Ô N G T H Ô N G G I A (Phần 4)

1
32
Nhà văn Vũ Thư Hiên
   

Vũ Thư Hiên

7

Ngày hôm đó kẻ vất vả nhất, khốn khổ nhất, là thằng Hiếu. Nó lái xe chạy cuồng giữa ba đỉnh của một hình tam giác – khách sạn, nhà thương, nhà hàng. Nghe lời tôi, nó nói dối bố mẹ vợ rằng lễ vấn danh theo kế hoạch như thế là phải hoãn – bố nó bất thình lình trúng gió, nằm liệt, không đi lại được. Ông bố không nói gì, nhưng bà mẹ và cô con gái cuống lên, nằng nặc đòi đến thăm. Nó phải ra sức cản, viện lẽ chừng nào bố nó chưa được định bệnh thì không thể và không nên đến, biết đâu đấy, chưa chừng bố nó nhiễm chứng cúm châu Á ngay trước khi lên đường đi Berlin cũng nên, bệnh ấy vừa xuất hiện, người bệnh cần được cách ly. Lời nói dối có hiệu quả – ở Đức người ta sợ cúm châu Á còn hơn sợ dịch tả. Người Việt ở Đức cũng sợ lây.

Tôi không nói với cô Lương đó là kế hoãn binh của tôi. Tôi nói ra, cô sẽ nổi khùng. Cả ngày, cô chẳng nói chẳng rằng, chỉ nằm ngửa nhìn lên trần. 

Đêm đến, thấy cô có vẻ đã nguôi ngoai, tôi mới lựa lời khuyên nhủ:

– Cô nóng quá. Sự đời rắc rối, nó đã xoay ra thế rồi, sức mình không cải được, thì đành chịu vậy thôi, chứ biết làm sao? 

Cô Lương trợn mắt: 

– Cậu nói thế là ý thế nào? Là em phải quên đi, phải chịu làm thông gia với thằng khốn kiếp ấy? Cậu muốn em muối mặt đến gặp nó để xin con bé cho thằng Hiếu? – cô Lương tung chăn ngồi phắt dậy – Không, cậu ơi, không, em không thể nhìn mặt nó. Em không thể làm thông gia với nó. Không là không.

– Thì tôi có bảo cô phải đến gặp nó đâu. Tôi chỉ muốn nói là hai trẻ đã trót yêu nhau rồi, thì mình phải nghĩ cách sao cho vẹn mọi đường…

– Cách gì?

– Thì phải nghĩ đã chứ, tôi nói rồi mà. Sao cho chúng nó không đau khổ.

– Chúng nó đau khổ thì mặc chúng nó. 

Cô Lương quay đi, chấm dứt câu chuyện.

Tôi vắt óc chẳng nghĩ ra cách nào hay ho. Khuyên được nạn nhân hoà giải với kẻ thù là chuyện vá trời.

Gần sáng, tỉnh dậy, thấy cô Lương vẫn thức, tôi pha trà, rồi bảo: 

– Thế này: tôi đưa cô ra ga đi tàu về trước, tôi ở lại. Mình sẽ nói rằng cô đã được chuyển về bệnh viện địa phương tiếp tục điều trị.

Cô lắc đầu: 

– Việc gì phải nói dối? Như thế cầm bằng em sợ nó, em không dám giáp mặt nó. Em không sợ nó. Em căm thù nó.

Tôi thở dài:

– Từ từ đã nào. Tôi đâu có nói cô sợ nó. Tôi hỏi cô: có phải cô nhờ tôi đi cùng để chu tất việc hỏi vợ cho thằng Hiếu không nào? Thế thì tôi phải lo mọi việc cùng cô. Trông thằng Hiếu mà thương. Nó sợ cô đến nỗi không dám vào đây, mỗi lần tôi mở cửa lại thấy nó lấp ló ở đấy.

Cô Lương ngước mắt lên, hỏi: 

– Cậu nghĩ sao? Nó sợ hay nó ghét mặt bố nó?

Tôi quả quyết:

– Nó sợ đấy. Lúc cô thiếp đi, tôi ra ngoài thì gặp nó. Tôi đã kể cho nó nghe hết sự tình, tức là tất cả mọi chuyện mà tôi biết. Nó khóc. Nó thương bố lắm.

Mặt cô Lương dãn ra ra khi nghe tôi nói thế. Mà tôi nói điều này là thật, gặp nó tôi tưởng ngữ này coi bố như rác, hoá ra thấy bố phát khùng thì nó run. 

– Nhưng mà em dù sao thì cũng không thể thông gia với cái giống chó má ấy được, cậu ơi. – cô lại ôm đầu – Không đời nào.

