Những phận người khốn khổ

0
8
Đôi dép nhựa tổ ong của Blogger Điếu Cày khi ra khỏi nhà tù sang Mỹ.

Tuấn Ngô

Một vụ việc rất đau lòng diễn ra cách đây không lâu tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, tôi đã có cơ hội để ngăn nó không xảy ra nhưng tôi đã không may mắn. 

13/13 bị cáo trong vụ án đều là nông dân, nghề của họ là làm ruộng. Sự kiện diễn ra trên chính mảnh đất của họ khi mà họ không đồng tình với dự án làm nghĩa trang trên làng quê của mình. Vẫn như nhiều dự án khác, chủ đầu tư là kẻ mạnh, nhiều tiền, lắm quan hệ và dự án có nhiều điểm sai phạm nhưng cách hành xử của bà con nông dân trong tình huống này là không đúng. Chiều hôm trước khi xảy ra sự kiện, người được xem là “cầm đầu” của những người dân đã về Hà Nội gặp tôi, nhờ tôi giúp đỡ để khiếu nại/tố cáo các sai phạm của dự án này. Trong buổi tư vấn, ngoài việc lắng nghe các nội dung liên quan, tôi đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng, để đi đến đích phải rất lâu, phải kiên trì và đấu tranh bất bạo động, đừng bao giờ lấy trứng chọi đá, hậu quả sẽ khôn lường. Họ vâng vâng, gật gật ra vẻ hiểu chuyện rồi ra về; nhưng chiều hôm sau đã nghe người nhà gọi điện thông báo là họ đã bị bắt cùng với khoảng 40 người khác vì hành vi gây rối trật tự công cộng (ném phân vào người khác).

Có lẽ tới khi bị bắt, họ mới hiểu và thấm thía điều tôi nói. Hành động nhỏ nhưng hậu quả mà họ để lại cho mình và gia đình là vô cùng lớn. Khoảng 2/3 người bị bắt sau đó lần lượt được thả về; ai nấy mặt cắt không còn giọt máu, không ai còn dám nghĩ tới những từ như “nghĩa trang” hay “khiếu nại” nữa. 13 người bị khởi tố nhưng chỉ có 1 người có trợ giúp viên pháp lý nhà nước hỗ trợ (có lẽ là gia đình thuộc diện chính sách), phần còn lại không ai có luật sư. Điều đáng ngờ là sau khi một số người bị bắt, gia đình họ được thuyết phục không nhờ luật sư, còn được vẽ cho đường “chạy” với những con số định sẵn (thông tin này tôi sẽ kiểm chứng thêm và cung cấp cho cơ quan chức năng khi đủ cơ sở). Người được xem là “cầm đầu” được gia đình mời luật sư vào phút chót (là tôi) nhưng sau khi tôi nộp xong thủ tục luật sư tại toà, chỉ chưa đầy 03 giờ đồng hồ sau, tôi nhận được thông tin từ người nhà rằng thân chủ mình từ trong trại gọi ra là đã từ chối luật sư vì tin rằng làm vậy sẽ được hưởng mức án nhẹ hơn…

Vậy là, giống như bao cuộc đấu tranh thất bại khác, từ những hành động đúng, hợp pháp nhưng vì thiếu hiểu biết, nóng vội, bức xúc nhất thời đã khiến những nổ lực bấy lâu nay của họ trở nên vô nghĩa. Phiên toà xét xử những người nông dân chân đất sẽ được diễn ra vào sáng ngày mai, ngày 18/01/2022 mà không có bất kỳ một luật sư nào sau khi đề nghị được gặp thân chủ tại trại tạm giam bất thành. Và, một khi tôi không được gặp thân chủ để hỏi, làm rõ băn khoăn của mình thì tôi có quyền đặt ra nghi vấn rằng những nội dung trong văn bản, lời nói khi không có mặt tôi chưa đích thực là ý chí của thân chủ tôi hay không. Thật khiên cưỡng nếu tôi tin ngay rằng đó là sự thật và tôi cũng khó lòng thuyết phục các bạn tin đó là sự thật. Những người nông dân vốn đã yếu kém về mặt pháp lý, khi ra toà lại không có bất kỳ ai bảo vệ họ, chúng ta liệu có đang đối xử công bằng với họ? Phiên toà có thực sự là phiên toà khi tất cả tứ bề đều vang lên tiếng dạ, thưa và lời nhận tội, ăn năn hối cãi, thành khẩn khai báo của những người suốt đời quanh quẩn với ruộng đồng? 

Thật buồn khi đi khiếu nại cho nhiều người dân trong vô vọng nhưng buồn hơn khi họ cùng quẩn mà làm liều dẫn tới những hệ quả đau lòng: con người đấu tranh thì rơi vào vòng lao lý còn vụ việc cần giải quyết bị rơi vào quên lãng. Tôi không biết phải nhắc thêm bao nhiêu lần nữa để mọi người tỉnh ngộ rằng bạo lực sẽ không bao giờ dẫn tới một kết quả tốt đẹp, dù nó tới từ bất kỳ phía nào, nhất là từ phía kẻ người yếu thế. Việc đấu tranh bằng bạo lực của những người nông dân là lấy trứng chọi đá, chỉ chuốc lấy thất bại, hao quân tốn của và làm giảm đi ủng hộ của một bộ phận dân chúng vì hành động ấy khiến nhiều người trong số họ thấy phản cảm thì ít nhưng lo sợ thì nhiều hơn.

Tôi viết những dòng chữ này trên đường từ Tuyên Quang về lại Hà Nội mà lòng nặng trĩu. Tôi không buồn vì thân chủ đã từ chối tôi mà tôi có cảm giác như tôi đang bỏ rơi họ, hay đúng hơn là chúng ta đang bỏ rơi họ – những số phận dễ bị tổn thương…