Ô N G  T H Ô N G  G I A

0
33
Corona Del Mar Beach Photo by Hoang Viet
   

Vũ Thư Hiên

1

Tôi sung sướng đằm mình trong nước mát. Trên đầu tôi, quanh tôi, nắng chói loà. Tôi bập bềnh trôi. Có tiếng sáo diều văng vẳng. Đang say sưa ngụp lặn, bỗng có một cái gì va vào tôi làm tôi vùng vẫy, sặc sụa. 

– Cậu ngủ say quá thể! – nghe tiếng người, tôi nhận ra tiếng cô Lương – Dậy đi, cậu.

Cô Lương lột tấm chăn tôi trùm kín đầu. Tôi giằng lại, nhưng không được. Thế là tỉnh hẳn. 

– Có việc gì mà cô đến sớm thế? – tôi tung chăn ngồi dạy, càu nhàu. 

Tôi tiếc giấc mơ. Tiếc lắm. Không dễ gì gặp được một giấc mơ như thế. Với tôi, dòng sông quê hương mà tôi vừa được thoải mái trầm mình trong đó giờ đây xa lơ xa lắc. Tưởng chừng nó đã mất hẳn trong trí nhớ. Giấc mơ như một món quà bất ngờ. Món quà tan biến chỉ vì cái nhà cô Lương thổ tả kia. 

Tôi nghe tiếng dép lẹp kẹp đi về phía bếp, tiếng nước đổ vào ấm, tiếng bật công tắc.

– Sớm gì mà sớm – tiếng cô Lương nói – Trưa rồi.

Tôi vẫn còn chưa hết bực mình. Mở mắt thấy kim đồng hồ trên bàn chập nhau ở con số 12. Trưa thật rồi. 

Cô Lương chậm rãi pha trà. Giữa chúng tôi, hơi trà ngào ngạt và ấm áp bốc trên miệng chén. Ở khoảng cách gần, tôi thấy cô già sọm – hai mắt lõm sâu, má hóp, da mặt đã có màu bao xi măng. Mấy chiếc răng cửa hơi đưa ra, vốn là cái duyên của cô, giờ xuống màu, với những khe rộng hơn trước. Giọng cô không còn trong, không còn cao, nó mệt mỏi, khàn khàn. Từ nốt ruồi ở hàm bên phải chui ra một sợi râu bạc.

Photo by Hoang Viet

– Cửa cũng không thèm đóng. – cô chép miệng – Em chỉ việc đẩy vào. Có ngày trộm vét sạch. Thật đấy. Cậu biết hôm nay ngày gì không? 

– Ngày gì?

– Ngày Ông Táo lên chầu giời rồi đấy. 

– Ờ…

Lại một năm trôi qua. Cô Lương là cuốn lịch sống của tôi. Không có cô nhắc, tôi sẽ không biết mình đang ở đâu trong dòng chảy vô hình ấy. Đã nhiều năm, mỗi khi phải lấy áo ấm ra mặc, thấy tuyết rơi, tôi biết là mùa đông đến; phải lôi cái quạt máy trong đống đồ xếp xó ra cho nó chạy, tôi biết đã vào hè. 

– Em mang ít đồ cúng sang cho cậu. 

Nhìn lên nóc tủ tôi thấy có mâm ngũ quả, xôi lạc, gà luộc. Và nén nhang mới bén.

– Cảm ơn cô. 

Cô cười không tươi. 

– Đàng nào em chả cúng. Cậu thì cái gì cũng phiên phiến, phiên phiến. Tết nhất phải có chút gì gọi là hương khói để nhớ đến tổ tiên, ông bà. Tết này cậu sang em, ăn Tết bên em nhá? 

– Ờ…

– Hôm nay em sang đây – cô nói, giọng ngập ngừng – là có việc phiền cậu…

Tôi đặt chén trà xuống, nhìn cô, chờ đợi. Ở đây, chỉ tôi là người thường nhờ vả cô. Chứ cô chẳng bao giờ nhờ vả tôi.

– Việc gì vậy?

Cô ngần ngừ.

– Em muốn phiền cậu đi Berlin với em một chuyến.

Tôi ngạc nhiên. Từ khi dọn về đây ở gần cô, tôi chưa thấy cô đi đâu. 

– Đi Berlin? Làm gì chứ?

Cô nhoẻn cười, ngượng ngập:

– Hỏi vợ cho cháu Hiếu

Hình minh họa.

2

Tôi và cô Lương có một tình bạn dài nửa thế kỷ. 

Tình bạn của chúng tôi bắt đầu bằng một món ăn. Cô Lương không phải người bình thường. Ở đất thủ đô, cô là người nổi tiếng. Cô nổi tiếng không phải vì cái gì to tát, mà nhờ một món ăn – món bún mọc. Tôi sẽ không tả bún mọc của cô ngon như thế nào. Không ai có thể tả được cái sự ngon. Chuyện ấy là của riêng cái lưỡi. Cứ phải ăn mới biết. Chỉ có thể nói gọn một câu: bún mọc là món độc quyền của cô Lương trong toàn thành phố. Về món này không ai tranh hơn được với cô. Quanh gánh bún cô Lương, khách ngồi chật vỉa hè đợi đến lượt. Đông thế mà cô tài nhớ lắm: ai đến trước, ai đến sau, cô không bao giờ lẫn. Cô tươi nở múc cho từng người suất bún nóng hổi, thơm phức, nước dùng ngọt lịm, húp bỏng miệng. Những viên mọc của cô, được chế tạo cách nào không biết, nêm nếm thế nào không biết, mềm và đàn hồi, cắn ngập chân răng, như thể chúng không phải được nặn bằng thịt lợn tầm thường của trần thế.

