Home Blog Page 1142

Thêm hai tàu đánh cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên Biển Đông.

0
RFA

Theo thông tin từ Hiệp hội nghề cá Việt Nam thì vào ngày 7 tháng Tám, một tàu đánh cá Việt Nam của huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, khi đang đánh cá tại khu vực quẩn đảo Hoàng Sa thì bị một tàu Trung Quốc áp sát, người trên chiếc tàu Trung Quốc này đã nhảy sang hai chiếc tàu Việt Nam, cướp lương thực, hải sản, đập phá ngư cụ, rồi sau đó đánh chìm chiếc tàu Việt Nam.

Các ngư dân Việt Nam bị rơi xuống biển đã được một chiếc tàu đánh cá khác của tỉnh Quảng Ngãi cứu thoát và đưa vào đất liền.

Sau đó, cũng tại vùng biển này, ngày 18 tháng Tám, một chiếc tàu đánh cá khác của tỉnh Quảng Ngãi lại bị tàu Trung quốc tấn công, cướp phá và đánh chìm. Các ngư dân trên tàu được một tàu cá khác của Quảng Ngãi cứu về đất liền.

Theo ước lượng của Hiệp hội nghề cá Việt Nam thì trị giá tài sản của hai chiếc tàu Việt Nam vào khoảng 6 tỉ đồng.

Tàu đánh cá Việt Nam thường làm bằng gỗ và nhỏ, thường xuyên bị tàu Trung Quốc lớn hơn và có vỏ bằng sắt đâm chìm trên Biển Đông.

Việt Nam là mục tiêu tấn công của tin tặc Trung Quốc

RFA

Máy tính của các viên chức thương mại và ngoại giao Việt Nam đang là mục tiêu tấn công dồn dập của tin tặc Trung Quốc.

Công ty an ninh mạng FireEye cho biết như vậy và giả định rằng các tin tặc Trung Quốc này được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.

Thủ đoạn được bọn tin tặc thực hiện là gửi email có cài mã độc đến máy tính của các viên chức, từ đó có thể đánh cắp các kế hoạch thương lượng thương mại hay ngoại giao.

Một chuyên gia về Trung Quốc làm việc ở thủ đô Washington của Mỹ nói rằng đối với các nhà ngoại giao của quốc gia Đông Nam Á thì tin tặc Trung Quốc là một mối đe dọa thường xuyên. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia cạnh tranh với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, từ việc khai thác dầu khí ở Biển Đông cho đến chủ quyền các hòn đảo nhỏ ở vùng biển này.

BOT nơi nhiều rủi ro tham nhũng nhất

RFA

Các dự án giao thông BOT là nơi có nhiều rủi ro tham nhũng nhất.

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư nói như vậy trong một cuộc tọa đàm mang tên “Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển” do Cổng thông tin điện tử của chính phủ tổ chức.

BOT có nghĩa là chủ đầu tư bỏ tiền ra xây dựng cầu đường, thu tiền trong một thời gian được quy định để lấy lại vốn lẫn lời, rồi sau đó chuyển giao cho nhà nước.

Theo ông Đông việc phê duyệt các dự án BOT phần nhiều dựa trên những quan hệ quen biết, và được nhận xét rất chung chung. Ông đặt câu hỏi là tại sao người dân bình thường có thể tính toán được chi phí xây dựng một đoạn đường nào đó, trong khi nhà nước thì không? Chuyện này dẫn đến việc cho phép thu phí rất cao trong một khoảng thời gian rất dài.

Ngoài ra ông Đông cũng nói là trong khi phê duyệt các dự án, các thông tin về chi phí, cũng như tiền thu được từ các trạm thu phí dựa trên số lượng xe lưu thông cũng không bao giờ được công bố.

Xin nhắc lại là trong thời gian qua dân chúng đã phản ứng rất mạnh mẽ chuyện các trạm thu phí đường bộ BOT thu tiền quá cao và đặt quá gần nhau.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay đã có hai vụ phản ứng rất lớn là tại trạm thu phí BOT Cầu Giẽ gần thành phố Vinh ở Nghệ An, và trạm Cai Lậy tại Tiền Giang. Trong cả hai trường hợp này người dân đã dùng tiền lẻ để trả phí, gây chậm trễ dẫn tới kẹt xe nhiều giờ liền, do đó chính quyền đã phải ra lệnh không thu phí để tính toán lại giá cả.

Sau khi xảy ra chuyện phản ứng ở Cai Lậy, báo chí trong nước đưa tin nói rằng nhiều dự án BOT đã và đang được thực hiện có rất nhiều sai phạm.

