Thái Lan: Yêu cầu cải tổ trở thành tội phản quốc

    0
    2
    Panupong "Mike Rayong" Jadnok, Parit "Penguin" Chiwarak, Panusaya "Rung" Sithijirawattanakul và Arnon Nampa, trình diện cảnh sát theo lệnh triệu tập tại Bangkok hồi 30 tháng 11, 2020.

    Phạm Phú Khải

    Vào ngày 10 tháng 11, Tòa Hiến pháp Thái Lan (Constitutional Court) đã đưa ra phán quyết về ba nhà hoạt động nổi tiếng nhất hiện nay của Thái Lan: sinh viên Panusaya Sithijirawattanakul, 23 tuổi, còn gọi là Rung; luật sư nhân quyền Arnon Nampa, 37 tuổi; và Panupong Jadnok, 24 tuổi, còn gọi là Mike. Ba nhà hoạt độngnày đã từng phát biểu những quan điểm vô cùng táo bạo trong các cuộc biểu tình vào tháng 8 năm 2020, yêu cầu cải tổ nền quân chủ Thái. Trong bản tuyên ngôn 10 điểm, phong trào dân chủ do người trẻ tại Thái Lan lãnh đạo đã vận động hủy bỏ điều 6 của Hiến pháp năm 2017 và điều 112 của Bộ luật Hình sự Thái Lan, trong đó hình sự hóa luật phỉ báng hoàng gia, được biết đến là lèse-majesté. Trước tháng 8 năm 2020, một số cá nhân người Thái cũng đã bị bắt hoặc bị truy lùng vì tội phỉ báng hoàng gia, điển hình như Pavin Chachavalpongpun. Chachavalpongpun là phó giáo sư người Thái dạy chính trị học tại Nhật, người đã thành lập diễn đàn trên Facebook có tên Royalist Marketplace, quy tụ cả triệu người Thái tham gia. Nhưng ngay cả những người như Chachavalpongpun cũng không hề kêu gọi cải tổ hoàng gia một cách công khai và thẳng thắn như phong trào dân chủ trẻ tại Thái Lan đã thực hiện từ tháng 8 năm 2020 trở đi.

    Nói cách khác, sự táo bạo của giới trẻ Thái Lan trong thời gian qua là chưa từng xảy ra trước đó, mặc dầu hàng trăm người đã từng bị bắt trước đây, vào những năm như 2010, vì tội phỉ báng hoàng gia.

    Cũng vì thế, phán quyết của Tòa Hiến Pháp về trường hợp của ba nhà hoạt động này mang tính nghiêm trọng, và sẽ có những hệ trọng đến tương lai của phong trào dân chủ tại đây.

    Khi đưa ra phán quyết, Thẩm phán Chiranit Havanond biện luận rằng, “Nếu chúng ta cho phép bị cáo thứ nhất, thứ hai và thứ ba, và mạng lưới của họ tiếp tục thực hiện hành động này, thì không lâu sẽ dẫn đến việc lật đổ chế độ quân chủ lập hiến”, theo thông tấn AFP.

    Cả ba nhà hoạt động Thái đều bác bỏ cáo buộc rằng họ muốn lật đổ chế độ quân chủ lập hiến. Panusaya cho biết đó không phải là mục tiêu của cô, nhưng cô chấp nhận phán quyết của tòa. Trong khi đó, Arnon và Panupong thì vẫn còn đang bị giam tù vì các tội danh khác, và luật sư của họ, Kritsadang Nutcharat, cũng khẳng định họ không hề mong ước lật đổ chế độ quân chủ.

    Nhà nghiên cứu Sunai Phasuk thuộc tổ chức Human Rights Watch diễn tả phán quyết này như là “căn bản là một cuộc đảo chánh pháp lý” (essentially a judicial coup) vì nó tạo cơ hội để xúc tiến các trường hợp pháp lý khác chống lại những người biểu tình tại Thái Lan. Phasuk biện luận: “Bằng cách khẳng định rằng quyền lực đối cao thuộc về chế độ quân chủ chứ không phải của nhân dân, điều này đã chấm dứt chế độ quân chủ lập hiến của Thái Lan và thay thế nó bằng chế độ chuyên chế.”

