảo trên Biển Đông (ám chỉ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền.

Trong đoạn tin thuật lại cuộc gặp mặt ông bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, lời ông Phạm Trường Long được báo Quân đội Trung Quốc kể lại là “Tái khẳng định lập trường của Trung Quốc về vấn đề Nam Hải và nhấn mạnh rằng các đảo tại Nam Hải là của Trung Quốc từ ngàn xưa.”

Ông Phạm Trường Long còn nói thêm là “Tình hình hiện nay ở Nam Hải ổn định, mà (đạt được như vậy) không dễ dàng và nên gìn giữ lấy.” Ông ta còn “thúc giục cả hai bên tuân thủ những sự đồng thuận đã được lãnh đạo hai đảng Cộng Sản và hai nước đạt được, nâng tầm trao đổi liên lạc chiến lược, kiểm soát đúng cách các khác biệt và duy trì tổng thể quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và hòa bình ổn định trên Nam Hải.”

Đây là lần đầu tiên người ta thấy một chức sắc cấp cao của Trung Quốc nói với một chức sắc cấp cao của Việt Nam như thế và được báo chí Trung Quốc thuật lời. Tháng 9 năm 2015, khi đến Hoa Thịnh Đốn, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nói những lời tương tự như vậy khi bị báo chí chất vấn.

Trong khi thuật lời ông Phạm Trường Long như trên, báo Quân đội Trung Quốc thuật lời ông Ngô Xuân Lịch là “nêu những tiến bộ quan trọng trong mối quan hệ giữa quân đội hai nước Việt Nam và Trung Quốc những năm gần đây và sự hợp tác lành mạnh về phòng vệ biên giới, hoạt động bảo vệ hòa bình thế giới, tìm kiếm và cứu nạn trên biển. Quân đội Việt Nam hy vọng làm sâu sắc hơn sự hợp tác và liên lạc thông tin với đối tác Trung Quốc, đồng thời tiếp tục truyền thống đoàn kết và hữu nghị.”

Trong khi đó TTXVN kể lại cuộc họp giữa Bộ trường Quốc phòng Ngô Xuân Lịch với phái đoàn ông Phạm Trường Long thì viết “Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam hết sức coi trọng chuyến thăm Việt Nam lần này của Thượng tướng Phạm Trường Long và đoàn; coi đây là một sự kiện chính trị quan trọng, bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa nhân dân và quân đội hai nước.”

TTXVN kể rằng, “Tại hội đàm, hai bên trao đổi tình hình quốc tế, khu vực và những vấn đề cùng quan tâm; đánh giá kết quả hợp tác giữa quân đội hai nước thời gian qua, thống nhất nội dung, biện pháp hợp tác trong thời gian tới nhằm triển khai hiệu quả Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2025 mà hai bên đã ký kết vào tháng 1/2017. Kết thúc hội đàm, Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Thượng tướng Phạm Trường Long đã chứng kiến ký kết Thỏa thuận hợp tác đào tạo giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc.”

Ông Ngô Xuân Lịch có nói gì với ông Phạm Trường Long về vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hay không, không thấy nói gì trong bản tin của TTXVN. Chỉ thấy trong bản tin của TTXVN viết về cuộc gặp mặt giữa ông Phạn Trường Long với ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mà ông thủ tướng của Việt Nam “nhấn mạnh đến tình hữu nghị truyền thống, gắn bó có từ lâu đời giữa hai Đảng, nhân dân hai nước.”

Ông Phúc “Đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Thượng tướng Phạm Trường Long và Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng hoan nghênh Quân ủy Trung ương hai nước thiết lập cơ chế hợp tác, triển khai toàn diện Tuyên bố Tầm nhìn chung về Hợp tác quốc phòng đến năm 2025.”

Bản tin của TTXVN kể rằng “Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long cho biết, mục đích chuyến thăm lần này của Đoàn nhằm tiếp tục thực hiện nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo Cấp cao hai nước; thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị Việt-Trung ngày càng phát triển toàn diện.”

Một điểm đặc biệt được TTXVN kể trong bản tin là “Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình quốc tế hết sức phức tạp, Việt Nam và Trung Quốc cần đẩy mạnh hợp tác, cảnh giác trước những âm mưu chia rẽ quan hệ hai Đảng, hai nước.”

Còn về vấn đề Biển Đông thì “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với Thượng tướng Phạm Trường Long không để vấn đề biển Đông mà ảnh hưởng đến quan hệ hai nước; mong muốn Quân đội hai nước đi đầu trong việc cùng nhau gìn giữ tình hữu nghị, tuân thủ quy định của pháp luật quốc tế, UNCLOS 1982, thực hiện hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), tích cực đóng góp cho việc ổn định tình hình, hợp tác và phát triển.”

