Jonathan Chait, tạp chí The Atlantic
Những nhà lãnh đạo độc tài trở nên nguy hiểm nhất khi họ được ủng hộ. Việc tàn phá nền kinh tế khó có thể giúp Trump mở rộng thêm sự ủng hộ.
Donald Trump chỉ cần làm một việc: bắt đầu thuyết phục mọi người rằng nền kinh tế hiện đang tốt đẹp. Ông tiếp quản nền kinh tế giữa giai đoạn mở rộng, rồi không cần thay đổi xu hướng tăng trưởng vốn có, vẫn khiến cả nước tin rằng chính mình tạo ra sự thịnh vượng. Đó là chiến lược ông áp dụng sau khi thắng cử nhiệm kỳ đầu, và cũng là điều Đảng Dân chủ lo ngại ông sẽ lặp lại lần này.
Nhưng Trump đã không thể làm điều dễ dàng và hiển nhiên ấy, có vẻ vì ông không coi nhiệm kỳ đầu của mình là thành công. Ông xem đó là thất bại, và đổ lỗi cho nhóm cận thần — những trợ lý, quan chức hành chính, và đồng minh trong Quốc hội — những người đã thuyết phục ông từ bỏ bản năng hoặc phớt lờ chúng. Nhiệm kỳ thứ hai đã trở thành “Phiên bản Trump Toàn phần”, khi mọi ý tưởng ảo tưởng hoặc lạm quyền nhất của ông đều lập tức biến thành chính sách, bất chấp chuẩn mực dân chủ, pháp luật, Hiến pháp, dư luận, hay thậm chí cả sự phản đối yếu ớt từ chính đảng của ông.
Đó là lý do tại sao nhiệm kỳ thứ hai của Trump đe dọa nền cộng hòa nghiêm trọng hơn nhiều so với nhiệm kỳ đầu. Nhưng cũng chính vì thế mà nhiệm kỳ này đối mặt với nguy cơ thất bại thảm khốc. Không gì minh họa rõ hơn điều này bằng việc Trump cố chấp áp đặt mức thuế quan khổng lồ, một hành động phá hoại nền kinh tế Mỹ.
Chiều nay, trong một sự kiện được chính quyền quảng bá rầm rộ là “Ngày Giải phóng,” ông Trump đã công bố kế hoạch đã được hé lộ từ lâu về việc áp đặt các biện pháp hạn chế thương mại có đi có lại với mọi quốc gia đặt rào cản lên hàng xuất khẩu của Mỹ. Dù ít nhất một số nhà kinh tế có thể ủng hộ một số loại thuế quan nhất định—như những biện pháp nhắm vào các nước vi phạm thương mại trắng trợn, hoặc nhằm bảo vệ một số ngành công nghiệp chiến lược—ông Trump đã lao vào áp dụng phiên bản “cào bằng” toàn diện, điều này chẳng mang lại gì ngoài việc đẩy giá cả tăng cao và mời gọi sự trả đũa nhắm vào hàng xuất khẩu của Mỹ. Đúng với tình thế của một “vua điên” đang diễn ra, kế hoạch mới áp thuế 20% lên Liên minh châu Âu (EU), lý do phần nào là để đáp trả hệ thống thuế giá trị gia tăng (VAT) của khối này — dù thuế VAT được áp dụng đồng đều cho cả hàng nhập khẩu và nội địa, nên về bản chất không hề là rào cản thương mại. Chứng khoán Mỹ vốn đã giảm liên tiếp nhiều tuần do lo ngại trước các mức thuế này, tiếp tục lao dốc mạnh hơn sau thông báo của ông Trump.

Ông Trump không phải tổng thống đầu tiên đối mặt với biến động kinh tế. Nhưng ông có thể trở thành người đầu tiên giết chết một nền kinh tế đang phát triển ổn định bằng một sai lầm “tự ngã” gần như cả thế giới đều thấy trước. Lý giải hợp lý nhất cho việc Trump kiên quyết áp thuế quan là ông thực sự tin rằng chúng là nguồn tiền “miễn phí” do người dân nước ngoài cung cấp, và không ai có thể khiến ông thay đổi suy nghĩ. (Thuế quan là loại thuế đánh vào hàng nhập khẩu, mà các nhà kinh tế học đều khẳng định chủ yếu do người tiêu dùng nội địa gánh chịu thông qua việc giá cả tăng cao.)
Ông ta đã làm trầm trọng thêm những thiệt hại không thể tránh khỏi đối với lòng tin của giới kinh doanh từ bất kỳ kế hoạch thuế quan lớn nào bằng cách công bố ý định trong nhiều tháng nhưng lại lúng túng khi quyết định các chi tiết, khiến đầu tư kinh doanh bị tê liệt. Ngay cả khi xét theo chính những điều kiện của kế hoạch, một phiên bản thành công từ đề xuất của Trump cũng sẽ đòi hỏi những xáo trộn đau đớn trong nền kinh tế toàn cầu. Hoa Kỳ sẽ phải xây dựng các ngành công nghiệp mới để thay thế lượng hàng nhập khẩu mà họ đang phong tỏa, và khoản đầu tư này đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ tin rằng Trump sẽ không tự đảo ngược quyết định, mà còn phải chắc chắn rằng các mức thuế ông áp đặt sẽ tiếp tục tồn tại sau ngày 20 tháng 1 năm 2029.
