Tôi ở trường Luật

    0
    22

    Đỗ Hoàng Diệu

    Ảnh : st internet

    Cuối thập niên tám mươi, đầu chín mươi thế kỷ trước, vào mùa tuyển sinh, Đại học Pháp lý giống vương miện hoa hậu báo Tiền Phong. Cả ngàn người đổ xô xếp hàng đăng ký, khai đơn điền giấy, đo đạc ba vòng, trình diễn các kiểu, chỉ để chọn ra vài chục cô vào chung kết. Pháp lý cũng như gốc linh chi ngàn năm giữa rừng sâu núi thẳm, cả đoàn người rồng rắn đi tìm, cuối cùng chỉ ai khỏe, thông minh, mưu trí, dũng cảm mới đến được tận nơi.
    Chuyên Lam Sơn, vừa đi vừa chơi vừa bốc phét cũng tới được bụi linh chi, miễn thích. Tôi xuống Quán Gánh từ Giáp Bát, trên chiếc xe lam ních chật người lẫn gà lẫn cá với bánh dày. Trước khi đi, mẹ tôi làm hai mâm. Trước để báo cáo tổ tiên phù hộ độ trì cho tôi thành thẩm phán giơ búa lên một phát là thằng xấu mục xương gãy cổ, đằng hắng tý là trưởng thôn đi qua ngõ phải khúm núm cụp mắt cháu chào bác ạ. Sau nữa, chú bác cô dì hàng xóm láng giềng sang uống xong chén rượu thì cho cháu vài đồng gọi là may mắn. Hồi đấy, năm 1992, tôi là đứa thứ ba đỗ đại học trong làng, oách phải biết.Và dù cho ban quản lý ký túc xá xếp tôi vào phòng nam vì tên giống ông tổng đốc Hà Nội, dù cho hồ sơ thiếu mất giấy chuyển sinh hoạt Đoàn, dù giảng đường chẳng khác trụ sở hợp tác xã quê là mấy, dù nỗi nhớ nhà tăng lên nghẹt cổ… tôi vẫn thành tân sinh viên Đại học Pháp lý khóa 17.
    Năm năm, trăm sáng vui vạn đêm buồn, trường Luật đã chiếm dụng quãng đẹp nhất của thời thiếu nữ. Vốn bản năng, vụng dại, ngông cuồng, tôi không phải sinh viên ngoan hiền mẫu mực làm gương cho thế hệ sau. Nhưng tôi nghĩ mình đã học và sống như mình muốn, được đúng là mình, con người tự do. Những tưởng tự do thì trái ngược với luật lệ, ngành luật sẽ giết chết bao mơ ước viển vông của trái tim hoang dại. Không, nhờ hiểu luật, tôi để bộ não mình tự do nghĩ, trái tim mình tự do yêu, và biết không ai có quyền ngăn chặn tự do đó. Những giấc mơ, những hoang đường tôi thoát ra, bay lên từ sự thông tỏ quyền con người.
    Đa số bạn học cho rằng tôi chỉ sống trong thế giới của riêng mình. Thực ra thế giới của tôi được xây từ những hiện hữu xung quanh. Thế giới ấy, người kể ra bằng lới nói, người cất giữ bí mật trong hố thẳm không đáy, người ngồi im cười… Hai chuyện tôi kể sau đây thuộc thế giới nào, đến giờ tôi vẫn không biết.
    HOA SÚNG TỬ THẦN
    Đại học Pháp lý ở Thường Tín ngày ấy nhỏ bé, thô sơ, nghèo xấu. Những dãy nhà cấp bốn sơn phai, những căn phòng thiếu khí, những cây đang non đã xơ xác, bể nước tanh, nhà vệ sinh kinh dị… Mộng ảo thủ đô trong tôi rơi đi vài cánh. Nhưng chúng tôi không buồn, vì ký túc xá năm tầng đường Láng sắp xây xong, không lâu sau sẽ mở ra cánh cửa khác.
    Trong khi chờ đợi cánh cửa Láng Trung mở ra, chúng tôi thường vào làng ngửi hồn quê. Ngày ấy, bất cứ làng Việt nào cũng đẹp. Ruộng xanh, trời xanh, chợ thật thà, chùa thanh tao, hoa đại tinh khiết. Tôi sinh ra ở nông thôn, mẹ tôi là nông dân. Mỗi lần vào làng Duyên Thái, tâm hồn tôi hé thêm một nụ cội nguồn, nụ nhớ thương, nụ tĩnh lặng, nụ ngày mai…
