TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM MẤT PHƯƠNG HƯỚNG BỞI VÌ BỊ CAN THIỆP CHÍNH TRỊ 

0
70

Huỳnh Thị Tố Nga 

Đa phần các tăng ni trẻ sinh hoạt trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ngày nay họ ít quan tâm đến chính trị. Về khách quan, tôn giáo không dính dáng đến chính trị là điều cần thiết, nhưng vì tôn giáo ở Việt Nam khác biệt, bị kiểm soát bởi nhà cầm quyền, chi phối bởi đảng CS, vậy nên việc không quan tâm đến chính trị sẽ thiệt thòi cho các tu sĩ (nói chung cho các tôn giáo, không riêng Phật Giáo). Họ không biết bản thân thân đang bị lèo lái bởi mục đích chính trị và dần mất đi phương hướng sinh hoạt của một tôn giáo chân chính.

Thế nào là sinh hoạt tôn giáo độc lập với chính trị? Vấn đề này nếu không được hiểu rõ ràng sẽ dễ bị nhà cầm quyền thao túng, người tu sĩ mất những quyền lợi đặc trưng của tôn giáo, bởi vì nhà cầm quyền luôn lập luận rằng, tôn giáo phải hoạt động tuân theo pháp luật, điều này không sai, bởi vì, theo sau tính chất tôn giáo, họ vẫn là công dân trong quốc gia, vì vậy họ có đầy đủ đặc quyền của một công dân đồng thời phải thực thi pháp luật theo một trật tự gọi là pháp quyền như mọi công dân khác. Nhưng bởi vì có tính chất tôn giáo, phải có hiến pháp với những đạo luật riêng, nhằm tạo điều kiện cho tôn giáo hoạt động độc lập nhưng vẫn phải chấp hành pháp luật trong vai trò của công dân. Ví như, không kiểm soát sinh hoạt tôn giáo trong việc xây dựng tổ chức, cấp bậc, phẩm trật của họ. Không bắt buộc hay lôi kéo người tu sĩ tham gia vào đảng phái chính trị (vấn đề này quan trọng nhất, thực ra tu sĩ tham gia đảng phái chính trị là đã bị kiểm soát về mặt chính trị), sinh hoạt tôn giáo được hoàn toàn tự do về mặt tâm linh nhưng không được có hành vi gây tổn hại đến con người về mặt vật chất lẫn phi vật chất, tôn giáo phải có quy chuẩn đạo đức được xã hội chấp nhận,…Như vậy, tôn giáo sẽ độc lập được với chính trị để tư do khai phóng tâm thức, đưa những giáo lý tốt đẹp đến với đời nhưng vẫn đảm bảo được sự tuân thủ pháp luật trong một quốc gia, chứ không phải bị kiểm soát gắt gao rồi trở thành công cụ làm việc, tuyên truyền cho nhà cầm quyền, cho những thủ đoạn chính trị, rồi chính bản thân họ, đã không còn là tu sĩ chân chính theo như giáo pháp tôn giáo của họ, tu không thành đã đành, lại còn gieo nghiệp nặng hơn người bình thường. Tôn giáo mà tham gia chính trị, hoạt động theo tuyên ngôn của thể chế chính trị thì có khác gì một tổ chức xã hội dân sự bình thường ngoài xã hội và mất đi tính chất thiêng liêng của tôn giáo. 

Đôi khi chúng ta bức xúc, oán trách những người khoác áo tu sĩ nhưng sao lại có những hành vi không đúng mực, nhưng nhìn lại, họ cũng là những người đang bị quay trong guồng quay CS u mê, có những người nhận ra mình đang bị quay cuồng nhưng không chống lại nổi, tỷ lệ đa số vì vô tâm với chính trị, nghĩ rằng chuyên tâm tu hành nhưng họ lại không ngờ bị kéo đi trong guồng quay kiểm soát đó và mặc nhiên quay theo. Vậy nên, trách thì có trách, nhưng cũng nên thương họ, vẫn có nhiều người khi quyết định dứt bỏ trần tục, khoác lên mình chiếc áo tu sĩ, họ cũng đã có dũng khí hơn người thường rồi (tất nhiên ngoại trừ những người ngay từ ban đầu đã có ý định dùng mác tu sĩ để trục lợi thì không đáng nói đến). 

Cho nên, hãy nhìn sâu xa, nhìn vào nguyên nhân từ gốc, xem vì sao mà tín ngưỡng trở nên như vậy, xã hội bên ngoài cũng vậy, văn hóa, đạo đức suy đồi còn gấp nhiều lần các tổ chức tôn giáo. Tất cả điều phụ thuộc vào sự điều hành của cơ chế chính trị. 

HUỲNH THỊ TỐ NGA

May 7, 2024

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here