Hàng trăm ý kiến bày tỏ bất bình được gửi đến báo chí chính thống ở Việt Nam và đăng lên truyền thông xã hội sau khi một cựu lãnh đạo đảng bị kỷ luật ở thành phố Hồ Chí Minh được bổ nhiệm phụ trách việc viết lịch sử thành phố.
Tuy nhiên, những người am hiểu chính trị Việt Nam nói sự bổ nhiệm này có thể chỉ là một chặng dừng chân tạm thời trước khi quan chức kia bị truy tố và đem ra xét xử.
Các báo Việt Nam, trong đó có VNExpress, VietnamNet, Tiền Phong…, đưa tin hôm 30/3 cho hay ông Tất Thành Cang “được phân công” làm Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công trình “Lịch sử TP.HCM”.
Công trình nghiên cứu kể trên được Thành ủy TP.HCM đặt hàng với Hội Lịch sử của thành phố. Ban chỉ đạo về chương trình này có nhiệm vụ “định hướng nội dung”.
Nói với Đài VOA, một số nhà quan sát cho rằng việc ông Tất Thành Cang nay trở thành phó trưởng ban chỉ đạo về thực chất là một sự đi xuống về mặt chức danh. Trước đây, ông Cang từng là trưởng ban, khi ông còn là phó bí thư thường trực thành ủy.
Hồi cuối tháng 12/2018, ông Cang bị Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ luật bằng hình thức “cách chức Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM” vì ông có những “khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng”.
Thông báo về kỷ luật của đảng được báo chí trong nước dẫn lại ở thời điểm đó cho hay ông Cang “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc” trong việc quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ TP.HCM, cũng như “vi phạm các quy định pháp luật” trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp do thành ủy quản lý.
Nhiệm vụ viết lịch sử thì đòi hỏi có người có cái tâm sáng, phải có tầm nhìn và đánh giá đúng thực chất lịch sử. Nếu mà người làm từng bị kỷ luật rất nặng nề như vậy, giờ tham gia viết cái đó, liệu có đảm bảo khách quan không?Ông Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm VP Quốc hội
Ở thời điểm hiện nay, việc ông Cang được bổ nhiệm làm phó ban chỉ đạo về soạn lịch sử của thành phố quan trọng nhất về kinh tế của Việt Nam đang gây ra nhiều phản ứng tiêu cực trong công chúng.
Theo báo mạng VietnamNet, “hàng trăm độc giả” đã gửi ý kiến bày tỏ “không thể tin nổi” hoặc “bó tay” về sự bổ nhiệm nói trên, trong đó một số người đặt câu hỏi phải chăng chính quyền thành phố “hết người tài” để lựa chọn cho nắm giữ một trọng trách như vậy? VOA cũng quan sát thấy có hàng trăng ý kiến tương tự được bày tỏ qua mạng xã hội.
Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho VOA biết rằng ít nhất theo quan sát cá nhân, ông nhận thấy dư luận ở TP.HCM, bao gồm cả những đảng viên kỳ cựu 50, 60 tuổi đảng, đang “sốc” và “bức xúc” về việc bổ nhiệm “thiếu nhạy cảm” mới đây.
Ông Thuận nói thêm: “Họ cho rằng việc phân công đó là không nên. Nhiệm vụ viết lịch sử thì đòi hỏi có người có cái tâm sáng, phải có tầm nhìn và đánh giá đúng thực chất lịch sử. Nếu mà người làm từng bị kỷ luật rất nặng nề như vậy, giờ tham gia viết cái đó, liệu có đảm bảo khách quan không?”
Với hiểu biết về hệ thống chính trị Việt Nam, luật sư Thuận nói do ông Tất Thành Cang vẫn là thành ủy viên và còn nhận lương từ ngân sách, nên cơ quan của đảng phải sắp xếp cho ông Cang “làm gì đó”.
Điều đáng tiếc là việc phân công vừa qua không được “khéo léo”, nếu xét đến bối cảnh có các vụ bê bối về đất đai ở Thủ Thiêm hay vườn rau Lộc Hưng còn đang làm nhiều người dân đau khổ, phẫn nộ, theo nhận xét của luật sư Thuận.
Lúc này, một số nhà quan sát và nhà báo kỳ cựu Việt Nam viết trên mạng xã hội rằng chức danh mà ông Tất Thành Cang mới được giao có thể xem chỉ là một điểm dừng chân tạm, một “ga xép” trong quá trình ông bị kỷ luật.
Tôi cho rằng nhận xét đó là đúng, ý kiến đó là đúng, bởi vì đã có tiền lệ rồi.
Các nhà quan sát, nhà báo dẫn ra trường hợp cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bổ trưởng Đinh La Thăng, hay các cựu Bộ Trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn… đều bị kỷ luật về mặt đảng, tiếp đến được giao những nhiệm vụ tạm thời, nhưng cuối cùng đã bị truy tố, bắt giam, và xử tù. Từ đó, họ nhận định rằng cựu quan chức đảng Tất Thành Cang khó tránh khỏi số phận tương tự.
Cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận có chung suy nghĩ. Ông nói với VOA: “Tôi cho rằng nhận xét đó là đúng, ý kiến đó là đúng, bởi vì đã có tiền lệ rồi”.
Hồi cuối tháng 12/2018, báo chí Việt Nam đưa tin rằng lý do cụ thể dẫn đến việc ông Cang phải nhận kỷ luật nặng về mặt đảng là khi ông còn giữ chức Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, ông đã “vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm”.
Những sai phạm của ông Cang là một phần trong vụ bê bối về đất đai ở Thủ Thiêm kéo dài gần hai chục năm qua, làm hàng trăm hộ dân phải khiếu kiện kéo dài.
Đầu tháng 9/2018, trước khi ông Cang bị kỷ luật, Thanh tra Chính phủ Việt Nam kết luận rằng Ủy ban Nhân dân TP.HCM và nhà chức trách cấp địa phương đã có những “khuyết điểm, vi phạm” trong việc lập qui hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tọa lạc tại Quận 2 bên bờ đông sông Sài Gòn, Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một dự án qui hoạch được thủ tướng phê duyệt vào năm 1996 nhằm phát triển khu vực này thành một trung tâm kinh tế và văn hóa hiện đại của TP.HCM. Nhưng từ đầu những năm 2000, tranh chấp đã bùng ra giữa người dân và chính quyền về ranh giới qui hoạch và chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng bị coi là phi lí và thiếu thỏa đáng.