Khi quân Nga rút lui, một câu hỏi đặt ra: Ai sẽ được coi là cộng tác viên cho người Nga?

0
7
1 - Một binh sĩ Ukraine thẩm vấn và kiểm tra giấy tờ tùy thân của một người dân khi đang đi tuần tra tìm kiếm những kẻ tình nghi cộng tác, tại Izium hôm 18/9.

Phóng sự Ukraine

Cù Tuấn

– Cù Tuấn dịch từ New York Times.

Tóm tắt: Tại các thị trấn quân Ukraine giành lại từ quân Nga, các quan chức Ukraine đang làm việc để xác định – và trừng phạt – những người đã tiếp tay cho kẻ thù. Việc này đang gây ra chia rẽ trong một số cộng đồng dân cư.

IZIUM, Ukraine – Các quan chức Nga đã đến gặp bà Ina Mandryka với một đề nghị đơn giản: Nếu bà đồng ý mở lại trường tại một thị trấn trong lãnh thổ bị chiếm đóng và dạy trẻ bằng tiếng Nga, bà sẽ được thăng chức từ hiệu phó lên hiệu trưởng.

Đối với bà Mandryka, đó là một lựa chọn dễ dàng. “Tôi đã từ chối,” bà nói. “Dạy chương trình của Nga là một tội ác.” Ngôi trường bà phụ trách, với các lớp học được trang trí bằng những bức tranh hươu cao cổ và gấu đầy màu sắc, vẫn đóng cửa.

3 – Một trường học đã đóng cửa ở thị trấn Kupiansk mới được Ukraine chiếm lại gần đây. Khoảng 1.200 trường học vẫn nằm trong lãnh thổ bị Nga chiếm đóng, và Ukraine đã giành lại một diện tích có khoảng 65 trường học.

Iryna Overedna, một giáo viên lớp hai ở thị trấn Izium, đã có một lựa chọn khác. Cô Overedna nói: “Con người giáo viên trong tôi nghĩ,“ Bọn trẻ vẫn nên đến trường.” Bên cạnh đó, cô nói, cô cần lương để nuôi gia đình. Cô đã đến Kursk, vùng tây nam nước Nga, để nghiên cứu chương trình giảng dạy mới.

2 – Iryna Overedna trong nhà của cô ở Izium, ngày 17/9. “Con người giáo viên trong tôi nghĩ rằng bọn trẻ vẫn nên được đi học,” cô nói.

Khi quân Ukraine buộc quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn ở phía đông bắc Ukraine trong tháng này, họ đã giành lại các thị trấn và làng mạc đã bị Nga chiếm đóng trong hơn 5 tháng. Khi làm như vậy, họ thừa hưởng một vấn đề pháp lý và đạo đức liên quan đến một số câu hỏi hóc búa: Ai trong các thị trấn đã hợp tác với người Nga khi Nga nắm quyền kiểm soát?

Ở nhiều nơi, quân Nga đã bỏ lại xe tăng và các xác chết của họ, nhưng họ cũng để lại bằng chứng về tội ác chiến tranh tiềm tàng với những ngôi mộ tập thể và phòng tra tấn. Đối với hàng nghìn người Ukraine, việc chiếm đóng đã trở thành một giai đoạn đen tối của sự hợp tác với kẻ thù trong thời chiến, giờ đây sẽ bị trừng phạt theo luật pháp Ukraine.

4 – Một ngôi mộ tập thể ở Izium. Ở nhiều nơi, người Nga đã bỏ lại xe tăng và các xác chết của chính họ, nhưng họ cũng bỏ lại các bằng chứng về tội ác chiến tranh tiềm tàng với những ngôi mộ tập thể và phòng tra tấn.

Nhưng tình trạng của nhiều hoạt động là không rõ ràng, bởi vì chúng đan xen với cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn, chính quyền Ukraine không coi các bác sĩ, nhân viên cứu hỏa và nhân viên của các công ty tiện ích là những kẻ phản bội vì công việc của họ được coi là thiết yếu đối với hoạt động của một thị trấn. Nhưng các sĩ quan cảnh sát, nhân viên chính quyền thành phố và khu vực, và một số giáo viên đã đồng ý giảng dạy theo chương trình giáo dục của Nga được xếp vào nhóm cộng tác viên.

