TTO – Đưa tin vạch trần tội ác của Tổ chức Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria cũng nghiệt ngã không kém ở Iraq. Ahmed Abdul Qadir đã trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng vẫn bị sát thủ IS truy sát đến chấn thương nặng.
Ahmed Abdul Qadir nằm viện sau khi bị bắn tại Thổ Nhĩ Kỳ – Ảnh: Middle East Eye |
Chừng nào IS còn ở đó, tôi sẽ không thể về nước. Nếu chúng bắt được tôi, kết quả sẽ như nhau thôi, đó là tra tấn đến chết |
Ahmed Abdul Qadir |
Tố cáo tội ác IS
Ahmed Abdul Qadir, 36 tuổi, lớn lên tại thành phố Raqqa ở miền bắc Syria. Cha anh làm nghề phân phối gas nuôi gia đình tám miệng ăn. Học xong trung học, anh làm việc cho cơ quan hành chính địa phương. Nội chiến Syria bùng nổ. Các đơn vị phe đối lập được thành lập tại Raqqa. Quân đội chính phủ rút lui.
Một ngày tháng 6-2013, loa phóng thanh thông báo: “Từ nay về sau, các bạn đã sống trong Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và phương Đông”. Người dân tổ chức biểu tình. Khoảng một chục người bị bắn chết. Lực lượng của phe đối lập bỏ chạy. Các phần tử IS tiếm quyền.
Ahmed Abdul Qadir tìm nơi ẩn náu. Năm tháng sau, được bạn bè bắn tin IS đã phát hiện chỗ trốn của anh, Ahmed chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ. Một thời gian sau, anh đưa vợ con và gia đình sang cư trú tại Sanliurfa, cách biên giới Syria 50km.
Tại đây, anh cùng một số bạn đồng chí hướng lập trang tin tố cáo tội ác của IS ở Raqqa. Kế đến, anh lập thêm trang web kiêm đài phát thanh và tạp chí mang tên “Eye on the Homeland” để phát các bản tin tố cáo cách thức IS gây tội ác ở Syria.
Lực lượng cộng tác viên cho nhà báo tự do Ahmed Abdul Qadir là những người bạn cũ còn ở lại Raqqa. Trang web của anh từng tiết lộ danh tính bọn chỉ huy IS, bộ máy tổ chức của chúng, danh tính các nạn nhân bị sát hại, chuyện bọn IS đào ngũ và các vụ đấu đá trong nội bộ IS.
Bọn IS không hề muốn bị nói xấu. Ahmed bị đe dọa ngày càng thường xuyên hơn. Hàng trăm tin nhắn hăm dọa gửi cho anh qua Internet hay cài trước cửa nhà anh. Tháng 10-2015, cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ báo tin cho anh rằng họ đánh giá những lời đe dọa ấy là nghiêm túc.
Sát thủ truy lùng
Cùng thời gian đó, một người anh em bà con của Ahmed giới thiệu một thanh niên viện cớ trốn tránh IS ở Raqqa muốn gặp mặt anh. Hai anh em Ahmed và Ibrahim, 21 tuổi, đã tiếp đãi khách nồng hậu.
Vài ngày sau, người khách nọ mời em trai Ibrahim cùng bạn học đi ăn tối. Cả hai đã bị đâm, riêng Ibrahim bị cắt cổ. Sát thủ IS ra tay xong đã quay về Syria. IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Hay biết hung tin, Ahmed liền dọn sang nhà khác ở Sanliurfa.
Một đêm tháng 3-2016, anh bị hai kẻ lạ mặt tấn công và nổ súng trên đường phố nhưng anh thoát thân. Ba tháng sau, anh vừa lên ôtô của một người bạn thì bị bắn qua cửa sổ ba phát đạn. Một viên bắn vỡ hàm anh.
Trước tình thế căng thẳng, Ahmed đã đưa vợ và hai con sang Pháp tị nạn. Bọn IS không buông tha. Chúng bắn tin biết anh đang ở Pháp và cái chết của anh đã được lập trình. Một tin nhắn trên mạng hăm dọa: “Mày đừng tưởng an toàn ở Paris. Chắc chắn bọn tao sẽ bắt được mày tại Pháp”.
Đồng cảnh ngộ với Ahmed Abdul Qadir còn có đặc phái viên Alaaeddin Sallal. Anh cùng cha mẹ và bảy anh em sống tại Hama (Syria). Sau khi học chính trị học tại thủ đô Damascus, anh mở cửa hàng tin học và quán cà phê Internet để mưu sinh.
