PHẠM THIÊN THƯ – GỌI EM LÀ VẺ HOA SẦU

0
49
Phạm Thiên Thư sinh năm một ngàn chín trăm bốn mươi, tính đến năm nay, ông đã tám mươi tư, tám mươi lăm tuổi.

Phạm Hiền Mây

Phạm Thiên Thư sinh năm một ngàn chín trăm bốn mươi, tính đến năm nay, ông đã tám mươi tư, tám mươi lăm tuổi. Nghe nhiều bạn bè văn nghệ nói, ông bị nghễnh ngãng, nhớ nhớ quên quên đã nhiều năm nay. Ông từng là một Đại Đức có pháp danh Thích Tịnh Không, tu tại Thiền Viện Pháp Vân từ năm một ngàn chín trăm sáu mươi tư đến một ngàn chín trăm bảy mươi ba. 

Thơ ông, ngay từ buổi ban sơ, khi mới vừa xuất hiện trên thi đàn, đã mềm mại, dịu dàng, nhẹ nhàng, bay bổng, siêu thoát. Thơ ông có màu sắc của thiền, của triết lý nhà Phật. 

Năm một ngàn chín trăm bảy mươi ba, ông đoạt giải nhứt văn chương toàn quốc với tác phẩm Hậu Truyện Kiều – Đoạn Trường Vô Thanh.

******

ĐOẠN TRƯỜNG VÔ THANH

Đoạn Trường Vô Thanh hay còn gọi là Hậu Truyện Kiều, là một tập truyện thơ lục bát, được Phạm Thiên Thư hoàn thành vào năm một ngàn chín trăm sáu mươi chín. Đoạn Trường Vô Thanh được các nhà nghiên cứu văn học và lý luận phê bình đánh giá cao, xem đây là công trình viết tiếp Truyện Kiều thành công nhứt. Vô Thanh có nghĩa là không còn tiếng kêu than đoạn trường.

Tập truyện thơ có cả thảy ba ngàn hai trăm chín mươi câu thơ, được viết theo thể lục bát, chia làm hai mươi bảy phần, mỗi phần đều được đặt tên riêng, ví dụ như ca khúc Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu mà Phạm Duy phổ nhạc, được lấy từ phần thứ mười sáu, có tên là Ai Để Hoa Dung.

Đoạn Trường Vô Thanh có nhiều điểm khác biệt so với Truyện Kiều. Thứ nhứt, trong truyện thơ này, Phạm Thiên Thư hoàn toàn không sử dụng điển tích Tàu. Thứ hai, tuy sử dụng thể thơ lục bát, nhưng ông không dùng bút pháp tượng trưng, ước lệ, mà ông lại nghiêng về lối tả chân, nghiêng về diễn tả cảm xúc nội tâm của nhân vật, nghiêng về lối kể chuyện tự nhiên, giản dị, và dùng nhiều từ ngữ dân gian.

XVI/ AI ĐỂ HOA DUNG

(Bức Thứ Mười Sáu: Vương Quan hồi tưởng người yêu cũ, nàng Ẩn Lan, con gái Hồ ông, và dự định đi theo Ngô Khôi thăm thầy học.)

Vương Quan thơ thẩn ngoài đê

Ven sông in bóng hoa lê nở bừng

Tiếng ai hú vọng trong rừng

Mây phơi lụa tím trên sừng trâu tơ

Nền trời nhàn nhạt màu mơ

Sông đem ráng đỏ sóng hờ hững đi

Sáo diều vọng tiếng vu vi

Như chim tung cánh tìm gì lưng mây (1710)

Thôn xa nghển bóng cau gầy

Vẻ như tư lự dõi bầy sẻ thưa

Gió chiều giục nhớ thôn xưa

Vườn mai hoa trắng bây giờ còn tươi

Niềm quê vời vợi phương trời

Lửa chiều thấp thoáng tưởng lời cố thôn

******

Ngày xưa áo nhuộm hoàng hôn

Dáng ai cắp rổ lên cồn hái dâu

Tiếng nàng hát vọng đôi câu

Dừng tay viết mướn lòng sầu vẩn vơ (1720)

