Sinh năm một ngàn chín trăm ba mươi hai và mất năm một ngàn chín trăm chín mươi lăm, Phùng Quán là một nhà thơ, nhà văn có tài.
Chỉ vì tham gia nhóm Nhân Văn Giai Phẩm bằng hai bài thơ Lời Mẹ Dặn và Chống Tham Ô Lãng Phí, mà Phùng Quán, phải nhận chịu ba mươi năm ròng rã cơ cực, phải học tập, phải cải tạo, phải lao động này kia kia nọ. Viết lách thì phải mượn tên người khác. Cơm ăn thì phải câu cá trộm bờ hồ. Thù tạc với bạn bè thì mua rượu thiếu.
Ba mươi năm, một nửa đời người chớ ít sao. Còn gì là sống nữa.
Biết bao cảnh đời như thế, những văn nghệ sĩ, thời ấy. Biết bao cảnh đời như thế, người dân, thời ấy.
Biết bao thì biết bao. Vào ai thì người nấy chịu. Những công bằng, những nỗi oan khiên, những thiệt thòi mất mát, đòi ở đâu bây giờ, đòi ở ai bây giờ.
Đòi làm sao. Đòi được không!
******
Trăng Hoàng Cung là tên của một cuốn tiểu thuyết tình cảm, độc đáo và lạ lùng khi được viết bằng cả hai thể loại thơ và văn xuôi, gồm mười ba chương, trong đó có mười bốn bài thơ của Phùng Quán.
Bài thơ dưới đây được mang tên trùng với tựa của tiểu thuyết.
Trăng Hoàng Cung
Em nán ngồi lại với tôi
Một phút nữa thôi
Ừ hay xin em hai phút
Ôi trăng hoàng cung đêm nay đẹp đến não lòng
Không thi sĩ nào mà lại không yêu trăng. Không thi sĩ nào mà lại không nhận ra, trăng có một vẻ đẹp lạ lùng, cuốn hút. Không thi sĩ nào mà lại không vì trăng mà viết vài bài, cho đến vài chục, thậm chí hàng trăm bài thơ ngợi ca trăng.
Cho nên, việc nán lại một, hai phút để ngắm thêm cho vẹn tình với ánh trăng cũng là lẽ thường. Thậm chí, có người, vì say mê trăng quá, lý tưởng trăng quá, mà bỏ cả gia đình, bỏ cả vợ con, đi theo tiếng gọi của ánh trăng nữa kìa.
Tôi sắp phải từ giã ngai vàng
Từ giã hoàng cung
Giã từ mộng tưởng
Giã từ em
Phảng phất hương hoàng lan
Từ tử cấm thành hoang tàn đổ nát
Tôi sắp phải trở lại cuộc đời cay cực
Qua cửa chính ngọ môn
Ôi có lẽ nào
Tất cả những gì đêm nay là có thật
Em với mái tóc đen dày che nửa mặt
Hồ sen như gấm trải quanh hoàng cung
Điện Thái Hòa
Cung Trường Sanh
Tàng Thư Lâu, Hiển Lâm Các
Sân đại triều mênh mông trăng
Ôi có lẽ nào
Tất cả những gì đêm nay là có thật
Thi sĩ yêu trăng là vậy, thế nhưng, chưa chắc trăng đã yêu lại thi sĩ. Không vừa ý trăng, hoặc thậm chí, nhiều khi, thi sĩ chẳng có lỗi gì cả, trăng không thích là trăng sẽ đày đọa thôi. Đày thi sĩ ra biên ải cho thơ mộng, chẳng hạn, hoặc đày thi sĩ ra nông trường, cuốc đất trồng khoai, trồng cà, trồng khóm.
Tự nhiên, tôi tạt ngang, nhớ bài hát gì mà xưa lắc xưa lơ rồi ấy, xa nông trường, ra biên giới, có đôi khi đi không trở lại. Có đôi khi đi không trở lại mà các bà, các cô, vừa hát vừa cười toe toét, cứ như đi không trở lại ấy là trò chơi thuở bé, anh bắn ngay em, beng beng, em ngã trên sân, beng beng. Mới thấy, con người ta, dễ bị ảo tưởng đến thế nào.
Đã tới lúc phải từ giã trăng để đi về miền cơ cực rồi mà thi sĩ vẫn cứ cà kê dê ngỗng mãi. Hy vọng trăng sẽ cảm động ư. Hy vọng trăng sẽ nghĩ lại mối tình người với trăng từng quấn quýt nhau ư.
