Sửa Luật Đất Đai: Cuộc ‘quần ngư tranh thực’

0
53
Từ trước đến nay chuyện kích nền kinh tế qua xây dựng, bất động sản thường được ưu tiên nhiều vì qua đó, 1 loạt các vấn đề kinh tế được giải quyết. Hình minh họa. (Ảnh: Nguyễn Văn Châu)
   

Theo Nghị quyết 50/2022/QH15 thì trong kì họp tháng 10 này, Quốc hội sẽ thông qua 6 luật sửa đổi, trong đó có 4 luật liên quan đến đất đai là: 1. Luật đất đai; 2. Luật kinh doanh bất động sản 3. Luật Nhà ở và 4. Luật tài nguyên nước.

Hôm 3/11, các đại biểu quốc hội đã dành trọn 1 ngày đề bàn thảo về dự thảo Luật đất đai đã được sửa đổi, bổ sung gồm có 16 chương và 265 Điều. Theo tổng kếtcủa phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thì có 49 đại biểu phát biểu,16 đại biểu tranh luận, 72 đại biểu đăng ký nhưng chưa phát biểu do hết thời gian.

Mặc dù vẫn còn có quá nhiều vấn đề phức tạp được nêu ra nhưng Luật đất đai cùng các luật liên quan vẫn có thể được thông qua đúng “kế hoạch” vào cuối kỳ họp này.

Trên thực tế, quá trình làm luật ở Việt Nam rất dễ vì đều theo “kế hoạch”. Khi Đảng thấy cần thì sẽ thông qua được rất nhanh còn khi chưa thì thôi. Nếu cuối kỳ họp này mà “Đảng đoàn Quốc hội” vẫn đưa ra thông qua thì cả “gói” 4 luật sẽ lại được thông qua với sự nhất trí rất cao của các đại biểu và “đi vào thực tế” tốt đẹp.

Tại sao phải sửa đổi Luật đất đai?

Trong một bài đăng trên báo Nhân dân vào tháng 3 năm nay, cho rằng sửa đổi Luật đất đai là để “khơi nguồn phát triển”. Cụ thể, bài báo cho rằng “việc sửa Luật Đất đai không chỉ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang tồn tại trên thực tiễn…mà còn góp phần khơi thông nguồn lực phát triển, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân”

Như vậy việc sửa đổi Luật đất đai chỉ là để tiếp tục “tháo gỡ các vướng mắc” và “khơi thông nguồn lực” mà đảng cộng sản đang cho là bị tắc nghẽn.

Đúng như vậy, “cục máu đông” BĐS được tạo ra bởi nhiều yếu tố trong đó có chuyện “đốt lò” và để tiếp tục thì sẽ có nguy cơ gây ra những hệ luỵ về kinh tế và xã hội khác.

Thật khó để đưa ra một con số chính xác về tỷ trọng của ngành BĐS đóng góp cho nền kinh tế. Theo thống kê của tổng cục thống kê thì BĐS chỉ chiếm 3,46% GDP trong năm 2022, tuy nhiên theo một Nghiên cứu khoa học của Hiệp hội BĐS được tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn trích đăng thì cho rằng BĐS đang chiếm tới 20% GDP của nền kinh tế và sẽ tăng lên đến 22% trong vòng 10 năm tới.

Nhiều dự án bất động sản đã thay đổi bộ mặt đô thị ở một số vùng nhất định. Thế nhưng nhu cầu đối với nhân dân là những khu nhà ở xã hội và những dự án vừa tầm tay, chứ không phải là những dự án chỉ dành cho giới đầu cơ. Chúng ta đã thấy rất nhiều dự án BĐS trải dài từ Bắc tới Nam. Những bờ xôi ruộng mật của nhân dân đã biến thành các “khu đô thị ma”. Ngay cả vùng đệm của kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long cũng đang bị đổ đất để san lấp, lấn biển xây dựng biệt thự và các chung cư.

Chính vì nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động bất động sản nên khi các vụ án như Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh hay FLC xảy ra, thị trường BĐS trầm lắng toàn bộ nền kinh tế bị ảnh hưởng rất nặng nề và việc sửa đổi Luật đất đai được kỳ vọng là sẽ làm cho thông thoáng và minh bạch toàn bộ ngành này.

Luật đất đai sửa đổi sửa những điểm nào?

Về cơ bản, những người dân không phải quan tâm quá mức về Luật mới bởi vì những điều chỉnh về việc sở hữu đất nông nghiệp và đất ở riêng lẻ cũng không khác nhiều so với bộ luật hiện hành, mà sửa đổi chủ yếu tác động đến các nhà đầu tư lớn.

Nhưng theo tôi thì thực chất thì đây tiếp tục là một cuộc “quần ngư tranh thực” giữa các nhóm lợi ích với nhau, giữa những gương mặt đang lên và những tập đoàn đang đi xuống. Nhóm làm du lịch thì đang lên tiếng không có mục thu hồi đất cho các dự án du lịch, trong khi một số đại biểu còn đề nghị các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh được cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền trên đất mà dự thảo luật đã cố tình không đưa vào.