Cùng ngày các lãnh tụ Việt Nam tiếp phái đoàn Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc của ông Phạm Trường Long, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một phụ bản của tờ Nhân Dân Nhật Báo ở Bắc Kinh có bài bình luận cảnh cáo Việt Nam đừng dựa vào các thế lực bên ngoài khu vực để chống lại Trung Quốc ở trên biển.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo liệt kê những diễn biến xảy ra thời gian gần đây như Mỹ chuyển giao cho Việt Nam 6 tàu tuần cao tốc cỡ nhỏ và một tàu tuần cỡ lớn, Nhật Bản cấp tín dụng cho Việt Nam đóng một số tàu Cảnh Sát Biển là những thí dụ không “tử tế.”

Điều khoản về tố giác thân chủ: ‘Một bước thụt lùi của tư pháp Việt Nam’?

Quốc hội Việt Nam hôm 20/6 thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, trong đó có điều khoản quy định “luật sư tố giác thân chủ” gây nhiều tranh cãi.

Phiên xử blogger Basam Nguyễn Hữu Vinh cùng người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thuý tại tòa án Hà Nội ngày 22 tháng 9 năm 2016.
AFP photo

Kết quả biểu quyết cho thấy hơn 88% đại biểu tán thành luật sửa đổi. Riêng điều 19 gây tranh cãi có số phiếu thuận là hơn 84,5%.

Theo khoản 3 của điều 19, luật sư bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác “các tội xâm phạm an ninh quốc gia” hoặc “tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” do thân chủ đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà luật sư biết rõ khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa.

Nó rất bất lợi cho giới luật sư khi hành nghề. Và nó tạo ra những rủi ro rất là nghiêm trọng đối với giới luật sư chúng tôi trong quá trình tham gia bào chữa các vụ án. Quy định này có thể nói là hầu hết luật sư đều không đồng tình.

Trong vài tuần trước ngày bỏ phiếu, qua các diễn đàn khác nhau, giới luật sư đã nhiều lần đưa ra các lập luận phản đối quy định “luật sư tố giác thân chủ”.

Từ Hà Nội, luật sư Ngô Ngọc Trai bày tỏ với VOA sự thất vọng của ông về việc quốc hội thông qua luật sửa đổi chứa đựng điều 19:

“Nó rất bất lợi cho giới luật sư khi hành nghề. Và nó tạo ra những rủi ro rất là nghiêm trọng đối với giới luật sư chúng tôi trong quá trình tham gia bào chữa các vụ án. Quy định này có thể nói là hầu hết luật sư đều không đồng tình”.

Nói rõ thêm về những bất lợi cho giới luật sư, ông Trai chỉ ra rằng cụm từ “tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” trong điều luật bao trùm lên phạm vi hành nghề chính của các luật sư ở Việt Nam.

Ông phân tích rằng chỉ những người bị cáo buộc phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, có thể đối diện án tù nhiều năm, chung thân hoặc tử hình, mới phải nhờ đến luật sư. Như vậy, đó là “phạm vi kiếm sống chính” của nghề luật sư bào chữa.

Nhưng nay với điều luật ràng buộc luật sư tố giác thân chủ, theo luật sư Trai, giới hành nghề bào chữa chỉ còn lại một khoảng không gian rất “hạn hẹp”.

Ông cũng lưu ý rằng công việc của luật sư bào chữa là tạo ra đối trọng với các cơ quan điều tra, truy tố, bảo đảm có sự cân đối giữa buộc tội và gỡ tội, có như vậy khái niệm “cán cân công lý” mới có ý nghĩa.

Bàn về khía cạnh đạo đức, luật sư Trai nói thân chủ bỏ tiền ra nhờ luật sự cứu giúp, nhưng luật hình sự đòi luật sư tố giác thân chủ, điều này đẩy họ vào hoàn cảnh phải “phản bội” thân chủ.

Theo báo chí trong nước, phát biểu trước phiên bỏ phiếu thông qua luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh rằng nhà nước không miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của người bào chữa là “xuất phát từ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, vì lợi ích chung của cộng đồng”.

…các nền tư pháp tiến bộ họ đều quy định theo hướng trao quyền cho luật sư, giải thoát trách nhiệm của luật sư khi tiết lộ thông tin của thân chủ trong một số trường hợp nếu biết thân chủ chuẩn bị phạm tội nghiêm trọng … Nhưng Việt Nam lại quy định thay vì là quyền cho luật sư lại quy định nghĩa vụ ràng buộc, trói buộc luật sư.

Luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng các nhà làm luật Việt Nam “nhận thức sai lệch nghiêm trọng” về trách nhiệm của luật sư đối với thông tin của thân chủ trong một số trường hợp đặc biệt:

“Nói chung là các nền tư pháp tiến bộ họ đều quy định theo hướng trao quyền cho luật sư, giải thoát trách nhiệm của luật sư khi tiết lộ thông tin của thân chủ trong một số trường hợp nếu biết thân chủ chuẩn bị phạm tội nghiêm trọng. Bình thường, luật sư có nghĩa vụ bảo mật thông tin. Nhưng người ta có quy định miễn trừ trách nhiệm cho luật sư được tiết lộ thông tin mà không bị coi là vi phạm nghĩa vụ bảo mật trong một số trường hợp. Nhưng Việt Nam lại quy định thay vì là quyền cho luật sư lại quy định nghĩa vụ ràng buộc, trói buộc luật sư”.

Nêu ra một số nước như Mỹ, Nhật, Anh làm ví dụ, luật sư Trai nhận xét ở các nước đó phạm vi những trường hợp luật sư tiết lộ bí mật của thân chủ là rất hạn hẹp, hãn hữu.

Ông nói đó là những vụ luật sư có thể phân biệt rạch ròi được ngay quyền lợi của xã hội cao hơn cao hơn quyền lợi của thân chủ, như các vụ đặt bom khủng bố hay giết người hàng loạt. Trong những vụ này, luật sư không bị giằng xé nội tâm khi tiết lộ.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự 2015 sẽ có hiệu lực từ 1/1/2018. Ông Ngô Ngọc Trai bình luận luật này là một bước thụt lùi của tư pháp Việt Nam.

Cục trưởng môi trường Việt Nam bị cách chức vì vụ Formosa

0
VOA

Một quan chức cao cấp thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam bị cách chức vì “thiếu trách nhiệm” trong vụ xả chất thải độc hại gây nên thảm họa môi trường nghiêm trọng vào năm ngoái.

Ông Lương Duy Hanh, Cục trưởng Cục kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, là quan chức mới nhất bị trừng phạt trong vụ rò rỉ chất thải độc hại từ nhà máy thép trị giá hàng tỉ đôla do công ty Formosa của Đài Loan vận hành, khiến cá chết hàng loạt dọc theo bờ biển của bốn tỉnh miền Trung.

Formosa đã bị phạt 500 triệu đôla về vụ xả thải và Việt Nam cam kết trừng phạt 11 quan chức trong thảm hoạ môi trường tồi tệ nhất từ trước tới nay.

Truyền thông trong nước đưa tin Tổng cục Môi trường quyết định cách chức ông Hanh sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật “cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng” của ông khi xem xét trách nhiệm liên quan đến sự cố môi trường.

Ông Hanh bị tố cáo “thiếu trách nhiệm trong thanh tra đối với dự án Formosa; không tham mưu giám sát việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn thi công xây dựng và vận hành thử nghiệm của Formosa,” theo VOV.

Báo Tuổi Trẻ dẫn một nguồn tin cho biết quan chức này đã được điều chuyển từ Tổng cục Môi trường về làm chuyên viên tại Vụ Pháp chế, và đã nhận nhiệm vụ mới.

Trước đó trong năm, một Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã bị cách chức về vụ cá chết hàng loạt, và bốn quan chức khác bị tước tất cả các chức vụ trong Đảng.

Vào thời điểm thảm họa xảy ra hồi tháng 4 năm 2016, nhà máy thép Formosa đang trong giai đoạn thi công.

Tháng trước, chính phủ cho phép nhà máy này vận hành thử nghiệm.

Thảm họa môi trường Formosa đã tàn phá sinh kế của những làng đánh cá dọc theo bờ biển miền Trung, và ngư dân tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình đòi bồi thường nhiều hơn.

Nổ bom tự sát ở Afghanistan: 29 người chết, 60 người bị thương

104
VOA

Một vụ nổ bom tự sát có sức công phá lớn xảy ra tại tỉnh Helmand ở miền nam Afghanistan đã giết chết ít nhất 29 người và làm bị thương hơn 60 người.

