Bài trước trong mục này bàn về Giải Nobel Kinh tế năm 2024, trao cho James Robinson, Daron Acemoglu (Đại học MIT), và Simon Johnson (Đại học Chicago). Họ đã tìm hiểu tại sao kinh tế các nước phát triển cao thấp khác nhau, chú ý đến kinh tế Mỹ, Canada so với các nước châu Mỹ La Tinh, như Mexico, Peru hay Brazil.
Ba giáo sư kinh tế học thấy nguyên do quan trọng nhất là các định chế xã hội khác biệt trong các xã hội đó: Dân Mỹ và Canada dựng lên những định chế kinh tế và chính trị cho mọi người có cơ hội như nhau (inclusive institution). Các nước kia nuôi dưỡng các định chế cho một thiểu số cầm đầu nhằm khai thác những người khác (extractive institutions).
Cách trình bày gọn gàng như vậy, trừu tượng và khô khan, có lẽ bất công đối với ba người mới lãnh giải. Phần lớn những người được trao Giải Nobel về Kinh tế học đều “viết văn” rất hay, không thua các người viết chuyên nghiệp. John Kenneth Galbraith, Milton Friedman, Daniel Kahneman, Paul Robin Krugman đều diễn tả các ý kiến của họ sáng sủa, linh động, có khi còn hài hước. Daron Acemoglu và James Robinson cũng vậy, họ đã mở đầu cuốn sách “Tại sao các quốc gia thất bại” (Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty) xuất bản năm 2012, với những hình ảnh rất cụ thể trong cuộc sống của hai thị xã nằm trên đường biên giới Mỹ – Mexico.
Từ trang đầu tiên hai tác giả viết: “Thị xã NOGALES bị cắt làm đôi với một cái hàng rào.” Phía Bắc là Nogales thuộc Tiểu bang Arizona, Mỹ, lợi tức bình quân $30,000 đô la. Ở đó trẻ em thường đi học; đa số dân đã qua bậc trung học, tương đối mạnh khỏe; mọi người quen dùng điện, điện thoại, nhà có cống thoát nước thải, vân vân.
Qua bên Mexico, chỉ cách nhau mấy bước chân qua hàng rào, cuộc sống ở Thị xã Nogales thuộc Sonora khác hẳn. Lợi tức bình quân bằng một phần ba bên Mỹ; nhiều đứa trẻ không đến trường; người lớn thường không học hết trung học, tuổi thọ trung bình thấp hơn; đường xá xấu; nhiều trộm cướp; muốn mở một cửa hàng cũng khó, thường phải hối lộ.
Hai thị xã cùng tên Nogales hồi xưa vốn chỉ là một. Dân ở hai bên cùng một gốc tổ tiên, đồ ăn thức uống như nhau, nghe và hát cùng một loại âm nhạc, có thể nói họ chung một nền văn hóa. Cách sống hai bên biên giới dần dần thay đổi sau khi những người Tây Ban Nha chiếm Mexico (và một số nước Nam Mỹ) rồi người từ Anh Quốc đến vùng Virginia ở phía Bắc. Nước Mỹ thành hình sau cuộc cách mạng 1776; Mexico đã độc lập với Tây Ban Nha từ năm 1821. Nogales chỉ bị tách làm hai sau hòa ước năm 1853 kết thúc cuộc chiến tranh Mỹ – Mexico.
Khi người Tây Ban Nha rủ nhau di cư sang châu Mỹ, họ đều nhắm tìm vàng, hay bạc. Những tay “thực dân” này không có ý định tự bỏ sức mình khai thác quặng mỏ. Họ mang theo súng đạn mạnh hơn dân bản địa, có thể cưỡng bách thổ dân làm việc cho mình. Khi mới đến Mexico bây giờ và các vùng phía Nam, di dân được các ông vua đón tiếp niềm nở. Nhưng họ đã bắt cóc các thủ lãnh địa phương, tra tấn để cướp lấy vàng bạc của họ. Trước đó, những thủ lãnh này đã tích trữ được nhiều vàng bạc vì dùng vũ lực bắt dân làm việc cho mình. Các thủ lãnh di dân tiếp tục sử dụng hệ thống cưỡng bách đó sau khi khuất phục được các lãnh chúa địa phương. Họ bắt các thổ dân làm sưu dịch, cống tiến, đóng thuế như cũ. Tất cả đám dân bổn địa, từ ông vua, thư lại, cho đến dân thường đều trở thành nô lệ cho các ông chủ mới.
Đám di dân gốc Anh quốc không may mắn như những người Tây Ban Nha ở Nam bán cầu, hay người Bồ Đào Nha ở Brazil. Người Anh, sau các cuộc chiến tranh và nội chiến, tìm qua châu Mỹ chậm hơn đành phải chọn qua lục địa ở phía Bắc, đến lập nghiệp trong vùng Jamestown, tiểu bang Virginia bây giờ. Công việc khai khẩn do The Virginia Company, một công ty ở nước Anh làm chủ, tuyển mộ và cấp tàu thuyền cho các di dân. Nhưng các người mới tới phải đối diện với các lãnh tụ địa phương mạnh và quyết tâm bảo vệ đất đai, quyền lợi của họ. Ông vua Wahunsunacock đang làm chủ một đế quốc rộng gần khắp Bắc Mỹ, đã chống cự mạnh mẽ. Ông bắt được Đại úy John Smith nhưng tha, nhờ cô công chúa Cotahontas can thiệp; nhưng vẫn không cung cấp thực phẩm cho đám di dân đang cầu cứu. Mùa Đông 1609, di dân ở Jamestown chết đói, 500 chỉ còn sống sót 60 người.
