Quản lý yếu kém nên phải tăng thuế bảo vệ môi trường để chống buôn lậu?

0
84
Theo ông Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường cũng là để góp phần cho việc quản lý xăng dầu và hạn chế tình trạng buôn lậu qua biên giới - ảnh minh họa/TTXVN.
MAI ANH

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 5, ngày 3/6 vừa qua ông Trần Xuân Hà – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, giá xăng dầu Việt Nam hiện thấp nhất so với các nước có cùng đường biên giới, nên việc tăng thuế bảo vệ môi trường cũng là để góp phần cho việc quản lý xăng dầu và hạn chế tình trạng buôn lậu qua biên giới.  

Trả lời của Thứ trưởng Trần Xuân Hà có thể thấy lý giải tăng khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu của Bộ Tài chính trọn vẹn ở mọi góc cạnh. Bởi không chỉ giúp tăng ngân sách, tăng thu để bù các khoản chi cho bảo vệ môi trường mà việc tăng khung thuế còn giúp hạn chế tình trạng buôn lậu.

Tuy nhiên trả lời của Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng đặt ra câu hỏi: Thay vì tăng khung thuế bảo vệ môi trường tại sao không tăng cường quản lý chống buôn lậu? Với mặt hàng khác, cũng vì quản lý khó khăn dẫn đến buôn lậu thì tất cả đều phải tăng giá?

Theo ông Trần Xuân Hà – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường cũng là để góp phần cho việc quản lý xăng dầu và hạn chế tình trạng buôn lậu qua biên giới – ảnh minh họa/TTXVN.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Quang Bình, Tạp chí Khoa học kinh tế (Đại học Kinh tế Đà Nẵng) cho rằng, trước việc thuế nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh theo các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã cam kết với các nước thì việc tăng thuế bảo vệ môi trường chủ yếu bù vào khoản hụt ngân sách này.

“Khi giảm thuế xuất nhập khẩu xuống thì người ta phải tìm một khoản nào để bù đắp mà hợp lý nhất. Vì thế tăng thuế bảo vệ môi trường là phù hợp”, Phó Giáo sư Bùi Quang Bình cho biết.

Theo Phó Giáo sư Bình, tăng thuế bảo vệ môi trường trong lúc hiện tượng hiệu ứng nhà kính, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường như hiện nay dễ được chấp nhận. Tuy nhiên vấn đề chi cho bảo vệ môi trường đang đặt ra dấu hỏi.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết trong các khoản chi cho bảo vệ môi trường có cả chi xây dựng dự án đường sắt trên cao.

Dù Bộ Tài chính chưa lý giải chi tiết khoản chi cho dự án đường sắt trên cao nhưng với một dự án này chậm tiến độ và đội vốn và còn chưa đi vào sử dụng thì rõ ràng viện dẫn khoản chi này vào mục chi cho bảo vệ môi trường chưa thuyết phục.

Trở lại những tác động của việc tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu đối với công tác chống buôn lậu xăng Phó Giáo sư Bùi Quang Bình phân tích, khi tăng khung thuế bảo vệ môi trường sẽ tăng giá bán xăng dầu.

“Như lý giải Bộ Tài chính giá xăng dầu Việt Nam đang thấp hơn các nước có cùng biên giới. Trên lý thuyết khi giá bán trong nước cao hơn hay thấp hơn đều có thể xảy ra buôn lậu. Tuy nhiên quản lý được vấn đề buôn lậu hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố không chỉ phụ thuộc vào việc tăng giá ”, ông Bình cho biết.

Theo Phó Giáo sư Bình khi nâng khung thuế, phí bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trước mắt sẽ chưa ảnh hưởng đến giá xăng.

Tuy nhiên, khi nâng khung thì sớm hay muộn thuế bảo vệ môi trường xăng dầu sẽ được điều chỉnh tăng, từ đó giá xăng tăng dẫn đến thiệt thòi cho người tiêu dùng.