Các nhân chứng cho biết vụ nổ xảy ra khi binh lính và nhân viên chính phủ đang tụ tập bên ngoài ngân hàng New Kabul ở Lashkargah, thủ phủ của tỉnh Helmand để chờ lĩnh lương.

Ông Omar Zwak, phát ngôn nhân chính quyền tỉnh, nói với VOA rằng một số người bị thương “đang ở trong tình trạng nguy kịch.” Ông cho biết trong số các nạn nhân có cả nhân viên dân sự và quân sự.

Vụ đánh bom thảm khốc xảy ra trước lễ hội Eid ở Afghanistan, rơi nhằm ngày Chủ nhật sắp tới, đánh dấu ngày kết thúc tháng ăn chay Ramadan của người theo đạo Hồi.

Hiện chưa có ai nhận trách nhiệm vụ nổ bom.

Thiếu Tướng Roger Turner, Tư lệnh của lực lượng đặc nhiệm do Hoa Kỳ lãnh đạo, lên án vụ tấn công:

“Cuộc tấn công hèn hạ nhắm vào những người vô tội giữa lúc họ đang chờ lĩnh lương để chuẩn bị để mừng Lễ Eid al-Fitr.”

Ông nói tiếp:

“Một lần nữa, kẻ thù của chúng ta đã chứng tỏ rằng họ hoàn toàn bất kể đến thường dân vô tội khi thực hiện một cuộc tấn công bừa bãi, gây chết chóc và khổ đau.”

Helmand là tỉnh lớn nhất của Afghanistan, nơi hầu hết lãnh thổ bị phiến quân Taliban kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng.

Cuộc tấn công hôm thứ Năm 22/6 xảy ra một ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ở New York được báo cáo về tình hình an ninh và chính trị mới nhất ở Afghanistan.

Phát biểu tại cuộc họp hôm trước, Đại diện Liên Hiệp Quốc cho Afghanistan, ông Tadamichi Yamamoto, nói rằng quân Taliban đang trỗi dậy và nhấn mạnh tính cách khẩn cấp của “một tiến trình hòa bình chân thực” với phe nổi dậy.

“Chính phủ và phe Taliban cần phải tiếp cận nhau một cách trực tiếp để tìm ra một giải pháp chính trị.”

Tình hình an ninh đang xấu đi tại Afghanistan, theo ông Yamamoto, đã nêu bật những căng thẳng chính trị trước nay vẫn âm ỉ trong chính quyền Afghanistan, và cho thấy là “sự rạn nứt trong liên minh chính trị” đã được đạt qua tương nhượng.

Chính phủ Đoàn kết Quốc gia của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đang chịu áp lực từ các đối tác và các chính khách đối lập buộc ông từ chức sau một đợt bạo động ngày càng leo thang trên khắp nước.

Đại diện Liên Hiệp Quốc cho Afghanistan nhận định:

“Những sự rạn nứt chính trị vừa xuất hiện đang gia tăng trên căn bản sắc tộc, đây là điều đặc biệt đáng lo ngại tại một thời điểm khi mà nhóm chủ chiến Nhà Nước Hồi giáo đang tìm cách khiêu khích tranh chấp bè phái trong nội bộ bằng các cuộc tấn công nhắm vào người Hồi giáo Shia.”

IS phá hủy đền thờ Hồi giáo có từ thế kỷ 12 ở Mosul

0
VOA
Tháp al-Hadba trước (ảnh trái) và sau khi bị phá hủy. (Ảnh: Reuters)

Nhóm Nhà nước Hồi giáo đã cho nổ tung một di tích lịch sử ở Mosul, Iraq, một đền thờ Hồi giáo nổi tiếng có từ thế kỷ 12. Ngôi đền tên al-Nuri có biểu tượng là tháp nghiêng al-Hadba, là nơi thủ lãnh IS Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố thành lập một vương quốc Hồi giáo tự trị cách đây gần ba năm.

Vụ nổ đã phá hủy một di sản văn hóa vô giá của Iraq, đồng thời phát đi một thông điệp mạnh mẽ đến các lực lượng liên minh do Mỹ lãnh đạo và quân đội Iraq, hiện đang xông lên tới gần cứ địa cuối cùng của IS ở khu phố cổ của thành phố Mosul.

Bộ Quốc phòng Iraq nói quân IS đã kích nổ chất nổ cài đặt bên trong đền thờ vào đêm thứ Tư.

Đầu ngày thứ Năm, Thủ tướng Haider al-Abadi viết trên trang Twitter rằng vụ phá hủy tháp al-Hadba và ngôi đền là sự thừa nhận của các phần tử chủ chiến rằng họ đang thua trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát Mosul, thành phố lớn thứ nhì của Iraq.