    Một lần, cùng phòng mình, chị Mai, chị Khanh, chị Ngân, bạn Phương, bạn Thủy… chúng tôi lững thững vào làng xem hoa súng, sau cơm chiều. Mùa thu, hoa súng nở tím ao hồ, tím cánh đồng hãy còn đôi chút hoang sơ. Thú thực tôi không phải người rành hoa yêu hoa, đầu tiên cứ ngỡ súng và sen là một. Làng tôi không có sen cũng chả có súng, cái làng chiêm trũng nghèo rớt xứ Thanh ấy, đến hoa hồng cũng không mấy ai biết, chỉ cúc dại mọc tràn bãi tha ma bên ngôi đình đổ nát. Gió mát, không khí thơm hiền trôi từng giọt ngọt ngào vào buồng phổi. Tôi đứng tần ngần bên ao súng, thầm mơ bài thơ mình sẽ viết đêm nay… Nào ngờ bụng tôi khang khác khang khác rồi quặn đau. Chị Mai bảo chỗ này vắng, ngồi xuống kia đi. Không, ba chân bốn cẳng, tôi tót qua súng qua tím qua hương đồng gió nội, nhằm hướng khu vệ sinh công cộng của trường vốn thường ngày là nỗi khiếp sợ mà chạy.
    Đến đường tàu, tự nhiên bụng xẹp xuống, ruột ngoan ngoãn nằm im. Tôi đang lưỡng lự giữa quay lại ngắm súng hay về phòng tưởng tượng súng thì người đàn ông gầy lái xe Babetta lướt qua, ông ta giống bố tôi kỳ lạ. Người ta khó có thể chạy Babetta gần hai trăm cây số để thăm con, nhưng bố tôi có thể, như bố từng chạy vào rừng giữa đêm, lạc trong rừng, thoát khỏi rừng, người bầm dập mà tay vẫn cầm nắm lá chữa sốt cho con. Reo ca, tôi bay trên đường tàu, đường tàu mùa xuân giữa mùa thu. Rồi mùa ngừng xuân, ai đó hét lên. Bố tôi hét, bác nông dân đang cắt cỏ hét, tổ tiên tôi hét hay chính tôi hét lên, tôi không biết, đến giờ vẫn không biết. Số phận cầm tay tôi quăng khỏi đường ray trước khi con tàu Thống Nhất nuốt tôi vào âm phủ, mãi mãi tuổi mười sáu. Chiếc dép tôi bỏ lại trên đường ray, chỉ còn một nhúm đen đen méo mó dị dạng. Nó đã có thể là hiện tại và tương lai của chính tôi.
    Vụ chết hụt ấy, tôi không kể cho ai. Gia đình, bạn bè, cả thầy lang thầy bói cũng không. Ngay bản thân, đôi khi tôi nghi ngờ đấy chỉ là một chương trong cuốn sách ác mộng đời. Thỉnh thoảng, tiếng bà cụ bán quán nước gần đường tàu lại âm âm vọng về: “Mày bị ma làm à con? Tàu rúc còi to thế, chó chạy mất, tao điếc còn nghe rõ”. Ma? Hồn hoa súng, người đàn ông gầy chạy xe Babetta giống cha tôi, kẻ vô hình kéo tôi khỏi đường ray, hay chính tôi?
    TRƯỚC CĂN PHÒNG TRỐNG
    Đầu năm hai, tôi ốm. Nói nặng cũng đúng mà nhẹ cũng chẳng sai. Bệnh tâm tưởng. Tôi quyết định xin bảo lưu kết quả, nghỉ một năm. Tính ra tôi học sớm hai năm, mười sáu đã vào đại học, tóc rối chưa biết chải, nhớ nhà chưa biết ngăn chân bước ra bến xe, nghỉ cũng phải. Nhờ năm nghỉ đó, cuộc đời tôi về sau thay đổi. Thay đổi thế nào là chuyện khác, có thể tôi sẽ viết hồi ký. Chỉ biết, lúc tôi quay lại trường Luật nhập học năm hai cùng khóa 18, ở phòng 505 ký túc xá K2, tôi đã biết đùa. Cười đùa, khóc đùa, thinh lặng đùa. Và sợ hãi đùa.
