3
Tôi gặp lại cô Lương ở một nơi mà cả hai đều không ngờ: trại tị nạn Hồng Kông.
– Giời ạ, cậu?! – trông thấy tôi, cô Lương túm lấy, mừng quýnh. Rồi trợn mắt lên, thì thào – Cậu, sao lại ở đây?
– Thì có gì lạ?
– Cậu là cán bộ kia mà.
Cô Lương thay đổi đến khó nhận ra: son phấn không, áo quần luộm thuộm, nhếch nhác, trên mép là một hàng ria nham nhở. Bây giờ tôi không còn là khách hàng nữa, cô gọi tôi bằng “cậu”. Tiếng “cậu” của ta có nhiều nghĩa, là cách bạn bè thân mật gọi nhau, cách con gọi cha, vợ gọi chồng, cháu gọi em ruột của mẹ. Còn khi dùng với người ngoài không gần gụi, nó lại là cách xưng hô tỏ sự tôn trọng đối với người có vai vế hơn mình.
– Cán bộ thì đã sao? – tôi ôm chầm lấy cô – Đến đây lâu chưa?
– Hai năm rồi. Còn cậu?
– Mới.
– Em tưởng chỉ có dân chúng em khổ quá mới phải đi thôi – cô Lương cụp mắt nhìn xuống bàn chân đầy bụi di di trên mặt đất – Ai tự dưng bỏ nhà bỏ cửa, bỏ quê hương bản quán? Báu lắm đấy, cái đồng đất xứ người… Mà tại sao cậu cũng đi?
– Chuyện dài – tôi đáp – Lúc nào rảnh, tôi kể. Còn cô, đang đắt khách sao lại dẹp hàng, rồi ở đây?
– Cũng là chuyện dài, cậu ơi.
Chuyện dài ấy là thế này:
Trước, hai mẹ con cô Lương là xã viên hợp tác xã thu mua đồ phế thải, nôm na là hợp tác xã đồng nát. Dân ta vốn thích oai, gọi vống lên cho sướng, chứ xã viên của cái hợp tác xã này vẫn là những bà đồng nát ngày trước. Đòn gánh trên vai, hai đầu hai thúng, họ lang thang khắp phố phường mua đủ thứ đồ vứt đi: sắt vụn, nồi thủng, mâm bẹp, giấy lộn, tóc rối…, đem bán lại cho các vựa. Để được phép làm việc ấy, tháng tháng họ phải đóng một khoản tiền cho hợp tác xã, coi như mua sự hợp pháp. Mẹ cô Lương là con gái Ước Lễ. Làng này nổi danh cả nước về nghề giò chả. Chồng chết sớm, bà mở hàng ăn kiếm sống, nuôi con. Có nghiệp tổ, miễn chăm làm thì không giàu được cũng đủ sống. Mở hàng mới được ít lâu thì đùng một cái, nhà nước ra lệnh cấm tiệt mọi nghề dính dáng tới lương thực, tức là tuốt tuột mọi thứ – gạo, ngô, khoai, sắn và bất cứ thứ gì có chứa tinh bột. Vốn liếng thế là tong. Cũng có vài hàng phở, hàng cháo lòng đánh liều, bán chui trong nhà. Bà không có cái gan ấy. Để được bán chui phải chạy vạy, phải đi đêm với đủ loại quan nha, chức sắc: cán bộ phòng thuế, cán bộ quản lý thị trường, công an khu vực… mới yên. Suy đi tính lại, chỉ có cái nghề mạt hạng, bị khinh khi, là nghề đồng nát, người ta mới không nhòm đến.
Cuộc sống vất vả làm sức khoẻ bà suy sụp, rồi mất. Cô Lương còn lại một mình. Cô bỏ gánh giấy vụn, đi làm thuê cho một quán phở chui. Cho đến khi ông nhà nước thấy cuộc sống sa sút quá, kinh tế xuống dốc quá, thành phố tiêu điều quá, mới rộng lượng ngoảnh mặt đi cho những người buôn thúng bán bưng muốn làm gì thì làm, cô Lương nhớ nghề tổ mới dám nghĩ tới việc vay mượn họ hàng sắm sanh gánh bún mọc cho mình. Rồi lấy vợ, đẻ con.
Ai ngờ một gánh bún mà làm nên cơ đồ.