Không bao giờ. Không bao giờ đâu, chàng thi sĩ lãng mạn và đầy mơ mộng của vương quốc trăng hoàng cung ơi.
Rồi thi sĩ, cứ thế mà quay quắt hoài với câu hỏi, ôi có lẽ nào, ôi có thực không.
Thực chớ. Thực còn hơn cả thực nữa đó ngài thi sĩ ơi.
Không
Tôi không tin
Tất cả là do trăng bày đặt
Trăng thương tôi
Một đời lao lực
Một đời cay cực
Một đời thơ
Vỗ về tôi
Như trẻ nhỏ
Trăng ru
Như bà ngoại
Trăng dắt tôi vào cổ tích
Cô Tấm với nàng Bạch Tuyết
Hằng Nga ngủ trong rừng
Con yêu râu xanh
Thi sĩ ngồi kể lể miết. Kể rằng, thi sĩ từng tin trăng lắm. Cớ sao trăng lại phản bội niềm tin của thi sĩ. Rồi thi sĩ cật vấn. Ờ mà có cật vấn gì đâu. Vẫn giọng kể ấy, thi sĩ buồn thiu, kiểu như là, tôi không tin, tôi không tin trăng đối xử tệ thế với tôi. Mới ngày nào, trăng dỗ dành tôi như dỗ dành con nít. Mới ngày nào, trăng giống bà ngoại, kể tôi nghe những chuyện cổ tích xưa, nàng Tấm nàng Cám, Tấm ngoan hiền, băm Cám làm mắm cho mẹ Cám xơi, kể tôi nghe chuyện Bạch Tuyết ngủ trong rừng, rồi dặn chớ ăn táo của bọn sài lang.
Chúng là yêu râu xanh đấy.
Tôi biết
Trăng là một nhà bày đặt thiên tài
Lều trăng bày đặt thành cung điện
Vườn hoang thành vườn thượng uyển
Vũng nước tù bày đặt thành hồ sen
Kể lể một hồi, đâm tức, thi sĩ huỵch toẹt ra luôn, tôi biết rồi nha, tôi biết rồi nha, trăng bịp tôi, đúng không. Lều vải vá víu trăm mảnh, bầy hầy, nhếch nhác thì trăng bảo là cung vàng điện ngọc. Vườn không ai trông nom, quanh năm núi rừng hẻo lánh, thì trăng bảo, thượng uyển ấy, đẹp không. Vũng nước tù rõ ràng ràng thì trăng kêu là muôn gương sen, búp sen, cánh sen, đang bạt ngàn hương ngát.
Nhưng tôi không biết
Từ chất liệu gì mà trăng bày đặt ra em
Một vùng tóc như một vùng biển tối
Vừng mắt em thăm thẳm tia nhìn
Những ngón tay ngón chân có mùi hoa dại
Cái cổ trần như rong dưới đáy sông Hương
Giọng em nói
Tiếng em cười
Và nỗi buồn phảng phất trên làn môi
Từ chất liệu gì mà trăng bày đặt
Trăng thậm chí còn làm ra người ta nữa. Thành em cho thi sĩ yêu chết bỏ luôn.
Đọc đến chỗ này, tự dưng tôi bật cười. Gần một thế kỷ rồi, mà trăng ngày xưa tài thật ấy nhỉ. Có thể biến hóa ra người đẹp để dụ nhà thơ luôn. Người mà trăng thiết lập ra, cũng biết khóc biết cười, cũng điệu đàng, cảm xúc, để mời mọc, chiêu dụ nhà thơ vào chốn mê tơi.
Trăng tài hay nhà thơ ngây ngô, cả tin, trao lầm trái tim như nàng Mỵ Châu trao lầm tình yêu cho chàng Trọng Thủy.
Trăng hoàng cung đêm nay ơi
Trăng nhân hậu
Trăng thiên tài
Cảm ơn trăng thương tôi mà bày đặt
Nhưng cái tuổi tin vào cổ tích
Tôi đã qua rồi… .
(Trích tiểu thuyết Trăng Hoàng Cung)
Đến lúc nhận ra thì đã muộn màng, đã trễ tràng quá thể. Muộn màng cho đời một con người, giờ đây, râu tóc bạc phơ phơ, áo vẫn sờn vai, dép chân quai đứt. Trễ tràng cho tình cảm và niềm tin của một đời thơ, tài hoa mà lắm nỗi đoạn trường!
