Tôi bất chợt nhìn thấy những bức biếm hoạ này trên facebook của MC Phan Anh. Ở góc độ nào đó, đây là những bức hoạ vui mang đến xúc cảm buồn.
Sẽ ra sao nếu như một nền kinh tế nuôi sống 93 triệu người dân không có những doanh nghiệp khoẻ mạnh?
Sẽ ra sao nếu như doanh nghiệp nào cũng bị nuốt chửng như kem đánh răng Dạ Lan, hay bị lép vế trong cuộc cạnh tranh ngày càng tàn khốc như xá xị Chương Dương trước những người khổng lồ Coca Cola, Pepsi?…
Gần đây, khi cuộc chiến giành và giữ thương hiệu Bibica – một miền ký ức ngọt ngào của không biết bao nhiêu thế hệ người Việt – đã gần như kết thúc với kết quả là Pan Group (một nhà đầu tư Việt Nam) đã tuyên bố nắm giữ cổ phần chi phối, chấm dứt tham vọng nuốt chửng Bibica của Tập đoàn Lotte đến từ Hàn Quốc, nhiều người bắt đầu nghĩ suy về số phận và tương lai của những thương hiệu Việt.
Người Việt đã từng có những thương hiệu Việt, những thương hiệu gắn bó với những năm tháng nền kinh tế nước nhà còn nhiều khốn khó, như xe đạp Thống Nhất, cao Sao Vàng… Nhưng thời gian cứ trôi đi, mọi thứ cứ lùi dần và trở thành những điều cũ kĩ…
Nhiều người đã đúc kết rằng, đa số các thương hiệu Việt không thể tồn tại được quá 30 năm. Có rất ít những doanh nghiệp như người khổng lồ ngành sữa – Vinamilk, hay đơn vị rực rỡ nhất ngành chiếu sáng – Điện Quang… tồn tại qua ngưỡng ấy và cho đến bây giờ vẫn tiến những bước tiến vững chắc.
Những năm gần đây, Chính phủ thể hiện một quyết tâm cao độ trong chủ trương cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước. Bởi, đó là xu thế không thể đi ngược lại. Những ví dụ như Vinamilk, hay Điện Quang, là các điển hình về sự phát triển sau cổ phần hoá. Đây là những doanh nghiệp cổ phần hoá từ rất sớm, quãng 2003 là Vinamilk và 2005 là Điện Quang. Đây cũng là những doanh nghiệp niêm yết rất sớm trên thị trường chứng khoán.
Sự minh bạch luôn hỗ trợ cho phát triển. Thay đổi tư duy kinh tế từ nhà nước sang tư nhân cũng là chìa khoá để mở ra cánh cửa cho một khoảng trời để vẫy vùng và phát triển.
Các doanh nghiệp mà tôi nhắc tên phía trên, đến giờ đều có sự vượt trội về doanh thu và chiếm lĩnh thị trường trong nước, vươn ra thị trường quốc tế. Nhắc đến ngành điện là phải nhớ tới Điện Quang, giống như nhắc tới mì ăn liền là nhớ tới Miliket. Mỗi khi thèm vị ngọt lại phải nhớ tới đường Biên Hoà hay bánh kẹo Bibica…
Với người tiêu dùng, một sản phẩm muốn tồn tại được phải là sản phẩm tốt. Còn dưới góc độ một nền kinh tế, một doanh nghiệp phát triển, một thương hiệu bền lâu và vươn ra thế giới, không còn là câu chuyện của riêng doanh nghiệp ấy, mà nó đã trở thành một phần trong xúc cảm của lòng tự tôn dân tộc. Người Hàn Quốc tự hào về Samsung, về Hyundai, về Posco… là vì vậy.
Nếu muốn khơi dậy một tinh thần dân tộc làm động lực cho những nỗ lực không ngừng nghỉ vì sự phát triển, thì không nên chỉ tự hào vì chiếc mũ gia công “made in Vietnam” mà Trump đội hôm nào, thay vào đó cần tự hào hơn vì người Mỹ cũng sử dụng sản phẩm sữa của doanh nghiệp Việt Nam và chỉ cần là những doanh nghiệp Việt có khả năng cạnh tranh với hàng Trung Quốc ngay ở thị trường nội địa – nơi có tới 93 triệu người tiêu dùng mang trong mình một dòng máu Việt.