Thấy gì qua vụ Vingroup ‘mượn’ vắc-xin?

0
8
Hình minh hoạ: Một người đàn ông được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 ở Hà Nội hôm 27/7/2021 AFP
Thông tin tập đoàn Vingroup ‘mượn’ 5.000 liều vắc-xin Moderna từ Uỷ ban Nhân dân TP. HCM khiến nhiều người dân bức xúc trong bối cảnh nguồn cung ít ỏi còn nhu cầu thì lớn. Nhưng điều đáng bàn ở đây là tại sao người dân chỉ biết đến thông tin này qua sự rò rỉ của một công văn kín, và việc ‘mượn’ vắc-xin ở đây nghĩa là thế nào?

RFA

Ngày 23 tháng 7, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một công văn của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, với nội dung “cấp cho mượn vắc-xin chiến dịch phòng COVID-19 đợt 5”. Cụ thể, sở Y tế của thành phố cho tập đoàn Vingroup “mượn 5.000 liều vắc-xin Moderna”.

Sau khi văn bản trên được lan truyền rộng rãi và tạo ra tranh luận trên mạng xã hội, thì ngày 25 tháng 7, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP. HCM lên tiếng xác nhận về sự việc. Theo ông Đức thì vì tập đoàn Vingroup đã hỗ trợ thành phố trong công tác chống dịch nên việc cho mượn vắc-xin là “hợp lý hợp tình”.

Sự việc này được nhiều người tin là tạo ra tiền lệ không tích cực, và khoét sâu thêm vào vấn nạn bất bình đẳng trong tiếp cận tài sản công ở Việt Nam.

Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn, người thường xuyên nhận đình về các vấn đề liên quan đến phương pháp chống dịch ở Việt Nam, chỉ ra ba vấn đề từ việc “mượn vắc-xin” của Vingroup.

Thứ nhất, vắc-xin này Việt Nam nhận được từ chương trình viện trợ COVAX, nó không dành để cho mượn, nó có quy định chung là để “bảo vệ các nhóm người dễ bị tổn thương”, và Việt Nam cũng đã phải ban hành 16 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm, để phù hợp với tinh thần của bên viện trợ. 

Thứ hai, Vingroup mượn 5.000 liều vắc-xin Modena, rồi bao giờ trả? Trả bằng vắc-xin gì? 

Thứ ba, TP. HCM hành xử vô nguyên tắc, cho Vingroup mượn vắc-xin thế thì khi tập đoàn, doanh nghiệp khác hỏi mượn thì sao? Căn cứ vào đâu để đồng ý hay từ chối?”

Trên mạng xã hội, nhiều người cũng đặt câu hỏi về tính minh bạch của việc cho mượn vắc-xin, trong đó một trong những điều được chất vấn là liệu những nhân viên của tập đoàn Vingroup có thuộc diện được ưu tiên hay không. Tuy nhiên, hiện thông tin này vẫn chưa được làm rõ.

Ngoài ra, một vấn đề nữa cũng khiến người dân nghi ngờ đó là phải đến khi công văn của Sở Y tế TP. HCM bị lộ và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, thì phía chính quyền thành phố mới lên tiếng. Nhiều người chất vấn rằng nếu công văn trên không bị rò rỉ ra ngoài thì liệu chính quyền cũng sẽ im lặng?

congbangvaccine2021.jpeg
Hình: Facebook

Sau sự kiện này, mạng xã hội Facebook ở Việt Nam xuất hiện chiến dịch yêu cầu chính quyền phải minh bạch trong việc phân phối vắc-xin và đòi hỏi quyền bình đẳng trong tiếp cận vắc-xin cho mọi người.

Bà Đào Ngọc Diệp, người khởi xướng chiến dịch trên trao đổi với RFA về minh bạch thông tin và quyền tiếp cận vắc-xin, bà nói:

“Theo nguyên tắc thì bất cứ những gì liên quan đến tài sản công hay thông tin công thì Nhà nước phải có nghĩa vụ phải công khai, cho nên là những cái liên quan đến thông tin vắc-xin hay điều phối vắc-xin thì nó đều nằm trong danh mục phải công bố của Nhà nước, theo luật tiếp cận thông tin.

Cho nên là chữ minh bạch ở đây nó thể hiện một là cái trách nhiệm của Nhà nước, hai là cái nghĩa vụ trong việc đảm bảo sự tiếp cận quyền sức khoẻ của người dân một cách công bằng”. 

Bà Diệp cũng cho rằng chính sự thiếu minh bạch thông tin đã đẻ ra các biến tướng như vụ việc người phụ nữ ở Hà Nội được tiêm vắc-xin nhờ quan hệ mà không thông qua các thủ tục đăng ký.

Việt Nam cho đến nay đã nhận được năm triệu liều vắc-xin Moderna do Hoa Kỳ tài trợ thông qua chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới. Tuy nhiên, nước nhận hỗ trợ từ chương trình này phải phải ưu tiên tiêm cho những nhóm người dễ bị tổn thương nhất.

Chính vì vậy, việc Vingroup “mượn” vắc-xin Moderna để tiêm cho nhân viên của tập đoàn này, khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc liệu số vắc-xin trên đang bị sử dụng sai với tinh thần của chương trình COVAX?