Trong cuộc tọa đàm Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng nói rằng các loại phí BOT đang là gánh nặng mà người dân và doanh nghiệp đang phải gánh chịu.

Tàu chiến Hoa Kỳ lại đụng phải tàu chở dầu ở Thái Bình Dương.

0
RFA

Hải quân Hoa Kỳ quyết định mở cuộc điều tra sâu rộng, để tìm hiểu nguyên do tại sao tàu chiến Hoa Kỳ lại đụng phải tàu chở dầu lúc đang di chuyển ở Thái Bình Dương.

Quyết định được Đô Đốc Tư Lệnh Hải Quân Mỹ John Richardson đưa ra ngay sau khi chiếc khu trục hạm John McCain dâm vào một tàu chở dầu ở ngoài khơi Singapore hồi sáng sớm thứ Hai vừa rồi, khiến 10 thủ thủy mất tích và 5 thủy thủ bị thương.

Hồi tháng 6 vừa qua, một tai nạn tương tự cũng đã xảy ra khi chiếc chiến hạm mang tên USS Fitzgerald đụng phải một chiếc tàu chở hàng lúc đang di chuyển trong vùng Biển Nhật Bản, khiến 7 thủy thủ thiệt mạng.

Theo chỉ thị của Đô Đốc Richardson, tất cả các hạm trưởng phải cùng với sĩ quan và thủy thủ duyệt xét lại hệ thống làm việc, điều hành con tàu, để đảm bảo tình huống tương tự không xảy ra trong tương lai.

Ông cũng quyết định tất cả các tàu chiến Mỹ tạm thời ngưng hoạt động, để xem xét lại quy trình, nhằm có thể đảm bảo an toàn và hiệu quả cho thủy thủ và những con tàu đang có mặt ngoài khơi.

Trong những cuộc phỏng vấn dành cho truyền thông Mỹ, một số chuyên gia quân sự cho rằng không thể xem chuyện tàu chiến Hoa Kỳ đụng tàu chở hàng ở Thái Bình Dương là chuyện không may, mà có thể vì hải quân Mỹ đã lơ là trong công tác huấn luyện. Có người còn e ngại điều này, nếu đúng, sẽ ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của hải quân Hoa Kỳ trong trường hợp có biến cố lớn xảy ra.

Cũng cần nói thêm khoảng 2 giờ đồng hồ trước đây, tin tức chúng tôi ghi nhận được cho hay các toán tìm kiếm đã tìm thấy xác một thủy thủ của chiếc khu trục hạm John McCain.

Tin nói rằng tìm lấy xác của người lính này ở trong khoang tàu bị ngập nước, sau khi chiến hạm dụng phải chiếc tàu chở dầu.

Trong cuộc họp báo tổ chức tại Singapore, Tư Lệnh Hạm Đội Mỹ Tại Thái Bình Dương là Đô Đốc Scott Swift cho hay các toán người nhái cũng nhìn thấy các thi hài khác ở khoang tàu, nhưng nói thêm là vẫn chưa thể biết chính xác là thấy được bao nhiêu thi hài.

Nhật kêu gọi gây áp lực không cho Bắc Hàn có võ khí hạt nhân

0
RFA

Lên tiếng tại Tokyo, Ngoại Trưởng Nhật Bản Taro Kono nói rằng đây không phải là lúc thảo luận chuyện thúc đẩy Bắc Hàn trở lại bàn hội nghị quốc tế để giải quyết căng thẳng đang xảy ra ở bán đảo Triều Tiên, mà là thời điểm thế giới phải cùng nhau tạo áp lực cho tới khi Bình Nhưỡng ngưng chế tạo võ khí hạt nhân, và ngưng phóng thử tên lửa đạn đạo, tạo bất ổn cho khu vực cũng như đe dọa hòa bình toàn cầu.

Tại Geneve, Đại Sứ Hoa Kỳ Đặc Trách Giải Trừ Quân Bị là ông Robert Wood cũng nhắc lại lời cảnh báo là Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phải đối mặt với mức cô lập ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế.

Đại Sứ Wood nói rõ Washington sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng, và lãnh đạo Bắc Hàn phải chọn lựa hoặc là buộc người dân tiếp tục sống đời nghèo khổ, tiếp tục bị cô lập, hoặc Bắc Hàn sẽ là một quốc gia thịnh vượng, dân giầu nước mạnh.

Đại Sứ Wood nói thêm rằng mục tiêu hàng đầu của Tổng Thống Donald Trump là bảo vệ an ninh cho nước Mỹ và cho các quốc gia đồng minh, và Hoa Kỳ sẽ sử dụng mọi biện pháp để làm điều đó.