Lều tranh còn ủ chăn mơ

Mối tình là một bài thơ vô đề

Ẩn Lan ơi, mái tóc thề

Gió xuân nay có vỗ về suối hương

Đêm nao ngồi học bên tường

Nến leo lét lụi, chữ vương vắt chìm

Ngoài song thoảng tiếng hài im

Như trăng buông hạt tơ chìm kiêu sa

Lan cười đưa đến cho ta

Sợi dài tóc bạc chùm hoa ngâu vàng (1730)

Sách thơm áp má mơ màng

Tỉnh ra hương thoảng bóng lan chập chờn

Nhớ khi em dỗi em hờn

Hai ta chia sẻ nắm cơm cháy vừng

Nhớ đêm nằm võng ngó trăng

Đếm ngôi “sao sáng” lại rằng “sáng sao”

Giọng em lanh lảnh tiếng cao

Răng em tươi hạt ngọc nào long lanh

Nền trời mây lại qua nhanh

Viền trăng vương phải đầu cành vỡ tan (1740)

Những đêm trời tối như than

Bắt con đom đóm trên giàn mồng tơi

Cho em, em cất tiếng cười

Hất tay em thả đóm trời tung bay

Vòi ta đuổi bắt lại ngay

Thả đi, đòi lại mãi đày đọa nhau

Gọi em là vẻ hoa sầu

Lan đòi nụ bưởi cài đầu làm duyên

Nhặt son trên núi mài nghiên

Thơ anh em điểm dấu yên màu hồng (1750)

******

Tưởng khi đỗ đạt thành công

Tay đan suối tóc, hoa lồng trăng non

Chưa thề sông cạn đá mòn

Trang tình đã điểm dấu son đầu đời

Dường trong ánh mắt tiếng cười

Vẻ như ngượng ngập mở lời con tim

Thế rồi – tăm cá bóng chim

Theo thầy ẩn dật dời miền đi xa

Anh về lý vẫn đơm hoa

Cuối thôn còn lại mái nhà xác xơ (1760)

Hiên trăng soi quạnh bàn cờ

Tìm chi con đóm cũng vờ vẩn bay

Buồng đây, Lan vẫn ngồi may

Bây giờ tơ nhện gió lay lạnh lùng

 u sầu ai để hoa dung

Nền xưa giảng sách tiếng trùng ngân vang

Tìm em đò dọc thuyền ngang

Thấy đâu dấu vết chim sang đất nào

Năm xưa em tựa cội đào

Tên ai còn dấu khắc vào da cây (1770)

Mấy lần anh lại chốn đây

Hiên tranh đôi bướm vờn mây lững lờ

Lòng buồn trăm mối vò tơ

Sợ trông hoa nở, ngại chờ hứng thi

Những đêm trăng sáng buồn chi

Mà lòng sách vẳng tiếng gì chan chan

Ngỡ chim gọi bạn trên giàn

Ngỡ em phơi cái thời gian giậu ngoài

Cánh lòng lại vượt ngàn mây

Tìm đâu suối tóc tay cài hoa xưa (1780)

Có đêm thao thức nghe mưa

Tưởng em về tiếng guốc đưa ngại ngần

Đông tàn còn thể chờ xuân

Đôi ta biền biệt sông Ngân nhạt nhòa

Biết đâu em ở miền xa

Nghe mưa mà chẳng như ta khóc mình

Có đêm soi bóng lung linh

Bâng khuâng một ngọn đèn tình trong sương

Em thì biền biệt dáng hương

Riêng hoa in bóng trên giường lơ thơ (1790)