Các giáo viên đã rơi vào một tình huống đặc biệt khó xử.

Các quan chức Ukraine đã không ngớt lời chỉ trích các giáo viên sẵn sàng giảng dạy theo giáo trình của Nga. Trong một cuộc chiến nhằm phá hủy bản sắc và ngôn ngữ Ukraine, họ nói, việc đồng ý giáo dục trẻ em theo một chương trình giảng dạy mà phủ nhận sự tồn tại của chính quốc gia này, là một tội ác nghiêm trọng.

7 – Người dân nói chuyện với một đội tuần tra Ukraine đang tìm kiếm các cộng tác viên với người Nga.

Có một sự tức giận sôi sục trong chính phủ Ukraine đối với những giáo viên đã nghe theo lệnh của chính quyền Nga. Serhiy Horbachov, một thanh tra giáo dục, cho biết các giáo viên đã cộng tác với người Nga ít nhất phải chịu mất chứng chỉ của họ. “Những người này tuyệt đối không được phép dạy dỗ trẻ em Ukraine nữa,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn. “Đây sẽ là một câu chuyện rất khó khăn và đau đớn.”

Khoảng 1.200 trường học vẫn còn nằm trong lãnh thổ bị Nga chiếm đóng. Trong cuộc phản công của mình, quân đội Ukraine đã chiếm được một khu vực có khoảng 65 trường. Khoảng một nửa trường trong số này đã khai trường vào ngày 1 tháng 9 để dạy giáo trình tiếng Nga, với tổng số khoảng 200 giáo viên, các công tố viên Ukraine cho biết, và sau đó vài ngày lại phải đóng cửa khi quân đội Ukraine tiến vào.

Volodymyr Lymar, phó công tố viên của vùng Kharkiv, cho biết trong một cuộc phỏng vấn, rằng không phải tất cả giáo viên đều sẽ bị bắt. Ông nói, các giáo viên sẽ được đánh giá về vai trò tích cực của họ trong việc chuẩn bị giáo trình hoặc quảng bá việc tuyên truyền giáo dục tiếng Nga cho trẻ em, và hình phạt sẽ được đưa ra tương ứng. “Đối với các giáo viên, đó là một vấn đề khó,” ông nói.

Izium, một thị trấn gồm những tòa nhà bằng gạch thanh lịch một thời từ thế kỷ 19, được xây trên những con đường nhìn ra sông Siversky Donets, giờ phần lớn đã trở thành đống đổ nát. Khi binh lính Ukraine chiếm lại Izium, người dân đã chào đón họ bằng những cái ôm và bánh ngọt tự làm. Thậm chí nhiều ngày sau đó, nhiều người đã cảm thấy nhẹ nhõm khi việc chiếm đóng kết thúc đến mức họ đã khóc khi mô tả việc giải phóng của thị trấn.

8 – Serhiy Saltivskyi đã vận chuyển những xác chết trong thời kỳ Nga chiếm đóng. Ông nói: “Bạn không thể biến thị trấn thành nghĩa trang được!”

Nhưng hiện tại người dân đang phản đối cách họ đang bị đánh giá vì những nhượng bộ với quân Nga mà họ đã thực hiện để được tồn tại khi bị chiếm đóng – và cả những hành động hợp tác nho nhỏ với quân Nga. Việc này làm gia tăng một vấn đề phổ biến hơn đối với người Ukraine khi họ giải phóng lãnh thổ: đó là sự chia rẽ và ngờ vực nảy sinh từ những cáo buộc về sự hợp tác với kẻ thù.

Hiện một số thường dân ở miền bắc Ukraine đã chạy qua biên giới đến thành phố Belgorod của Nga. Họ nói rằng họ sợ bị chính quyền Ukraine trả thù vì đã làm việc trong chính quyền thành phố. Những người khác nói rằng các chiến dịch truyền thông xã hội tích cực đã khiến họ trở thành mục tiêu cho những người dân trong thị trấn.