Bắc Hàn ra lệnh sản xuất thêm động cơ hỏa tiễn chạy bằng nhiên liệu rắn

0
RFA

Trong một bản tin phổ biến hôm 23 tháng 8 năm 2017, hãng thống tấn nhà nước Bắc Hàn KCNA cho biết lãnh tụ Kim Jong Un ra lệnh sản xuất thêm động cơ hỏa tiễn chạy bằng nhiên liệu rắn và đầu đạn tên lửa xuyên lục địa.

Tin của KCNA tức khắc được xem là dấu hiệu xác nhận Bình Nhưỡng không từ bỏ chương trình chế tạo võ khí hạt nhân và tên lửa, giữa lúc các nhà quan sát đều nói có những dấu hiệu cho thấy mức độ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn bắt đầu giảm bớt.

Bản tin của KCNA ghi rằng ông Kim Jong-Un đưa ra quyết định này nhân dịp viếng thăm Viện Vật Liệu Hóa Học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Bắc Hàn, nhưng không nói chuyến viếng thăm được thực hiện hôm nào, đồng thời bản tin cũng không chứa đựng những lời lẽ chỉ trích hay gọi Hoa Kỳ là kẻ thù, âm mưu xâm lược, hay đe dọa sẽ tấn công nước Mỹ bằng tên lửa như thường thấy.

Tin về quyết định mới nhất của lãnh tụ Bắc Hàn được Bình Nhưỡng phổ biến trong khi tại Hoa Kỳ, Tổng Thống Donald Trump nói với những người ủng hộ ông ở bang Arizona rằng ông hy vọng sẽ có những biến chuyển thuận lợi hơn, để giải quyết căng thẳng đang xảy ra ở bán đảo Triều Tiên.

Hôm 22 tháng 7, 2017 trong phát biểu đưa ra ở Geneve, ông Robert Wood, Đại Sứ Hoa Kỳ Đặc Trách Giải Trừ Quân Bị cũng nhắc lại lời cảnh báo là Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phải đối mặt với mức cô lập ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế.

Đại Sứ Wood nói rõ Washington sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng, và lãnh đạo Bắc Hàn phải chọn lựa hoặc là buộc người dân tiếp tục sống đời nghèo khổ, tiếp tục bị cô lập, hoặc Bắc Hàn sẽ là một quốc gia thịnh vượng, dân giầu nước mạnh.

Đại Sứ Wood nói thêm rằng mục tiêu hàng đầu của Tổng Thống Donald Trump là bảo vệ an ninh cho nước Mỹ và cho các quốc gia đồng minh, và Hoa Kỳ sẽ sử dụng mọi biện pháp để làm điều đó.

Cũng hôm 22 tháng 7, Bộ Tài Chánh Mỹ thông báo quyết định trừng phạt 10 tổ chức cùng 6 cá nhân Trung Quốc và Nga về tội hỗ trợ cho Bắc Hàn phát triển chương trình võ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Trong thông cáo đưa ra tại Washington, Bộ Thương Mại Mỹ viết rằng toàn bộ tài sản, lợi nhuận của những cá nhân nằm trong danh sách sẽ bị phong tỏa ở Mỹ, tất cả mọi công dân Hoa Kỳ đều bị cấm, không được trao đổi thương mại với 6 cá nhân và 10 tổ chức có tên trong danh sách.

TQ cảnh báo Mỹ không nên tiếp xúc bộ trưởng quốc phòng Đài Loan

0
RFA

Trung Quốc cảnh báo Hoa Kỳ không nên tiếp xúc với bộ trưởng quốc phòng Đài Loan Phùng Thế Khoan, trong dịp ông này quá cảnh tại Mỹ khi trên đường sang thăm một số nước Trung Mỹ có quan hệ ngoại giao với Đài Bắc.

Ông Phùng Thế Khoan sẽ ghé New York nhân chuyến đi thăm các nước gồm Nicaragua, Guatemala, Honduras, El Salvador và Cộng Hòa Dominican, kéo dài từ ngày 23 tháng Tám đến ngày mùng 2 tháng Chín. Thông cáo do Bộ Quốc Phòng Đài Loan phổ biến cho hay trên đường về, ông sẽ ghé Los Angeles, nhưng cũng ghi rõ là ông không gặp các viên chức Hoa Kỳ.

Tuy nhiên trong cuộc họp báo sáng nay tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhắc lại Hoa Kỳ phải tôn trọng quy định chỉ có một nước Trung Hoa, và Đài Loan là một phần lãnh thổ của Hoa Lục.

Bà Hoa Xuân Oánh nói rằng Bắc Kinh phản đối tất cả những cuộc tiếp xúc giữa các viên chức Hoa Kỳ và các viên chức đại diện cho Đài Loan.

