Phiên xử Nguyễn Duy Linh: Một phiên toà kỳ lạ

0
6
Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục tình báo Nguyễn Duy Linh tại tòa. Khoa Học Đời Sống

RFA

Bài bình luận của Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)

Sáng ngày 06/11/2021, Tòa án Hà Nội đã tuyên phạt cựu Phó Tổng cục trưởng Tình báo Nguyễn Duy Linh mức án 14 năm tù giam, không khác với đề nghị của Viện Kiểm sát là từ 13-15 năm tù, quá khác với nhận định có thể “tử hình” của báo chí khi khởi tố vụ án.

Tuy đó cũng là một “sự kiện lịch sử” chống tham nhũng khi một nhân vật có thể gọi một cách khôi hài là “trùm tình báo”, với một gia thế đầy quyền lực suốt bao năm mà vẫn phải sộ khám, nhưng chắc vẫn gây thất vọng cho bao người hằng tin vào sự nghiêm minh ít nhiều của pháp luật.

Một phiên tòa kỳ lạ, được báo hiệu ngay từ trước khi Nguyễn Duy Linh bị bắt.

Để có kỷ luật, khởi tố, bắt … đều khó

Từ tháng 4/2021, Vũ “nhôm” và Hồ Hữu Hòa đều bị cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị Viện KSND tối cao truy tố  về tội “đưa hối lộ” và “môi giới hối lộ”.

Tuy nhiên, màn “kỳ lạ” đã khởi nguồn ngay từ đây. Đó là không có kẻ bị đề nghị truy tố tội “nhận hối lộ”, một tội danh luôn phải gắn liền với “đưa hối lộ”, theo logic tự nhiên cũng như quy định trong Bộ luật Hình sự.

Nguyễn Duy Linh khi đó được báo đưa tin dưới “mật danh” N.D.L. (trước đó đưa họ tên đầy đủ nhưng rồi bị xóa đi), là người bị cả Vũ và Hòa khai ra đã “nhận hối lộ”. Song với lý do “thời hạn điều tra đã hết”, nên Linh nghiễm nhiên tạm được vô can.

Chưa hết! Khi không đề nghị truy tố được Linh, cơ quan điều tra đã “có văn bản đề nghị Đảng ủy Công an T.Ư xem xét xử lý nghiêm về mặt Đảng và chính quyền đối với ông N.D.L.”. Thế nhưng, ngày tháng qua đi, tìm mỏi mắt chẳng thấy báo chí đưa tin có kỷ luật N.D.L. không.

Hình minh hoạ: Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) tại một phiên toà trước đó ở Hà Nội hôm 30/1/2019. AFP

Khởi tố, bắt rồi vẫn khó

Ngày 15/6/2021, các báo đưa tin cơ quan điều tra cho biết đã khởi tố Nguyễn Duy Linh, nhưng chỉ nói là “nguyên cán bộ Bộ Công an”, không có thêm thông tin gì khác về nhân thân. Riêng hai báo Tuổi trẻ và Thanh niên thì đưa rõ “nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo”.

Ngày hôm sau, 16/6, có tin Viện KSND Tối cao “xác nhận cơ quan này đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam” Linh, nhưng không hề có thông tin gì về việc bắt, khám xét, ảnh bị can lại càng không có.

Ngày 21/6/2021, quá bất ngờ, Bộ Công an cho biết đã có kết luận điều tra, nghĩa là chỉ hỏi cung trong có … sáu ngày mà đã xong. Tuy nhiên, Linh chỉ khai có nhận quà lặt vặt, không khai có nhận tiền từ Vũ.

“Khó” ở chỗ, bị can không nhận tội, mới hỏi cung có vài ngày, mà sao lại phải vội làm “kết luận điều tra” như vậy? Câu hỏi này có thể sẽ được làm rõ ở phiên tòa.

Ra tòa rồi càng khó tới kỳ lạ

Khó … hiểu đầu tiên là tình trạng bệnh tật của Nguyễn Duy Linh. Có hẳn một bài báo nêu chi tiết bệnhsuy tim, có tiền sử nối 4 kích cầu tim, phổi”, rồi “những loại bệnh, những hiện tượng mà cần phải giấu, không cho Nguyễn Duy Linh biết”, rồi “cần chăm sóc y tế đặc biệt” liên quan tới cả bệnh “truyền nhiễm” nữa, “rất nặng, có thể tử vong”. Lại còn có đề nghị cho vợ bị cáo Linh tới tòa để “xét nghiệm”, trong khi đã có hai tháng trước đó ở bệnh viện sao không xét nghiệm? … Vì những lý do đó, luật sư đề nghị hoãn phiên tòa.

Linh còn có hai tháng nằm bệnh viện Bộ Công an trước khi ra tòa, đã có văn bản của bệnh viện “ngày 27/10 thông báo về bệnh tim và bệnh hiểm nghèo khác”.

