Người Việt chào đón ông Phạm Minh Hoàng ở Pháp

0
644
Ông Phạm Minh Hoàng tại sân bay ở Paris hôm 25/6.
VOA

Nhà bất đồng chính kiến bị Hà Nội tước quốc tịch đã đặt chân tới Pháp hôm 25/6, sau khi bị bắt và trục xuất khỏi Việt Nam.

Một nhóm nhỏ người Việt cầm biểu ngữ viết bằng tiếng Pháp và tiếng Việt tới sân bay Charles de Gaulle chào đón giáo sư Phạm Minh Hoàng.

Có thể thấy những dòng chữ như “Người ta có thể đưa tôi ra khỏi Việt Nam nhưng không ai có thể đưa Việt Nam ra khỏi tôi” hay “Tôi là người Việt Nam”.

Trong cuộc gặp với khoảng 40 thành viên của cộng đồng người Việt ở Paris sau đó, trong căn phòng có treo cờ của Việt Nam Cộng hòa cùng hình ảnh của tổ chức Việt Tân mà ông Hoàng là thành viên, ông kể lại chi tiết chuyện ông bị bắt và trục xuất ra sao, trong đó ông nói về cuộc gặp với ông Tổng lãnh sự quán Pháp ở TP HCM.

“Tôi không hiểu họ sợ tôi cái gì nữa? Tôi năm 62 tuổi. Tôi ngồi giữa 3 người an ninh [trên máy bay]”, ông kể, nói thêm rằng họ chỉ rời đi khi biết chắc ông đã nhập cảnh vào Pháp.

Nhà giáo dạy toán nói tiếp về quyết định từ bỏ cả quốc tịch Pháp sau khi mất quốc tịch Việt Nam: “Ước vọng của tôi ngay từ đầu là muốn sống ở Việt Nam. Đấy là ước vọng lớn nhất. Tôi sẵn sàng hy sinh tất cả”.

Trong sự kiện được Đảng Việt Tân truyền trực tiếp trên Facebook, khi được hỏi về dự định trong thời gian tới, ông Hoàng nói: “Tôi khẳng định tiếp tục con đường đấu tranh”.

Đảng viên của tổ chức bị Hà Nội cáo buộc là “khủng bố” này bị áp tải đưa ra khỏi Việt Nam trên chuyến bay muộn từ TP HCM hôm 24/6.

Ông Hoàng và vợ, con.

Ông Hoàng và vợ, con.

Vợ ông, bà Lê Thị Kiều Oanh, cho biết trước đó đã gặp người đứng đầu Tổng lãnh sự quán Pháp, nhưng được thông báo rằng việc trục xuất là “điều không thể tránh khỏi”, nhất là sau khi chồng bà bị tước quốc tịch Việt Nam, và Pháp “không có quyền can thiệp vào nội bộ Việt Nam, nhất là về luật pháp”.

Ông Hoàng cho biết, sau khi tới Paris, ông đã liên lạc về nhà ở TP HCM và nói chuyện với vợ. “Tôi may mắn có người bạn đời bản lĩnh, chấp nhận cuộc sống khó khăn của tôi, chia sẻ lý tưởng của tôi”, ông nói.

Tới ngày 25/6, Bộ Ngoại giao Pháp cũng như Đại sứ quán và Tổng lãnh sự Pháp ở Việt Nam vẫn chưa phản hồi email hỏi về trường hợp của ông Hoàng của VOA Việt Ngữ gửi ngày 23/6.

Trả lời báo chí về vụ tước quốc tịch ông Hoàng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 15/6 nói rằng việc làm đó “hoàn toàn theo đúng pháp luật Việt Nam”.

Tuy nhiên, trả lời VOA Việt Ngữ trước khi bị bắt, ông Hoàng nói rằng chính quyền “trả thù” các hoạt động cổ xúy ôn hòa vì dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam của ông và của Đảng Việt Tân, tổ chức Hà Nội từng nhiều lần lên án.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here