Đến đây tôi phải nói ngay rằng giữa hai chúng tôi không hề có chuyện ong bướm. Đơn giản vì cô Lương không phải là một cô. Cô không phải đàn bà. 

Trở thành khách quen của gánh bún mọc, tôi gọi anh chàng Lương này bằng cô, như cách mọi người gọi. Có người còn gọi là cô đồng Lương. Gọi thế không đúng – Lương không phải cô đồng. Không hầu đồng, không am miếu, không hương khói, đàn địch, không con công (con nhang?) đệ tử, sao gọi thế được. Các nhà khoa học viết khá nhiều về hiện tượng ái nam ái nữ, tôi có đọc, nhưng không hài lòng. Thế giới “ái” rất đa dạng, rất phức tạp, theo tôi quan sát. Nó không dễ giải thích. Đơn giản hoá nó, sơ lược hoá nó, trong cái nhìn bất biến, đinh ninh, miêu tả qua lăng kính duy vật cho ra vẻ khoa học là không được. Lấy cô Lương làm ví dụ. Đực rựa, có vợ có con hẳn hoi. Chị vợ, tôi đã gặp, xinh gái, đàn bà trăm phần trăm, mẹ của hai đứa con giống bố như đúc. Một gia đình như mọi gia đình. Cái khác là trong gia đình này anh chồng từ tấm bé đã thích trang điểm theo cách nữ – ở nhà không biết thế nào, chứ ra đường là phải thoa một chút phấn hồng lên má, quệt một đường son nhẹ lên môi. Lại còn đeo nịt vú nữa chứ (nó hiện rõ qua lần áo phin nõn), ai cũng thấy. Nói ỏn ẻn, đi nhún nhẩy, hai tay phẩy phẩy bên hông, không khác đàn bà. Thế mới thành cô Lương. Nhưng “cô” không có một nhân tình đàn ông nào, tuyệt không. Chưa ai bắt gặp “cô” cặp kè với một người phái nam. Vì thế, nói rằng trong con người cô Lương có thứ tình dục đồng giới, bệnh hoạn, theo cách nhìn của thế hệ tôi, là nói bậy. 

Tôi là người không háo lên án ai, lên án cái gì. Tôi chỉ háo ăn ngon. Qua một lần nếm thử đã đủ để tôi trở thành khách quen của gánh bún mọc cô Lương. Thấy tôi, khi nào cô cũng đon đả:

– Kìa, anh giai! – múc bát mọc cho tôi xong, cô vui vẻ hỏi – Anh giai thêm hành trần nhá? Ớt tươi chứ? Em biết tính ông anh mà, sành lắm, ăn mọc chẳng chịu tra tương ớt đâu. Ngần này đủ chưa ạ?

Rồi lại sợ mất lòng một ông khách nào đó nghiện tương ớt, cô bả lả:

– Nói vậy chứ bách nhân bách tính, có người thiếu tương ớt là nhạt mồm nhạt miệng, ăn mất ngon, có phải không các bác? 

Hoặc:

– Anh giai nom có vẻ mệt, em nhúng hai trứng nhá? Anh giai bổ dưỡng đi cho chị em vui.

Tôi đỏ mặt vì những lời chớt nhả ấy. Khách tủm tỉm nhận xét: múc cho tôi, trong muôi của cô bao giờ cũng có nhiều mọc hơn cho người khác, một chút thôi, nhưng hơn. Họ đùa cợt bảo: là do tôi đẹp trai. Tôi soi gương chẳng thấy mình đẹp trai tẹo nào, có lẽ tại hai chúng tôi có duyên tiền kiếp.

Đùng một cái, không thấy cô Lương dọn hàng. Không ai biết cô biến đi đâu. 

Khách hàng nghiện bún mọc buổi sáng nhìn cái vỉa hè quen thuộc từ lâu đông nghịt giờ đây trống trơn, chưng hửng dắt xe đi. Hỏi người chủ ngôi nhà trước gánh bún mọc của cô Lương, một ông già cao lêu đêu, ông ta lắc đầu: không biết. Cô Lương đến xin đặt nhờ gánh bún thì ông cho, ông không khoảnh. Ông cho cô ngồi nhờ ở hàng hiên nhà ông vô điều kiện. Để cảm ơn ông, sáng nào cô cũng làm một bát mọc tú hụ bưng vào cho ông. Khi khách quá đông, ngồi chật cả lối ra vào, ông chưa kịp trách thì cô Lương đã bẽn lẽn xin gửi ông ít tiền hàng tháng, coi như thuê chỗ. 

– Cô ấy cứ giúi vào tay, bắt tôi phải nhận. Chứ tôi không đòi. – ông nói như phân bua – Thời buổi này giúp nhau được chút gì thì giúp, là cái nghĩa đồng bào. Vỉa hè nào phải của tôi. Nhưng cô ấy là người biết điều. Thấy làm phiền người nhà đi ra đi vào, cô ấy ngại. Tôi không biết cô ấy dọn đi đâu, thật vậy.

Hoá ra trong những ngày ấy cô Lương ở tù. Với người Việt ta, ở tù không phải sự lạ. Thiên hạ gặp nhau thấy ngờ ngợ thì không hỏi quê quán, họ hàng mà hỏi: mình gặp nhau ở trại nào nhỉ? 

(Còn nữa)

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here