******
Tôi Khóc
Tôi ngã nhào trước cửa nhà em
Ngã chúi mặt
Miệng môi tôi đầy cát
Nhưng tôi không buồn rửa mặt
Tôi muốn đi thẳng vào nhà em
Như bao nhiêu lần khác
Ngồi xuống và tôi đọc câu thơ
Câu đầu tiên
Cũng là câu cuối cùng
Tôi đã bị dối lừa
Tôi tin em với niềm tin trẻ dại
Trăng hoàng cung em chỉ tặng riêng anh
Cái ngã chúi mặt, miệng môi đầy cát, tôi đọc ở đâu đó, nhà thơ kể rằng, ông bị đánh. Đau thì ít mà buồn thì nhiều. Buồn vì ngỡ ngàng. Buồn vì không thể nào tưởng tượng ra được.
Buồn còn vì thấy ra lỗi ở mình, phần lớn. Cũng bởi vì, cũng do vì, mình tin quá mà thôi. Tin rằng, ánh trăng rực rỡ và mênh mông nơi hoàng cung, nơi cấm địa ấy là dành cho mình, bởi vì mình xứng đáng. Nào có dè đâu.
Có mà dè được đâu.
Em dắt tôi đi
Trên con đường lát những phiến trăng xanh
Ôi những phiến trăng có mùi hoa sứ
Em nói với tôi
Đây là con đường trung lộ
Xưa chỉ có vua đi
Và đêm nay anh đi
Đẹp làm sao, ước mộng. Và cũng đẹp làm sao, khi được chọn cho mình một lý tưởng để theo. Lý tưởng là những phiến trăng xanh, lập lòe, lấp lánh. Lý tưởng là, đường chân đi, ngập tràn mùi hoa sứ dậy hương. Cung cấm ấy, xưa, dành vua dành chúa. Anh lại ngỡ, nay, chỉ để riêng mình. Ngẩng mặt, hãnh diện, đường đường chính chính, chỉ anh thôi, thi sĩ với vần thơ ca ngợi.
Trong khoảnh khắc ấy
Tôi bỗng thèm tự sát
Để vĩnh viễn
Thành thơ
Thành đá
Thành trăng
Trước khi tự giết
Mười đầu ngón tay tôi cắn dập
Viết đỏ sân đại triều
Lời di chúc
Tôi là người hạnh phúc nhất thế gian
Nhưng bẽ bàng quá, chưa thấy trung lộ đâu đã bị đánh đến dập mặt, miệng mồm đầy cát. Cái khoảnh khắc tủi nhục ấy, thi sĩ chỉ muốn ước được, mình, tự sát, để hóa thành thơ, thành đá lót đường, thành trăng tỏa ánh.
Thành gì cũng được. Miễn là đừng thành con người, như lúc này đây. Nhục nhã lắm.
Ôi còn có nỗi thống khổ nào hơn
Tình cờ tôi chợt hiểu
Một tháng có nhiều đêm trăng
Và thời buổi ngày nay
Vào hoàng cung là chuyện quá dễ dàng
Cả con bò con heo cũng đi trên trung lộ
Những gì em nói với tôi hôm đó
Em đã nói với nhiều người
Ôi những câu thơ này nó vượt quá sức tôi
Tôi không thể cất lên được thành lời
Nếu miệng môi tôi không đầy cát
Tủi nhục và đau đớn đến không dám ngẩng mặt nhìn ai.
Rồi tác giả cay đắng: tình cờ tôi chợt hiểu / một tháng có nhiều đêm trăng. Nghĩa là sao, các bạn biết không.
Nghĩa là, trăng ấy, mới biết ra, có quý hóa gì đâu, có thần thánh gì đâu, có vinh dự gì đâu, mà tưởng bở. Trăng ấy, chính là nguyệt, phụ nữ, một tháng gặp đến mấy ngày. Hãnh diện gì đâu mà mơ mòng, mà ước mộng, mà lý tưởng đeo mang.
Đi trên trung lộ hoàng cung ư? Em nhìn kia, con bò, con heo, nó cũng đang nghênh ngang dàn hàng, thong dong đi đó.