Nội chiến bùng nổ ở Syria năm 2011. Anh về quê nội ở Idlib. Tại đây, anh đã giúp nhiều phóng viên nước ngoài tác nghiệp, sau đó được kênh truyền hình Al Arabiya (Saudi Arabia) chú ý tuyển dụng rồi đưa sang Thổ Nhĩ Kỳ tập huấn.
Anh đã bị IS và nhóm khủng bố Mặt trận Al Nusra (chi nhánh Al Qaeda ở Syria, tên mới là Jabhat Fatah al-Sham) săn lùng vì quay phim cảnh chúng hành quyết người vô tội.
Tháng 7-2014, anh bị các tay súng Mặt trận Al Nusra bắt cóc và tra tấn. Ba ngày sau, nhờ một giáo sĩ Hồi giáo vận động nên anh được thả tự do. Dù vậy, bản án tử hình lúc nào cũng treo lơ lửng.
IS thông báo truy lùng “kẻ phản bội Alaaeddin Sallal” đã làm việc cho đài truyền hình nước ngoài và sẽ thưởng xứng đáng cho người nào bắt giữ anh.
Tình hình ngày càng bất an, tháng 8-2015 anh sang Thổ Nhĩ Kỳ lánh nạn, sau đó tiếp tục sang Pháp xin tị nạn vào tháng 4-2016. Trả lời báo Le Télégramme hồi tháng trước, chàng thanh niên 29 tuổi này cho biết mình luôn mơ ước ngày quê hương thanh bình sẽ trở về Syria tiếp tục làm báo.
Trả thù và bịt miệng
Nhà báo Mohammed al-Abdullah – người Syria, đang lánh nạn tại Cairo (Ai Cập) – giải thích chiến sự tại Syria quá khốc liệt, nên thực sự rất ít nhà báo nước ngoài đến hiện trường viết bài.
Do đó, thông tin từ những người hoạt động truyền thông và nhà báo – công dân ở Syria có giá trị tác động trực tiếp. Họ còn có khả năng khai thác tối đa mạng xã hội để truyền đi tin tức từ bên trong Syria.
Trang web Diyaruna (Bộ chỉ huy khu vực miền trung của Mỹ tài trợ) khẳng định IS truy lùng các nhà báo ở Syria và nước ngoài vạch trần sự thật về chúng, bởi chúng không muốn để thông tin trong vùng IS kiểm soát lọt ra ngoài. Chúng sợ người dân biết thông tin sẽ bất lợi cho chúng, nhất là tin tức chúng rút chạy.
Ngày 26-6-2016, IS phát băng video với tựa đề “Cảm hứng từ quỷ Satan”. Trong băng, IS đã hành quyết năm nhà hoạt động truyền thông người Syria với lý do “theo tà giáo”, phát “thông tin ngụy tạo” về IS.
Giáo sư Fares Hamadi ở Đại học Cairo giải thích IS truy lùng các nhà báo và giới truyền thông vì hai lý do. Một là để trả thù và hai là bịt miệng. Chúng muốn trả thù vì các nhà báo đã lật tẩy chúng, khiến công việc tuyển quân của chúng bị ảnh hưởng vì các thanh niên sẽ nhìn thấy hình ảnh khác với những gì bộ máy tuyên truyền của IS chiêu dụ trên mạng.
Tin tức IS bại trận cũng có thể vực dậy tinh thần người dân Syria và thúc đẩy các tay súng IS đào ngũ hàng loạt.
Do bị đe dọa, giết chóc và săn lùng nên nhiều nhà báo và giới truyền thông phải bỏ nghề nếu muốn toàn mạng. Họ không còn chọn lựa nào khác ngoài chạy trốn khỏi Syria hay không viết nữa.
Hiện giờ, di chứng vết thương vẫn còn để lại trên gương mặt Ahmed Abdul Qadir. Do chấn thương hàm hành hạ, đêm anh không ngủ được, ngày ăn uống cũng khó khăn. Anh mắc tật máy cơ, mắt lộn tròng và tay giật bất chợt trong lúc nói chuyện.
Anh bộc bạch: “Tôi không ăn trước mặt các con tôi. Chúng sẽ khóc vì nhận thấy tôi đang đau vì hàm bị vỡ”. Mới đây, trả lời phỏng vấn Đài phát thanh – truyền hình RTL ở Paris, anh vẫn mong muốn tiếp tục tố cáo tội ác của IS. Anh hi vọng sẽ trở về Syria, dù phải chờ đợi vài tháng hay vài năm nữa. |
____________________________________
Kỳ tới: Afghanistan – vùng đất nguy hiểm