Quyết định công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường hay không là cả một loạt vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều cân nhắc về kinh tế, chính trị lẫn chiến lược…
Ngay về kinh tế cũng có hai phe
Bên ủng hộ công nhận Việt Nam có kinh tế thị trường xuất phát từ thực tiễn cải cách và hội nhập kinh tế mà Việt Nam đã thực hiện khá thành công trong vài ba thập kỷ qua, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế định hướng thị trường hơn. Việt Nam đã mở cửa đón đầu tư nước ngoài, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và ký kết các hiệp định thương mại khu vực và toàn cầu như Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Quan hệ kinh tế và thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được tăng cường. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 giữa hai nước ước đạt 100,62 tỷ USD. Điển hình đối với lập trường ủng hộ ‘xóa nhãn NME’ (Non Market Economy – Nền kinh tế phi thị trường) cho Hà Nội là Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC), cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ted Osius. Ông cựu đại sứ tuyên bố: ‘Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường, vì đã đáp ứng các tiêu chí quan trọng như khả năng chuyển đổi tiền tệ…’ (1).
Một thực tiễn khách quan khác xiển dương cho lập trường ‘bóc nhãn NME’ là Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Sự phát triển kinh tế và hội nhập vào hệ thống thị trường toàn cầu của Việt Nam phù hợp với lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Đông Á cũng như trên toàn cầu. Lãnh đạo bộ phận chính sách công ở Mỹ của Samsung, ông Scott Thompson, nói tại phiên điều trần: ‘Việt Nam đã nổi lên như một đối tác ổn định, an toàn của Mỹ trong chuỗi cung ứng… rốt cuộc cũng vì lợi ích của kinh tế Mỹ’. Chính phủ Việt Nam còn thuê hẳn cả một công ty Mỹ để ‘lobby’ chiến dịch bóc nhãn. Bản đăng ký bổ sung của Đạo luật Đăng ký Đại diện cho Nước ngoài (FARA) đệ trình lên Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy Việt Nam đã thuê hãng luật Steptoe có trụ sở tại Washington để hỗ trợ chiến dịch này. Ông Eric Emerson đại diện cho Bộ Công Thương Việt Nam là người từ Công ty luật Steptoe đã phát biểu thuận cho Việt Nam tại điều trần (2). Theo BBC, quyết định cuối cùng có thể được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra trước ngày 26/7/2024 (3).
Những người phản đối, ngược lại cho rằng, kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư và nhập khẩu đầu vào từ Trung Quốc, với một số mặt hàng trong đó đã bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá. Ông Jeffrey Gerrish, cựu quan chức thương mại của chính quyền Hoa Kỳ thời tổng thống Donald Trump, đại diện cho hãng Steel Dynamics, lập luận tại phiên điều trần, việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ kích hoạt một làn sóng nhập khẩu không công bằng từ Việt Nam mà ông cho là đã trở thành phương cách để Trung Quốc lách thuế quan của Mỹ. ‘Thay vì đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc, bất kỳ hành động nào như vậy sẽ là món quà cho Trung Quốc và phục vụ lợi ích của Trung Quốc,’ ông Gerrish nhấn mạnh. Nazak Nikakhtar, cựu quan chức Thương mại dưới chính quyền Trump hiện đang làm việc cho Công ty luật Wiley Rein cũng cho biết tại buổi điều trần, Hà Nội từng dùng các chính sách áp bức và tập quán kinh tế hung hăng như Trung Quốc và có khả năng đứng về phe quốc gia láng giềng hùng mạnh để đối đầu với Mỹ (4).
Ngoài ra, vẫn còn đó những mối quan tâm và thách thức tiềm ẩn cản trở việc xóa nhãn. Các nhà phản đối cho rằng, Chính phủ Việt Nam vẫn duy trì quyền kiểm soát đáng kể đối với các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và có những lo ngại về trợ cấp không công bằng, thiếu minh bạch và can thiệp vào thị trường. Tiêu chuẩn lao động và môi trường ở Việt Nam vẫn là di sản nặng nề từ cái gọi là ‘nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’. Có khá nhiều ý kiến bảo lưu, bao gồm các công đoàn lao động và các nhóm môi trường tiếp tục nêu quan ngại về thực tiễn lao động và môi trường của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như sản xuất và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, cũng là một thực tế, trong khi vẫn còn những lo ngại về quyền lao động và nhân quyền, thì việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có thể tạo đòn bẩy để Hoa Kỳ và phương Tây khuyến khích cải cách và cải thiện hơn nữa trong các lĩnh vực này, cũng như thúc đẩy tính minh bạch và quản trị tốt.
Việt Nam đối mặt với mâu thuẫn lớn
Từ hơn một năm nay, Hà Nội đã và đang ráo riết vận động hành lang để Hoa Kỳ xóa nhãn ‘kinh tế phi thị trường’ (NME). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 10/11/2023 đã ban hành Quyết định 1335/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về đợt vận động này (5). Nhưng theo Tiến sỹ Bill Hayton, nghiên cứu viên tại Viện Chatham House, một think tank về chính trị quốc tế từ Luân Đôn, tại cuộc tranh giành quyền lực hiện nay trong Đảng Cộng sản Việt Nam đang diễn ra ngày càng quyết liệt, giới lãnh đạo cứng rắn mới trong Đảng không quan tâm đến việc đối đầu với Trung Quốc hay tham gia liên minh ‘chống Trung Quốc’ nữa. Cuộc tranh giành quyền lực tiếp tục kéo dài, đã dẫn đến việc bất ngờ sa thải cả Chủ tịch nước lẫn Chủ tịch Quốc hội. Kết quả của cuộc đấu tranh này sẽ khiến những ai vẫn hy vọng Việt Nam có thể tham gia tập hợp chống Trung Quốc phải suy nghĩ lại. Các nước có thể chưa ‘hạ cấp’ quan hệ với Việt Nam, nhưng mọi người sẽ bớt hy vọng vào Hà Nội khi thấy Việt Nam tiến gần hơn đến các đối tác toàn trị. Dù cuộc tranh giành quyền lực hiện nay không liên quan đến đối ngoại, nhưng nó có chiều hướng ‘bẻ lái’ Việt Nam gần với Trung Quốc và rời xa Mỹ và phương Tây (6).