Quý báu gì, mà em, hứa hẹn với tôi. Quý báu gì, khi em đem hứa hẹn khắp thế gian. Em hứa với rất, rất nhiều người. Và chúng tôi, thành bầy cừu, trong tay em dẫn dắt.
Nhưng tôi vẫn không vào nhà em
Tôi quay về
Tôi khóc
Tôi khóc niềm tin yêu nát tan
Tôi khóc ngai vàng mộng tưởng
Tôi khóc trăng hoàng cung bị lấm bẩn
Tôi khóc không biết lấy gì để gột sạch trăng… .
(Trích Trăng Hoàng Cung)
Tôi vẫn chẳng đủ dũng khí để vào nhà em. Tôi quay về. Tôi khóc. Tình yêu tôi nát tan. Niềm tin tôi tan nát. Ngai vàng thành bọt nước. Và ánh trăng mơ màng bị lấm bẩn, chỉ với một đêm.
Không gì gột sạch được!
******
Mười lăm năm cải tạo lao động và ba mươi hai năm bị treo bút, cũng chỉ bởi bài thơ này đây.
Lời Mẹ Dặn
Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu nuôi tằm dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn
Nhưng không mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
Con ơi trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật
Không chỉ mẹ, không chỉ cha của nhà thơ Phùng Quán, mà tôi tin rằng, hầu hết các ông cha bà mẹ trên thế gian này, từ cổ chí kim, từ đông sang tây, đều muốn con mình mạnh khỏe, ngoan ngoãn, thông minh, học hành đến nơi đến chốn để sớm thành người có ích trong xã hội.
Bài học đầu tiên cho chương trình học làm người ấy, chính là trung thực, chân thật.
Ở nhà cũng vậy mà đến trường cũng thế thôi. Chẳng ai dạy trẻ nhỏ điều ngược lại, trí trá, dối gian, đổi trắng thành đen, đặt điều, đơm chuyện.
Mẹ ơi chân thật là gì
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Từ đấy người lớn hỏi tôi
Bé ơi bé yêu ai nhất
Nhớ lời mẹ tôi trả lời
Bé yêu những người chân thật
Nghĩ gì nói đó, không lựa lời. Thấy gì nói đó, không chứng gian. Ngay cả khi, mình bị uy hiếp, ngay cả khi, dính líu đến quyền lợi mình, thì cũng không vì thế mà phương hại đến người, không vì thế mà có, trở thành không, không, lập tức thành có, lật mặt, trở cờ, điêu ngoa, gian xảo.
Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vời
In lên vết son đỏ chói
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ
Lời mẹ dạy, vĩnh viễn, là vết son trên trang giấy trắng thuở lên năm. Lời mẹ dặn, vĩnh viễn, là màu son trong tâm hồn của đứa con, sau này, lớn lên, trở thành một nhà thơ, nhà văn nhiều người biết tiếng.
Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Có đường mật, dụ dỗ bằng lời ngon lẽ ngọt, bằng phú quý vinh hoa, cũng không thay lòng. Có dao kề sát cổ, tính mạng hiểm nguy, cũng chỉ lời chân thật ấy, trên môi, trong trái tim, trong tâm hồn và trong trí óc.
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá.
(1957)
Bút giấy không còn, tôi sẽ dùng dao mà khắc lời trên đá!
******
Những nhân vật nổi tiếng đã qua đời, người sau, thường có nhiều câu chuyện kể về họ lắm. Có chuyện kể thật. Lại có chuyện kể dối, kiểu thêu dệt ấy mà. Nhân vật chính đã chết rồi, lấy ai ra mà làm chứng, mà đối chất, lấy ai ra mà kiện tụng, lấy ai ra mà đính chính, chuyện này có, chuyện này không.
Phùng Quán cũng có đầy những câu chuyện về ông như thế.
Tôi đọc đâu đó, có một chuyện, đọc xong, cũng không biết mình nên khóc hay nên cười.
Cười cũng dở mà khóc lại càng dở hơn.
Bất nhẫn thì đúng hơn cả!
Chuyện kể như này. Trong một buổi ăn nhậu của giới văn nghệ, tất cả đều đã say. Có một ông nhà thơ nọ, cũng có tiếng lắm, ổng là một trong những người oánh nhóm Nhân Văn Giai Phẩm tơi bời, ổng bước ra trước. Say quá, ổng loạng choạng. Phùng Quán đi gần đó, vội đưa tay ra đỡ. Ông nhà thơ cấp cao ấy bèn – tao mà lại để cho bọn nhân văn giai phẩm chúng mày dắt đi à… ?