– Tôi nghĩ rồi. Cô không đứng ra là phải. Thì tôi đứng ra. Cứ không phải cô là được. Cô tưởng tôi chịu được khi thấy cô phải muối mặt gặp thằng ấy à? Coi như tôi là bố nuôi thằng Hiếu, cô không đến thì tôi thay mặt nhà trai đến chạm ngõ. Còn sau này ra sao, hạ hồi phân giải. 

Nghe đến đấy cô Lương quay mặt vào tường, im lặng.

Photo by Hoang Viet

8

Nằm trên giường bệnh là một người khoẻ mạnh. Nụ cười hồ hởi nở trên gương mặt phương phi, ông ta đưa tay cho tôi bắt. Nước da ngăm ngăm đen làm tôi hình dung ra ông trong bộ cảnh phục và câu nói cửa miệng của dân Hà Nội chỉ đám công an: “chân chì, da thiết bì, mũ bình thiên”. 

Thằng Hiếu cho biết: khi tai nạn xảy ra, ông bố vợ nó có bị thương, có chảy nhiều máu thật, nhưng hoàn toàn tỉnh táo. Mới lấy máu bôi lem nhem khắp mặt mũi, rồi giả bộ ngất. Tưởng thế là đủ để cảnh sát làm một biên bản thuận lợi cho sự bắt đền, nào ngờ thấy máu me bê bết, họ vội gọi xe cấp cứu chở phắt đi bệnh viện. Mà ở bệnh viện thì tình trạng thương tật của ông thế nào người ta biết ngay. Sở dĩ ông còn được nằm nán lại mấy ngày là vì ông vờ bị choáng, thỉnh thoảng lại ngất đi, tính kiếm thêm ít điểm cho sự bồi thường được đậm thêm.

Nó dẫn tôi đến, rồi đứng ngoài, để hai người lớn nói chuyện.

– Tôi trông ông quen quen. – ông ta vui vẻ nói.

– Tôi cũng vậy. Tôi cũng có cảm giác chúng ta từng gặp nhau, nhưng ở đâu thì không nhớ ra. – tôi vỗ trán, làm ra vẻ cố nhớ.

– Già rồi là hay quên lắm, tôi cũng thế, không nhớ ra.

Mào đầu thế là đủ, tôi lấy giọng trịnh trọng:

– Chắc cháu Hiếu đã thưa với ông: tôi là cha nuôi của cháu. Bố cháu ngã bệnh thời khí nhất thời không đến được, nên tôi mạn phép được thay mặt nhà trai, trước hết để vấn an ông, sau là có lời xin ông bà cho cháu Thuỷ làm dâu…

Ông bố vợ tương lai cười hì hì:

– Biết rồi, biết rồi. Lại bà nhà tôi đây, bà ấy chúa hay vẽ chuyện. Cũng là phú quý sinh lễ nghĩa thôi. – rồi hạ giọng, thân mật – Chứ hồi tôi với bà ấy lấy nhau ấy mà, lễ nghĩa quái gì đâu, chẳng chạm mặt, cũng chẳng ăn hỏi. A lê hấp, cưới. Mà cưới tập thể cơ đấy, ông ạ. Nhoáng nhoàng, nhoáng nhoàng, buồn cười lắm: chủ toạ buổi lễ chưa nói dứt câu thì cả đám cô dâu chú rể đã xông vào xơi kẹo bánh ào ào như tằm ăn rỗi, rồi ào ào kéo nhau đi tuốt…

Giọng nói của ông ta gợi nhớ đến một cái gì quen quen. Cả gương mặt nữa. Tôi đã thấy nó ở đâu nhỉ?

– Tôi là người hiện đại. – ông ta tiếp tục câu chuyện vui vẻ – Lễ nghĩa là cái quái gì cơ chứ? Che mắt thế gian thôi. Cưới là cái tục thôi. Là để lên giường có giấy phép, hì hì, có sự thừa nhận chính thức của nhà nước, để không bị ghép vào tội hủ hoá, có đúng thế không nào? Ông trạc tuổi tôi, ông còn nhớ người ta trị cái tội ấy nghiêm khắc thế nào. Kinh lắm. Lũ trẻ bây giờ chúng nó măng phú hết, chúng nó đếch cần lễ nghĩa gì ráo…

– Quả có thế.

– Ở bên Tây này khỏi nói, dưng mà ở trong nước cũng thế, mới lạ. Gọi là sống thử, chưa cưới cũng ở chung, vui ra phết… 

– Dù sao thì…

– Ông muốn nói: cứ phải theo thủ tục của ông bà để lại mới tốt chứ gì? Ờ, thì cũng tốt, cũng tốt thôi, tôi không chống. Thừa còn hơn thiếu, ít nhất thì để cho bà nhà tôi sướng, làm như thế, tức là đủ thủ tục thì bà ấy sướng lắm đấy…

– Dạ.