Đền thờ al-Nuri nhìn từ mạn Bắc thành phố Mosul ngày 6/7/2014.
Đền thờ al-Nuri nhìn từ mạn Bắc thành phố Mosul ngày 6/7/2014.

Đền thờ al-Nuri nhìn từ mạn Bắc thành phố Mosul ngày 6/7/2014.

Đền thờ Hồi giáo Al-Nuri, còn được gọi là Đền lớn của Mosul, là nơi thủ lãnh IS Abu Bakr al-Baghdadi ra mắt trong những lần xuất hiện hiếm hoi, như khi ông tuyên bố thành lập một vương quốc Hồi giáo vào mùa hè năm 2014, ngay sau khi chiến binh IS tràn vào Mosul. Tháp al-Hadba cũng nghiêng như Tháp Pisa của Ý và đã đứng vững trong hơn 840 năm.

IS đã cho nổ tung đền thờ Hồi giáo nổi tiếng này trong khi đang ăn mừng lễ Laylat al Qadr, đêm linh thiêng nhất của tín đồ Hồi giáo. “Đêm của quyền lực” là để kỷ niệm đêm Kinh Quran được tiết lộ cho Tiên tri Muhammad trong tháng chay Ramadan.

Trong một tuyên bố đăng trực tuyến ngay sau thông báo của Bộ Quốc phòng Iraq về vụ phá hủy đền al-Nuri, IS đổ lỗi cho một cuộc không kích của Hoa Kỳ đã phá hủy tháp nghiêng và đền thờ.

Liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo bác bỏ cáo buộc của IS. Người phát ngôn, Đại tá Quân đội Hoa Kỳ Ryan Dillon, nói với AP rằng máy bay của liên minh “không tiến hành không kích trong khu vực vào thời điểm đó”.

FBI điều tra cuộc tấn công sân bay Michigan như một vụ khủng bố

0
VOA

Một công dân Canada bị buộc tội đã dùng dao đâm một nhân viên cảnh sát tại một sân bay ở bang Michigan, Hoa Kỳ hôm thứ Tư.

Chính quyền liên bang cho biết ông Amor Ftouhi, đến từ thành phố Quebec, đã tấn công Trung úy Jeff Neville ngay sau khi ông đến Sân bay Quốc tế Bishop, một sân bay nhỏ ở thành phố Flint. Tin nói rằng ông Ftouhi đã hô “Allahu Akbar”, tiếng Ả Rập có nghĩa là “Thượng đế vĩ đại!” khi thực hiện cuộc tấn công. Ông Ftouhi tố cáo Mỹ đã giết người ở Syria, Iraq và Afghanistan.

Ông David Gelios, đặc vụ F.B.I., nói các nhà điều tra tin rằng ông Ftouhi là một kẻ tấn công “kiểu sói đơn độc,” đã nhập cảnh Hoa Kỳ hợp pháp trước khi tìm đến sân bay Flint.

Ông David Gelios nói:

“Chúng tôi đã thẩm vấn đối tượng khá lâu, ông ta có hợp tác và đã cho chúng tôi biết động cơ tấn công. Tôi nghĩ chỉ cần nói rằng ông ta mang lòng hận thù đối với Hoa Kỳ là đủ, và cũng có một số lý do khác khiến ông ta tới sân bay để thực hiện hành động bạo lực này.”

Ông Gelios nói FBI đang điều tra cuộc tấn công như một hành động khủng bố. Tình trạng cảnh sát viên Neville đã ổn định sau cuộc tấn công, và dự kiến sẽ phục hồi hoàn toàn.

Các giới chức sân bay tải tin nhắn lên trang Facebook nói rằng tất cả hành khách đều an toàn.

Diễn biến mới vụ tướng Trung Quốc ‘đột ngột bỏ về’

0
VOA

Việc ông Phạm Trường Long, quan chức quân sự đầy quyền lực của quốc gia láng giềng phương Bắc, mới đột ngột cắt ngắn chuyến thăm “quốc gia cộng sản anh em” tiếp tục gây ra nhiều đồn đoán.

Ông Nguyễn Vinh Quang, cựu Phó đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, nói với VOA Việt Ngữ rằng đây là một chuyện “chưa từng có”: “Chưa có trường hợp tiền lệ. Tôi cũng cảm thấy đột ngột về chuyện này”.