Thiệt là hết biết.
******
Lại có một câu chuyện kể, cảm động và buồn lắm, hình như do nhà văn Nguyễn Quang Lập kể lại thì phải. Lần đó, anh Lập ảnh ngồi nhậu với Phùng Quán, chuyện trò qua lại, Phùng Quán tâm sự, đời này, ông chỉ còn vướng víu một chuyện nữa mà thôi.
Anh Lập ảnh hỏi chuyện gì. Phùng Quán kể, hồi bài thơ Lời Mẹ Dặn bị oánh, oánh đau nhứt là một bài thơ chụp mũ, quy kết tàn bạo và rất độc ác, dài một trăm mười hai câu của Trúc Chi, mang tên – Lời Mẹ Dặn, Thật Hay Không?
Ổng đọc cho anh Lập nghe đủ một trăm mười hai câu ấy, không sót một chữ nào. Xong xuôi, ổng nói như muốn khóc, ba mươi năm nay, mình (xưng hô của ổng với anh Lập) đi tìm, mà tìm mãi vẫn chưa ra được, Trúc Chi là ai.
Năm một ngàn chín trăm tám mươi chín, tình cờ có người gởi cho Phùng Quán tập thơ có tên Một Đôi Vần. Mở ra đọc, Phùng Quán bàng hoàng khi thấy trong đó có in bài thơ chụp mũ nọ, và ký tên Trúc Chi – Hoàng Văn Hoan.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập, rồi nhà thơ Trần Mạnh Hảo nữa, kể rất nhiều chuyện về Phùng Quán. Đặc biệt, nhà thơ Trần Mạnh Hảo có viết một bài mang tên, Phùng Quán Thèm Được Làm Người, hay lắm.
Nói chữ hay là nói thuận miệng thôi. Nói cho sát, cho đúng hơn, là những câu chuyện về Phùng Quán ấy mà, buồn khôn xiết.
Não nùng và cảm thương khôn xiết.
Buồn như thể:
Đợi Đò
Sông Hương ơi
Gió thổi chi nhiều rứa
Sóng vỗ làm chi rối ruột cả hai bờ
Tôi ngồi đá mọc thành thơ
Ngóng về cửa Thuận tôi chờ đò lên
Một đò lên
Hai đò lên
Ba đò lên
Mà tôi chẳng thấy bóng em trong đó
Bến sông đá tạc thành thơ
Đá thơ ngơ ngẩn ngẩn ngơ đợi đò
Một đò lên
Hai đò lên
Ba đò lên… .
(Trích Trăng Hoàng Cung)
Sài Gòn 19.01.2024
Phạm Hiền Mây
******
Ghi Chú:
Ban đầu, tính không chép lại bài vè này vì nó dài quá trời quá đất. Nhưng rồi nghĩ, chép lại để các bạn hình dung ra những người có lý luận, họ lý luận như thế nào trước bài thơ Lời Mẹ Dặn của Phùng Quán.
Bài thơ có tên:
Lời Mẹ Dặn, Thật Hay Không?
