Quốc hội, nhân dân và những võ sỹ giác đấu

0
60
Quốc hội đã trở thành công cụ đắc lực của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Hình minh hoạ: Quốc hội Việt Nam tại phiên bế mạc ngày 11/1/2022. Photo Quochoi.
   

Quốc hội Việt Nam họp bất thường vào ngày 2/5/2024 để bỏ phiếu kín miễn nhiệm chức vụ chủ tịch của ông Vương Đình Huệ mà cách đây hơn 2 năm đã bầu lên với số phiếu tuyệt đối.

Đây là lần họp bất thường thứ 7 của Quốc hội khoá 15 và là điều chưa từng có trong một Nhiệm kỳ Quốc hội kể từ khi thành lập nước đến nay.

Số lần họp bất thường (7) đã nhiều hơn họp thường lệ (6) vì nó là hệ quả của những xáo trộn ở thượng tầng nơi có nhiều nhân vật đã được chính Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Đã từng có một quốc hội dân chủ?

Sau khi dành được độc lập vào ngày 2/9/1945, tướng Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14/SL để Tổng tuyển cử bầu Quốc dân Đại hội. Sắc lệnh quy định mọi công dân từ đủ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến đều được tham gia và lựa chọn người đại diện cho mình.

Đã có có 333 đại biểu được bầu trong tổng số 403 đại biểu Quốc hội. Trong đó Việt Minh chiếm 120 ghế, Đảng Dân chủ Việt Nam 46 ghế, Đảng Xã hội Việt nam 24 ghế, và 143 ghế không đảng phái. Điều thú vị nằm ở 70 Đại biểu không bầu mà do “Thoả thuận”, cụ thể Việt Nam cách mạng Đồng minh Hội (Việt Cách) được đặc cách có 20 ghế và Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) có 50 ghế.

Trong bài Phát biểu khai mạc của Hồ Chí Minh có giải thích:“Có những đồng chí cách mạng người Việt Nam ở Hải ngoại vì không có thì giờ tham gia tổng tuyển cử của dân ta, nên Chính phủ lâm thời đề nghị với Quốc hội mở rộng Quốc hội ra thêm 70 ghế nữa để mời các đại biểu Hải ngoại của Việt Nam cách mạng Đồng minh hội (Việt Cách) và Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc) tham gia để tỏ cho thế giới biết rằng dân ta đoàn kết nhất trí… Các đảng phái, các dân tộc thiểu số và phụ nữ đều có đại biểu và như thế không phải là các đại biểu thay mặt cho một đảng phái hai một dân tộc nào mà là đại biểu cho toàn quốc dân Việt Nam”

Quốc hội Khoá 1 kéo dài 14 năm (1946-1960) với 12 kỳ họp, đã xem xét và thông qua được một bản Hiến Pháp tốt, 16 đạo luật, 50 nghị quyết và 3 chính phủ liên hiệp.

Sau 1954 thì đất nước chia đôi, nhiều đảng phái chính trị khác bị đàn áp hoặc đi vào Nam, Miền Bắt bị đặt dưới sự cai trị của Đảng Lao động, Quốc hội dần dần bị thâu tóm và đặt hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Đảng.

Sau gần 80 năm, giờ đây Quốc hội Việt Nam đã thực sự trở thành một Quốc hội bù nhìn, hoàn toàn nằm dưới sự thao túng tuyệt đối của Đảng cộng sản.

Quốc hội đã trở thành bù nhìn

Bù nhìn, hình nộm có lẽ là từ khá thú vị khi chỉ về các đại biểu của dân hiện nay đang ngồi trong hội trường Diên Hồng. Nghị gật là một từ khác mà được nhân dân hay dùng khi gọi tên các vị đại biểu quốc hội.

Nhưng bản chất không phải chỉ có “gật” kể từ khi Đảng cộng sản trực tiếp quản lý quốc hội, đã biến Quốc hội trở thành một công cụ đắc lực của Đảng dưới hình thức tinh vi.

Bên trong Đảng làm cho nhân dân tin rằng Quốc hội đại diện cho ý chí nguyện vọng của mình. Bên ngoài, Đảng làm cho thế giới lầm tưởng về tính chính danh của Nhà nước trong việc phê chuẩn và miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo.