Trong vòng vài tuần sau cuộc xâm lược của Nga vào tháng Hai, cư dân của Izium cho biết, thị trấn tỉnh lẻ buồn chán của họ đã biến thành một thế giới kinh hoàng khi nhìn qua cửa kính: Các thi thể nằm rải rác trên vỉa hè, các tòa nhà đổ nát và binh lính Nga tuần tra trên đường phố . Mọi người co ro ẩn nấp trong các tầng hầm để đảm bảo an toàn trước các cuộc pháo kích.

Chẳng bao lâu, cư dân buộc phải có những lựa chọn khó khăn.

Oksana Hrizodub, một giáo viên dạy môn văn học Nga, người đã từ chối dạy giáo trình của Nga, cho biết: “Mỗi người đều tự lựa chọn số phận của mình,” nhưng cô không phán xét những người đã chịu giảng dạy giáo trình Nga. “Đối với những người bị mắc kẹt ở đây, đó là chuyện cá nhân của họ,” cô nói.

Hầu hết các giáo viên hoặc trốn khỏi lãnh thổ trước khi bị chiếm đóng, hoặc từ chối dạy giáo trình của Nga, phải ở nhà, không có lương và sống nhờ vào các loại rau trồng từ vườn của họ hoặc do hàng xóm phân phát.

Svitlana Sydorova, một giáo viên sinh học, địa lý và hóa học ở thành phố Balakliya, người đã từ chối dạy theo chương trình của Nga cho biết: “Họ đang gây áp lực lên một số nhưng không phải tất cả chúng tôi”. “Một số đồng ý cộng tác theo ý chí tự do của họ. Cảnh sát nên tìm ra điều đó bằng cách xem xét từng trường hợp một.”

9 – Một trạm xe buýt được đánh dấu với biểu tượng quân sự “Z” của quân đội Nga tại vùng lãnh thổ được giải phóng gần Izium, Ukraine. Ảnh chụp ngày 17/9.

Những người khác thì ẩn náu để thoát khỏi những mối đe dọa và áp lực từ người Nga. Iryna Shapovalova, một giáo viên tiếng Anh, cho biết cô hầu như chỉ ở nhà suốt thời gian Nga chiếm đóng và tránh gây chú ý. “Tôi đã may mắn,” cô nói. “Tôi đã ẩn trốn cùng với các con của tôi.”

Cô Overedna, giáo viên lớp hai, người đã đồng ý trở lại giảng dạy, mô tả những gì cô coi là là những bước nhỏ trong việc hợp tác với người Nga. Cô nói rằng ban đầu thì những thỏa hiệp về mặt đạo đức là nhỏ.

Đầu tiên, trong tháng 6 cô đã tham gia vào một dự án do Nga hỗ trợ để dọn dẹp đống đổ nát tại một trung tâm cộng đồng, được gọi là Nhà Văn hóa, để học sinh trung học có thể tổ chức Lễ tốt nghiệp trung học tại đó.

Cô và những người khác đã nhận làm một “phần làm việc”, để đổi lấy một phần thức ăn – nhưng nói rằng họ đã làm điều đó không phải vì miếng ăn, mà vì mang lại cho thanh thiếu niên một cảm giác bình thường và một lễ kỷ niệm tốt nghiệp nho nhỏ.

Cô cho biết sau đó vào mùa hè, chính quyền chiếm đóng của Nga đã liên lạc với các giáo viên mà đã tham gia dọn dẹp Nhà Văn hóa trên, để yêu cầu họ khai trường trở lại vào mùa thu. Trước tiên, họ sẽ phải đến Kursk để nghiên cứu chương trình học. Cô đã quyết định đi đến Kursk và tiếp tục công việc giảng dạy.

“Điều gì sẽ xảy ra nếu việc chiếm đóng kéo dài nhiều năm?” Cô Overedna lý luận. “Những đứa trẻ sẽ ngừng hẳn việc học hay sao?”

