Bao nhiều năm chúng ta đã tỏ ra độc lập, cứng cỏi, tài giỏi để phấn đấu với đời và nghĩ rằng nếu mình chỉ ngừng lại thì những người thân chung quanh sẽ lâm vào cảnh đói khổ và chúng ta sẽ chỉ là kẻ vô dụng và thất bại. Dưới lớp vỏ trách nhiệm và thái độ cứng rắn đó, chúng ta vẫn còn đấy một tâm hồn muốn được nghỉ ngơi, muốn được nuông chiều, muốn được chơi đùa vô tư lự. Chúng ta nỗ lực đớn đau để chứng tỏ mình đáng được yêu thương và tôn trọng, cũng như ngày xưa nếu không cố gắng đốt cháy tuổi thơ để nhanh chóng trưởng thành thì sẽ không nhận được tình yêu thương từ cha mẹ của mình. Suốt cuộc đời chúng ta thường chưa hề được trải nghiệm một tình thương vô điều kiện, để có thể sai lầm mà vẫn được yêu thương.
Chúng ta có lẽ không cần một bà mẹ hay ông bố giàu có hay học thức. Chúng ta chỉ cần một bà mẹ ông bố biết ôm chúng ta vào lòng vỗ về, “mẹ/bố đây, mẹ/bố đây con.” Một bà mẹ ông bố quê mùa bảo đứa con đi xa về tắm rửa nghỉ ngơi để chờ ông pha cho chén chè xanh hay bà nấu cho món ăn con yêu thích từ lúc nhỏ. Rồi trong câu chuyện bố mẹ xúc động với những khổ đau con phải trải nghiệm trong cuộc đời, tự hào với những gì con đã thành đạt, nhưng tận cùng là bố mẹ vẫn tự tin con sẽ vượt qua được tất cả vì tấm lòng yêu thương của bố mẹ.
Trong buổi đầu tham vấn theo trường phái Thân Nghiệm [Somatic Experiencing], chuyên gia thường yêu cầu thân chủ tìm một đồ vật trong phòng hay một khung cảnh trong kỷ niệm làm nơi nương tựa xoa dịu giảm nhẹ những cảm xúc tiêu cực có lúc bùng phát dữ dội khi thân chủ bị rơi vào cơn lốc chấn thương [trauma vortex]. Nhiều khi nó chỉ cần là một ký ức vui vẻ bình an hay một con gấu nhồi bông trong phòng tham vấn.
Hạnh phúc thay cho những thân chủ còn một nơi chốn để quay về nương tựa, bố mẹ, chồng vợ, thậm chí con cái. Và trong khi đang trong chốn bình an nương tựa, cũng xin bạn dành một lời cầu nguyện cho những người đang lẻ loi cô đơn trong cuộc sống ngoài kia.