Thấy gì qua vụ Đoàn Thị Hương?

0
139
Đoàn Thị Hương rời khỏi tòa án sau phiên tòa ngày 1/3. Ảnh: Reuters
   

FB Châu Đoàn

13-4-2017

Các cơ quan công quyền như Cục Lãnh Sự, Đoàn Luật Sư, Đại Sứ Quán Việt Nam tại Malaysia phản ứng rất chậm, họ chỉ bắt đầu bắt tay vào việc khi có sức ép của công luận, ở đây cụ thể là một nhóm luật sư, doanh nhân, trí thức đã đứng lên quyên góp tiền từ để hỗ trợ cho người nhà của Đoàn Thị Hương sang thăm con và lo tìm luật sư cho cô ấy.

Từ đầu tôi cũng nằm trong nhóm này nhưng tự cảm thấy mình không có chuyên môn về luật pháp, lại cũng không có uy tín đủ để kêu gọi quyên góp nên tôi đã xin được rút và cũng bởi thời gian vừa rồi tôi quá bận.

Tôi rút cũng không phải bởi có nhiều chỉ trích là không nên hỗ trợ Hương, Việt Nam có bao điều khác phải quan tâm. Trong nhóm không ai hỗ trợ với sự khẳng định là Hương vô tội, họ hỗ trợ đơn giản là bởi sự ái ngại với một đồng bào và họ cũng muốn cho Hương thấy sức ấm của đồng bào và cũng để cộng đồng ở Việt Nam và quốc tế nhìn thấy sự quan tâm và cũng để góp phần tránh oan sai cho một người Việt.

Tuy không tham gia nhưng tôi vẫn theo dõi chứng kiến sự vất vả, đôi khi là bẽ bàng của những người trong nhóm, nhất là qua stt mới nhất của chị Nguyen Hoang Anh. Có lúc họ đã mắc kẹt trong một sự oái oăm, đã nhận tiền của cộng đồng thì phải làm tròn nhiệm vụ, nhưng Cục Lãnh Sự, Đoàn Luật Sư lại lững lờ và cùng với chính quyền địa phương còn cảnh báo gia đình Hương là phải cẩn thận, không nên hợp tác với nhóm.

Chính vì vậy mà rất nhiều lần, người nhà của Hương hồ hởi, cảm ơn nhận sự giúp đỡ, ngay sau đấy lại gọi điện bảo không dám. Quá trình này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, đến cuối cùng thì họ đã chấp nhận.

Trong khi toàn bộ chi phí chuyến đi, ăn ở của mấy người nhà của Hương đều là tiền của cộng đồng nhưng những bài báo không hề đề cập và Cục Lãnh Sự, Đoàn Luật Sư hay Đại Sứ Quán cũng không hề có một lời cảm ơn, hoan nghênh những tấm lòng vì đồng bào của họ.

Những bài viết ấy như thể đang tâng công của những cơ quan công quyền, không hề tiếp cận trong khi ấy thì hàng chục các báo chí, thông tấn nước ngoài thì tìm đến nhóm để phỏng vấn.

Một lẫn nữa, báo chí Việt Nam đã thể hiện rõ họ chỉ là một công cụ tuyên truyền của chính quyền mà không đưa tin một cách trung thực và đúng đắn theo tinh thần báo chí.

Tôi hiểu các cơ quan công quyền, những người có vị trí ở Việt Nam có một tâm lý là thà không làm, nếu làm sai thì phiền phức. Việc kêu gọi một cái tâm hành xử quan tâm tới một đồng bào Việt là một việc xa xỉ. Theo tôi là họ làm bởi sức ép của công luận chứ không phải vì một động lực sâu sắc cao đẹp gì cả.

Điều này tôi không ngạc nhiên, bởi đấy là một tâm lý chung của cả bộ máy, nếu họ hành xử với một tâm thế giống như những người đã góp tiền và nhóm người lo lắng, thương cảm cho một đồng hương thì thực trạng đất nước đã khác rồi chứ không be bét như hiện nay.

Dẫu không ngạc nhiên nhưng tôi vẫn muốn viết bởi tôi muốn có sự ủng hộ của công luận và qua đấy sẽ khiến những cơ quan công quyền và báo chí ở Việt Nam có một thái độ và hành xử đúng đắn hơn trong tương lai.

Làm người tử tế không hề dễ ở đất nước này phải không?

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here