Tóc đan hoa ảnh lờ mờ

Mộng xưa hoen ướt đôi tờ lệ thi

Nước non cũng nhuốm sầu bi

Người đi – úa cái xuân thì – ai đây

Dặm hồng biền biệt cồn mây

Cỏ hoa chung giấc sum vầy bấy xuân

******

Thế rồi vâng lệnh song thân

Xe duyên cùng với giai nhân xóm ngoài

Có khi thức ngủ canh dài

Mơ hồ còn tưởng dáng ai ngồi kề (1800)

Tỉnh ra mới biết cơn mê

Mảnh trăng cùng bóng hoa lê nhạt dần

Tình đời rồi cũng phù vân

Biết bao sóng gió xóa dần dư âm

Dẫu lòng ôm mối tình câm

Vùi sâu một nấm mù tâm lệ nhòa

Bây giờ bắt được tin hoa

Tấm lòng lại quặn xót xa lạ thường

Sáng mai hành lý lên đường

Thăm Lan biết mấy dặm trường ngựa bon (1810)

******

Sông dài cởi yếm hoàng hôn

Bầy chim ngủ đậu bên cồn lại bay

Gió về đưa ngọn sóng say

Tiếng ca mục tử cuối ngày gọi trâu

Bãi xa cỏ tím rầu rầu

Mái đình rêu vọng trống chầu nhịp mưa.

******

GỌI EM LÀ ĐÓA HOA SẦU

Không chỉ có kiến thức sâu rộng về Phật pháp, mà Phạm Thiên Thư còn được xem là nhà thơ có công trong việc “thi hóa kinh Phật”, nghĩa là, dịch chuyển thành công kinh Phật sang thể loại thơ. Ông cũng là một trong những tác giả có thơ được phổ nhạc nhiều nhứt. Và nhạc sĩ phổ thơ ông nhiều nhứt, chính là thiên tài Phạm Duy, với các bản như: Chàng Dũng Sĩ Và Con Ngựa Vàng, Chắp Tay Hoa, Đại Nguyện, Lời Ru Bú Mớm Nâng Niu, Một Cành Mai, Pháp Thân, Qua Suối Mây Hồng, Huyền Thoại Trên Một Vùng Biển, Loài Chim Bỏ Xứ, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, Em Lễ Chùa Này, Ngày Xưa Hoàng Thị, và tất nhiên, cả bài Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu mà tôi đang đề cập.

Vào khoảng năm một ngàn chín trăm bảy mươi, khi Phạm Duy và Phạm Thiên Thư lần đầu biết nhau, trong hồi ký của mình, Phạm Duy kể lại: Đối với tôi lúc đó, hình ảnh thiền, chùa, động hoa vàng, thật là mát mẻ và cần thiết. […] Gặp tu sĩ Tuệ Không kiêm thi sĩ Phạm Thiên Thư là tôi như thoát xác, vượt ra khỏi những đắng cay, chán chường và bế tắc. […] Từ đó, tôi luôn tìm đọc thơ của Phạm Thiên Thư để phổ thành những bài hát thanh cao nhất của thời đại. 

Riêng nói về nhạc phẩm Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu này, Phạm Duy cho biết: Dù sao đi nữa, thì cuộc đời này vẫn rất là đáng sống trong cái mênh mông bao la của phù vân hư ảo. Hành âm nghe rất âu yếm và nhẹ nhàng, hợp với không khí nồng nàn và an ủi của bài ca.

Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu, được Phạm Duy lấy ra từ tác phẩm Đoạn Trường Vô Thanh, từ câu một ngàn bảy trăm mười bảy đến câu thứ một ngàn bảy trăm năm mươi. Nội dung của bức thứ mười sáu này kể về Vương Quan, em trai út của Vương Thúy Kiều và Vương Thúy Vân, nhờ Kim Trọng mà gặp lại Ẩn Lan, người yêu của Vương Quan, vì hoàn cảnh, đã cùng cha là một thầy dạy học, biệt vô âm tích bấy lâu nay. 

