TIỄN BIỆT MỘT NHẠC SĨ LỪNG LẪY SÀI GÒN, MIỀN NAM XƯA, CON DÂN ÔNG TẠ: NGỌC CHÁNH

1
50
Ban nhạc Shotguns. Từ trái qua ca sĩ Elvis Phương, Ngọc Mỹ, Pat Lâm, nhạc sĩ Hoàng Liêm - Ảnh tư liệu

Cù Mai Công

Nhạc sĩ Ngọc Chánh vừa qua đời ở Nam California, Mỹ vào lúc 18g thứ bảy 7-1-2023 (9g sáng 8-1 ở Việt Nam). Hưởng thọ 86 tuổi. 

Ông là nhạc sĩ với nhiều nhạc phẩm hay; viết chung với nhạc sĩ Phạm Duy ba nhạc phẩm lừng danh: Vết thù trên lưng ngựa hoang, Bao giờ biết tương tư (nhạc phim “Điệu ru nước mắt” do đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện năm 1970), Tuổi biết buồn (ba nhạc phẩm này ông ghi nhạc, nhạc sĩ Phạm Duy viết lời).

Nhạc sĩ Ngọc Chánh và nhạc sĩ Phạm Duy – Nguồn ảnh: Trần Quốc Bảo

Tên tuổi ông chói rực làng nhạc Sài Gòn, miền Nam trước 1975 sau khi ông sáng lập và điều hành ban nhạc trẻ Shotguns lừng lẫy miền Nam trước 1975 với Ngọc Chánh (piano), Duy Khiêm (bass), Đức Hiếu (trống, sau đó thay bằng Lưu Bình), Hoàng Liêm (guitar), Quốc Hùng (bass) và các giọng ca: Pat Lâm, Elvis Phương, Ngọc Mỹ…

Ông đã giúp đỡ và đưa ra khán thính giả nhiều nhạc phẩm, ca sĩ và nhạc sĩ nổi tiếng trước 1975. Là chủ nhiều vũ trường, phòng trà lớn nhất Sài Gòn trước 1975 như Queen Bee, Quốc Tế với những giọng ca nổi tiếng nhất Sài Gòn lúc ấy: Thái Thanh, Thanh Thúy, Elvis Phương, Khánh Ly, Lệ Thu, Mỹ Thể, Trúc Mai, Thanh Lan, Dạ Hương, Thái Châu, Nguyễn Chánh Tín… 

Nhạc sĩ Ngọc Chánh – Ảnh: Photo Danh

Từ 1969 – 1975, hơn 30 băng nhạc Shotguns là những băng nhạc nổi trội nhất trong giới trẻ miền Nam qua giọng ca của những ca sĩ nổi danh nhất lúc đó: từ Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Trác, Sĩ Phú… cho đến Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Trúc Mai, Hà Thanh, Thanh Lan, Chế Linh, Nhật Trường, Giao Linh, Hương Lan, Elvis Phương, Anh Khoa, Thái Châu, Dạ Hương… Đây là những băng nhạc đầu tiên ở miền Nam được làm trên băng magnetic nghe qua dàn máy AKAI. Sang Mỹ, ông tiếp tục mảng vũ trường với Maxim’s ở San Jose (Bắc California), Ritz ở quận Cam (Orange country, Nam California). Băng nhạc Shotguns được tái hiện ở Mỹ năm 1982 với bang nhạc đầu tiên “Mùa thu lá bay” qua giọng ca Kim Anh; kỷ lục về phát hành bên Mỹ lúc đó. 

Trước đó, từ đầu đến giữa thập niên 1960, trước khi cho Mỹ thuê, hồ tắm Cộng Hòa vùng Ông Tạ là nơi khởi nghiệp của nhạc sĩ khi là trưởng ban nhạc của sân khấu nơi đây. Sau đó ông “lấn” dần lên khu vực trung tâm Sài Gòn: vũ trường Melody, Lai Yun, Văn Cảnh, Eden Rock, nhà hàng Mỹ Phụng…

Nhạc sĩ này là cư dân Ông Tạ (“Sài Gòn một thuở -Dân Ông Tạ đó” tập 2 – trang 130) gốc. Dòng tộc của ông là bà con người Nam cố cựu nhiều đời ở Ông Tạ. Cụ thể nhà ông trong hẻm Sao Mai (nay là đường Sao Mai), gần nhà thờ Sao Mai – nơi tôi nửa thế kỷ trước học trường Mai Khôi (nay là Bành Văn Trân) đi học qua lại hàng ngày. Ngôi nhà ấy hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn cho tới nay và ông bà, cha mẹ ông xưa vốn là chủ đất khu vực này.

Trước khi về đây năm 1903, dòng tộc nhà ông ở khu vực nhà thờ Thạnh Hòa ban đầu – tiền thân nhà thờ Chí Hòa (nay là chợ Phạm Văn Hai). 

Ba má ông, bà con xứ Sao Mai xưa gọi là ông bà Sáu. Cùng với các ông bà biện của giáo xứ Chí Hòa, ba má ông cùng nhiều bà con người Nam cố cựu hàng thế kỷ nơi đây đã mở lòng đón nhận bà con Bắc 54 với việc nhượng đất với giá rất rẻ cho công đồng giáo dân Bắc 54 và giáo xứ Sao Mai.

Kính tiễn biệt ông, một nhạc sĩ Ông Tạ rực rỡ tài năng và khát vọng.

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here