Diệu Linh
(GDVN) – Đừng nuốt chửng cả lương tâm của mình, để lại tiếng xấu muôn đời!
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 25/2, bà Tòng Thị Phóng – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội đã nói những lời “gan ruột” làm nức lòng người dân rằng: “Phải phân loại án ngay từ khâu điều tra ban đầu cho tới kiểm soát hoạt động điều tra của viện kiểm sát, cố gắng tránh gia hạn tạm giam. Bây giờ gia hạn lần thứ 1, lần thứ 2, rồi lại xin đặc biệt, theo tôi những việc đó phải cố gắng không làm.
Một người bị giam thì chẳng những họ khổ mà cả gia đình họ khổ. Họ đi đi lại lại, thăm nuôi, khổ lắm. Phải công khai, minh bạch để người dân yên tâm”.
Dẫn ra chia sẻ của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng để trở lại với vụ việc bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã bị tạm giam tới 800 ngày, nhưng cho tới giờ Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hồ Chí Minh không tìm được chứng cứ buộc tội.
Chẳng nhớ nổi đã mấy lần tòa án đã trả lại hồ sơ yêu cầu làm rõ căn cứ truy tố. Báo chí cũng đã lên tiếng nhiều tháng qua, nhưng Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hồ Chí Minh không làm rõ được và cũng không đình chỉ vụ án.
Vì sao vậy?
Có phải vì bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết chỉ là một người dân bình thường thấp cổ bé họng cho nên bị chà đạp đến như vậy không?
Một người dân bị tạm giam tới 800 ngày mà lại không có đủ căn cứ kết tội, nhưng cũng không đình chỉ vụ án, vậy thì xin hỏi ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao: Công lý ở đâu? Quyền con người và quyền của công dân ở chỗ nào?
Trong buổi báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 25/2, Viện trưởng Viện Kiểm sát đã nêu ra nhiều nỗ lực để chống oan sai, trong đó có nhắc đến chuyện đào tạo và nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ ngành kiểm sát.
Nhưng báo cáo của ông Viện trưởng liệu có mang lại được niềm tin cho nhân dân hay không, khi mà bà Tuyết bị tạm giam tới 800 ngày vẫn không có đủ căn cứ để xét xử, tuyên án?
Vài tháng trước, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đã yêu cầu Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hồ Chí Minh báo cáo vụ việc này và đã chỉ ra hàng loạt những mâu thuẫn, những nội dung “chưa được làm rõ”.
Văn phòng Chính phủ cũng đã yêu cầu báo cáo.
Nhưng cho tới giờ, mọi chuyện dường như vẫn đang dậm chân tại chỗ, và mặc nhiên bà Tuyết vẫn bị giam cầm.
Dư luận đặt ra câu hỏi: Nhiều tháng đã trôi qua, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hồ Chí Minh, mà trực tiếp là ông Dương Ngọc Hải – Phó Viện trưởng đã làm gì, có làm đúng chức trách, bổn phận của một cán bộ kiểm sát không?
Ông Viện trưởng VKSND tối cao đúng là đã quan tâm xem xét, đã làm việc với cấp dưới và đã có những chỉ đạo, yêu cầu rất cụ thể đến từng chi tiết, từng mâu thuẫn nhưng có vẻ là ông đã chỉ làm được đến đó.
Ông Hải vẫn truy tố bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết với những tài liệu, lập luận đã bị chính cấp trên chỉ ra là mâu thuẫn và người dân thì vẫn bị tạm giam.
Bởi, kết luận mới đây nhất của vụ án “nguyễn y vân” mà người chịu trách nhiệm – ông Phó Viện trưởng Dương Ngọc Hải vẫn chẳng bị làm sao?
Thế có nghĩa là ông Dương Ngọc Hải chẳng cần quan tâm đến chỉ đạo của cấp trên và cấp trên cũng chẳng làm gì được ông? Trong vụ này thì có lẽ đến giờ chỉ có người dân là chịu trận.