Không chỉ có người ngoài đưa ra nhận định mà chính ông Nguyễn Văn Phúc phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, trong một bài trả lời phỏng vấn hiếm hoi trên Thời báo KTSG đã từng nói: “Vấn đề là phải xác định sự lãnh đạo của Đảng với quốc hội khác với các thiết chế khác ở chỗ nào vì Quốc hội và Hội đồng nhân dân là cơ quan dân cử. Ví dụ, với kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội hàng năm, năm năm khi Ban chấp hành TW hay Bộ chính trị quyết định quá cụ thể các chỉ tiêu thì không còn dư địa cho Quốc hội bàn. Lúc đó, Đảng quyết định luôn rồi chứ không chỉ dừng lại ở chủ trương nữa và chuyện đưa ra Quốc hội chỉ là để hợp thức hoá thôi”.

Ông còn nói tiếp: “Thực ra, nhiều khi chính anh em cán bộ viết văn bản từ kết luận của Bộ Chính trị hay Trung ương để gửi sang Đảng, đoàn Quốc hội, thì anh em viết quá chi tiết. Chi tiết quá thì quốc hội thảo luận thế nào nữa.

Qua đó ta thấy Đảng đã dứt khoát giành lấy quyền quyết định hết những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội Việt Nam. Đặc biệt về nhân sự thì Đảng nắm thật chặt, thậm chí quyết định ai, vào thời điểm nào thì có tín nhiệm, thời điểm nào thì không. Cụ thể: ông Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ đều được tín nhiệm cao nhưng chỉ một thời gian sau, Đảng lại công bố chính những người đó vi phạm” dù cho những vi phạm đó có thể đã xảy ra rất lâu dài.

Rõ ràng, Quốc hội chỉ là một công cụ của Đảng cộng sản để hợp thức hoá các quyết định của đảng.

Một “Coup d’etat” phi bạo lực?

Điều 69 Hiến pháp Việt Nam quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” Xét về lý thuyết, chủ tịch của một “Cơ quan quyền lực cao nhất” sẽ là người có quyền lực nhất.

Điều 70 của Hiến Pháp trao cho Quốc hội nhiều quyền hạn rất lớn ví dụ như Mục 13: “Quyết định vấn đề chiến tranh và hoà bình; quy định tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia; Quốc hội cũng có quyền quyết định trưng cầu dân ý”.

Trong lịch sử thì cũng đã có 2 lần Quốc hội đã làm cho Đảng phải lùi bước. Đó là Dự án đường sắt cao tốc và Sân bay Long Thành. Những dự án này Ban đầu Ban chấp hành Trung Ương và Bộ Chính Trị đã quyết định làm nhưng khi đưa ra Quốc hội thì bị bác. Bộ chính trị sau đó cũng thấy phù hợp nên đã chấp nhận theo quyết định của Quốc hội.

Vấn đề nằm ở truyền thông. Đã có lúc tiếng nói của dân, qua báo chí, đã được cất lên.

Nhưng giờ đây, Nhân dân hoàn toàn không biết điều gì đã xảy ra, Chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội đã vi phạm điều gì, ở đâu, khi nào, tính chất mức độ ra sao?

Ai đã thực hiện việc “phế truất” này, ai đang “tiếm quyền” thực sự? Thực chất đã có một cuộc đảo chính phi bạo lực hay không? Cuộc đảo chính này là “bất thành” hay đã “thành công” rực rỡ? Quyền lực thực tế trước đây nằm ở trong tay ai hay nhóm nào? giờ đây đang đi qua tay ai? Không ai biết!

Xem Võ sĩ giác đấu (Gladiator) qua TV

Quan sát chính trị Việt Nam gần đây khiến tôi hình dung các Võ sỹ giác đấu (Gladiator) tại Đại Hý trường La Mã (Colosseum), nơi diễn ra các trận đấu sinh tử; nơi kẻ thua cuộc chỉ chết khi người thắng cuộc nhận được dấu chỉ của người có quyền lực nhất sau khi người này quan sát thái độ của khán giả.

Hàng ngàn năm đã trôi qua, trò chơi quyền lực tại Việt Nam vẫn thu hút được đông đảo dân chúng giống như xem Võ sĩ giác đấu tại Đại hý trường khi xưa. Chỉ khác, giờ đây chính khán giả đang giương to mắt cũng không biết được kẻ bại trận có thật sự bại trận và đã chấp nhận thua cuộc hay chưa. Trận đấu trong chính trường đang thật kịch tính nhưng nhân dân mãi mãi chỉ là người đứng xem như đang xem qua TV. Thậm chí cuộc bỏ phiếu miễn nhiệm cũng là bỏ phiếu kín.

Nhân dân Việt Nam hoàn toàn không được dự phần vào bất cứ quyết định nào dù cho Hiến pháp quy định Nhà nước là “Của dân, do dân và vì dân”.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here