Mặc dù trao đổi quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, nhưng chính phủ Hoa Kỳ vẫn tìm cách giúp chính phủ Đài Bắc bảo vệ an ninh lãnh thổ qua việc đồng ý bán võ khí cho Đài Loan. Bắc Kinh thường xuyên lên tiếng phản đối điều này, cáo buộc Washington tìm cách can dự vào chuyện nội bộ của họ.

Cần nhắc lại Trung Quốc từng đe dọa sẽ sử dụng giải pháp quân sự để thống nhất Đài Loan với Hoa Lục, tức ngăn chận không cho chính phủ Đài Bắc tuyên bố độc lập. Trong những tháng gần đây, quân đội Trung Quốc đã mở những cuộc tập trận bắn đạn thật ở vùng biển chung quanh Đài Loan.

Myanmar: Một thanh niên bị bắt với cáo buộc bêu xấu quân đội

RFA

Một thanh niên Miến Điện mới bị cảnh sát bắt giữ, cáo buộc anh tội bêu xấu quân đội.

Anh Aung Ko Htwe, 26 tuổi, bị bắt hồi thứ Sáu tuần trước, sau khi lên tiếng trên Dài Á Châu Tự Do, kể lại chuyện kinh hoàng mà anh đã trải qua khi bị ép buộc phải phục vụ cho quân đội lúc mới 14 tuổi.

Chị của anh là bà Nay Zar Htun cho hãng thông tấn AFP biết em trai mình bị cáo buộc tội bêu xấu quân đội, sẽ bị giải tòa vào ngày mùng 1 tháng Chín tới đây. Nếu bị tòa kết tội, anh Aung Ko Htwe có thể lãnh bản án tới 2 năm tù.

Bà chị của anh cũng cho AFP biết em trai của mình bị quân đội Miến bắt cóc hồi 2005, lúc mới 14 tuổi, sau đó bị ép buộc phải làm việc những việc cực nhọc cho tới khi được thả. Bà nói rõ “đây là điều em tôi muốn nói ra với mọi người, hy vọng sẽ không còn chuyện trẻ em bị quân đội bắt và phải làm việc cực khổ như em tôi từng trải qua”.

Chuyện trẻ em bị bắt phải phục vụ cho quân đội là điều thường được nói tới tại Miến. Hiện không rõ có bao nhiêu trẻ em Miến Điện vẫn bị cưỡng bức phải phục vụ cho quân đội. Hồi 2012 sau khi ký kết một thỏa thuận với Liên Hiệp Quốc, quân đội Miến thả khoảng 850 em.

Cũng cần nói thêm Miến Điện hiện đang được điều hành bởi một chính quyền dân sự do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, nhưng quân đội vẫn có nhiều quyền hành về cả mặt chính trị lẫn quân sự, kể cả quyền được đòi bắt giữ những người bị xem là có ý muốn bêu xâu quân đội.

Kỷ niệm 20 năm thành lập MLNQ Việt Nam: Băn khoăn về thế hệ trẻ kế thừa

RFA

Một chặng đường hoạt động

“Thứ nhất thấy mình đã lớn lên được một chút. Hai mươi năm tuy không dài nhưng đó là một chặng đường hoạt động, nhất là trong thời buổi này khi có nhiều đoàn thể chỉ duy trì hoạt động được 1-2 năm , thì mình cũng thấy tự hào khi mình đã đi được 20 năm. Đó là điều chúng tôi cảm thấy có nhiều cảm xúc nhất trong giai đoạn này, trong ngày hôm nay.”

Đó là cảm nghĩ đầu tiên của Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng, trưởng ban phối hợp, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN).

Tối Thứ Sáu, 18 Tháng Tám, 2017, tại nhà hàng Seafood Paracel thuộc thành phố Garden Grove, đông đảo quan khách, dân biểu liên bang, tiểu bang, hội đồng thành phố Wesminster, Garden Grove, Hội đồng liên tôn, cùng nhiều tổ chức hội đoàn, mạnh thường quân đã đến tham dự, chúc mừng nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam.