    Trong khi đó, luật sư Kritsadang biện luận rằng, “Nếu bạn thực sự dành thời gian và cơ hội cho những người trẻ này triển khai và đưa ra lập luận của họ, họ sẽ nói rằng những yêu cầu cải cách chế độ quân chủ này thực sự sẽ làm cho chế độ quân chủ trở nên an toàn và bảo đảm hơn dưới chế độ dân chủ mà chúng ta có”. Nhưng bởi vì tòa không xem xét các bằng chứng do các nhà hoạt động cung cấp nên luật sư Kritsadang và cô Panusaya quyết định bỏ ra khỏi phiên tòa. Kritsadang nhận định, “phán quyết này sẽ tác động đến những lời kêu gọi cải tổ trong tương lai”.

    Kể từ tháng 7 năm 2020 đến nay, có ít nhất 1636 người Thái bị kết tội liên quan đến các cuộc biểu tình và phong trào chính trị tại Thái Lan. Nhưng phong trào dân chủ tại Thái không phải vì thế mà chùn bước. Họ khẳng định rằng mục tiêu cải tổ là để có một nền dân chủ đích thực nơi mà quyền lực chính trị thuộc về người dân. Trong số những người bị bắt thì có 156 trường hợp liên quan đến luật lese majeste, trong đó có 12 trẻ em vị thành niên, trẻ nhất là 14 tuổi, theo tổ chức Thai Lawyers for Human Rights.

    Vào cuối năm 2020, khi chính quyền Thái do cựu tướng lĩnh Prayut Chan-o-cha, nay là Thủ tướng Thái, leo thang đàn áp phong trào dân chủ trẻ tại Thái Lan, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền tự do hội họp, Clément Voule, đã cảnh báo rằng đất nước có nguy cơ rơi vào bạo lực. Voule khẳng định rằng, “Thật là chính đáng để mọi người bắt đầu thảo luận về việc đất nước của họ sẽ đi đến đâu và họ muốn tương lai như thế nào… Việc ngăn cản mọi người nêu lên những lo ngại chính đáng của họ là không thể chấp nhận được.”

    Luật phỉ báng hoàng gia tại Thái lese majeste là một trong các điều luật khắc nghiệt nhất trên thế giới hiện nay. Vào ngày 19 tháng Giêng năm nay, Tòa Hình sự Bangkok đã kết án 87 năm tù dành cho một cựu công chức Thái tên Anchan Preelert, 65 tuổi, cho 29 vụ vi phạm luật này vì các phổ biến trên mạng. Án này được giảm xuống còn 43 năm 6 tháng vì bà đã nhận lỗi. Một nhà hoạt động nổi tiếng khác, Parit Chiwarak, 23 tuổi, còn gọi là chim cánh cụt, “Penguine”, tuy chưa được xét xử, nhưng nếu bị kết tội thì án tù tối đa là 300 năm, với mỗi bản án từ 3 năm đến 15 năm tù.

    Trong những năm qua, chính quyền Prayut sử dụng mọi biện pháp khác nhau để dập tắt phong trào dân chủ tại nước này. Không có cách nào hiệu quả hơn là biện pháp siết chặt tự do ngôn luận, tự do truyền thông, và tự do biểu đạt, bởi vì chế độ đã có bao nhiêu đồ nghề đang nằm sẵn trong các pháp luật họ đã xây dựng hoặc củng cố bấy lâu nay.

    Tuy đối diện với lắm thử thách, phong trào dân chủ tại Thái Lan vẫn tiếp tục đấu tranh. Trong những ngày qua, trước khi Tòa Hiến pháp Thái đưa ra phán quyết trên, 9 đảng phái chính trị Thái đã cho biết quan điểm muốn cải tổ luật phỉ báng hoàng gia, điều mà đã gây nhiều tranh cãi và sóng gió trong chính trường Thái lâu nay. Cùng ngày với tòa đưa ra phán quyết trên, trong Duyệt xét Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review), các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc, trong đó có Hoa Kỳ, đã bày tỏ quan ngại và đưa ra đề nghị cải tổ luật lese majeste này vì nó giới hạn quyền tự do bày tỏ. Ngoài ra, Bỉ, Canada, Phần Lan, Pháp, Đức, Na Uy, Thụy Điển và Thụy Sĩ nằm trong số những nước kêu gọi Thái Lan sửa đổi hoặc xem xét lại luật.