John Smith kết luận phải làm lấy mà ăn. Ông đặt ra quy tắc: “He that will not work shall not eat,” ai không làm thì không được ăn, giống như một “thanh quy” của Thiền Sư Bách Trượng, “Bất tác bất thực!” John Smith viết thư xin Virginia Company gửi qua thêm hàng ngàn di dân mới làm đủ các nghề, từ nhà nông, thợ mộc thợ nề, thợ đốn gỗ, người chăn nuôi thú vật, vân vân. Công ty tự coi họ làm chủ tất cả ruộng đất đã chiếm được của dân địa phương. Di dân bị tập trung trong các trang trại, phải sản xuất cho đủ chỉ tiêu, như trong các “nông trường tập thể.” Họ sống tình trạng giới nghiêm, ai bỏ trốn sẽ bị tuyên tử hình.
Hai người được công ty gửi qua quản trị công cuộc khai thác là Thống đốc Thomas Gates với Thomas Dale làm phó. Họ đặt ra các luật lệ nghiêm khắc, ai trộm cắp hoặc bán nông sản ra nước ngoài có thể bị tử hình. Nhưng Virginia Company không thể kiểm soát được tất cả mọi di dân, ở các vùng Virginia, cũng như Baltimore, North Carolina vì dân chúng có thể sống tự do. Đất rộng, người thưa, ai muốn tự lập có thể bỏ trốn, tìm những mảnh đất ở xa, tự mình khai thác. Bắc Mỹ lúc đó còn rất thưa dân, mật độ khoảng 3 người trên 4 cây số vuông; trong khi tại Mexico hoặc trên miền núi Andes ở Peru mật độ là 400 người một cây số vuông.
Từ năm 1618 Công ty Virginia Company thấy chính sách thực dân của họ không hiệu quả, phải thay đổi. Cần khích lệ cho di dân làm việc và sản xuất. Họ bãi bỏ chính sách “nông trường tập thể” như trên; bắt đầu phân phát cho dân một số ruộng đất để tự canh tác. Dân đã đòi Thống đốc Lord Baltimore phải cho hội họp để thảo luận các luật lệ chung sống. Năm sau, các trại chủ họp Đại hội đồng. Đó là bước khởi đầu cho các định chế dân chủ ở Bắc Mỹ.Năm 1691, Đại hội đồng xin vua nước Anh thay đổi quy chế chính trị, xóa bỏ nhiều quyền hành của đại diện nhà vua. Năm 1721 quy chế vùng Carolinas cũng thay đổi. Dần dần, cả 13 thuộc địa ở Bắc Mỹ theo cùng một định chế, có một vị thống đốc do nhà vua cử và đại hội đồng do các người làm chủ ruộng đất bầu lên. Những người không có ruộng, phụ nữ và nô lệ không có quyền như các trại chủ.
Các định chế cho phép người dân được tham dự các quyết định trong cuộc sống tập thể được duy trì và phát triển trong vùng Bắc Mỹ trong nhiều thế kỷ. Trong thời gian đó Mexico và các vùng đất phía Nam vẫn theo nếp cũ: Các thủ lãnh “thực dân” cưỡng bức dân bản địa làm việc và đóng sưu thuế, sử dụng các “định chế khai thác” (extractive institutions) như các lãnh chúa đời trước.
Những cải cách định chế ở Bắc Mỹ cho phép người dân tham dự dần dần phát triển, tạo môi trường cho cuộc cách mạng giành độc lập và chế độ dân chủ ra đời, tồn tại cho đến nay.
Daron Acemoglu và James Robinson mô tả sự khác biệt giữa hai thị xã cùng mang tên Nogales, do ảnh hưởng của hai loại định chế xã hội đã thành hình từ thế kỷ 17. Chế độ tự do dân chủ là nguyên nhân chính khiến dân hai thị xã sống cách biệt hẳn nhau. Ngoài trình độ chênh lệch về lợi tức, tiện nghi, học vấn, dân Nogales thuộc Tiểu bang Arizona thường không bị trộm cắp, không lo phải hối lộ. Họ được luật pháp và cảnh sát bảo vệ. Lý do chính là họ có thể bỏ phiếu chọn người lên cầm quyền, ai không thực sự làm việc cho dân sẽ thất cử. Tai thị xã Nogales thuộc tiểu bang Sonora, cũng như cả nước Mexico, chỉ có một đảng chính trị nắm quyền hàng thế kỷ, đến năm 2000 mới được thay đổi. Năm nay, một phụ nữ đắc cử tổng thống Mexico; lần đầu tiên ở Bắc Mỹ – nếu không kể các bà đã làm quốc trưởng và thủ tướng Canada.