Nhân dịp này, giáo sư Nguyễn Thanh Trang, một trong những thành viên đầu tiên tham gia thành lập mạng lưới nhân quyền Việt Nam, đã tóm lượt vắn tắt về nguồn góc ra đời của mạng lưới, khởi thủy từ việc vận động thành lập Đài Á Châu Tự Do:

Thứ nhất thấy mình đã lớn lên được một chút. Hai mươi năm tuy không dài nhưng đó là một chặng đường hoạt động, nhất là trong thời buổi này khi có nhiều đoàn thể chỉ duy trì hoạt động được 1-2 năm , thì mình cũng thấy tự hào khi mình đã đi được 20 năm.
-TS. Nguyễn Bá Tùng

“Nỗ lực thành lập mạng lưới nhân quyền manh nha từ lúc anh em chúng tôi ở San Diego thành lập một ủy ban vận động thành lập đài Á Châu Tự Do năm 90-91. Lúc đầu ủy ban đó có 21 người tại San Diego, mà tôi là chủ tịch. Sau đó mỗi thành viên trong ủy ban móc nối với tất cả những bạn bè thân hữu, những người đấu tranh ở khắp các tiểu bang ở Mỹ, thành ra một network. Chúng tôi mới tổ chức những cuộc vận động dân biểu, thượng nghị sĩ tại địa phương, rồi sau đó mới tổ chức những cuộc vận động hành lang tại quốc hội.

Sau khi Tổng Thống Bill Clinton ban hành đạo luật đã được Quốc Hội thông qua năm 1995, ngày 30 tháng 4, 1995 và đến Tết ta năm 1996 là buổi phát sóng đầu tiên về Việt Nam.

Sau khi đài Á Châu Tự Do được thành lập rồi thì nhóm người tham gia thành lập lúc đó, chúng tôi móc nối một số anh em lại, những người tiếp tục hoạt động về dân chủ và nhân quyền sau một thời gian vận động kéo dài một năm mỗi tháng chúng tôi đều có họp để bàn về vấn đề nhân quyền và làm sao để kết hợp tất cả các tổ chức nhân quyền và các nhân sĩ hoạt động nhân quyền ở Việt Nam khắp nơi quy tụ lại với nhau. Tháng 11 năm 1997, chúng tôi tổ chức một hội nghị quốc tế về thành lập MLNQ ở một khách sạn ngay tại Little Saigon.”

Trong 20 năm qua, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã khởi xướng và tiến hành một số hoạt động trong ba lãnh vực: thông tin giáo dục, quốc tế vận và yểm trợ quốc nội.

20nam-02-640.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trang (phải) trao Giải Thưởng Nhân Quyền 2009 cho Mục sư Nguyễn Công Chính (trái) tại buổi kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam. RFA PHOTO/Ngọc Lan

Ở lãnh vực thông tin giáo dục, MLNQVN đã thiết lập được trang mạng vietnamhumanrights.net để phổ biến tin tức nhân quyền, phiên dịch và xuất bản bộ luật Quốc Tế Nhân Quyền, thực hiện bản báo cáo nhân quyền hằng năm bằng hai ngôn ngữ Anh Việt được nhiều chính phủ và cơ quan nhân quyền quốc tế tham chiếu, tổ chức buổi hội thảo và hội nghị nhân quyền tại Canada, Úc, Đức, Pháp và nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ

Trong lãnh vực vận động dư luận quốc tế, MLNQVN đã thường xuyên tiếp xúc với Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, các chính phủ, hành pháp cũng như lập pháp của một số quốc gia để yêu cầu họ gây áp lực trên nhà nước Việt Nam trong vấn đề tôn trọng nhân quyền. MLNQ cũng đã tạo được những mối liên hệ rất tốt với các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Với mục tiêu yểm trợ các chiến sĩ và phong trào nhân quyền trong nước; MLNQ đã có những kế hoach thường xuyên cũng như bất thường nhằm giúp đỡ vật chất cho những nhà hoạt động bị bắt bớ, tù đày. Giải Nhân Quyền Việt Nam được thành lập từ 2002, và cho đến nay đã trao cho 3 tổ chức và 39 cá nhân chính là nhằm yểm trợ tinh thần cho các nhà hoạt động nhân quyền trong nước.

Băn khoăn về thế hệ trẻ kế thừa

Mặc dù đạt được những thành tựu không nhỏ trong 20 năm qua, nhưng điều ưu tư, băn khoăn lớn nhất của những người đứng đầu MLNQVN vẫn là việc khó lôi kéo được người trẻ dấn thân theo con đường của họ.