Cô Overedna nói rằng cô không thấy chương trình giảng dạy tiếng Nga cho lớp hai mang tính chính trị gì. Đúng là nó được viết bằng tiếng Nga chứ không phải tiếng Ukraina và cô được hướng dẫn dạy về hai nhà thơ Nga, Korney Chukovsky và Mikhail Prishvin. Nếu không có sự khác biệt này thì “đó chỉ là một hội nghị chuyên ngành giáo dục mà thôi”, giống như vô số những hội nghị khác mà cô đã tham dự trong nhiều năm.

“Mục tiêu của tôi là phải sống sót,” cô nói. “Để sống sót qua mùa đông, tôi cần phải ăn. Để ăn, tôi cần phải làm việc. Để làm việc, tôi phải đến hội nghị đó”.

Không chỉ có các giáo viên đã thỏa hiệp theo nhiều cách với quân Nga. Serhiy Saltivskyi đã nhận được một “phần ăn công việc” bao gồm các gói mì Ý và lon thịt bò, trả công cho công việc chở những xác chết bằng xe tải chở hàng của mình.

Ban đầu, người dân chôn cất những người thiệt mạng do bị pháo kích, hoặc do binh lính Nga giết, trong những ngôi mộ đào nông trong sân và công viên. Nhưng khi thời tiết ấm áp, người Nga yêu cầu họ chuyển các thi thể đến một khu rừng thông ở rìa thị trấn, nơi hiện đang có hơn 400 ngôi mộ và đang được Ukraine điều tra để tìm bằng chứng về tội ác chiến tranh.

Ông Saltivskyi bảo vệ vai trò của mình trong việc chôn lại các xác chết này, nói rằng ông không làm gì sai. Ông nói: “Bạn không thể biến thị trấn thành một nghĩa trang được. Đúng là có xác phụ nữ và trẻ em, và việc chôn xác thật khó khăn, nhưng cũng phải có người nào đứng ra làm việc đó chứ.”

“Khẩu phần ăn công việc” đã giúp Saltivskyi tồn tại nhưng nó khiến ông đã phải trả giá sau khi giải phóng, một dấu hiệu cho thấy sự rút lui của quân Nga đã khiến các cộng đồng dân cư chia rẽ mạnh mẽ vì những đánh giá về việc ai đã cộng tác với người Nga, và ai thì không.

“Bây giờ, khi mọi người gặp tôi trên đường phố, họ chỉ tay vào tôi và nói, “Nó đây rồi!”

Yelena Yevmenova, giám đốc của một khu chung cư ở Izium, đã trao danh sách tất cả cư dân trong tòa nhà cho người Nga để đổi lấy viện trợ nhân đạo cho cả tòa nhà. Cô nói rằng cô không hối tiếc – mọi người đều cần phải tồn tại, cô nói. “Bây giờ hãy để họ buộc tội chúng tôi đã ăn thịt bò đóng hộp của người Nga.”.

Cô Overedna nói rằng cô chưa kịp dạy trẻ em Ukraine theo chương trình giảng dạy tiếng Nga một ngày nào; cuộc tấn công của Ukraine bắt đầu trước khi trường học của cô mở cửa.

Và cô ấy không coi việc sẵn sàng giảng dạy của mình là một tội ác. “Dạy học là công việc của tôi”, cô nói trong một cuộc phỏng vấn trong căn hộ của mình, một không gian tối tăm, lộn xộn với đầy những thùng hàng đóng hộp. Không có điện và để chuẩn bị bữa ăn, cô phải nấu nướng trên đống lửa ở trong sân.

Trải qua những khó khăn, cô mong mỏi được trở lại việc giảng dạy, cô nói. “Tôi không thể tưởng tượng được là mình sẽ không còn đứng lớp nữa.”

Bây giờ, cô Overedna nói, “mọi người đang bàn luận xem ai là một cộng tác viên, là người làm việc cho Nga.”

Cô nói thêm, “Và bây giờ mọi người nói rằng tôi là kẻ thù của nhân dân.”