**

Nội dung đoạn thơ là thế nhưng khi biến nó thành ca khúc Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu, thiệt tình thích thì thích lắm, đương nhiên rồi, thơ của Phạm Thiên Thư, Phạm Duy phổ nhạc mà – nhưng, thú thực, tôi nghe mà không mấy hiểu.

Nhưng, thơ và nhạc, và cả hội họa nữa, tại sao lại cần phải hiểu? Hiểu thì giải quyết được gì. Thấy hay là được rồi. Thấy thích là tốt rồi. Thấy yêu là ca khúc đã thành công rồi. Lời thì thơ, giai điệu thì du dương, êm dịu, như ru, như dỗ dành, như vuốt ve, an ủi, chia sẻ và thấu hiểu, là quá được rồi. Một ca khúc, mà cảm ra được ngần ấy, thì còn cần thêm điều chi nữa.

Lần đầu tiên tôi nghe bài này, và cũng là, bắt đầu từ đó, tôi thích, thì ấn tượng đầu tiên của tôi, chính là tựa đề của ca khúc – Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu.

Chỉ cần gọi em là đóa hoa thôi, cũng đã đủ rất thơ rồi. Huống hồ gì, hoa này là hoa sầu. Hoa sầu là hoa làm sao? Chỉ nghĩ như vậy, chỉ hình dung đến như vậy, cũng đã khiến cho thơ, lại càng thêm nét thơ. Nghĩa là, chất thơ của câu, đã được nhân đôi lên, được bội phần gấp lên. 

Hình ảnh “áo nhuộm hoàng hôn” cũng đã khiến tôi vô cùng ấn tượng, bởi nó đẹp. Màu hoàng hôn là màu gì? Xem ra, tưởng dễ mà lại khó phân tích cho đích xác, là tím, là vàng, là cam, là xanh, là hồng, là đỏ, hay là tất cả các màu ấy, phải được trộn lại, thì mới ra cái màu được gọi là màu hoàng hôn?

Còn màu hoàng hôn, với riêng tôi, là màu quan san, là màu của xa xôi, cách trở, màu của vạn dặm đường xa, màu của cánh chim bay mỏi lối. 

Màu hoàng hôn, là màu chia biệt.

Một loạt ba câu sau cũng là những hình ảnh đẹp đến mức, tưởng không còn gì có thể đẹp hơn – dáng ai cắp rổ lên cồn hái dâu, tiếng nàng hát vọng đôi câu, dừng tay viết mướn lòng sầu vẩn vơ. 

“Dáng ai” mới thanh thoát làm sao, hồn nhiên làm sao, xinh xắn, ngây thơ, tươi trẻ làm sao, cắp cái rổ, mới nhẹ nhàng, mới thơ làm sao, rồi hát nữa chớ, hát sao mà vọng từ trên cồn, xuống lều tranh của chàng học trò Vương Quan. Giọng nàng chắc là trong trẻo lắm. Vọng xuống mà như rất gần, vọng xuống mà như thủ thỉ, như nói riêng cho người yêu mình nghe thôi. Thế cho nên, làm sao mà chàng không vẩn vơ cho được. 

Vẩn vơ lòng sầu. Sầu vì yêu. Một tình yêu xinh đẹp và mong manh, khó thể ôm vào lòng, giữ trong tay, như mùi hương của hoa lan, ẩn dấu.

Hình ảnh “lều tranh còn ủ chăn mơ” cũng khiến tôi dừng lại rất lâu. Đơn sơ mà ấm áp. Giản dị mà thơ mộng vô cùng. 

Rồi “mối tình là một bài thơ vô đề”, và “Ẩn Lan ơi, mái tóc thề” cũng làm tôi rung động. Vô đề, không nói gì, không nói chi, bởi vì, tất cả các lời nói, câu nói, dù có trau chuốt tới đâu, dù có mỹ lệ rất đỗi, thì cũng không thể nào, diễn tả được hết vẻ đẹp của hai người đương yêu nhau. 