Trong bối cảnh nói trên, những cân nhắc về chính trị lẫn địa-chiến lược cũng chỉ còn có ý nghĩa tương đối so với trước đây. Bởi vì, cuộc đấu đá nội bộ hiện nay ở Hà Nội thực chất là một cuộc tiếm quyền giữa các phe phái trong Đảng. Vẫn theo đánh giá ngày 9/5/2024 từ Tiến sỹ Bill Hayton, những gì chúng ta đang thấy là một ‘cuộc tiếp quản’. Những người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh quyền lực này là những người theo đường lối cứng rắn. Họ bao gồm các tướng tá Công an và những người theo chủ nghĩa Lênin giáo điều. Việt Nam dường như sẽ ngả theo Trung Quốc trong xu thế ‘chính trị hướng nội’. Một chỉ thị cách đây gần một năm, trước cả khi Tổng thống Biden có mặt ở Hà Nội – Chỉ thị 24 của Đảng (7) – đã hướng dẫn cán bộ, đảng viên cần hạn chế tiếp xúc với các tổ chức nước ngoài, đặc biệt là các NGO. Sự co cụm lại theo tinh thần Chỉ thị 24, đến lượt nó sẽ vô hiệu hóa mọi nỗ lực từ trước đến nay của các thành phần muốn thúc đẩy sâu hơn sự hội nhập kinh tế và luật pháp của Việt Nam với Mỹ và phương Tây. Bên cạnh nhiều hệ lụy tiêu cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng được cho là sẽ chậm lại.
Sự tồn tại hai phe ủng hộ và chống lại việc ‘bóc nhãn NME’, cùng với nội tình trong Đảng và Chính quyền Việt Nam đang bấn loạn, khiến cho Hà Nội phải đối đầu với một khối mâu thuẫn lớn. Một mặt, phái cải cách trong chính quyền đang nỗ lực hết sức, sao cho việc ‘bóc nhãn’ NME diễn ra trước cuộc bầu cử tháng 11/2024 ở Mỹ. Bởi sự kiện này có thể dẫn tới việc ông Trump trở lại Nhà Trắng. Donal Trump từng đe dọa sẽ tăng thuế đối với Việt Nam, vì nước này có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ. Trump từng chỉ trích Việt Nam về vấn đề thương mại, cáo buộc nước này đang lợi dụng cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ. Trump cũng công kích Việt Nam là ‘kẻ lạm dụng Mỹ’ còn tệ hại hơn cả Trung Quốc. Nhưng mặt khác, phái có lợi ích gắn với việc để Trung Quốc ‘tiếp quản’ nền kinh tế Việt Nam, cũng đang ra sức ‘chọc gậy bánh xe’ các lobby vận động hành lang ở Mỹ. Đúng vào ngày 9/5/2024, Công an Hà Nội cho biết, An ninh điều tra Công an thành phố đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ‘đối tượng’ Nguyễn Văn Bình (8).
Nguyễn Văn Bình vừa bị gán cho là ‘đối tượng’, mới nửa tháng trước đây là đương kim Vụ trưởng Vụ pháp chế thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (MOLISA), từng được Nhà nước Việt Nam đánh giá là ‘có lịch sử và kinh nghiệm làm việc lâu dài và phong phú trong lĩnh vực luật lao động’. Là một chuyên gia có hạng, ông Bình từng chủ trì đề xuất ban hành Bộ luật Lao động 2019 của Việt Nam, phê chuẩn một số công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có Công ước số 98 về Quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể, Công ước số 105 về Bãi bỏ Lao động Cưỡng bức (9). Đáng chú ý, truyền thông Việt Nam công khai, ông Bình bị bắt trước đấy cả nửa tháng (từ ngày 24/4/2024), nhưng Hà Nội ‘phải chờ’ đến ngày 9/5, đúng lúc bên kia địa cầu đang cân nhắc xem có nên nâng Việt Nam lên quy chế ‘kinh tế thị trường’ hay không, thì mới công bố bản tin. Việt Nam hiện nay tuy độc tài – độc đảng, nhưng trong Đảng có nhiều phái. Có thể giả định, phái nào đó trong hệ thống muốn ‘thọc gậy bánh xe’ bang giao Việt – Mỹ? Mà phái này thực ra đã hành động theo hướng ấy từ lâu, phục vụ cho quyền lợi của quốc gia nào thì đã rõ, chứ không phải hành động vì lợi ích của Việt Nam!
Tham khảo:
(1 – 2) /a/yeu-to-trung-quoc-trong-viec-my-can-nhac-quy-che-thi-truong-cho-viet-nam/7604017.html
(3) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cd1844xn4vxo
(4) /a/yeu-to-trung-quoc-trong-viec-my-can-nhac-quy-che-thi-truong-cho-viet-nam/7604017.html
(7) /a/phim-anh-va-chi-thi-24-xa-hoi-phan-manh-trong-mot-chinh-the-la-mat-la-trai-/7512831.html
(8) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/khoi-to-bat-tam-giam-vu-truong-119240509100410532.htm
(9) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cw590x62170o