Chu Mộng Long
Chọi trâu (cũng như đâm trâu, treo cổ trâu) gần như mặc nhiên được xem là một lễ hội văn hóa truyền thống của người Việt. Vì loại lễ hội này không chỉ diễn ra kéo dài suốt nhiều năm và mang dấu hiệu cổ sơ, cho nên người ta xem như là một nét đẹp văn hóa, thậm chí là bản sắc dân tộc.
Bản sắc là cái gì vậy? Các nhà văn hóa cho rằng cứ khôi phục đến tối cổ man di là duy trì bản sắc. Trong khi bản sắc không phải là những thứ tối cổ man di mà chỉ là một sự nhận dạng (identification) – nhận dạng về sự khác biệt giữa các dân tộc. Sự khác biệt không đồng nghĩa với khu biệt những phẩm chất cố định mà tạo ra tương tác và phát triển: tôi không chỉ khác với người khác mà luôn khác với chính tôi. Tức tôi phải phát triển bằng chính bản sắc của tôi thông qua tương tác với kẻ khác.
Nhiều dân tộc duy trì bản sắc mà vẫn phát triển, như người Anh, người Pháp, người Đức, người Nhật, người Hàn, người Do Thái… Với trình độ hiểu biết của họ, văn hóa cổ được bảo tồn dưới hai dạng. Một là bảo tồn vật thể. Hai là bảo tồn phi vật thể. Hình thức bảo tồn vật thể thuộc nhóm những thứ chỉ lưu lại bằng hiện vật để thấu hiểu cội nguồn và lịch sử kiến tạo của cha ông. Trong nhóm này có nhiều thứ thuộc về cái đã đi qua, không thể hoặc không được phép hoạt động. Chẳng hạn, các tập tục man di như lễ bắt người tế sống cho thần linh, tình trạng quần hôn tạp hôn, nghi thức Totem… Hình thức bảo tồn phi vật thể thuộc nhóm những thứ được lưu truyền bằng hoạt động có tính chất tái tạo và phát triển bởi sự độc đáo và tính nhân văn. Trong nhóm này có nhiều thứ mang dấu tích xa xưa nhưng vẫn rất hiện đại, không chỉ có ý nghĩa nhận dạng về sự khác biệt mà còn tạo động lực kích thích sự vận động và phát triển. Tất nhiên sự phục sinh ấy chỉ biểu thị bằng biểu tượng và mặt nạ chứ không phải bằng sự thật. Chẳng hạn như hội Carnaval của phương Tây, hội Kanamara Matsuri và tinh thần Samurai của người Nhật, những lễ hội khơi dậy sự sống và sức mạnh tinh thần nguyên thủy, tình yêu và sự tự do bình đẳng.
Không có lí do gì một dân tộc duy trì mãi bản chất man rợ nguyên thủy của mình để gọi là giữ gìn bản sắc!
Tây Ban Nha duy trì đấu bò tót lâu nhất rồi đến lúc cũng bãi bỏ để thay thế bằng hình thức khác.
Trong sự khác biệt phải tìm đến sự tương đồng để hội nhập, nếu không sẽ bị cô lập và tự diệt. Khác biệt văn hóa có thể tạo nên sự đa dạng trong tinh thần nhân loại, nhưng cũng có thể gây xung đột, nếu trong sự khác biệt đó không tìm thấy sự tương đồng. Tính tương đồng không gì khác là những giá trị nhân văn phổ quát để con người ở mọi không gian, thời gian có thể thông hiểu nhau.
Nhận thức sai lầm về bản sắc, các nhà nghiên cứu và quản lí văn hóa Việt Nam đã góp phần làm cho dân tộc không phát triển và đẩy vào nguy cơ bị cô lập và diệt vong.
Rất nhiều các lễ hội của chúng ta đã và đang bị phản đối, không chỉ những người hiểu biết trong nước mà thế giới cũng từng lên tiếng. Lí do đơn giản, những lễ hội đó nằm ngoài những giá trị nhân loại phổ quát và phản nhân văn.