Rồi “tiếng hài”, rồi “sách thơm áp má mơ màng”, toàn là những hình ảnh, những âm thanh, tưởng như đương lạc bước chốn tiên bồng, Nghèo mà vẫn thanh cao. Chân quê mà vẫn sạch thơm, dù bóng lan chỉ chập chờn, dù cánh lan đương cố tình ẩn dấu.

Rồi thì “nhớ khi em dỗi em hờn”, và “Ẩn Lan ơi, gọi em là vẻ hoa sầu” thì quả là, chính ngay đây, câu thơ, lời nhạc, chúng đã khiến cho tôi chết trong lòng một ít. Tôi cứ tự xuýt xoa hoài, rằng, sao mà ông Phạm Thiên Thư, ổng lại nghĩ ra được cái tên hay đến thế nhỉ, lạ đến thế nhỉ. Nghĩ ra, hay trong đời thật, ổng đã từng biết, có người, mang một cái tên như thế?

******

Khi đánh giá về các tác phẩm của Phạm Thiên Thư, tiểu luận gia Đặng Tiến viết: Phạm Thiên Thư đã đánh dấu một thời đại thi ca, bằng thể thơ lục bát cổ truyền, nhà thơ đã làm thăng hoa khả năng thẩm mỹ, khả năng diễn đạt, vốn xưa nay là phức tạp, khó khăn và diệu vợi. Bốn câu thơ của Bùi Giáng dưới đây, viết tặng cho Phạm Thiên Thư, và tôi cho rằng, ngần ấy, cũng đã cho ta hiểu khá đủ về nhà thơ:

Chạy quanh khu vực thần tiên

Mỗi chân mười ngón kết liên bốn mùa

Vườn cây trái ngọt trái chua

Mù sương hấp dẫn về chùa ngủ quên. 

Nhà văn Ngô Nguyên Nghiễm, trong bài viết Từ Đoạn Trường Vô Thanh Đến Hát Ru Việt Sử Thi, ông cho rằng: Phạm Thiên Thư đến với thi ca bằng một phá chấp cực kỳ thông diệu. […] Phạm Thiên Thư bước xuyên qua cả một khoảng cách không – thời gian như vậy, vẫy tay gom tụ lại những hạt châu, để hình thành trọn vẹn hóa thân, cho tư tưởng văn chương, thấm nhuần đạo vị trong cõi nhân sinh này. […] Cái đẹp của nghệ thuật chan hòa trong đạo vị như thiền sư soi trăng để thấy tâm mình. Nếu không có trăng sao, hẳn văn hóa con người, hữu tướng hay vô tướng, cũng vơi đi một nửa. Đẹp thay!

Nhiều người thắc mắc, sau mười năm, tại sao ông lại rời bỏ chiếc áo già lam cùng danh hiệu tu sĩ lãng mạn, bước xuống trần thế với dòng thơ trầm lặng, sang cả, một thế giới thơ rất riêng Phạm Thiên Thư? Ông không phân trần, chỉ cười nhẹ, tôi tu theo cách của mình, tu để sống cuộc đời của mình, nuôi dưỡng lối tư duy và trí tuệ của mình. 

Còn tôi, mỗi khi nghe bài này, hoặc mỗi khi hát nho nhỏ: Ẩn Lan ơi, em dỗi em hờn. Ẩn Lan ơi, em dỗi em hờn. Ẩn Lan ơi, như những cơn buồn, nỗi buồn thơm lâu. Em ơi, gọi em là đóa hoa sầu. Là đóa hoa sầu – thì tôi lại thấy mênh mênh mang mang, hư hư thực thực, một không gian, có đôi người yêu nhau. Đẹp. Thơ.

Và, thoát tục!

Sài Gòn 16.02. 2024

Phạm Hiền Mây

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here