Với một chuyến đi như vậy, phải tổ chức, sắp xếp từ trước, có thể hàng năm trời rồi, nhưng mà bây giờ thay đổi thì chắc nó có vấn đề nào đó trong quá trình trao đổi giữa hai bên. Cũng có thể liên quan đến ý kiến khác nhau của hai bên về Biển Đông, một trong những vấn đề căng thẳng và phức tạp.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã ra thông cáo ngắn gọn, trong đó nói rằng vị tướng của họ phải hủy sự kiện giao lưu trên biên giới với phía Việt Nam vì lý do “sắp xếp lịch làm việc”.

Tuy nhiên, ông Trần Công Trục, Cựu Trưởng ban Biên giới Chính phủ, cho rằng gốc rễ của vấn đề có thể xuất phát từ chuyện tranh chấp lãnh hải.

Ông nhận định tiếp: “Với một chuyến đi như vậy, phải tổ chức, sắp xếp từ trước, có thể hàng năm trời rồi, nhưng mà bây giờ thay đổi thì chắc nó có vấn đề nào đó trong quá trình trao đổi giữa hai bên. Cũng có thể liên quan đến ý kiến khác nhau của hai bên về Biển Đông, một trong những vấn đề căng thẳng và phức tạp”.

Phát ngôn viên Cảnh Sảng hôm 22/6 trả lời câu hỏi về vụ ông Phạm Trường Long.

Phát ngôn viên Cảnh Sảng hôm 22/6 trả lời câu hỏi về vụ ông Phạm Trường Long.

Khi được hỏi liệu có thể xác nhận rằng việc Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long cắt ngắn chuyến đi vì bất đồng về Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 22/6 không trả lời thẳng vào câu hỏi.

Các nước liên quan cần phải kiềm chế không có các hành động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình tại vùng biển tranh chấp. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan cùng làm việc với Trung Quốc để cùng duy trì quan hệ song phương và bảo vệ hòa bình và ổn định của khu vực.

Ông Cảnh Sảng nói: “Với nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước trong khu vực, tình hình Biển Đông đang nguội đi và tiến triển theo chiều hướng tích cực. Đó là một thành tựu đạt được sau nhiều nỗ lực và nên được tất cả các bên trân trọng”.

“Các nước liên quan cần phải kiềm chế không có các hành động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình tại vùng biển tranh chấp. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan cùng làm việc với Trung Quốc để cùng duy trì quan hệ song phương và bảo vệ hòa bình và ổn định của khu vực”, người phát ngôn Trung Quốc nói.

Trong khi đó, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ở Hong Kong hôm 22/6 dẫn lời ông Ngô Sĩ Tồn, chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc nói rằng “một lý do trực tiếp dẫn tới việc cắt ngắn chuyến thăm của ông Phạm có thể vì Bắc Kinh cho rằng Việt Nam đã phá vỡ cam kết không khai thác dầu tại các vùng tranh chấp ở Nam Hải (Biển Đông). Việt Nam gần đây cũng đã liên hệ nhiều hơn với Mỹ và Nhật”. Đầu năm nay, tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ đã ký thỏa thuận khung phát triển và bán khí đốt từ mỏ Cá Voi Xanh ở Biển Đông với Việt Nam.

Tin nói ông Phạm Trường Long nói với Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (ảnh) rằng Biển Đông là “lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa”.

Tin nói ông Phạm Trường Long nói với Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (ảnh) rằng Biển Đông là “lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa”.

Tới ngày 22/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn chưa hồi đáp email của VOA Việt Ngữ về thông tin mà vị tướng chỉ đứng sau Chủ tịch Tập Cận Bình trong Quân ủy Trung ương Trung Quốc tuyên bố trước Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch rằng Biển Đông là “lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa”.

Tiến sĩ Trục cho rằng tuyên bố như vậy từng được Trung Quốc nêu ra, nhưng đáng chú ý là nó phát ra từ ông Phạm Trường Long, trong cuộc gặp với quan chức cấp cao của nước chủ nhà.

… Những người có thiện chí, có ý muốn rõ ràng cùng nhau ngồi đàm phán giải quyết tranh chấp thì không vì quan điểm khác nhau đó mà tự ái, hay có thái độ bất bình thường.

Cựu quan chức từng xử lý vấn đề biên giới của Việt Nam nói thêm: “Trong cuộc gặp với các lãnh đạo Việt Nam, ông ta là người đại diện cho Trung Quốc nêu ra chuyện này, thì rõ ràng, một lần nữa thể hiện lập trường hết sức cứng rắn của Trung Quốc”.

Ông nói tiếp: “Trong quá trình hai bên đàm phán với nhau, việc mỗi bên thể hiện lập trường của mình là chuyện bình thường để rồi từ đó hai bên bàn bạc với nhau để có được thỏa thuận cần thiết. Những người có thiện chí, có ý muốn rõ ràng cùng nhau ngồi đàm phán giải quyết tranh chấp thì không vì quan điểm khác nhau đó mà tự ái, hay có thái độ bất bình thường”.

Tới tối ngày 22/6, báo chí do nhà nước kiểm soát của Việt Nam không đưa bất kỳ thông tin nào về việc ông Phạm cắt ngắn chuyến công du, cũng như không có lời giải thích từ phía Hà Nội.

Trong cuộc gặp với ông Ashton Carter năm 2015 ở Lầu Năm Góc, ông Phạm cũng tuyên bố rằng Nam Hải (Biển Đông) thuộc về Trung Quốc từ thời xa xưa.

Trong cuộc gặp với ông Ashton Carter năm 2015 ở Lầu Năm Góc, ông Phạm cũng tuyên bố rằng Nam Hải (Biển Đông) thuộc về Trung Quốc từ thời xa xưa.

​Một số nhà phân tích cho rằng việc Việt Nam xích lại gần với Hoa Kỳ và Nhật, nhất là chuyến thăm mới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với các tuyên bố về Biển Đông sau đó, đã làm mếch lòng Trung Quốc.

Bản thân tướng Phạm Trường Long, trong cuộc gặp với người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2015, đã thúc giục quân đội Hoa Kỳ “giảm bớt các hoạt động hải quân và không quân ở Biển Đông cũng như duy trì quan điểm không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp tại đó nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Trong cuộc gặp với ông Ashton Carter khi đó, ông Phạm cũng tuyên bố rằng Nam Hải (Biển Đông) thuộc về Trung Quốc từ thời xa xưa, cũng như tuyên bố rằng Bắc Kinh có quyền xây dựng và thiết lập các cơ sở quân sự trên đó, theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Bộ này năm ngoái cũng đưa tin rằng Phó Chủ tịch Quân ủy Phạm Trường Long đã tới quần đảo Nam Sa, tức Trường Sa, và đã gặp các sĩ quan cũng như binh sĩ đồn trú trên đó. Tin cho hay, quan chức quân sự này cũng đã được cập nhật về tiến độ xây dựng đảo.

Mời quý vị xem thêm:

Diễn biến mới vụ tướng Trung Quốc ‘đột ngột bỏ về’

Việt Nam không phản ứng về chính sách Cuba mới của Trump

0
VOA

Việt Nam, một “đồng chí thân thiết” của Cuba, không hề có phản ứng sau khi tổng thống Mỹ công bố những thay đổi trong chính sách của Washington đối với nước này.

Dư luận quốc tế đã lên tiếng chỉ trích hành động của Tổng thống Donald Trump đảo ngược chính sách bình thường hóa quan hệ với Cuba của cựu tổng thống Obama, cho rằng nước Mỹ sẽ chịu nhiều thiệt hại vì quyết định này. Bộ ngoại giao Mexico, một nước trong khối Mỹ Latinh, khẳng định chính phủ nước này sẽ tiếp tục ủng hộ Cuba.

“Sự im lặng của chính phủ Việt Nam trước chính sách Cuba mới của ông Trump đã làm nhiều người Việt ngạc nhiên.”

Một cựu nhà báo không muốn được nêu tên nói với VOA rằng “thật lạ là chính sách đảo nghịch của Tổng thống Trump không xuất hiện trên truyền thông Việt Nam. Thật là xấu hổ.” Nhà báo này không bình luận gì thêm về điều này nhưng hàm ý nói đến mối quan hệ thân thiết giữa Việt Nam và Cuba.

Việt Nam có chung hệ tư tưởng Cộng sản với Cuba, và từng nhận nhiều sự trợ giúp từ “người anh” Cuba, đặc biệt dưới thời Fidel Castro.

Theo tìm hiểu của VOA Việt Ngữ, Bộ Ngoại giao Việt Nam không có một công bố nào liên quan đến chính sách đảo chiều của Tổng thống Trump. Truyền thông trong nước đưa tin về công bố này của ông Trump nhưng không có bình luận gì từ phía các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Trong khi không có phản ứng nào từ chính phủ Việt Nam, cộng đồng mạng xã hội đã lên tiếng phản đối chính sách của ông Trump, theo nhà báo Lưu Kha.