– Ông thấy cần làm gì cứ làm, tôi không phản đối. Mà này…

– Ông bảo sao?

Ông ta suồng sã nháy mắt với tôi:

– Có cái hủ tục ấy anh em mình mới có dịp gặp lại nhau chứ.

Thế là thế nào? 

Trong một thoáng tôi sực nhớ: phải rồi, trước mặt tôi, người đang nằm trên giường kia chính là tên công an đã hành tôi nhiều đêm trong một cuộc hỏi cung kéo dài bất tận. 

Chuyện là thế này. Tôi có bà cô ruột ở Sài Gòn. Qua họ hàng vào thăm bà biết tôi từng bị bắt đi cải tạo, bà thương tôi, khi sửa soạn vượt biên bà muốn đưa tôi cùng. Trước đó tôi còn không biết mặt bà. Cô cháu tôi không gặp may. Tên chủ tàu phản thùng. Nó thu vàng rồi báo công an. Cả tàu bị bắt. Tên Khởi này không phải là người hỏi cung chính, hồi ấy hắn mới là phụ tá. 

– Tôi nhớ ra rồi. Ông là… Điều tôi không ngờ là chúng ta lại gặp nhau ở đây. – tôi cười chua chát – Ông nhận ra tôi?

– Chứ sao! – hắn cười to – Trái đất tròn mà. Trí nhớ công an mà. Chúng tôi không quên cái gì. Chúng tôi được huấn luyện để không quên. 

– Tài thật. Bằng ấy năm rồi mà ông vẫn nhận ra ngay.

– Còn hơn thế nữa kia. Tôi còn biết tại sao lại là ông, chứ không phải bố thằng Hiếu, đến gặp tôi. 

– ???

Hắn nói chậm, rõ từng tiếng:

– Ông đến là vì cô đồng Lương không muốn giáp mặt tôi. 

Tôi ngạc nhiên. Phải nói là sửng sốt mới đúng. Chúng tôi chỉ thập thò ở cửa phòng bệnh của hắn chưa đến một phút. 

– Quỷ quái, ông đã nhìn thấy? Ông nhận ra ông ấy?

Vẻ đắc thắng, hắn hơi nhổm người lên, cười vào mặt tôi: 

– Sao không? Chỉ thoáng thấy ông ấy ở ngoài cửa là tôi nhận ra liền. Tôi biết: ông ấy còn căm tôi lắm. Ông khác, ông quên rồi.

Tôi lắc đầu, cố giữ vẻ bình thản: 

– Không, tôi không quên.

– Ông quên. Bằng chứng là ông không nhận ra tôi khi bước vào đây. Ngay cả khi ngồi trước mặt tôi, ông cũng không nhận ra. Ông chỉ nhận ra khi tôi nhắc.

– Tôi vốn không có tài nhớ mặt người. – tôi lạnh lùng – Nhưng sự việc thì nhớ. Có nhiều sự việc con người không thể quên. 

– Thế là tốt. Nhớ nhiều quá chẳng hay gì. 

Khởi cười khẩy, cái cười khẩy đểu cáng, làm tôi nhớ thêm một chi tiết trong cuộc hỏi cung. Đêm ấy hắn cũng cười như thế khi hỏi tôi: “Bà cô cậu bảo nếu tớ thả hai cô cháu cậu ra, bà ấy xin chết bốn cây. Liệu hai cô cháu cậu có định cho tớ leo cây không đấy?”

Tôi nhìn vào mặt hắn: 

– Tôi có điều không hiểu: tại sao ông lại ở đây?

– Dớ dẩn. Ông đặt một câu hỏi thừa, một câu hỏi không nên đặt ra tí nào. Câu trả lời rất đơn giản: cũng như các ông thôi. 

– Chúng tôi khác, ông khác. Ông ở trong đám người có quyền đè đầu cưỡi cổ kẻ khác. Ông đi làm gì?

Khởi vẫn không mất vẻ tươi cười:

– Tội nghiệp, ông âm lịch quá. Con người ta sinh ra đã biết lựa chọn rồi, đã biết so sánh rồi, so sánh là để lựa chọn cho đúng. Cái tốt hơn đặt bên cái tốt kém, thì cái tốt kém là cái xấu. Tôi chọn cái tốt hơn. Nếu không thể chọn cái tốt nhất. Ở trong nước cũng thế, ở đây cũng thế.

Tôi khen hắn, thật lòng:

– Ông thật tinh quái.