Khi được hỏi, liệu MLNQVN đã có một sự chuẩn bị một lực lượng kế thừa cho hoạt động sắp tới hay chưa, Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng cho rằng:

MLNQ là một phạm vi hoạt động nhân quyền càng ngày càng phổ thông, nhưng rất khó thu hút những người trẻ để họ có thể làm việc, tranh đấu.
– GS. Nguyễn Thanh Trang

“Đó là điều ưu tư của chúng tôi. Điều đó rất là khó chứ không dễ, bởi vì những thế hệ trẻ lớn lên bên này chúng tôi không nói họ không để ý đến hiện tình đất nước, nhưng chiếc cầu nối giữa thế hệ trước và thế hệ sau chưa hoàn chỉnh. Do đó chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để làm sao thuyết phục để cho họ thấy rằng việc đấu tranh nhân quyền trong nước là ưu tiên số một, hơn cả vấn đề phát triển kinh tế. Bởi vì chính trị chi phối cả đời sống con người chứ không phải chỉ vấn đề kinh tế. Vì có đôi bạn trẻ ở đây nói rằng chỉ cần phát triển kinh tế thì vấn đề nhân quyền sẽ đến sau, nhưng chúng tôi nghĩ ngược lại, đối với người cộng sản chừng nào chế độ cộng sản còn thì không thể phát triển được. Đó là điều chúng tôi mong truyền đạt được cho thế hệ trẻ để mong họ thông cảm với. Có thể có nhiều suy nghĩ khác biệt, nhưng đó là suy nghĩ của chúng tôi.”

Giáo sư Nguyễn Thanh Trang cũng cùng suy nghĩ:

“MLNQ là một phạm vi hoạt động nhân quyền càng ngày càng phổ thông, nhưng rất khó thu hút những người trẻ để họ có thể làm việc, tranh đấu, lý do là vì mình tranh đấu nhân quyền không có ồn ào, không phải như đi biểu tình, cộng sản không sợ biểu tình, trái lại những cuộc vận động nhân quyền mà mình đi vào quốc hội, vào bộ ngoại giao, đi vào các cơ quan nhân quyền quốc tế đã tạo được những áp lực đối với nhà nước CS.

Bên cạnh thành quả đó thì cái khó là tìm những người trẻ vào để kêu gọi họ tiếp tục làm việc là cả một chuyện không dễ, bởi vì tuổi trẻ năng động và họ muốn thấy kết quả trước mắt, trái lại nhân quyền tranh đấu không thấy được. Như giờ hỏi thành quả cụ thể của MLNQ là gì thì rất là khó nói.”

Tại buổi kỷ niệm 20 năm thành lập mạng lưới, Mục sư Nguyễn Công Chính, người vừa thoát khỏi nhà tù cộng sản, bị trục xuất sang Hoa Kỳ, đã được nhận lại bằng tưởng lục cho giải thưởng Nhân Quyền Việt Nam năm 2009 mà ông được chọn nhưng chưa có cơ hội nhận vào lúc đó.

Cũng trong buổi này, mạng lưới đã tri ân và tuyên dương những tổ chức, cá nhân có những đóng góp thiết thực cho MLNQVN trong thời gian qua, trong đó có Ban Tù Ca Xuân Điềm, Tập Thể Dân Quân Cán Chính San Diego, Luật sư Đoàn Thanh Liêm và ông Nguyễn Ngọc Quỳnh.

Cuộc chiến Việt Nam vẫn chia rẽ người Việt Nam

0
Kính Hòa RFA
2017-08-23

Bộ sách lịch sử mới của Viện sử học Việt Nam thay đổi cách gọi ngụy quân ngụy quyền bằng Việt Nam Cộng Hòa, để chỉ chính quyền miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Sự kiện này được nhiều người ca ngợi, nhưng cũng bị khá nhiều ý kiến chỉ trích bên trong Việt Nam.

Những ý kiến khác nhau

Nhà báo Võ Văn Tạo, và nhà văn Thùy Linh đều cho rằng việc dùng tên Việt Nam Cộng Hòa thay cho ngụy quân ngụy quyền là điều rất tích cực cho việc hòa hợp hòa giải dân tộc. Cả hai người đều lớn lên ở miền Bắc trước năm 1975, nhà báo Võ Văn Tạo, hiện sống ở Nha Trang, từng là bộ đội cộng sản tham chiến trong chiến tranh Việt Nam, còn nhà văn Thùy Linh, sống ở Hà Nội, từng tốt nghiệp trường an ninh của nhà nước Việt Nam.

Bà Thùy Linh nói rằng việc thay đổi như vậy làm cho những người Việt từng đối nghịch nhau có thể dễ dàng nói chuyện với nhau hơn.

Ông Võ Văn Tạo cho biết một nhà báo của báo Quân đội nhân dân, tờ báo nổi tiếng có quan điểm cứng rắn của đảng cộng sản, cũng nhận được yêu cầu của cấp trên là dùng từ Việt Nam Cộng Hòa từ đây trở về sau. Tuy nhiên ông Tạo cũng thận trọng cho rằng việc đổi tên này chỉ mới là quan điểm của giới sử học, chứ chưa có một quan điểm chính thức nào của nhà nước Việt Nam được công bố.