Cô Lương trở nên giàu có. Nói giàu là nói trong khái niệm tương đối. Giàu ở đây là có nhiều tiền hơn người quanh mình thôi, chứ chẳng phải thiên ức vạn tải gì. Có đồng ra đồng vào, cô cũng chẳng sung sướng. Thời bấy giờ, giàu cũng là cái tội cái nợ. Sắm sửa thì hàng xóm biết, gửi tiết kiệm nhiều tiền thì nhà nước biết. Phải tìm mọi cách giấu cho kín cái giàu, không được hở cho bất cứ ai. Đã trở thành thói tục: người này theo dõi người kia, nhà này nhòm ngó nhà khác, không trừ cả thân thuộc. Thành thử cô Lương phải hết sức giấu giếm cái sự giàu của cô. Nhưng chẳng lẽ cứ tích tiền để đấy trong lúc nó mất giá hàng ngày?
Nhờ ông anh họ mách nước, cô trở thành người “chơi” đồ cổ. Ông này rất sành sỏi trong lĩnh vực gốm sứ, nghe nói vậy. Đến Viện bảo tàng Lịch sử cũng phải mời ông ấy cố vấn mỗi khi phải xác định niên đại một hiện vật mà nhận định của các chuyên gia không thống nhất. Người như thế lẽ ra phải ở trong biên chế, nhưng ông không thể có cái đó vì lý lịch – cha ông có thời làm thông phán trong phủ Toàn quyền.
Ông khuyên cô:
– Chú cứ nghe tôi: để tiền vào đồ cổ là an toàn nhất hạng. Nó là thứ không thiu không thối, càng để lâu càng có giá. Chú quen nghề đồng nát, biết nhiều nhà, cứ lân la dò hỏi, biết đâu đấy, có khi vớ được của quý cũng nên. Gặp đồ cổ chú cứ gọi tôi, tôi biết cái gì quý, cái gì không quý, trả bao nhiêu là vừa. Nhà nước mua lại đồ cổ của dân bằng giá rẻ mạt, chẳng ai muốn bán. Dân đào được đồ cổ cũng bị thu mua, chỉ được tí tiền gọi là bồi dưỡng. Mình trả cao hơn nhà nước là người ta bán liền. Quen rồi, người nọ mách người kia, mình sẽ mua được khối thứ quý. Mua rồi cứ để đấy.
Cô hỏi ông anh:
– Mua để đấy phỏng có ích gì?
– Xì, chú không biết nhìn xa.
– Là thế nào ạ?
Ông nói chắc nịch:
– Thể nào rồi cũng có một ngày khác bây giờ. Cứ thế này mãi có mà chết. Lúc ấy chú cứ gọi là ngồi trên đống của.
Cô Lương nghe lời ông anh. Cô làm quen với giới buôn đồ cổ “chui”. Cô dò hỏi, cô lùng sục, gặp đồ nào ông anh bảo là đồ quý, cô mua. Dần dà, cái việc không quen trở thành quen, thành đam mê. Nhờ sự dạy dỗ của ông anh, riết rồi cô cũng trở thành một chuyên gia đáng nể. Cầm cái bát, cái đĩa hay lọ độc bình lên, ước lượng nặng nhẹ để biết xương, xem men, xem dáng, cô có thể nói ngay niên đại của món đồ, thuộc đời nào Tống, Đường, Minh, Thanh hay Lý, Trần. Lê mạt. Còn hơn chuyên gia, cô sở hữu một số đồ độc nhất vô nhị.
Các cụ nói: cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, đồ cổ thì thứ nào cũng lớn hơn cái kim hết. Thế rồi một ngày kia có người chào cô mấy cái đĩa men ngọc đời Lý, lại là men rạn, cực hiếm. Cô mua ngay. Cuộc mua bán vừa xong tay là công an ập vào. Họ nói được báo có những hiện vật bảo tàng vừa bị mất trộm, chính là mấy cái đĩa ấy. Để “làm rõ” lý lịch những đồ cổ khác, người ta thu tất tần tật các thứ cô Lương tích cóp được. Cô Lương bị tống giam vì tội “tiêu thụ của gian”. Cô ở tù gần một năm, không xét xử, gọi là giam cứu.
– Rồi họ xác minh cô vô tội?
– Làm gì có chuyện ấy?! – cô cười gằn – Họ bảo em nhận tội đi rồi họ tha, không nhận thì cứ ở đấy.
– Rồi cô nhận?
– Chứ sao.
Ra tù, cô trắng tay. Với tấm giấy tạm tha trong túi. Cô vợ xinh gái đi theo một tay cán bộ phòng thuế. Có thể gây dựng lại cuộc đời bằng gánh bún mọc, như trước kia, nhưng cô không còn sức, nói cho đúng, sau khi ở tù ra cô chán mọi sự đời, không còn ý chí, không còn ham muốn. Nghe người ta mách, cô dắt hai con xuống Hải Phòng tìm đường đi xứ khác. Cũng lại do ông anh họ chuyên gia đồ cổ:
– Chú đi đi, chú đã bị bỏ tù một lần, coi như có tì vết, không tiền án cũng tiền sự, ở đây khó sống lắm. Giờ người ta đi ầm ầm. Tôi xin lỗi chú. – ông quệt nước mắt, sụt sùi – Cũng là tại cái thằng tôi, chú mới sa vòng tù tội…
Chuyện vượt biên xưa như trái đất, khỏi kể. Sóng gió, đói khát, cạn nhiên liệu, chìm tàu… vân vân. Tất cả những cái đó xảy ra với bất kỳ ai.