Không thể vì quản lý kém lại tăng giá

Cũng liên quan đến ý kiến cho rằng tăng thuế bảo vệ môi trường trong bối cảnh giá xăng nước ta đang thấp hơn các nước có cùng biên giới sẽ hạn chế buôn lậu, Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến – Nghiên cứu sinh ngành Kinh tế học tại Colombo University (Sri Lanka) cho rằng, cách lý giải này không thuyết phục.

“Tăng thuế bảo vệ môi trường chủ yếu để tăng nguồn thu ngân sách để bù vào khoản thuế nhập khẩu giảm, còn tăng thuế để hạn chế buôn lậu thì chỉ là quàng thêm lý do nhưng khó thuyết phục người dân”, Thạc sĩ Chiến cho biết.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến – Nghiên cứu sinh ngành Kinh tế học tại Colombo University (Sri Lanka)  – ảnh nhân vật cung cấp.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến trên lý thuyết vấn đề buôn lậu hàng hóa diễn ra khi giá chênh lệch giữa hai quốc gia có cùng biên giới. Khi giá thành sản phẩm trong nước cao hơn giá bên ngoài sẽ xảy ra buôn lậu hàng hóa từ nước ngoài về,  ngược lại khi giá thành trong nước thấp sẽ buôn lậu ra.

Thực tế hàng hóa giữa các nước khó có thể chung một giá bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vì thế nếu nói tăng thuế bảo vệ xăng dầu để hạn chế buôn lậu tức thừa nhận công tác chống buôn lậu hiện nay kém, thừa nhận quản lý kém. Nếu quản lý kém mà tăng giá là không thỏa đáng.

Về việc Bộ Tài chính đưa ra so sánh giá xăng dầu Việt Nam với một số nước  trong khu vực trong đó có Campuchia, Thạc sĩ Chiến cho rằng, so sánh này không thuyết phục bởi Campuchia là thị trường nhỏ, giá xăng và cách quản lý giá xăng khác Việt Nam.

“Ở Campuchia quản lý giá xăng theo đúng nghĩa thị trường, trong cùng một thành phố nhưng giá xăng của từng doanh nghiệp có sự chênh lệch cao thấp tùy theo giá xăng doanh nghiệp đó nhập.

Giá xăng tại Campuchia lên xuống ngay lập tức trong ngày theo giá xăng dầu thế giới không giống với cách điều hành giá xăng cứ sau 15 ngày điều chỉnh một lần như hiện nay.

Vì thế ngày hôm nay giá xăng tại Campuchia tăng cao hơn chúng ta nhưng ngày mai có thể thấp hơn”, Thạc sĩ Chiến cho biết.

Về vấn đề giá xăng trong nước cao, theo ông Chiến do đang có sự độc quyền nhóm.

Cụ thể, độc quyền nhóm được Luật Cạnh tranh định nghĩa khi một doanh nghiệp chiếm 30% thị phần trên thị trường liên quan; hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan; ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên; bốn doanh nghiệp chiếm có tổng thị phần từ 75% trở lên.

Hiện nay, một mình ông lớn Petrolimex chiếm 47,8% thị phần trên thị trường xăng dầu. Nếu cộng ba doanh nghiệp Petrolimex, PVOil, SaigonPetro chiếm trên 70% thị phần.

Thực tế, trên thị trường xăng dầu Việt Nam chưa có cạnh tranh thực sự mà vẫn còn những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường.

Nếu nhóm doanh nghiệp chiếm thị phần lớn ngồi lại cùng điều chỉnh, giữ giá xăng dầu thì dù muốn hay không giá xăng cũng không thể giảm xuống được.

“Mặt khác nếu so sánh giá xăng của chúng ta với các nước thì cũng cần phải so sánh cơ cấu thuế, phí/ lít xăng ở nước ta so với các nước như thế nào. Giá xăng dầu nước bạn cao do thuế phí hay lý do khác”, ông Chiến cho biết.

GDVN.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here