Tuy vậy cũng có những ý kiến chỉ trích rất mạnh việc dùng danh xưng Việt Nam Cộng Hòa thay cho ngụy quân ngụy quyền. Một người tên là Lê Ngọc Thống viết trên mạng xã hội rằng nếu như sau năm 1954 có hai chính quyền tại Việt Nam thì đâu còn gì là giải phóng miền Nam nữa! Trong những bài viết của mình ông Thống nói rằng ông từng là sĩ quan hải quân của quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong nhóm ý kiến chỉ trích, mạnh mẽ nhất là bài viết được cho là của ông Trung tướng về hưu Nguyễn Thanh Tuấn. Ông Tuấn yêu cầu phải thu hồi bộ sách lịch sử mới xuất bản, và những người biên soạn bộ sử mới là vô trách nhiệm, làm không công cho Mỹ phá hoại đất nước.

Nhà văn Thùy Linh nhận xét về nhóm ý kiến chỉ trích này:

“Những con người đã trải qua chiến tranh, gắn cuộc đời họ với chiến tranh, mang tâm thế của người chiến thắng, thì cái số đó, thậm chí thế hệ trẻ hơn, họ đã bị nhồi sọ, nếu họ không chấp nhận chuyện đấy thì tôi cũng không có gì ngạc nhiên. Mà cái số đấy rất đông trong xã hội, điều đó cũng không có gì ngạc nhiên. Bởi vì bao nhiêu năm nay họ đã được dạy dỗ với cái nhìn như thế rồi, và thậm chí có khá nhiều người đã đi học nước ngoài, họ cũng không chấp nhận được là phía bên kia chiến tuyến, hay những người đã thất bại, lại có thể đứng ngang hàng với họ.”

Bà nói thêm rằng những người bên phía thắng cuộc trong cuộc chiến tranh Việt Nam lại đang ở một cái thế tự ti về địa vị kinh tế, xã hội của mình, nên sự phản kháng với những thay đổi cũng là một cách để giúp họ tự tin hơn.

Chúng tôi hỏi chuyện hai người thuộc thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh Việt Nam.

Thậm chí có khá nhiều người đã đi học nước ngoài, họ cũng không chấp nhận được là phía bên kia chiến tuyến, hay những người đã thất bại, lại có thể đứng ngang hàng với họ.
-Nhà văn Thùy Linh.

Anh Nguyễn Quang Bách, tốt nghiệp Học viện báo chí tuyên truyền, hiện sống ở Hà Nội, cho biết quan điểm của anh:

“Quan điểm cho rằng Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia độc lập sau hiệp định Geneva thì chắc chắn là xuyên tạc lịch sử. Còn cái ý kiến đổi tên gọi ngụy quân ngụy quyền do Mỹ tạo ra và huấn luyện để phá hiệp định Geneva, thì nếu có đổi tên thì cũng không xóa được lịch sử và bản chất ngụy quyền ngụy quân. Có khi đổi tên đi thì tai hại hơn vì dân sẽ không tin những nhà sử học khách quan nữa, đành rằng với chủ trương hòa hợp dân tộc thì không nên bêu rếu, hận thù đối với ai đã làm việc và đi lính trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa.”

Chị Nguyễn Như Ngọc, tốt nghiệp ngành kinh tế tài chính, hiện làm việc tại Sài Gòn thì lại cho rằng việc đổi tên gọi như vậy mang ý nghĩa tốt:

“Với tôi thì tôi nhìn chuyện đó đỡ khắc khe hơn so với lớp người trước. Nếu dùng từ ngụy quân ngụy quyền thì nặng, cũng như cái từ Việt cộng vậy, nghe rất nặng. Theo tôi thì thay đổi như vậy thì theo chiều hướng viết về những người xưa bớt sự thù hằn hơn.”

Nội chiến hay không nội chiến

Việc tranh cãi về tính chất của cuộc chiến Việt Nam vẫn còn đang diễn ra, có ý kiến cho rằng đó là một cuộc nội chiến, còn quan điểm chính thống của nhà nước Việt Nam hiện nay thì cho rằng đó là cuộc chiến tranh chống xâm lược.

Vào dịp 30 tháng Tư năm 2013, trong một lần hỏi chuyện nhà sử học Dương Trung Quốc, đồng thời là đại biểu Quốc hội Việt Nam, ông cho rằng khó có thể nói cuộc chiến Việt Nam là nội chiến vì có sự tham gia quá lớn của quân đội nước ngoài.