Cũng trong buổi làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhắc nhở rằng, một người được coi là có tội chỉ khi họ bị đưa ra xét xử theo đúng trình tự pháp luật và tòa tuyên có tội. Viện kiểm sát phải đảm bảo việc ấy.
Phải xem chức năng điều tra làm thế đúng chưa, vai trò của kiểm sát thế nào? Chức năng xử án đã làm tốt chưa, vai trò kiểm sát thế nào?
Tức là kiểm sát phải đảm bảo được công bằng, tránh bỏ lọt tội phạm, nhưng đồng thời không được để xảy ra oan sai với bất kỳ người dân nào.
Chủ tịch Quốc hội đã nói thẳng rằng, hết nhiệm kỳ đồng chí Viện trưởng có thể nghỉ, nhưng toàn bộ cái viện kiểm sát có nghỉ đâu, ngành kiểm sát có nghỉ đâu.
Viện trưởng có thể về hưu, viện phó có thể về hưu, nhưng cái Viện kiểm sát có về hưu đâu. Vì vậy phải làm sao lớp sau tiếp nối lớp trước, phải làm thế nào cho nhân dân được nhờ.
Các đồng chí là công cụ phục vụ nhân dân, tức là bảo vệ quyền con người, lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ công lý, vậy thì làm sao để nhân dân tin tưởng.
Đúng vậy! Muốn dân tin chẳng khó khăn gì, đơn giản là cán bộ phải nói thật và làm thật, đừng chà đạp lên danh dự, nhân phẩm của bất cứ ai, và cũng đừng tự cho mình cái quyền quyết định sự sống, sinh mạng của người khác.
Vậy chẳng lẽ ông Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình tiếp tục im lặng để cho cấp dưới mặc sức hoành hành?
Hay ông còn trông đợi vào sự trung thực, tự nhìn nhận cái sai của ông Dương Ngọc Hải, điều mà chắc sẽ chẳng bao giờ có?
Bằng không, ông nên nhanh chóng cho rút vụ án lên cấp cao hơn để xử lý, như thế mới mong có hy vọng ở lẽ công bằng, sự thật vụ án được tôn trọng, không hàm oan người dân, không bỏ lọt tội phạm.
Bác Hồ đã dạy rằng, cán bộ là công bộc của dân. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh.
Có nhân dân thì mới có cán bộ.
Nhưng nhiều cán bộ lại lầm tưởng khi họ có chức quyền thì muốn làm gì cũng được, bởi vậy mới có những hành xử theo kiểu ban phát ân huệ cho người dân, thậm chí coi thường sự sống của dân.
Cái chức vụ Phó Viện trưởng Viện kiểm sát của ông Dương Ngọc Hải thực chất là để phục vụ cho cuộc sống của dân, làm những việc tốt cho dân.
Ông được ăn lương, hưởng bổng lộc từ tiền thuế của dân, vậy thì hãy làm những việc xứng đáng với những gì đã nhận.
Trong một buổi làm việc với Bộ Công thương các đây ít lâu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói một ý rất sâu sắc rằng, lãnh đạo ngành công thương hãy thử làm doanh nghiệp, kinh doanh đi thì sẽ thấy được nỗi khổ của dân.
Trộm nghĩ, liệu ông Dương Ngọc Hải có thử một lần vào ngồi nhà tạm giam để cảm nhận được nỗi cơ cực của người dân, có lẽ cách hàng xử của ông sẽ khác đi rất nhiều.
Người xưa đã nói rằng “giấy không bọc được lửa”, những gì không phải là sự thật, những gian dối, lừa lọc, rốt cuộc cũng sẽ lộ ra hết.
Thế nên đừng nuốt chửng cả lương tâm của mình, để lại tiếng xấu muôn đời!
D.L.
Nguồn: https://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Su-that-bi-bop-meo-cong-ly-bao-gio-moi-duoc-thuc-thi-post166000.gd