Nông dân bị thu hồi đất có cơ sở để vui mừng khi dự thảo một lần nữa khẳng định việc đền bù đất khi nhà nước thu hồi đất sẽ theo giá thị trường. Nhưng “Giá thị trường là giá nào” vẫn là một điều bỏ ngỏ bởi vì bảng giá đất của các địa phương đều không sát với giá thị trường.

Một vấn đề cũng đang được cân nhắc từng con chữ để làm sao vừa có thể “gây tù mù” nhưng lại vừa có vẻ rất “minh bạch”. Đó là những điều khoản về: trách nhiệm quản lý đất đai, minh bạch thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, kết nối với định danh cá nhân và đánh thuế nhà đất… Những vấn đề này đang được các quan chức và nhà đầu cơ nhiều đất đai hồi hộp theo dõi vì nếu được làm thật sự thì sẽ lộ ra hết ai đang có bao nhiêu nhà đất.

Đồng thời một điểm quan trọng của việc sửa đổi cũng là để Nhà nước tìm cách thu thêm thuế từ đất đai. Một trong những điểm quan trọng trong dự thảo là Nhà nước sẽ thu tiền thuế theo năm và cho cả kỳ thuê đất. Một Nghị định thậm chí đã được Bộ tài chính dự thảo cả trước khi luật đất đai sửa đổi được thông qua.

Cách làm luật “giày vò” tài nguyên

Đất đai là tài nguyên quốc gia quý giá, là thành phần quan trọng của môi trường sống và là mục đích bảo vệ của toàn thể người dân từ thời khai thiên lập địa.

Luật đất đai cũng vô cùng quan trọng bởi vì nó như “luật mẹ” có liên hệ với nhiều đạo luật khác như: Luật dân sự, Luật đầu tư, Luật môi trường, Luật Quy hoạch, Luật nhà ở, Luật Lâm nghiệp… cho nên quá trình xây dựng, sửa đổi lẽ ra phải được bàn thảo thật độc lập, chi tiết và phải có chiến lược dài hơi.

Thế nhưng các nhà làm luật Việt Nam không thể tuân thủ theo nguyên tắc sự thật khách quan, mà phải dựa nhiều vào ý chí chủ quan, không dựa vào thực tiễn mà phải theo chỉ đạo, chỉ ăn theo hiện tại mà không trù liệu được tương lai, hoàn toàn làm theo kiểu “giật cục”.

Nghiêm trọng hơn nữa, việc thảo luận dân chủ là điều cần thiết trong quá trình làm luật nhưng Quốc hội Việt Nam, vốn có hơn 97% là đảng viên CS, sẽ phải theo “ý chí” lãnh đạo, do vậy có nhiều các đại biểu bị kẹt giữa những tư duy của người Nghị sỹ làm luật và người quản trị điều hành; giữa lợi ích dân tộc và những “nhóm lợi ích” đương thời mà đôi khi xung đột nhau.

Do mâu thuẫn trong tư duy và cách làm luật cho nên câu từ trong các bộ luật cũng bị giằng co, vá víu. Không có sự độc lập và thống nhất toàn diện nên khi đã sửa luật này thì này lại phải sửa luật kia, vá chỗ này lại rách chỗ khác hoặc phải bổ sung rất nhiều bằng văn bản dưới luật.

Ví dụ Luật đất đai 2013 hiện đang đang gồng gánh theo mình cả một hệ thống văn bản đồ sộ gồm 18 Nghị định, 53 Thông tư và 03 Thông tư liên tịch để hướng dẫn thi hành nhưng vẫn không thể đảm bảo được sự khả thi trong thực tế và thống nhất trong điều hành.

Không thể chỉ dựa vào đất đai

Cuối cùng, xét về phát triển kinh tế, thì không thể chỉ dựa vào đất đai. Đất đai là hữu hạn và việc khai thác sẽ đến lúc bão hoà. Đồng thời, nếu lệ thuộc nhiều vào bất động sản và khi những tập đoàn BĐS bị vướng vào vòng lao lý, nó sẽ đẩy toàn bộ nền kinh tế đi đến suy thoái.

Chỉ có sự sáng tạo của con người được đưa vào phát triển các ngành công nghiệp mới thực sự tạo ra được nguồn thu bền vững cho nền kinh tế đất nước. Nhật bản hay Hàn Quốc là một ví dụ khi họ đã biết đầu tư vào các ngành công nghiệp ngay từ khi độc lập. Nhờ vậy chỉ trong 20-30 năm sau họ đã tạo được một sự tăng trưởng bền vững và giúp đất nước không ngừng đi lên.

Bản thân đất đai vẫn vậy, nông hoá, thổ nhưỡng vẫn như thế, nhưng cách con người nhìn nhận về nó thì thay đổi tuỳ thuộc vào lợi ích mà mình hướng đến. Do đó khi lợi ích của từng người, từng ngành thay đổi thì luật pháp lại tiếp tục phải chạy theo “tư duy mới” của nhóm mới và như vậy thì rất tai hại.

Nếu Việt Nam chỉ loay hoay chạy theo xung quanh chuyện đất đai, khi nó suy thoái thì nghĩ cách sửa luật để giải cứu và kích thích lên, sau đó khi bùng lên quá thì lại tìm cách bóp lại.

Đó là cách làm luật kiểu “giật cục” và tư duy đó nên cần phải được loại bỏ.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here