Đạo Phật với tư cách là một thực thể hữu hình sẽ không nằm ngoài qui luật “sinh trụ dị diệt”, “thành trụ hoại không”. Nhưng nếu xem giáo pháp Như Lai là những chân lý, qui luật vũ trụ thì nó có tính thường hằng, bất sinh bất diệt, chí ít cho tới khi con người còn tồn tại để nhận thức. Cho nên, cái gọi là “mạt pháp”, tức là lòng người nhiễu loạn, đức tin không còn, và pháp bị lợi dụng nhân danh, bản chất đã biến từ chánh sang tà.
Trong hệ thống kinh điển Phật giáo, một bộ kinh quan trọng được gọi là “Kim cương Bát-nhã Ba-la-mật-đa kinh”, hay “Kim cương kinh”, hoặc “Kim cương Bát-nhã kinh”. Tinh thần cốt tủy của bộ kinh này bàn về tính Không. Đó là bản thể thường hằng của vạn pháp. Khi hành giả thấy biết được cái thực tướng vô tướng của vạn vật hữu hình hay cái vô ngã của sắc thân – tâm thức là lúc đạt cảnh giới giác ngộ. Tinh thần ấy của bộ kinh là chân lý bất hoại, nó rắn chắc có thể phá tan mọi vô minh phiền não. Đó chính là lý do kinh ấy được ví và đặt tên “kim cương”.
Dẫn ra như vậy để thấy rằng pháp của Như Lai không mạt, chánh pháp vẫn trường lưu, vĩnh hằng. Mà mạt ngay ở chính lòng người.
Khi nhân loại bước vào con đường tha hóa, lối sống vật chất đã lấn át đời sống tinh thần; nhu cầu hưởng thụ, tham dục ái luyến ngày càng tăng cao đã khiến nội tâm thêm phiền nhiễu; là lúc sự cân bằng giữa thân và tâm đã không còn. Khi ấy đức tin sụp đổ và thay vào đó người ta mượn các yếu tố tâm linh, thần linh mơ hồ để trục lợi vơ vét, để nuôi dưỡng cho các nhu cầu bản năng thấp hèn.
Sự tha hóa này càng đáng sợ hơn khi nó được nhân danh chánh pháp dưới hình thức hoạt động của một nhóm người có tổ chức. Trong lịch sử Phật giáo nhân loại, không ít lần các tổ chức Phật giáo đã đánh mất đi tinh thần Phật giáo, đồng thời thay đổi cả chức năng hoạt động tôn giáo – thực hành tu tập, giáo hóa chúng sinh – thành các hoạt động chính trị, kinh tài.
Ban đầu, chúng đệ tử có thể bị mê hoặc bởi những giáo lý bị xuyên tạc, kinh điển bị cắt xén, thêm bớt, cải biên hòng dẫn dắt tín đồ vào mê lộ. Nhưng rồi cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Mà một khi người ta nhận ra đức tin bị dối gạt, niềm tin đặt nhầm chỗ, thì như một cơn sóng dâng trào, như thác đổ cuồn cuộn cuốn phăng tất cả. Do vậy, nếu như các tổ chức Phật giáo không nhận thức rõ để cải mình bằng cách thanh tẩy, bài trừ những phần tử phá hoại tiêu biểu thì khó lòng mà lấy lại niềm tin của tín đồ. Nói một cách khác, họ buộc phải chọn phe – thiện hay ác, chánh hay tà, tốt hay xấu. Sự lựa chọn này có thể không phải do thay đổi bản chất bên trong, nhưng ít nhất, về hình thức nó phải trơn tru, đẹp đẽ. Đó là lối thoát duy nhất khi một tổ chức tôn giáo muốn tiếp tục duy trì sự ảnh hưởng của mình.
Tất nhiên, sự thanh lọc không thể làm một cách qua quýt với vài trường hợp như kiểu giết dê tế thần. Ở đó đòi hỏi phải giải quyết triệt để các trường hợp không thể che mắt; các thợ tu, các ma tử ma tôn đã hiện nguyên hình thì không thể dung túng. Bằng không việc làm ấy chỉ phản tác dụng, sẽ một lần nữa khắc sâu thêm những tổn thương của đức tin.
Bên cạnh đó, trừ gian diệt ác phải đồng nghĩa với ngợi ca, tôn vinh lương thiện. Nghĩa là phải tán thán những bậc chân tu, xiền dương những hạnh tu chân chánh. Ai tu pháp môn nào cũng được, miễn là đúng với tinh thần của Như Lai, tức theo con đường Tam vô lậu học: Giới – Định – Tuệ. Giới là nền tảng, là cơ sở tiên quyết. Không có Giới làm sao nhập Định, không vào Định lấy chi sinh Tuệ. Cho nên, người tu không giữ giới, không có giới, ắt là giả tu. Dĩ nhiên, có thể cảm thông cho những sai phạm nhỏ đối những tu sĩ mà họ đang dần sửa mình trên con đường tu tập, hành trì. Làm được những việc này một tổ chức Phật giáo sẽ lấy lại được tính chính danh và niềm tin Phật tử. Khi ấy Phật giáo được chấn hưng.
Đạo Phật vốn từ bi hỷ xả, nên mới chủ trương “quay đầu là bờ”, “bỏ đao thành Phật”. Nhưng điều đó không có nghĩa là dung túng cho cái xấu ác trà trộn làm nhiễu động, cáu bẩn chốn thiền môn.
———-
Nha Trang, 26/10/2024
Nguyễn Thanh Huy