RFI
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc điện đàm đã nhấn mạnh « sự cần thiết có hành động đáp trả chung trong trường hợp tấn công hóa học tại Syria ». Trước đó, vào tối thứ Hai 26/6, phía Mỹ khẳng định chế độ Bachar Al Assad dường như đang chuẩn bị một vụ mới, và Washington sẵn sàng trả đũa như lần trước.
Hôm 04/04 tại Khan Cheikhoun, 88 người đã thiệt mạng vì bị tấn công bằng khí sarin, trong đó có khoảng 30 trẻ em, gây phẫn nộ trên toàn thế giới. Quân đội Mỹ sau đó đã bắn 59 hỏa tiễn Tomahawk vào căn cứ không quân Al Chaayrate ở gần Homs, nơi xuất phát chiếc máy bay thả khí độc. Đây là vụ can thiệp đầu tiên của Mỹ chống lại chế độ Damas.
Tối thứ Hai, Nhà Trắng đe dọa Damas phải « trả giá đắt » nếu lại tấn công hóa học. Lầu Năm Góc nói rõ là đã phát hiện được các hoạt động đáng ngờ tại căn cứ Al Chaayrate. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley còn đả kích cả Nga và Iran vì « đã giúp cho Assad giết hại chính đồng bào mình ». Nga phản ứng bằng cách lên án « những đe dọa không thể chấp nhận được ».
Trước đó vào tháng 08/2013, chế độ Syria bị cáo buộc sử dụng khí sarin tại ngoại ô Damas làm cho 1.400 người chết. Mỹ và Pháp chuẩn bị can thiệp quân sự vì Assad đã vượt qua « lằn ranh đỏ » do tổng thống Barack Obama vạch ra. Tuy nhiên vào giờ chót, ông Obama đã thay đổi ý kiến, chọn cách thỏa thuận với Nga để phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria.
Tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron sử dụng lại khái niệm « lằn ranh đỏ » của ông Obama, khẳng định nước Pháp sẽ trả đũa trong trường hợp Assad lại dùng đến các loại khí giết người, cho dù Paris có đơn độc. Anh Quốc hôm qua cho biết sẽ ủng hộ những hành động trả đũa tương tự của Hoa Kỳ.
Tuy vậy bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis trước đó vẫn thận trọng tuyên bố Mỹ « từ chối bị lôi kéo vào cuộc nội chiến Syria, mà cố gắng kết thúc bằng nỗ lực ngoại giao ». Nhà Trắng nhắc lại rằng mục tiêu của Hoa Kỳ là đấu tranh chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech, IS) chứ không phải chống chế độ Assad.