Khó hiểu là tại sao một lãnh đạo cơ quan quan trọng như vậy, suốt bao lâu vẫn đảm đương công việc, lên chức vù vù, thì đùng một cái, khi xảy ra việc khởi tố Vũ trước đó mấy tháng về tội “đưa hối lộ” (22/04) mới phát hiện hàng loạt “bệnh đặc biệt hiểm nghèo” như vậy và vào viện nằm tới khi ra tòa?

Nhưng theo Tòa, “sáng nay, trước khi phiên xử diễn ra, lực lượng y tế đã kiểm tra, xác định bị cáo Linh có đủ sức khỏe để tham gia phiên tòa”, nên bác đề nghị của luật sư.

Khó hiểu tiếp theo là động thái của tòa liên quan sức khỏe của Linh. Vì là một vấn đề hết sức đặc biệt về sức khỏe bị cáo, tại sao tòa không công bố nội dung công văn của bệnh viện; “lực lượng y tế” kiểm tra sức khỏe của Linh là ở đâu ra, có quyền hạn trong tố tụng để giám định y tế hay không; sao không mời giám định độc lập (không phải của công an); bệnh gì liên quan cả “truyền nhiễm” mà không sợ lây ở tòa hay sao, v.v..?

Người ta có quyền nghi ngờ câu chuyện sức khỏe chỉ là màn “câu giờ”, nhưng nếu tòa (và cả Viện kiểm sát) không có cách làm rõ thì không thể hiện sự nghiêm minh, thậm chí không loại trừ khả năng sau phiên tòa, bị cáo tiếp tục được “tạm giam” rồi “thi hành án” tại … bệnh viện.

“Nhận tội” và có thể … “thoát tội”

Có lẽ sau khi không thể “câu giờ” được, Nguyễn Duy Linh đã nhận tội.

Thế nhưng, hàng loạt sự lạ tiếp tục diễn ra, từ sự “mềm mỏng” của tòa cho tới việc bỏ qua những yêu cầu cực kỳ quan trọng.

Khi tòa hỏi lại để xác định Linh đã nhận tội, thì bị cáo chỉ gật đầu (hai lần), nhưng tòa cũng không hề nhắc nhở và yêu cầu phải xác nhận bằng lời (quá khác với các phiên tòa).

Đặc biệt, với một bị cáo có quá trình hỏi cung quá ngắn, không nhận tội, thì khi phải nhận tội trước tòa, việc phải thẩm vấn để xác định diễn biến các hành vị phạm tội là vô cùng quan trọng. Hơn nữa, với mức độ phức tạp của vụ việc, mức án cao nhất tử hình của tội danh, thì lẽ ra tòa phải trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại. Nhưng đã không có chuyện đó. Hiện tượng này có lẽ trả lời phần nào cho lý do vì sao quá trình hỏi cung lại ngắn chưa từng thấy (được nêu ở trên).

Thêm nữa, sau khi Linh nhận tội, Vũ cũng lập tức nhận “theo”, đồng thời cho biết có nhiều việc khó nói, mong HĐXX thông cảm. Đây là tình tiết hết sức quan trọng, sao không thấy tòa đi sâu thẩm vấn?

Với Nguyễn Duy Linh, vị trí công tác hoàn toàn không thể quyết định được vấn đề tội trạng của Vũ “nhôm”, nên việc “chạy án” bắt buộc Linh phải liên hệ với đối tượng khác có vị trí liên quan, thậm chí còn “cộm cán” hơn Linh. Như vậy càng cho thấy yêu cầu cần biết Linh đã sử dụng số tiền ra sao, đưa cho (những) ai, …  quan trọng tới mức nào.

Không làm được những điều đó, khả năng lọt tội với Linh và thoát tội với đối tượng khác là rất có thể.

Ngoài ra, Linh còn có thể phạm tội “tiết lộ bí mật công tác” khi nhắn nhủ Vũ nên đi “du lịch qua màn ảnh nhỏ” một thời gian ngắn… cố gắng qua nước châu Âu“; thậm chí còn có thể cả tội danh khác nữa liên quan việc này, để có thể phải chịu mức án cao hơn nữa. Vậy mà điều đó đã không thấy được nêu ra ở tòa.

Mức án quá lạ

Cuối cùng, bản án 14 năm tù với Nguyễn Duy Linh là quá nhẹ với một tội danh “nhận hối lộ” đã quy định khung rất rõ ràng; chỉ từ 1 tỷ đồng trở lên là bị 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình (theo Bộ luật Hình sự 2015, Điều 354), trong khi Linh nhận (ít nhất) là 5 tỷ.

Trong khi đó, Linh còn thể hiện không thành khẩn khai báo và nhận tội trong suốt quá trình từ khi chưa khởi tố cho tới trước tòa. Đó là tình tiết tăng nặng. Còn tình tiết giảm nhẹ, như báo nêu, cũng không thể giúp bị cáo được giảm nhiều tới mức đó được.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.