Kịch bản có khả năng cao nhất có lẽ là một sự dàn xếp nửa vời, với tăng trưởng chậm lại và lạm phát tăng cao. Ngay cả những động thái ban đầu của Trump về việc áp thuế rộng rãi cũng đã khiến nền kinh tế chao đảo và đẩy kỳ vọng lạm phát lên cao. Vào thời điểm này, việc quay trở lại mức tăng trưởng ổn định và lạm phát được kiểm soát như thời kỳ Trump tiếp quản sẽ đòi hỏi rất nhiều may mắn.
Tại sao không ai xung quanh Trump can ngăn ông ấy mắc sai lầm này? Bởi chính quyền nhiệm kỳ hai của ông đã quyết tâm loại bỏ những cố vấn từng ngăn cản các khuynh hướng độc tài nhất trong nhiệm kỳ đầu lẫn những ý tưởng kinh tế nguy hiểm của ông. Trái ngược hoàn toàn, phiên bản hiện tại của Đảng Cộng hòa trên toàn quốc lại dốc lòng ủng hộ một tuyên bố gần đây được in trên chiếc mũ bóng chày của Elon Musk: “Trump đã đúng về tất cả mọi thứ”. 

Trong bầu không khí này, việc chất vấn bản năng của Trump bị xem như hành động phản bội, và ông đã cho thấy một cách rành rọt những gì đang chờ đợi những kẻ “bất trung”. Như The Washington Post đưa tin, “Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã ngần ngại bày tỏ lo ngại công khai, theo những người am hiểu các cuộc thảo luận giữa Nhà Trắng và các tập đoàn hàng đầu, vì sợ mất chỗ ngồi trong các cuộc đàm phán hoặc trở thành mục tiêu tấn công của tổng thống”. Khi được hỏi gần đây về triển vọng thuế quan, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đã nói một cách đầy ẩn ý: “Hãy nhìn đi, bạn phải tin vào bản năng kinh tế của tổng thống” — cụm từ chứa đựng ý nghĩa kép (phải) giống như “lời đề nghị không thể từ chối” của Don Corleone.
Tình thế này cho phép Trump thoải mái làm mọi điều theo ý muốn, và chắc hẳn ông cảm thấy vô cùng hài lòng. Tuy nhiên, hậu quả chính trị đối với chính quyền và đảng của ông có thể trở nên thảm khốc. Những thăm dò dư luận về năng lực quản lý kinh tế của Trump – vốn là “tấm đệm” giúp ông trụ vững trước làn sóng ghét bỏ tính cách của ông trong công chúng – đã sụt giảm nghiêm trọng. Đáng chú ý, điều này xảy ra khi người dân Mỹ chưa thực sự hứng chịu trọn vẹn hậu quả từ cuộc chiến thương mại do ông khơi mào. Một khi họ phải đối mặt với giá cả leo thang khắp mọi ngành và tăng trưởng ì ạch, nền tảng ủng hộ cuối cùng dành cho Trump có thể sụp đổ không phanh.
Một phát ngôn viên của Fox News gần đây đã “lên lớp” khán giả rằng họ nên chấp nhận hy sinh vì các mức thuế quan của Trump, giống như cách đất nước hy sinh để chiến thắng một cuộc chiến. Những người ủng hộ Trump cuồng tín cứng rắn có thể chấp nhận lập luận này, nhưng khối cử tri quan trọng – những người từng ủng hộ Trump vì xem ông là “thiên tài kinh doanh” – khó lòng đi theo. Họ không coi chiến tranh thương mại là điều cần thiết. Hai thập kỷ trước, dư luận Mỹ còn phân vân giữa việc xem thương mại quốc tế là mối đe dọa hay cơ hội. Nhưng ngày nay, hơn bốn phần năm người Mỹ coi thương mại toàn cầu là cơ hội, trong khi chỉ 14% – giống Trump – coi đó là mối nguy.
Như các nhà khoa học chính trị Steven Levitsky và Lucan Way chỉ ra: “Các nhà lãnh đạo độc tài gây ra nhiều tổn hại nhất khi họ nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ công chúng.” Những kẻ độc tài như Vladimir Putin hay Hugo Chávez đã chứng minh rằng việc độc chiếm quyền lực sẽ dễ dàng hơn nhiều khi công chúng đứng sau chương trình nghị sự của họ. Tuy nhiên, sự ủng hộ dành cho Trump hiện đang chao đảo. Ông càng trở nên kém được lòng dân, đồng minh và đối thủ của ông càng ít tin rằng ông có thể giày đạp lên cổ phe đối lập mãi mãi — và họ càng ít có khả năng tuân thủ các yêu cầu của ông.
Sự lao dốc của Đảng Cộng hòa vào vòng xoáy tôn sùng cá nhân độc tài đang đặt nền dân chủ Mỹ trước mối đe dọa hiểm nghèo. Nhưng nghịch lý thay, chính điều này cũng có thể là cứu cánh cho nó.
Nguồn: Nguyễn Thanh Quang.
Bài gốc: The Atlantic
Thanks I have just been looking for information about this subject for a long time and yours is the best Ive discovered till now However what in regards to the bottom line Are you certain in regards to the supply
I’ve been following your blog for some time now, and I’m consistently blown away by the quality of your content. Your ability to tackle complex topics with ease is truly admirable.
Wow superb blog layout How long have you been blogging for you make blogging look easy The overall look of your site is magnificent as well as the content