“Người ta coi đó là một bất công và một sai lầm. Có nhà báo và nhiều người đã lên tiếng phản đối,” ông Kha cho biết. “Còn từ phía nhà nước thì tôi chắc chắc rằng nhà nước Việt Nam không đồng tình với biện pháp bao vây cấm vận của Trump (đối với Cuba). Họ sẽ phản đối nhưng mức độ thế nào thì còn phụ thuộc vào mối quan hệ quốc tế phức tạp hiện nay.”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng vào tháng trước. Việt Nam đang chủ động kết thân với chính quyền của Trump và không chỉ trích Mỹ về chính sách Cuba mới của vị tổng thống này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng vào tháng trước. Việt Nam đang chủ động kết thân với chính quyền của Trump và không chỉ trích Mỹ về chính sách Cuba mới của vị tổng thống này.

Tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm Mỹ và có cuộc gặp mặt với Tổng thống Trump. Chuyến thăm này được đánh giá là một hành động của Việt Nam để kết thân với chính phủ Hoa Kỳ. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, Việt Nam dưới thời Thủ tướng Phúc đã chủ động tiến gần hơn với Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong khu vực, và dường như thắng thế trong các vụ tranh chấp lãnh hải trong biển Đông.

‘Tình đồng chí’ Việt Nam-Cuba

Việt Nam được sự giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất từ Cuba trong cuộc chiến tranh với Mỹ, 2 nước có một mối quan hệ đặc biệt trong hơn nửa thế kỷ qua, theo cựu nhà báo Lưu Kha, người từng sống và làm việc tại Cuba trong 15 năm.

“(Cuba) cung cấp cho Việt Nam 100.000 tấn đường trong những năm chiến tranh và xây dựng cho 5 công trình kinh tế rất quan trọng – trị giá hàng trăm triệu đô la – chưa kể trong nhiều năm luôn có tiếng nói ủng hộ Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc và bất kỳ diễn đàn nào trên thế giới,” theo ông Kha. “Chính vì thế mà Fidel (Castro) đã từng phát biểu vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình. Câu nói đó thể hiện tất cả những tình đoàn kết của Cuba với Việt Nam rất là lớn.”

Fidel Castro từng là vị lãnh tụ tinh thần của nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam và được để quốc tang ở quốc gia Đông Nam Á này khi ông qua đời tháng 11 năm ngoái.

Fidel Castro từng là vị lãnh tụ tinh thần của nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam và được để quốc tang ở quốc gia Đông Nam Á này khi ông qua đời tháng 11 năm ngoái.

Fidel Castro từng được coi là chỗ dựa tinh thần của các nhà lãnh đạo Việt Nam và chính phủ Việt Nam đã để quốc tang khi lãnh tụ Cuba ra đi vào tháng 11 năm ngoái.

Ngoài việc Cuba và Việt Nam cùng chung ý thức hệ Cộng sản, một lý do khác Cuba ủng hộ Việt Nam, theo cựu nhà báo Lưu Kha, “chính vì Việt Nam chống Mỹ mà Mỹ không có thời gian và tiềm lực để chống phá cách mạng Cuba. Đó là sự giúp đỡ có đi có lại của 2 bên.”

Cũng theo cựu nhà báo này, báo chí Việt Nam vẫn “tuyên truyền đều đặn về những thành tựu và đổi mới của Cuba” và ủng hộ việc Mỹ bình thường hóa quan hệ với quốc gia cộng sản này dưới thời Tổng thống Obama.

Tổng thống Barack Obama là người đã dỡ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba. Việt Nam là một trong nhiều nước phản đối lệnh cấm vận kéo dài 5 thập kỷ qua.

Tổng thống Barack Obama là người đã dỡ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba. Việt Nam là một trong nhiều nước phản đối lệnh cấm vận kéo dài 5 thập kỷ qua.

Việt Nam, như nhiều nước trên thế giới, phản đối chính sách cấm vận của Mỹ đối với Cuba, nhưng sự im lặng của chính phủ Việt Nam trước chính sách Cuba mới của ông Trump đã làm nhiều người Việt ngạc nhiên, theo nhận xét của cựu nhà báo không muốn nêu tên trên.

Cuba chỉ trích quyết định của ông Trump đảo ngược chính sách bình thường hóa quan hệ với Cuba của cựu Tổng thống Obama. Truyền thông Mỹ cũng cho rằng chính sách Cuba mới, hạn chế kinh doanh và sự đi lại của công dân Mỹ tới Cuba, sẽ không làm thay đổi mối quan hệ giữa 2 nước.