SƠ LƯỢC PHIÊN TOÀ PHÚC THẨM CỦA ANH ĐẶNG PHƯỚC

0
177
Thầy giáo Đặng Đăng Phước.
Hà Lê
Ngày 26/9/2023, gia đình tôi, nhũng người quan tâm đến toà rất sớm. Mặc dù trên giấy triệu tập ghi rõ phiên toà sẽ bắt đầu lúc 7:30 tuy nhiên đến tận 8:00 giờ mới được bắt đầu. Cũng như phiên sơ thẩm, toà thông báo là xét xử công khai, tuy vậy chỉ có tôi và một vài người bạn của anh Phước nhận được giấy triệu tập của toà mới được vào tham dự.
Trước khi phiên toà diễn ra, luật sư Nguyễn Hà Luân có đề nghị xin được dời phiên toà với lý do từ sau khi kết thúc giai đoạn điều tra đến nay, anh Phước vẫn chưa được tiếp cận một cách đầy đủ hồ sơ vụ án của mình. Tuy nhiên sau vài phút hội ý thì đại diện Viện kiểm sát cho biết các Giám định viên và Điều tra viên vắng mặt có lý do, và đã có đề nghị xét xử vắng mặt vì vậy không cần thiết phải hoãn phiên toà. Tức quyết định không liên quan gì đến yêu cầu của luật sư.
Bắt đầu, chủ toạ giới thiệu thành viên Hội đồng xét xử và hỏi anh Phước có muốn thay đổi thành viên nào của Hội đồng xét xử không? Có muốn thay đổi nội dung kháng cáo không ? Anh Phước đáp không.
Tiếp đến, toà tuyên đọc lý lịch ba đời của anh Phước từ cha mẹ, đến bản thân anh, vợ và hai con, tên gì, sinh ngày tháng năm nào hiện ở đâu, làm gì… Sau đó nhắc lại anh Phước bị truy tố theo điều 117, khoản 1, điểm a, b, c nhưng không đọc lại hồ sơ vụ án. Sau đó, thẩm phán hỏi anh Phước kháng cáo những điểm nào ?
Anh Phước đáp:
_Tôi xin kháng cáo những vấn đề như sau:
1. Việc bắt giữ người thiếu minh bạch
2. Trong quá trình điều tra điều tra viên không chứng minh được tôi có động cơ chống phá nhà nước. Tôi không chống nhà nước, tôi chỉ chống tham nhũng và lên án những cái xấu của xã hội.
3. Giám định viên giám định không công bằng.
Cụ thể là…
Anh Phước nói tới đó thì thẩm phán vội ngắt ngang lời anh Phước, nói rằng chỉ cần trình bày ý chính thôi, không cần dài dòng.
Thẩm phán ngồi bên tay trái của chủ toạ phiên toà đưa ra câu hỏi với anh Phước: Anh có yêu nước không?
Đáp: tôi không yêu nước thì sao tôi lại được nhận huân chương do chủ tịch nước trao tặng, làm sao tôi nhận được bằng khen do chủ tịch tỉnh ký. Tôi không yêu nước thì làm sao suốt bao nhiêu năm đi dạy tôi được đồng nghiệp yêu quý, học sinh nể trọng?
Về phần bào chữa của các luật sư, luật sư Phú nêu quan điểm về nhóm 20 bài viết của anh Phước cần làm rõ cụ thể bài viết nào vi phạm vào điều 117 khoản 1, điểm a, b, hay c.
Phiên toà không có phần tranh luận giữa đại diện viện kiểm sát với luật sư. Thay vào đó đại diện Viện kiểm sát không đồng ý với những quan điểm mà các luật sư đã đưa ra và đọc quan điểm của viện kiểm sát được in trên giấy.
Cuối cùng là phần tuyên đọc kết luận vụ án của thẩm phán: y án 8 năm tù giam và 4 năm quản chế.
Phiên toà phúc thẩm chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng chưa đầy hai giờ đồng hồ.
Kết thúc phiên toà, điều đọng lại trong suy nghĩ của tôi là bốn cái không:
1. Trong suốt quá trình từ sau khi kết thúc điều tra cho đến phiên xử phúc thẩm, anh Phước không được tiếp cận hồ sơ vụ án của mình (Chỉ được các điều tra viên đọc qua cho nghe), không được đọc và nghiên cứu văn bản là có đúng với lời điều tra viên nói không. Dù điều này, anh và các luật sư bào chữa đã đề xuất miệng lẫn bằng văn bản gửi đến toà án.
2. Phiên toà không được xét xử công khai, dù là có thông báo xử công khai.
3. Giám định viên không có mặt tại toà, dù anh Phước đã có đơn đề nghị triệu tập họ, gửi cho toà án. Một chi tiết sai phạm cần được lưu ý là Sở thông tin truyền thông tỉnh Đắk Lắk là đơn vị cung cấp các bài viết trên Facebook của tài khoản Đặng Phước cho cơ quan an ninh điều tra tỉnh Đắk Lắk dùng làm chứng cứ cáo buộc anh ấy, lại đồng thời nhân viên của Sở này lại chịu trách nhiệm giám định nội dung
4. Phiên toà không có người bị hại. Cả cáo trạng lẫn kết luận điều tra đều khẳng định anh Phước “đăng tải nhiều bài viết xuyên tạc, vu khống sai sự thật, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, gây chiến tranh tâm lý nhằm mục đích chống lại nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tuy nhiên với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã tham dự cả hai phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, tôi chưa hề thấy có cá nhân, tổ chức bị hại xuất hiện tại phiên toà, như lời kết tội, càng không có đơn tố cáo của cá nhân, tổ chức nào vì “nghe các bài hát hay đọc những bài viết của anh Phước rồi dẫn đến hoang mang, gây mất an ninh trật tự, mất lòng tin vào nhà nước” ra sao cả.
Cuối cùng, có một điều tôi muốn nói thêm, trước đây, anh Phước từng phục vụ trong quân đội Việt Nam đóng quân tại Lào và được chủ tịch nước trao tặng huân chương chiến công HẠNG BA (Trong huân chương ghi là: Tặng Thượng sỹ: Đặng Đăng Phước), các luật sư từng nhiều lần khuyên tôi và anh Phước hãy đem nộp huân chương cho toà nhằm xin giảm nhẹ án nhưng anh Phước đã thẳng thừng từ chối bởi anh tin rằng mình không làm gì sai cả để phải xin xỏ. Anh dặn tôi rằng công lý xưa nay vốn phải đấu tranh mà có được chứ không phải do van xin. Họ có thể bắt anh, phán tù anh bao nhiêu năm, đó là quyền trong tay của họ nhưng họ không thể bắt anh van xin thứ công lý què quặt do họ ban phát.
Ghi nhanh
Buôn Ma Thuột, 10/10/2023″

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here