– Chúng tôi được dạy dỗ để trở thành tinh quái mà. – hắn cười, vừa độ lượng, vừa thoả mãn – Ông cứ xem các nhà lãnh đạo quốc gia của chúng ta bây giờ xem – có ông nào không giàu đâu. Tôi không làm được như họ, bởi vì tôi không có cái thế của họ. Hoặc tôi không tốt số như họ. Thì tôi phải đi tìm chỗ khác. Có thế thôi. Người như tôi nhiều. Người như ông với cô Lương hiếm. Ông không nên tự hào về sự hiếm ấy. Với tôi, đó là sự lạc hậu. 

Tôi mím môi, thở dài qua mũi.

Hắn nắm tay tôi:

– Quên, tôi chưa hỏi ông: cô Lương, à ông Lương, sang đây không làm ăn gì à? Không mở cái quán nào?

– Không. Ông ấy đi làm nhà máy. Rồi về hưu.

Hắn cũng thở dài: 

– Dại. Dại quá. Có tài nấu nướng như ông ấy, mở một cái imbiss cũng khẳm tiền. Có tiền là có điều kiện cho con ăn học đến nơi đến chốn. 

– Hai cháu cũng được học hành tử tế đấy chứ, cũng nên người đấy chứ. Tôi không thấy có gì đáng phàn nàn.

Hắn đặt bàn tay béo tốt, gần như mũm mĩm, lên tay tôi, một lần nữa:

– Thế này nhé! Chuyện thằng Hiếu với con Thuỷ coi như xong. Ông Lương không đến cũng được. Kể cả ông nữa. Cứ coi ông là người đại diện nhà giai đi. Không sao. Không phải chúng ta là người quyết định. Làm gì còn có sự gả bán nữa. Thời này không phải thời của chúng ta nữa rồi.

– Dù sao thì chúng tôi cũng phải có lời xin cháu về làm dâu đàng chúng tôi. Mình cứ là phải giữ cho đủ lễ. 

Hắn nhếch mép cười buồn. Rồi bảo:

– Con người ta tham lắm, ông ạ. Nói thật với ông, không muốn có một thằng rể chỉ tốt nghiệp trung cấp. Tôi muốn một thằng rể bét ra cũng phải kỹ sư, tiến sĩ. Hoặc một ông chủ công ty lớn. Hai đứa chúng nó đặt tôi vào thế kẹt. Biết làm thế nào? Thôi thì đành chịu vậy.

Khi tôi kiếu từ, hắn còn nói theo:

– Ông yên trí, tôi sẽ nhào nặn lại thằng Hiếu. Nó chịu khó, chăm làm, cũng có chút chí tiến thủ, không như bố nó. Cái nó thiếu mà tôi không thể cho nó được là nó không có cao vọng. 

9

Câu chuyện này đến đấy là kết thúc.

Nó là chuyện tầm phào, không đáng để kể. Nhưng, cũng như mọi chuyện tầm phào khác, nếu ta nhìn bằng cái nhìn chăm chú thì thể nào ta cũng tìm thấy trong đó một cái gì đáng để suy ngẫm, cho dù sau đó chẳng đi đến một kết luận rõ ràng. 

Tôi không tường thuật cho cô Lương nghe cuộc đối thoại giữa tôi với thằng Khởi. Nó không chỉ là kẻ thù của riêng cô Lương. Nó còn là kẻ thù của tôi nữa. Điều này tôi giấu, không nói ra. Nếu tôi nói, có thể cô Lương sẽ cảm thấy lòng căm thù của cô được san sẻ. Nhưng, khốn nạn thay, không phải vì được san sẻ mà hận thù nơi cô nhẹ đi. Có khi nó còn nặng thêm, vì cô thấy nó có lý hơn.

Chỉ có thời gian mới có khả năng xoá đi hận thù. Mà thời gian đủ để xoá là bao lâu thì không ai biết, không ai có thể chỉ ra.

Ba năm liền, hai ông thông gia không giáp mặt nhau, không gửi cho nhau một lời hỏi thăm.

Năm thứ tư, tôi bắt gặp hai kẻ thù một thời đi cùng nhau ở quảng trường Brandenburg. 

Họ đi bên nhau, mỗi người nhìn về một phía, mặt lạnh tanh. Giữa hai người là đứa cháu mới chập chững biết đi. 

Nó cười toe toét, tin cậy giao hai bàn tay bé tí cho hai ông nó dắt. 

2001

Advertisement
   

1 COMMENT

  1. I’ve been visiting this site for years, and it never fails to impress me with its fresh perspectives and wealth of knowledge. The attention to detail and commitment to quality is evident. This is a true asset for anyone seeking to learn and grow.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here