Có nhiều lý do – và phần nào có thể hiểu được: hậu quả kinh tế từ đại dịch COVID-19 khiến lạm phát leo thang, đời sống người dân khó khăn hơn. Tổng thống đương nhiệm Joe Biden thì quá lớn tuổi cho một nhiệm kỳ thứ hai. “Bong bóng thông tin” cũng là một nguyên nhân: các thuật toán mạng xã hội ngày càng nhốt người dùng vào các “vũ trụ riêng”, nơi họ chỉ nghe và thấy những điều mình muốn tin. Từ đó, quan điểm càng trở nên cực đoan, chia rẽ, khép kín.
Nhưng tôi không viết bài này để nói về những nguyên nhân đó. Tôi muốn bàn đến một điều sâu hơn – một xu hướng mà cả châu Âu cũng đang phải đối mặt: sự trỗi dậy của một chủ nghĩa chính trị độc đoán, núp bóng dưới danh nghĩa “chống lại Woke Mainstream”.
Trước đây, Đảng Dân chủ là tiếng nói của tầng lớp lao động – những người không có bằng đại học, sống dựa vào công việc tay chân và công đoàn. Nhưng từ thời Bill Clinton, và rõ ràng hơn dưới thời Obama, đảng này dần dịch chuyển về phía giới có học thức. Các vấn đề như công bằng xã hội không chỉ còn là chuyện lương tối thiểu hay đánh thuế mạnh người giàu, mà mở rộng ra các tiêu chuẩn tiến bộ như bình đẳng giới, bình đẳng sắc tộc, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu… Một bộ phận lớn người Mỹ – đặc biệt là giới trí thức và đô thị – hoan nghênh điều đó. Nhưng cũng có hàng triệu người Mỹ khác – công nhân, nông dân, những người từng là xương sống của Đảng Dân chủ – bắt đầu cảm thấy bị gạt ra ngoài cuộc đối thoại, không còn được nói những gì họ muốn nói.
Donald Trump bước vào khoảng trống đó – và truyền thông làm cho ông ta trông như một người “đứng về phía người nghèo”, dù thực tế, nhóm được ông phục vụ nhiều nhất là tầng lớp tài phiệt siêu giàu. Ông hướng tới những người cảm thấy bị bỏ lại – đặc biệt là nạn nhân của toàn cầu hóa. Trump hứa sẽ làm chậm lại tiến trình toàn cầu hóa, thậm chí đảo ngược nó với khẩu hiệu “Make America Great Again” – đưa nước Mỹ trở về một thời kỳ huy hoàng nhưng không nói rõ là thời nào, với ai.
Một phần trong tâm thế ấy được thể hiện rất rõ trong bộ phim truyền hình nổi tiếng Yellowstone khi nhân vật Thống Đốc do Kevin Costner thủ vai nói một câu khi tranh cử: “Nếu các người muốn tiến bộ, hãy bầu cho người khác.”
Đó không chỉ là lời từ chối một chương trình cải cách – mà là tâm lý phổ biến của một bộ phận người Mỹ: họ không cần một xã hội “tiến bộ” hơn, họ chỉ muốn được sống trong một thế giới như cũ – dù thế giới đó đã không còn tồn tại. Và khi họ không tìm thấy nó trong đời sống hiện tại, họ sẵn sàng đi theo bất cứ ai hứa sẽ “đem nó trở lại”, dù là bằng sự giận dữ, thù hằn hay phá bỏ mọi quy tắc dân chủ.
Vấn đề đáng lo ngại là: chúng ta đang không chứng kiến một sự điều chỉnh chính trị tự nhiên. Thay vì cân bằng lại xu hướng cấp tiến của phe cánh tả, Trump đang thay thế nó bằng một hệ tư tưởng cánh hữu mang tính trừng phạt và loại trừ. Ông tấn công báo chí, các trường đại học, yêu cầu cấm sử dụng hàng trăm từ ngữ, ràng buộc ngân sách liên bang vào việc tuân thủ tư tưởng của mình, dọa trừng phạt các bang “chống đối”, kêu gọi truy tố đối thủ chính trị, biến bộ máy chính phủ thành công cụ cho phe nhóm.
Và tất cả không phải là ngẫu nhiên. Nó được chuẩn bị một cách bài bản – từ các kênh truyền thông gieo rắc thuyết âm mưu như Tucker Carlson, đến các influencer như Joe Rogan. Với kế hoạch “Project 2025”, ông và phe cánh hữu đang chuẩn bị cho một cuộc “cách mạng” toàn diện: thay máu bộ máy hành pháp, tư pháp, truyền thông, giáo dục – không phải để điều hành tốt hơn, mà để kiểm soát tuyệt đối.
Nước Mỹ từng “vĩ đại” vì có marketplace of ideas – nơi mọi ý kiến được tranh luận công khai, để cùng tìm ra giải pháp tốt nhất. Giờ đây, điều đó dường như không còn quan trọng. Các nhà khoa học, học giả, người làm nghiên cứu cũng dần bị loại khỏi cuộc chơi thay vào đó là các Influencer Nhà Trắng bây giờ có hẳn một khu toàn Content Creator, Tiktoker, Blogger và Podcaster thay vì các phóng viên báo chí chính thống. Những gì đang diễn ra giống như một “cuộc cách mạng cánh hữu”.
Ngoại trừ những người thuộc phe cực hữu MAGA, phần lớn người dân Mỹ không mong muốn một cuộc cách mạng như vậy. Họ bỏ phiếu cho Trump vì họ mệt mỏi với lạm phát, nhớ một thời bình yên trước COVID và chiến tranh Ukraine – khi giá xăng rẻ, nhà dễ mua, công việc ổn định. Họ thất vọng vì Đảng Dân chủ không có một lựa chọn lãnh đạo đủ thuyết phục. Nhưng sự thất vọng không thể là lý do để chấp nhận một cuộc tấn công vào nền dân chủ. Điều họ thực sự muốn chỉ là một cuộc sống bình thường, ít lo toan – chứ không phải một nước Mỹ biến thành chiến trường ý thức hệ.
Lịch sử không thể quay ngược. Và dân chủ, một khi bị xói mòn từ bên trong, sẽ không sụp đổ trong một đêm – mà sẽ lặng lẽ tan rã dưới tràng pháo tay của chính những người tin rằng mình đang “lấy lại quyền kiểm soát”. Và tôi chỉ hy vọng họ kịp nhận ra, trước khi thứ họ muốn kiểm soát đã không còn tồn tại.
Fb zin te
Çekmeköy su kaçağı tespiti Gelişmiş sensörler, duvarlardaki ve zeminlerdeki nem seviyelerini tespit edebilir. https://fairknowledge.wiki/uskudar-tesisatci-kacak-tespiti/