4
Tôi bằng lòng đi Berlin với cô Lương. Cô nói không có tôi đi cùng, cô sẽ lúng túng, không biết ứng xử thế nào với nhà gái cho phải phép.
Ở nhà cô, một chàng trai cao, to, để ria mép, trân trân nhìn tôi.
– Cháu Hiếu đấy – cô Lương nói, vẻ tự hào pha ngượng nghịu.
– Chào cháu – tôi chào nó, biết rằng nó sẽ không chào tôi trước – Bác không nhận ra cháu đấy.
– Gutten tag … – nhìn tôi, nó nói – Bác khoẻ?
Cô Lương liếc tôi, cái nhìn biết lỗi.
– Khi chúng mình gặp lại nhau, cháu mới bằng ngần này. – tôi cười xoà với cô Lượng, rồi giơ bàn tay úp sấp làm hiệu chỉ chiều cao của nó hồi ấy – Từng ấy năm, cháu làm sao nhớ được tôi là ai.
Nghe cô kể thì thằng Hiếu sáng dạ, học trung cấp cơ khí, bây giờ đã là trưởng ca hay trưởng kíp gì đó trong một nhà máy, công việc tốt, lương cao.
– Ba, con ra tiệm nét một lát – nó bước ra cửa – Con đi chếch meo . Máy của con vừa bị đao . Ba với bác chuẩn bị sẵn sàng nhé!
Tôi nhớ lúc còn nhỏ, hai đứa con cô Lương không gọi cô bằng “ba”. “Ba” hiện đại hơn, sang hơn “bố”. Đi ngang tôi, thằng Hiếu vẫy tay:
– Chuýt !
Thì ra cái Audi đen bóng đậu ngoài phố, lối vào nhà, là của nó.
– Bọn trẻ giờ thế cả. Không biết lễ phép là gì – cô Lương thở dài – Sang đây chúng nó thành Tây hết. Nó vừa nói cái gì vậy, cậu?
Tôi giải thích. Cô Lương không biết computer là cái gì.
– Cậu đừng chấp – cô Lương bảo tôi – Thế là toi cái Tết. Mình lên đấy rồi về chắc gì kịp ăn Tết. Em mời cậu Tết này ăn Tết với em, mời thật tình, mà hoá ra mời rơi. Cậu vào đây mà xem: em đã lo sẵn hết cả: măng lưỡi lợn nhá, chân giò nhá, lá giong gói bánh nhá, thịt xay làm mọc nhá… tất tần tật. Em nghĩ lại rồi, em đi một mình cũng được, bắt tội cậu đi với em những ngày này, em ái ngại quá.
– Vẽ, đi là đi. Tôi nói rồi, với tôi ngày Tết chẳng có gì quan trọng. Cô đừng nghĩ ngợi.
– Thằng Hiếu lấy Tây hay ta đấy?
– Ta, cậu ạ. May thế!
Cô chị thằng Hiếu lấy Tây. Bố vợ với con rể chỉ gút tần tác, gút tần nác với chuýt là hết chuyện. Cô Lương rầu lắm. Cô còn rầu hơn nữa là đến bẹo má thằng cháu ngoại một cái cũng không được, sờ cái giống của nó cũng bị cấm – Tây nó không thích. Nó sợ cô làm bẩn con nó.
Cô phân trần:
– Nhà gái đòi phải có chạm ngõ, ăn hỏi, rồi mới cho cưới. Lôi thôi quá, cậu ơi. Lần trước gọi điện về, thằng Hiếu đã giục. Em bảo: để thư thư, Tết ra đi cũng được. Đùng một cái, ông bố vợ nó bị đâm xe.
– Nặng không?
– Nặng, mới khổ. Bà mẹ vợ bảo thằng Hiếu phải tức tốc về đón em lên để chính thức có nhời với người ta. Nếu chẳng may ông ấy có mệnh hệ nào họ còn cho cưới chạy tang.
– Hiểu rồi. Cô biết nhà gái chứ?
– Thằng Hiếu có nói gì trước với em đâu.
Mặt cô Lương chảy dài. Khi cô buồn, hay là có điều suy nghĩ, cô bước những bước chậm chạp, cái lưng gù xuống.