THẦY MINH TUỆ 

0
84
THẦY MINH TUỆ
   

Huỳnh Thị Tố Nga

Trước giờ tôi không viết bài về thầy Minh Tuệ, không đưa clip, hình ảnh hoặc bàn luận về “hiện tượng” của thầy đó là vì tôn trọng sự tự do chọn lựa và hạnh nguyện của thầy, đó cũng là cách thể hiện sự tôn kính đối với một người hình hài nhỏ bé nhưng đã dũng mãnh từ bỏ được ít nhiều tham, sân, si, chọn hạnh nguyện tu khổ hạnh để tìm đến sự giải thoát mà hiếm có người trong thời đại này làm được. 

Tôi kính phục hạnh nguyện và sự dũng mãnh được thể hiện trong bản tính chứ không thần tượng con người bằng thể xác của thầy. Cũng như vậy, tôi chưa bao giờ thần tượng bất cứ con người bằng xương bằng thịt nào. Trong tôn giáo, tôi tôn kính giáo pháp nào đưa con người đến được sự hạnh phúc, an nhiên, tôn kính lòng từ bi, trí huệ sáng suốt, dũng mãnh, giải thoát con người khỏi vòng sinh tử luân hồi khổ ải, và tôn kính những bậc đã chứng ngộ được cảnh giới này. 

Với cá nhân tôi, thầy Minh Tuệ là một hình ảnh bình thường với một người đã quyết định chọn cho mình con đường độc hành, đang trên chặng đường tu tập để có một ngày có thể chứng ngộ. Thời gian cần để làm được có thể ngắn hoặc dài, ngắn thì trong đời này, đủ duyên, đủ căn cơ thầy sẽ chứng ngộ một phần, thời gian dài hơn thì phải cần nhiều đời nhiều kiếp mới có thể chứng ngộ. Nếu con người có thể hiểu sự tu tập phải gian khổ lâu dài như vậy, và thành quả đạt được xứng đáng thế nào thì đa phần sẽ không ngạc nhiên hay chống phá những người tu hành như thầy. 

Tại sao thầy Minh Tuệ lại trở thành “hiện tượng” trong mắt người Việt Nam hiện nay? 

Bởi vì chánh pháp đã đến thời mạt pháp, đạo đức suy đồi nên một người làm điều bình thường cũng sẽ trở nên bất thường. Thầy Minh Tuệ chọn con đường độc giác, không cần minh sư, không cần chùa tự để ở, không cần tham gia tăng đoàn, điều này là bình thường không có gì phải lạ lẫm. Thời sau khi Đức Phật tại thế, hằng sa số vị đã chọn con đường độc giác này để tu tập, họ lánh trong những hang núi sâu không có người ở để tu, khi chứng ngộ, họ tự biết chứ người bình thường ít ai biết đến họ. Bởi vậy trong giới tu Phật có câu “Ai tu nấy chứng” là vậy. Người chứng ngộ là người khiêm hạ, họ luôn tỏ ra là người bình thường, chỉ khi nào họ tịch, thì họa may mới để lại vài chứng tích cho người đời biết họ đã chứng ngộ. 

Vì thời mạt pháp, người tu hành như vậy quá hiếm hoi nên khi thầy Minh Tuệ chọn pháp tu này thì trở thành hiện tượng cho đa phần soi mói và thần tượng. Cả hai trường phái này đều có hại cho thầy. Soi mói đánh phá thì rõ ràng có hại rồi, nhưng thần tượng thầy quá mức cũng sẽ hại thầy. Thứ nhất, sự sùng bái, tập trung đông người quá mức sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sự thanh tịnh mà thầy cần có. Thứ hai, nếu người chưa định tâm, sự thần tượng dễ làm lung lay tâm tính sinh ra kiêu mạn, mà điều này không trách được người tu, họ cũng chỉ là người đang tu tập, chưa chứng ngộ thì có bị vướng mắc cũng là điều bình thường. Thứ ba, sống dưới chế độ cộng sản, thầy càng được kính phục, càng nhiều người theo công khai sẽ không tránh khỏi bị cộng sản quy chụp, con đường tu tập của thầy sẽ gian nan, có khi phải dừng lại. 

Vì vậy, nếu quý vị nhìn xa rộng, hãy nhìn thầy Minh Tuệ như một người bình thường, một người đang chọn đường tu hành bình thường không có gì quá lạ lẫm. Hãy kính trọng nhân cách của thầy, kính phục sự dũng mãnh của thầy nhưng đừng đánh phá hay thần tượng thầy. Hãy để cho thầy có sự thanh tịnh để tiếp tục hạnh nguyện của thầy. Thay vì đánh phá hay thần tượng thầy, quý vị nên nhìn nhân cách của thầy rồi sửa đổi tâm tánh chính mình. Khi con người bớt tham, sân, si thì xã hội sẽ yên bình và tươi đẹp hơn. 

Khi người Việt Nam còn chưa hiểu nhiều về đạo pháp và hành xử chưa văn minh thì xã hội sẽ không phát triển. Nhà cầm quyền đạo đức suy đồi, trí huệ u tối thì làm sao đất nước được tươi sáng, tôn giáo cũng vì vậy mà ngày càng u ám. 

HUỲNH THỊ TỐ NGA 

May 6, 2024

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here