Chọi trâu (cũng như đâm trâu, treo cổ trâu) là hành động man di, lấy sự giết hại làm trò mua vui nhưng lại nhân danh văn hóa. Trong xã hội hiện đại, đó không chỉ là trò mua vui mà còn là trò làm tiền, cờ bạc. Có ai dám chắc trong các lễ hội mang tính ăn thua đó không có trò cá cược? Không chỉ một con trâu bị giết mà cả đàn tham gia bị giết và người xem thích thú reo hò. Con người đã kích thích thú tính và tự nuôi thú tính trong mình.
Xưa ở thời mông muội, con người tin vào thần linh hơn là sức mạnh của chính mình nên mới có hoạt động giết chóc để tế thần như một tín ngưỡng. Thời chiếm hữu nô lệ, những trang nam nhi biểu dương sức mạnh quyền lực phụ quyền mới có chuyện gieo rắc chiến tranh và cổ vũ chém giết rồi dùng nghi lễ ăn mừng chiến thắng (*). Nay những thứ ấy đã thành phản nhân văn, đi ngược lại trào lưu tiến bộ của loài người, nhiều quốc gia tiến bộ đã lên án và hủy bỏ. Tôi tin chắc những người tổ chức và tham dự lễ hội chém giết kia chẳng mấy tin gì vào thánh thần. Thuần túy mua vui và cá cược cho nên hoàn toàn vô cảm. Người ta reo hò trong bãi máu và chết chóc.
Một lễ hội không có chút niềm tin và tín ngưỡng, lễ hội ấy diễn ra tranh chấp và bạo lực là tất yếu. Cảnh các võ sĩ dùng giáo đâm vào thân trâu, thậm chí để cho những con trâu tự đâm vào nhau gãy sừng, vỡ sọ trong niềm hoan hỉ reo mừng của người xem chỉ có thể gieo rắc sự vô cảm và bạo lực.
Quan sát con trâu số 18 húc chết chủ nhân trong lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, tôi không cho rằng đó là “chuyện hi hữu”, “trâu điên”, “phản chủ”, hay “trâu bị sốc tâm lí”, hay do dùng thuốc kích thích. Trâu tấn công người là chuyện đã từng xảy ra và phổ biến. Vạn vật không có tâm lí như người nhưng cũng không hẳn vô tình. Con vật trung thành với chủ thì cũng có khả năng phản chủ. Khi con người đối xử vào con vật bằng bạo lực ắt con vật cũng biết chống trả bằng bạo lực. Đó là bản năng sinh tồn. Không có gì khó hiểu khi con trâu mang số 18 kia không chịu tấn công đồng loại của nó mà quay lại tấn công ngay chủ nhân của mình. Đó là nhân quả báo ứng, bởi chủ nhân của nó đang đẩy nó vào cái chết man rợ cho nên phải trả bằng cái chết cũng không kém phần man rợ.
Tôi nghe kể rằng, con trâu bị quy tội phản chủ hay bị điên này khi mang ra tế sống Thành Hoàng, nó đã từ chối và tiếp tục từ chối khi bị dắt mũi ra sân đấu. Điều đó cũng có nghĩa nó từ chối cái chết như một bản năng sống cho mình và cho đồng loại mình.
Xét đến cùng, chính con người đã bị điên khi tổ chức những cuộc chơi chém giết và reo hò cổ vũ sự chém giết, dù đó là chém giết động vật. Và thật điên khi đã xảy ra quả báo nhãn tiền nhưng những người quản lí và tổ chức lễ hội vẫn khăng khăng sẽ tiếp tục tổ chức để duy trì thứ “bản sắc” man di ấy!
——
(*) Theo S. Freud trong Vật tổ và Cấm kị, sự ăn mừng chiến thắng của các bộ tộc man khai luôn kèm theo nghi thức hối cải chứ không đơn thuần chỉ là sự ăn mừng chiến thắng.
Clip Trâu số 18 húc chết chủ nhân: