Tuổi Trẻ
TTO – ‘Học bạ theo cả đời người nên hạ bút ghi vào học bạ là việc cần lắm sự cẩn trọng và tấm lòng của thầy cô; trong tấm lòng ấy có cả sự bao dung gắn liền sự giáo dục…’
Dòng trạng thái đăng trên Facebook của P.T.T. khiến học sinh này bị kỷ luật – Ảnh: AN LONG |
Trên đây là chia sẻ của bạn đọc Huỳnh Văn Hiến (huynhvanhien@…) xung quanh bài viết Học sinh lớp 12 bị kỷ luật vì ‘chê’ bệnh viện trên Facebook đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Như đã thông tin, nữ sinh P.T.T. bị tai nạn và vào Bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười (thị xã Kiến Tường, Long An) chữa trị một lần và không hài lòng với thái độ của các nhân viên tại đây.
Phát ngôn cá nhân, nhà trường lấy quyền gì cấm cản mà hạ hạnh kiểm học sinh? Kêu là giáo dục sáng tạo này nọ, vậy mà vừa mở mồm phát biểu lại vả vô mồm học sinh. Nhà trường nên coi lại.” |
Bình luận bạn đọc Khánh Huỳnh |
Đến ngày 5-3 T. viết về điều này trên Facebook cá nhân bày tỏ bức xúc của mình.
Ngày 6-3, Ban giám hiệu trường THPT Kiến Tường đã mời T. lên làm việc. Tiếp đó, ngày 16-3, Ban giám hiệu nhà trường ra quyết định kỷ luật T. với hình thức khiển trách, lý do là vi phạm điều 41 Thông tư số 12/2011/TT-BGD&ĐT ngày 28-3-2011 của Bộ GD&ĐT về ban hành Điều lệ trường THPT.
Theo T., sau sự việc trên, nhà trường tiếp tục hạ hạnh kiểm của em từ tốt xuống trung bình vào cuối năm học, khiến em tốt nghiệp với hạnh kiểm trung bình, ảnh hưởng đến cả quá trình học phổ thông của em.
Sau khi Tuổi Trẻ Online đăng bài viết phản ánh vụ việc, ngay lập tức nhận được ‘làn sóng’ phản đối của dư luận thông qua phần bình luận dưới bài viết cũng như qua fanpage Tuổi Trẻ tại địa chỉ: https://www.facebook.com/baotuoitre.
Tính đến 11h20 ngày 2-6 (tức chỉ hơn 10 tiếng đồng hồ) đã có hàng hàng ý kiến bình luận và 1.552 lượt chia sẻ.
Tự nhận mình cũng là một nhà giáo, bạn đọc Huỳnh Văn Hiến viết: “…Tôi nghĩ ngôn từ em dùng chưa đúng mực và cần được dạy thêm để hoàn thiện hơn chứ vì nhận xét của em mà em bị hạ hạnh kiểm thì quá đáng. Học bạ theo cả đời người nên hạ bút ghi vào học bạ là việc cần lắm sự cẩn trọng và tấm lòng của thầy cô; trong tấm lòng ấy có cả sự bao dung gắn liền sự giáo dục. Xin chân thành chia sẻ suy nghĩ của tôi – một nhà giáo”.
Trong khi đó, đọc qua góp ý của học sinh T. trên facebook, bạn đọc Ho Toai (toaicnc@…) cho rằng rõ ràng những nhận xét của em học sinh này là có chừng mực và thể hiện sự phản biện cần thiết cho sự tiến bộ xã hội. Bạn đọc Ho Toai bức xúc: “Thay vì nhìn thấy mặt tích cực của em học sinh này thì nhà trường lại kỷ luật”!
Đồng tình với nhận định này, bạn đọc Nguyễn Tí bổ sung: “Đừng phạt em ấy, mà phải khen, vì có 2 lý do sau: 1) Em nó dám nói ra sự thật, mà thời bây giờ đang thiếu cái này lắm. Thậm chí trẻ con bây giờ còn được dạy nói “sai” nữa mà. 2) Biết đâu, nhờ ý kiến của em mà bệnh viện sẽ tốt hơn trong thời gian tới nếu ban giám đốc Bệnh viện này lưu ý đến.”
Theo bạn đọc này: “Chúng ta đã chịu đựng, nhường nhìn nhau quá lâu rồi. Đã đến lúc nói thẳng, nói thật với nhau rồi”.
Cho rằng việc nhà trường kỷ luật nữ sinh T. là không có cơ sở, bạn đọc Lê Cường (lecuong@…) còn đã chịu khó sưu tầm Điều 41 để mọi người cùng tham khảo.
Theo đó, ở Điều 41, các hành vi học sinh không được làm 1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác. 2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh. 3. Làm việc khác; sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học; hút thuốc, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động giáo dục. 4. Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng. 5. Lưu hành, sử dụng các ấn phẩm độc hại, đồi truỵ; đưa thông tin không lành mạnh lên mạng; chơi các trò chơi mang tính kích động bạo lực, tình dục; tham gia các tệ nạn xã hội.”
Và, cuối cùng bạn đọc Lê Cường kết luận: “Tôi không biết em T. sai chỗ nào trong cái Điều 41 này!”
Cực đoan hơn, bạn đọc Phan Văn viết: “Tóm lại, bệnh viện và trường học không liên quan gì nhau. Em ấy thụ hưởng dịch vụ không tốt thì có quyền lên tiếng. Còn nếu không đúng hay ảnh hưởng đến y bác sĩ thì bệnh viện đó lên tiếng. Còn nhà trường, không nằm trong hoàn cảnh đó thì với tư cách gì chụp mũ các em. Tại sao không biết lắng nghe mà cứ hay giáo điều. Làm như thế thì học sinh nào còn dám phản biệt, góp ý, tố giác tiêu cực.”
Cũng từ chuyện ‘lời thật mất lòng, thẳng thắng thường thua thiệt’ này, bạn đọc Phan Văn gợi ý vui: “Cũng khuyên với các bạn học sinh, có gì bức xúc nên gọi vào đường dây nóng của báo Tuổi Trẻ để được bảo vệ tiếng nói”.