    Bạn O. phòng 305 mất, nhà K2 náo động rồi thê lương. Sau tiếc thương, hoảng loạn, xôn xao, hờn trách, xì xào, là sợ hãi. Chín bạn còn lại trong phòng vội vàng thu xếp hòm xẻng chuyển đi, cả phòng bên cạnh cũng không dám ở thêm. Hồi đó nghèo quá, bộ não con người thường lấy đồ ăn làm kim chỉ nam hành động, nên không có hoa hồng trắng hoa cúc hay gấu bông để trước cửa phòng nữ sinh đoản mệnh. Chỉ bàn thờ nhỏ lập vội, bát ăn cơm của người chết thành bát bồ hương. Hành lang tầng ba đầu tối ngập hương khói, đêm về sáng hoang lương im rợn. Khoảng chín giờ, dưới không ai dám lên, trên chẳng ai dám xuống, cần thiết phải đi thì dắt díu cả đàn chạy chạy.
    Cho đến giờ, tôi vẫn không tin vong hồn, ma ám, phù hộ độ trì này kia, dù luôn mơ hồ cảm nhận những linh hồn bay quanh mình, mơ hồ thấy cái thế giới khác ở phía bên kia. Hồi đó, chưa thấy ma mồm ngang mũi dọc thế nào nhưng tôi hay hù dọa phòng mình bằng các câu chuyện kinh dị. Sau cái chết của O., tôi có chút sợ nhưng không tin O. sẽ hiện về leo cầu thang đuổi theo chúng tôi. Nhiều bận , tôi quấn màn trắng nhẹ nhàng lượn quanh hành lang dọa mấy phòng bên cạnh làm ai cũng khiếp vía.
    Một đêm, tôi mải mê với người yêu nên về muộn, trèo tường vào, ba chân bốn cẳng chạy trốn ánh mắt dao lam của bác gác cổng. Dưới ánh trăng, giảng đường trắng nhờ từ từ phình nở choán hết lối đi. Chạy, tôi chạy, quãng đường ngắn cứ dài ra dài ra mãi. Cũng đến sân ký túc. Thường ngày, giờ đấy, thể nào dăm bọn con trai cũng ngồi trên bể nước buôn chuyện, vài đôi yêu nhau vẫn cầm tay dùng dằng góc tối. Tự nhiên đêm ấy vắng ngắt. Mùa thu mà lá không thèm rơi, gió không thèm thổi. Bốn dãy ký túc tựa bốn ông khổng lồ câm lậng dưới trăng, đổ bóng choàng lên mình tôi.
    Trước nỗi sợ, một là anh ngất xỉu, hai là anh trở nên bình tĩnh đến trơ lỳ. Mười tám tuổi, những nỗi sợ tự tôi mang đến cho cuộc đời mình đã nhiều, đã vượt qua. Nỗi sợ trước mắt không hình hài không căn cước, suy cho cùng là mông lung. Tôi chăm chú cúi xuống hai bàn chân mình đang leo từng bậc cầu thang, như thể khi cúi xuống, nỗi sợ sẽ rơi vào lòng đất, như thể không nhìn lên, nỗi sợ sẽ bay đi. Cứ đi, cứ leo, khi nào không còn bậc để leo nữa, sẽ đến phòng mình. Chợt ánh trăng rơi xoảng, chồng lên, xếp đầy bậc thang trước mặt tôi. Những mảnh trăng trong suốt, khô lạnh. Tôi từ từ ngẩng lên. Trên lan can tầng ba, trước căn phòng bỏ trống, bên bát hương tàn, O. ngồi vắt vẻo ngó xa xăm. Áo xanh, tóc ngắn, mắt to, má đầy nước mắt. Nước mắt dưới trăng trong như pha lê. Tôi vừa bước đến O., vừa tự hỏi những mảnh trắng ngăn bước mình ban nãy là mảnh trăng hay nước mắt O. Tôi giơ tay chạm khẽ vào O., tay tôi chạm mùa đông. Lạnh tới mức đầu ngón tay đông cứng, rụng rụng theo trăng.
    Phòng tôi vẫn thức lúc tôi mở cửa. Mọi người chơi tá lả ăn mỳ tôm. Tôi không kể cho ai, không ai kể gì cho tôi. Những đêm sau, đêm nào tôi cũng xuống tầng ba, nhưng chỉ có gió cười quanh bầy chuột đói. Trăng thành khuyết, cô gái đã lên trời.

    Đ. H. D

    Tôi ở trường Luật Đỗ Hoàng Diệu Cuối thập niên tám…

    Posted by Đỗ Hoàng Diệu on Wednesday, October 2, 2019