Nhà báo Võ Văn Tạo lại có cái nhìn khác:

Tôi nghĩ rằng ông Dương Trung Quốc lập luận như vậy thì ông có cái lý của ông ấy, bởi vì cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam bắt đầu từ những năm 1950, kết thúc ngày 30 tháng Tư năm 1975, pha trộn cả hai dạng. Thứ nhất có chống ngoại xâm bởi vì có hay không thì người ta cũng phải thừa nhận một thực tiễn khách quan là vào thời điểm cao nhất của cuộc chiến tranh, năm 1968, có đến nửa triệu quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam. Thứ hai là cũng trong giai đoạn đó, tại địa bàn miền Nam Việt Nam, trong quốc gia Việt Nam này, có hai phe đánh nhau thì cũng có thể gọi nó là một cuộc nội chiến. Nếu chống ngoại xâm thì chỉ đến tháng Giêng năm 1973, người Mỹ ký hiệp định Paris rồi rút quân, họ làm rất nghiêm túc, như vậy ít nhất cái giai đoạn từ đó đến 30 tháng Tư năm 75 cũng là nội chiến.”

Ông Tạo cũng nói thêm rằng sự can thiệp của người Mỹ tại miền Nam Việt Nam không mang tính chất của một cuộc chiến chiếm đất, làm thuộc địa như người Pháp trước đây, mà là với mục đích để ngăn chận chủ nghĩa cộng sản đang bành trướng trên thế giới vào thời gian đó.

Trong giai đoạn đó, tại địa bàn miền Nam Việt Nam, trong quốc gia Việt Nam này, có hai phe đánh nhau thì cũng có thể gọi nó là một cuộc nội chiến.
-Nhà báo Võ Văn Tạo.

Bạn trẻ Nguyễn Như Ngọc cũng nhìn về cuộc chiến tranh Việt Nam tương tự như ông Võ Văn Tạo:

“Về cuộc chiến đó, tôi nghĩ là đó vẫn là cuộc chiến tranh chống xâm lược, bởi vì có sự tiếp tay của nước ngoài vào cuộc chiến tranh đó. Nhưng tôi vẫn thấy nó là cuộc nội chiến vì vẫn có dân Việt Nam mình (đánh nhau) trong đó.”

Trở lại với bộ sách lịch sử mới ra đời, một số nhà nghiên cứu biển Đông, trong đó có ông Nguyễn Nhã nói rằng việc thừa nhận chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sẽ giúp cho việc đấu tranh về chủ quyền biên giới hải đảo của Việt Nam thuận tiện hơn. Luật sư Lê Công Định thì cho rằng điều đó không ảnh hưởng gì đến tính kế thừa của hai nhà nước nối tiếp nhau, nhưng ông cũng cho rằng nếu thực sự những người cầm quyền hiện nay đổi thái độ về chính thể miền Nam trước năm 1975, điều đó có lợi cho việc hòa hợp hòa giải dân tộc.

Anh Nguyễn Quang Bách thì nói rằng:

“Về mặt pháp lý đấu tranh chủ quyền, thì Việt Nam vẫn dùng tên chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, chứ không dùng ngụy quân ngụy quyền. Nhưng mà để giáo dục lịch sử, mà lịch sử do người thắng tạo nên, thì chúng ta vẫn dùng ngụy quân ngụy quyền cũng chẳng ảnh hưởng gì đến chuyện hòa hợp hòa giải dân tộc.”

Nói về việc hòa hợp hòa giải dân tộc nhà văn Thùy Linh cho rằng:

“Còn rất lâu mới có thể hòa giải và hòa hợp, kể cả những người Việt ở nước ngoài, thì tôi thấy cái tâm lý chống cộng cực đoan nó cũng kinh khủng như những người cộng sản chống Việt Nam Cộng Hòa.”

Sau khi bài phỏng vấn Luật sư Lê Công Định về sự tồn tại của Việt Nam Cộng Hòa như là một thực tế lịch sử, một bạn đọc tại quận Cam California viết trên trang web của chúng tôi một cách trào lộng, xin được trích nguyên văn như sau:

Không cần thay đổi. Gọi ngụy thì đã sao. Tôi đã quen và yêu cái từ “Ngụy” rồi. Bác sĩ”Ngụy” là những người thầy thuốc giỏi, tận tụy phục vụ bệnh nhân, đầy y đức. không gây khó khăn kiếm chác tiền bạc bệnh nhân. Thầy giáo” Ngụy là thầy giaó giỏi về chuyên môn, dày đạo đức. Học sinh ngụy là những học sinh lễ độ với thầy, kính yêu bè bạn…Nói chung những gì thuộc về “Ngụy” đều tốt. Cứ giữ cái từ “Ngụy đi. Tôi hảnh diện là người dân Ngụy, là người lính Ngụy phục vụ cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa mà có kẻ***** gọi chúng tôi là ngụy.