    Tháng 4 năm 2021, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (Reporters Without Borders) đã xếp hạng Thái Lan thứ 137 trên 180 nước được nghiên cứu về tự do truyền thông, với chỉ số ngược đãi, chỉ số tình hình đang diễn ra, chỉ số toàn cầu, chỉ số khác biệt so với năm 2020 và chỉ số khác biệt về xếp hạng, theo thứ tự, là: 52.98, 44.15, 45.22, 0.28 và 3. Tức so với năm 2021 thì khác nhau 0.28 điểm, và khá hơn 3 nấc. Thái Lan bị xếp hạng đỏ, nghĩa là rất đáng quan ngại. Các nước đứng đầu bảng phần lớn vẫn là Bắc Âu, như Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch. Tuy thế, vẫn còn đỡ hơn Việt Nam. Việt Nam bị xếp hạng đen, 175 trên 180, tức đứng gần cuối bảng, về tự do truyền thông, với các chỉ số thật là lớn: 68.04, 75.18, 78.46, 3.75 và 0. Nghĩa là Việt Nam không tiến bộ chút nào cả, về chỉ số thì còn tệ hơn 3.75 điểm so với năm ngoái, và về thứ hạng là vẫn tệ như trước.

    Trở lại với chính trị Thái Lan, trong gần một năm rưỡi qua, cả nước Thái như hừng hực trong cơn sốt chính trị. Sự xung đột giữa các phe phái liên quan đến quyền lợi và quan điểm ngày càng sâu sắc. Các cuộc biểu tình sôi động xảy ra hàng tuần, có khi hàng ngày, chống lại chính quyền Prayut, về cung cách quản lý Covid-19, kinh tế, chính trị, sự bạo hành của cảnh sát, tự do ngôn luận v.v… Các vua Thái trước đây không can dự nhiều vào chính trị, nhưng nhà vua Maha Vajiralongkorn lại trở thành mấu chốt trong cuộc vận động cải tổ chính trị tại đây. Từ cuối tháng 10 năm 2020 cho đến cuối tháng 10 năm nay, vua Vajiralongkorn ở Thái nguyên cả năm qua. Đây là điều hiếm hoi vì ít khi nào ông chịu ở Thái lâu vậy. Theo tờ Nikkei Asia, vào ngày 8 tháng 11, ông bay từ Thái sang Đức qua hãng hàng không Thai Airways International, địa điểm ông thường xuyên ghé lại và ở lâu dài lúc trước. Vào ngày 1 tháng 11 vừa qua, Thái Lan đã mở cửa lại cho khách du lịch từ khắp thế giới, cho những ai đã chích hai liều, mà không cần cách ly. Nhà vua có lẽ đã chờ cơ hội này, hơn ai hết, không phải để đón khách đến Thái Lan và để kinh tế Thái vực dậy, mà để được cơ hội hưởng ngoạn. Trên hết, chắc để tránh thấy giới trẻ Thái tiếp tục đòi cải tổ nền quân chủ mà ông đứng đầu.

    Phán quyết của Tòa Hiến pháp về luật phỉ báng dành cho các nhà hoạt động vào ngày 10 tháng 11 không có gì là ngạc nhiên cả. Hiến pháp 2017, điều 190, trao quyền cho vua Thái bổ nhiệm tất cả các thẩm phán tại Thái Lan, bao gồm Tòa Công lý, Tòa Công sự, Tòa Hiến pháp và cả Tòa Quân sự, ở mọi cấp. Như thế, vua Thái hiện giờ chính là hiện thân của nền tư pháp, nắm sức sống của các thẩm phán. Yêu cầu hay đấu tranh để cải cách quốc gia tại Thái hiện nay trở thành tội phản quốc, đụng đến quyền lực quân chủ tối cao. Nền quân chủ Thái tuy là quân chủ lập hiến nhưng nhà vua chẳng khác gì đứng trên và ngoài hiến pháp và pháp luật Thái.

    Cho nên trò chơi quyền lực tại Thái Lan giống như một trò đùa. Tuy vậy, so với Việt Nam, chẳng hạn, thì các chỉ số về tự do và dân chủ tại Thái vẫn khá hơn rất nhiều. Tự do ngôn luận, trong đó có truyền thông Thái, thật đa dạng về mọi mặt, tiếng Thái lẫn Anh. Truyền thông và công dân Thái vẫn có nhiều tự do trong việc phê phán chính quyền, miễn đừng đụng đến hoàng gia.

    Tuy thế, phong trào dân chủ trẻ tại Thái vẫn quyết tâm, vẫn tiếp tục đấu tranh dù biết sẽ bị trừng phạt, tù đầy. Website của Tòa Hiến pháp Thái đã bị xâm nhập và đổi tên thành Tòa Kangaroo vào ngày 12 tháng 11. Trong những ngày qua họ vẫn tiếp tục xuống đường kêu gọi cải tổ nền quân chủ, và có nơi âm thầm đốt cháycả biểu tượng của vua Thái hiện nay. Bởi vì những người đấu tranh hiểu rõ giá phải trả để có được một nền dân chủ đích thực.