Có bạn đọc xong thơ lời mẹ dặn
Nghĩ không thông tìm đến hỏi tôi
Rằng tác giả mượn lời thơ tuyên bố
Làm nhà văn chân thật trọn đời
Từ thuở nhỏ từng nghe mẹ dặn
In tấc son không dám trái lời
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Thấy buồn muốn khóc là khóc
Thấy vui muốn cười cứ cười
Vậy tác giả phải là người chân thật
Xin cho nghe cho biết rõ đầu đuôi
Lời bạn hỏi không làm tôi đột ngột
Bài thơ kia tôi đã đọc qua rồi
Trước hãy nói tới tình yêu ghét
Ghét với yêu là lẽ sống con người
Mẹ muốn con thành người chân thật
Cần khuyên con biết ghét yêu ai
Phải yêu kẻ lòng ngay dạ thẳng
Phải ghét quân bán nước buôn nòi
Lòng yêu ghét phải như gương sáng
Vì bằng không, bia miệng muôn đời
Con bất hiếu thường trái lời mẹ dặn
Rằng ghét yêu là quyền ở lòng tôi
Nó ghét kẻ thầy hiền bạn tốt
Nó yêu quân gái điếm cao bồi
Ghét những người đáng yêu của thiên hạ
Yêu những người đáng ghét của muôn người
Quen học thói gà đồng mèo mả
Hóa ra thân chó mái chim mồi
Con hư hỏng khuyên răn chẳng được
Mẹ ê chề đau khổ khôn nguôi
Nên từ lúc con còn bé nhỏ
Mẹ phải lo dạy dỗ cho rồi
Dạy cho biết điều hay lẽ phải
Ngay cả trong tiếng khóc câu cười
Có lúc con tủi buồn khóc lóc
Mẹ phải ru rát cổ khàn hơi
Có lúc con reo cười đùa nghịch
Bảo không nghe phải mượn đòn roi
Kẻo rồi nữa tre già măng mọc
Mẹ hiền đâu dám để buông trôi
Trên thực tế người trong cuộc sống
Nào mấy ai tùy tiện khóc cười
Biết bao kẻ khi vui muốn khóc
Lúc buồn tanh thì lại muốn cười
Ngẫm mình thấy khóc cười vô lý
Muốn reo như thông đứng giữa giời
Biết bao kẻ cười ra nước mắt
Buồn lại e rằng khóc hổ ngươi
Cười khóc một khi không thực tế
Thà cắn răng mím miệng dằn hơi
Có những kẻ âu sầu khóc tủi
Lệ chưa khô bỗng đã cười vui
Khóc tủi những mong người tội nghiệp
Cười vui cho được khóc mê tơi
Mục đích cốt tiền nhiều nặng túi
Phương châm theo mật ngọt chết ruồi
Ngoài miệng vẫn nói cười thơn thớt
Mà không dao nham hiểm giết người
Ấy là bọn quen nghề bịp bợm
Kiếm ăn trên tiếng khóc nụ cười
Đoàn vệ quốc phất cao cờ quyết chiến
Liều tử sinh nơi khói lửa tơi bời
Họ chặt tay để xông lên mặt trận
Họ đem mình ra lấp lỗ châu mai
Khi chôn cất những người đồng đội
Trong phút giây họ cũng ngậm ngùi
Nhưng quyết không dừng chân sùi sụt
Tiến lên theo nhịp hát vang trời
Ai dám bảo họ thiếu chân thật
Họ là người chân thật nhất đời
Ai dám bảo họ là đất sét
Họ là người hơn cả mọi người
Họ đáp lời kêu gọi của tổ quốc
Vì nhân dân đổi khóc ra cười
Cười với khóc muôn màu muôn vẻ
Ghét hay yêu tùy việc tùy người
Đâu có phải
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Thấy buồn muốn khóc là khóc
Thấy vui muốn cười cứ cười
Lời mẹ dặn chắc không ngớ ngẩn
Từ nghìn xưa ai cũng thế thôi
Nhưng có lẽ dặn khi còn nhỏ
Nên nhà văn nay đã quên rồi
Cũng có lẽ nhà văn xiên xỏ
Viết văn ra chắc để bịp đời
Nói đã hết bạn tôi chưa thỏa mãn
Còn mấy câu xin hỏi nốt mới thôi
Câu
Sét đánh trên đầu không ngã
Đường mật công danh không làm ngọt lưỡi tôi
Bút giấy tôi đã bị người cướp giật
Tôi dùng dao mài đá viết văn chơi
Câu nói ấy có phải là chân thật
Xin cho nghe cho biết rõ đầu đuôi
Mấy câu này có phần lắt léo
Chữ trong văn mà nghĩa xa xôi
Nghĩa xa quá thành văn khó hiểu
Nhưng ích chi mà nặn óc tìm tòi
Theo lẽ thường thì sét đánh không ngã
Chắc trên đầu có cắm thu lôi
Nếm đường mật lưỡi không biết ngọt
Chắc ăn tham vị giác hỏng rồi
Nghề bút giấy đã làm không trọn vẹn
Thì dùng dao khắc đá cũng xoàng thôi
Ý kiến tôi thế thì nói thế
Đúng hay không xin bạn tự trả lời
Trúc Chi
I loved even more than you will get done right here. The overall look is nice, and the writing is stylish, but there’s something off about the way you write that makes me think that you should be careful what you say next. I will definitely be back again and again if you protect this hike.
I loved even more than you will get done right here. The overall look is nice, and the writing is stylish, but there’s something off about the way you write that makes me think that you should be careful what you say next. I will definitely be back again and again if you protect this hike.